Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở mức thấp có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 1 tỷ USD mỗi ngày, do sức khỏe của trẻ không được đảm bảo và phát sinh các chi phí sau này.
Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở mức thấp có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 1 tỷ USD mỗi ngày, do việc trẻ không được bú đủ sữa mẹ trong những tháng đầu đời sẽ dẫn tới tình trạng mất năng suất lao động và phát sinh các chi phí về chăm sóc sức khỏe sau này. Đây là cảnh báo của các nhà nghiên cứu quốc tế đưa ra ngày 12/7 trong bối cảnh các chuyên gia y tế kêu gọi tăng cường hỗ trợ chăm sóc các bà mẹ.
Theo kết quả công trình nghiên cứu thực hiện ở hơn 100 quốc gia trên thế giới và được đăng trên trang web do các các nhà nghiên cứu Canada và châu Á thành lập, thế giới đã có thể tiết kiệm 341 tỷ USD mỗi năm nếu thời gian các bà mẹ cho con bú kéo dài hơn do việc này giúp ngăn chặn nguy cơ tử vong sớm và mắc các chứng bệnh. Với tên gọi “Cost of Not Breastfeeding” (tạm dịch: “Cái giá của việc không cho con bú”), công cụ trực tuyến này sử dụng dữ liệu công bố trong công trình nghiên cứu kéo dài 6 năm do sáng kiến dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em Alive & Thrive có trụ sở ở Mỹ tài trợ.
Trưởng nhóm nghiên cứu trên, chuyên gia kinh tế-y tế ở Canada Dylan Walters, cho biết đây là trang web đầu tiên trên thế giới được thành lập với mục đích giúp các nhà hoạch định chính sách ở các nước tính toán các thiệt hại về kinh tế ở những nước này nếu không thực thi các biện pháp hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Ông khẳng định nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những quyền con người và việc này có thể cứu nhiều sinh mạng cũng như cải thiện sự thịnh vượng của các nền kinh tế.
WHO khuyến cáo trẻ em cần được bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời, sau đó tiếp tục bú song song với ăn dặm cho đến khi 2 tuổi. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy và viêm phổi, hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ, cũng như giúp các bà mẹ tránh được nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và buồng trứng. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ có 40% số trẻ em dưới 6 tháng được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, trong khi 820.000 ca tử vong ở trẻ em có thể được ngăn chặn mỗi năm nếu khyến cáo này được thực hiện.
Trước thềm Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (từ 1-7/8), các nhà nghiên cứu cho biết họ hy vọng sẽ có thêm nhiều quốc gia áp dụng các chính sách thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ, khuyến khích các chủ lao động cung cấp sự hỗ trợ cho các nhân viên nữ đồng thời kiểm soát thị trường sữa công thức.