BST Marc Jacobs thực hiện cho Perry Ellis năm 1993.
Gần giống như cách đây hai mươi năm, khi phong cách grunge được Marc Jacobs lăng xê lần đầu tiên tại New York, người ta cũng đặt những câu hỏi như vậy. Như thể không ai biết mua đầm nhỏ màu đen kiểu Chanel hay áo bar jacket vạt bồng kiểu Dior giá rẻ ở đâu. Hay cứ như thời trang chưa hề bán áo T-shirt hàng hiệu đắt bằng cả nửa tháng lương của người lao động bình thường bao giờ.
Nếu hiện nay người ta có vẻ lo lắng cho Hedi Slimane và thu nhập của thương hiệu Saint Laurent, thì cách đây hai thập kỷ, điều gây chia rẽ trong giới thời trang là một cách thể hiện mới (và được coi là đầy phản cảm) của sự ăn mặc sành điệu. Thời trang vốn yêu mê mệt sự phấn chấn mỗi khi trang phục của dân nghèo được “tôn vinh” trên sàn diễn mốt cho giới trung lưu sành điệu noi theo. Nhưng đồng thời người ta phản ứng mạnh mẽ với việc lãng mạn hóa sự nghèo khó, nghiện ngập và tình cảnh xã hội bế tắc. Người trong cuộc cho rằng thời trang đã “đánh cắp” cuộc sống của họ và “đánh đổi” sự thật lấy tiền (tất nhiên là chưa chắc họ đã quá bận tâm). Các thiết kế của Saint Laurent “sao y bản chính” áo sơ mi vải bông thô giữ ấm cơ thể cho những người lao động chân tay, một lần nữa nêu câu hỏi đâu là ranh giới giữa “thiết kế thời trang” và “tạo dáng thời trang”. Grunge của năm 2013 kết hợp mô típ kẻ ca rô plaid, váy mỏng in hoa, giày lính, tất chân mắt lưới, phong cách trang điểm “heroin chic” với làn da nhợt nhạt và mắt kẻ thâm quầng thời “hậu grunge” từng bị lên án trong thập kỷ 1990. Và vì thời trang vốn có khả năng biến tất cả thành cái gọi là sành điệu, xu hướng mới với các trang phục đắt tiền, nên grunge giờ đã tách rời khỏi những giá trị và bối cảnh xã hội và đưa lối ăn mặc bất cần, buông thả, được chăng hay chớ trở thành hiện tượng thời trang.
NTK Marc Jacobs cùng các người mẫu trong những thiết kế đậm chất grunge của anh thời kỳ đầu thập niên 1990 .
Nam ca sỹ Mark Arm của ban nhạc grunge Mudhoney từng dùng từ “grunge” để biểu đạt tình cảnh bi đát ở Seattle cuối thập kỷ 1980 – đầu thập kỷ 1990. Trong một câu hát của mình, anh viết, “Không có gì đáng giá trên đường phố Seattle” – mượn ý từ thành ngữ “những con phố được dát vàng” nhưng với “grunge” (bẩn) thế chỗ của “gold” (vàng). “Grunge” khởi đầu là tên gọi một nhánh của dòng nhạc rock được thanh niên Seattle bắt đầu chơi vào cuối thập kỷ 1980 và thế giới sau này biết đến grunge với các ban nhạc Mudhoney, Pearl Jam hay nổi tiếng nhất là Nirvana. Nhà báo âm nhạc Everett True đã từng ca ngợi bốn thành viên của Nirvana – khi đó là một trong những ban nhạc rock đang gây chú ý của dư luận với những âm thanh từ đời sống của người lao động: “Nếu không chơi nhạc rock thì họ có thể sẽ trở thành nhân viên phục vụ trong siêu thị, thợ đốn gỗ hay sửa xe hơi”. Có thể coi grunge là hiện thân cho sự khốn khó và thái độ bất cần đối với vẻ đẹp đương thời – nếu MTV không kết nối âm nhạc, thần tượng với trang phục. Cuối cùng, grunge trở thành “phong cách thời trang” thời thượng được Marc Jacobs lăng xê năm 1992 tại New York trong BST Xuân Hè 1993 cho thương hiệu Perry Ellis, cùng với các BST của hai NTK khác là Christian Francis Roth và Anna Sui. Báo chí vội vã tôn vinh NTK trẻ với danh hiệu “ông tổ” (guru) của grunge, mặc dù anh chưa hề đặt chân đến xứ sở u ám có những con đường “dát” grunge nổi tiếng.
BST Thu Đông 2013/2014 của Saint Laurent Paris.
“Phong cách” grunge phản chiếu trang phục và lối trang điểm của Kurt Cobain, ca sỹ – thủ lĩnh của Nirvana, người từng xuất hiện trước công chúng trong váy in hoa babydoll hay dùng mascara kẻ mắt. Ở đây, từ Phong Cách cần để trong dấu ngoặc kép để nói đến hành vi “giả mạo” của thời trang, biến các trang phục bình dân sẵn có thành phong cách và lấy một cái tên thật kêu để gọi. Thời trang cũng “sành điệu hóa” trang phục của dân nghèo bằng các chất liệu đắt tiền như lụa, satin hay len cashmere: Áo sơ mi lụa kẻ ca rô plaid theo mẫu áo vải bông dệt thô của công nhân; Váy suôn in hoa ai cũng có thể mua tại các cửa hàng đồ cũ nay được “may mới” bằng vải chiffon; Áo len cashmere dệt dài chùm đầu gối hoặc to quá cỡ trên cơ thể gày gò của những người mẫu còn rất trẻ. ..Trong BST của Marc Jacobs, phụ kiện là mũ len, bốt Dr Martens không buộc dây hay giày Converse vải satin. “Đây là phong cách của các cô gái tân tiến bây giờ” – NTK nói với tờ New York Times. Buổi trình diễn ra mắt BST này có sự góp mặt của siêu mẫu Christy Turlington, Kate Moss và Kristen McMenamy, trong hậu trường, ban nhạc Sonic Youth ghi hình cho video clip “Sugar Kane”, cùng sự hiện diện của Chloe Sevigny khi ấy mới 19 tuổi và chưa nổi tiếng với vai diễn chính trong phim “Kids” của Larry Clark.
Kurt Cobain đại diện tiêu biểu cho dòng nhạc grunge và vợ là Courtney Love, đại diện cho phong cách “heroin chic”
Tuy nhiên, vừa lên ngôi, grunge lại ngay lập tức bị hạ bệ. Năm 1993, Hiệp hội thời trang Mỹ CFDA trao giải thưởng Nhà thiết kế của năm cho Marc Jacobs. Một tháng sau, Perry Ellis sa thải NTK trẻ và hủy hợp đồng sản xuất BST do anh thiết kế. Thậm chí những trang phục được NTK gửi tặng vợ chồng Kurt Cobain và Courtney Love cũng bị chính những “đại diện của grunge” đem đốt. Năm 1994, Kurt Cobain tự tử. Từ “grunge” và “heroin chic” – phong cách trang điểm có nhiều ảnh hưởng của grunge, nhanh chóng được các biên tập viên thời trang xóa khỏi vốn từ vựng. Suzy Menkes – nhà báo uy tín của tờ International Herald Tribune có thể ăn mừng chiến thắng sau chiến dịch phân phát huy hiệu “Grunge is Ghastly” (Grunge thật kinh dị) trong tuần lễ thời trang tại Milan tháng 3 năm 1993.
Các thiết kế đậm chất grunge của Marc Jacobs thời đầu thập niên 1990
Hai thập kỷ trôi qua, mảng hay ho nhất của thời trang thế giới gắn liền với âm nhạc, lối sống, công việc và trang phục của những cộng đồng dương cao tiêu chí độc lập. Marc Jacobs trở thành NTK nổi tiếng với lối thực hành “ăn theo, làm mới” các phong cách thời trang. Không còn ai cho rằng hình ảnh những kẻ mắt thâm quầng và chải tóc gel “bết bẩn” là cổ súy cho nghiện ngập, cũng như không ai nghĩ cứ phải mặc sao trông cho thật đắt tiền mới đẹp. Có thể đây cũng là lý do vì sao các NTK mốt gợi lại những hoài niệm về grunge – phong cách gắn liền với một nhóm thanh thiếu niên coi thường vẻ ngoài và tiền bạc, vật chất. Liệu còn có cơ hội thứ hai để thời trang khám phá?