Thành tố X

 

BST Haute Couture Xuân Hè 2008 của Valentino 

Valentino & nỗi ám ảnh màu đỏ

Còn nhớ buổi ra mắt bộ sưu tập Haute Couture cuối cùng của Valentino Garavani, diễn ra tại Bảo tàng Rodin, Paris năm 2008, với màn kết thúc của 30 người mẫu tuyệt đẹp trong những chiếc đầm dạ hội màu đỏ, một “khúc hát thiên nga” (swan’s song: màn trình diễn cuối cùng) hằn sâu vào trong tâm trí những người luôn dõi theo ông suốt 45 năm qua. Tuy nhiên, phải đến cuối thập niên 1970, Valentino mới dấy lên tình yêu với gam màu này. Có 3 câu chuyện giải thích cho mối duyên này và đều lấy bối cảnh tại Barcelona, Tây Ban Nha. Câu chuyện đầu tiên kể rằng ông tới một rạp xiếc và phát hiện ra gam màu đỏ tươi quyến rũ, câu chuyện thứ hai nói rằng ông đã bị hớp hồn bởi chiếc đầm đỏ của một ca sĩ opera tại nhà hát ở đây, và câu chuyện thứ ba kể lại rằng ông bị “nhiễm” tình yêu dành cho màu đỏ từ vị cựu Tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ Diana Vreeland.

BST Xuân Hè 1996 của Valentino 

Cho dù câu chuyện ban đầu thế nào đi chăng nữa, tình yêu, sự đam mê của Valentino dành cho màu đỏ được thể hiện rất rõ rệt trong những bộ sưu tập ông thực hiện khi đảm nhận vai trò lèo lái thương hiệu của mình. “Màu đỏ thể hiện sự dũng cảm… rất sâu sắc, mạnh mẽ, kịch tính” ông nói. “Phụ nữ thường chọn mặc màu đen tại những sự kiện lớn vì họ cảm thấy yên tâm hơn với gam màu này, tuy nhiên, nếu như có phụ nữ nào mặc màu đỏ, chắc chắn cô ấy sẽ là tâm điểm trong suốt đêm đó.”  Từ đó trở đi, ông sử dụng gam màu đỏ để hình tượng hóa “quyền lực của sự nữ tính”, và trong thời điểm trào lưu disco đang thịnh hành cùng với sự khốn cùng của kinh tế, lựa chọn này hoàn toàn hợp lý. Điều thú vị nữa là khi thập niên 1980 bắt đầu, phụ nữ mặc đồ màu đỏ còn mang một ý nghĩa khác.

BST ready-to-wear Thu Đông 1998-99 của Valentino 

 

Claudia Schiffer trong một thiết kế thuộc BST Haute Couture Xuân Hè 1998 của Valentino 

Còn nhớ hình ảnh đệ nhất phu nhân Mỹ Nancy Reagan (từ năm 1981-1989) trong những bộ vest màu đỏ, trông bà mạnh mẽ và quyền lực hơn hình ảnh một đệ nhất phu nhân nghiêm trang thông thường. Thời điểm này là lúc những quan điểm và định kiến bắt đầu thay đổi, những người phụ nữ đi làm chọn màu đỏ không chỉ để biểu trưng cho “quyền lực của sự nữ tính” mà còn hướng đến cái đích to tát hơn, đó là “quyền lực của sự bình đẳng”. Ngay cả khi làng thời trang gặp nhiều biến động vào thập niên 1980 (trào lưu punk nổi lên với những xu hướng phá vỡ rào cản giới tính) và 1990s (xu hướng monochromatic của Calvin Klein và phong cách grunge đường phố của Marc Jacobs được ca tụng), những thiết kế đầm đỏ vẫn giữ nguyên được vị thế độc tôn của mình, trở thành một biểu tượng không thể tách rời khỏi Valentino. Valentino Garavani từng nói: “Tôi biết phụ nữ muốn gì. Họ muốn được đẹp!” và ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách trọn vẹn với những nỗi ám ảnh màu đỏ.

Naomi Campbell trong một thiết kế thuộc BST Haute Couture Thu Đông 1999-2000 của Valentino 

Cristobal Balenciaga – kẻ thay đổi hình hài người phụ nữ

Trước Thế chiến lần thứ 2, tại Paris, Cristobal Balenciaga thường được gọi là Vua, là da Vinci tái sinh lại lụa và những chiếc váy bồng. Christian Dior nói về đối thủ của mình một cách đầy kinh ngạc: “Thời trang haute couture giống như một dàn nhạc thính phòng mà người chỉ huy chính là Balenciaga. Chúng tôi, những nhà làm đồ couture khác, chỉ là những nhạc công chơi trong dàn nhạc đó, dưới sự chỉ huy của ông ấy.” Ngay cả một tên tuổi làm đồ haute couture khác với giọng lưỡi sắc sảo, Coco Chanel, cũng phải nhắc đến Balenciaga một cách trìu mến: “Balenciaga là người làm đồ couture hoàn hảo nhất về mọi khía cạnh. Chỉ có ông mới có khả năng cắt vải, ráp đồ, và khâu chúng lại bằng tay. Những người khác chỉ đơn thuần là thiết kế thời trang.”

NTK Cristobal Balenciaga 

Được nhận định như một nhà cải cách thời trang, Cristobal Balenciaga đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh người phụ nữ trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 20. Vốn dĩ chịu ảnh hưởng của thời kỳ Phục hưng ở Tây Ban Nha, song Balenciaga nổi tiếng với những thiết kế trông thật đơn giản nhưng ẩn sau đó là tay nghề của một người thợ làm đồ couture bậc thầy. Trong các thiết kế của mình, ông chú trọng nhất vào phần eo tạo nên những bố cục độc đáo rất ấn tượng.

Người mẫu trong một thiết kế của Balenciaga vào năm 1957 

Ông giống như một kiến trúc sư trong thời trang với những thiết kế mô phỏng theo những khối hình học được thực hiện bởi sự hoàn mỹ trong kỹ thuật cắt may. Chiếc áo khoác bong bóng được ra mắt năm 1953 giống như một khối cầu tinh tế và trang nhã khoác lên người phụ nữ mang đến hình ảnh sang trọng và quyến rũ. Tiếp sau đó là chiếc áo khoác dạng tổ kén, thiết kế đầm búp bê với phần thắt ngang ngực. Những sáng tạo của Balenciaga đã làm thay đổi cục diện thời trang lúc bấy giờ và dấu ấn ảnh hưởng của ông vẫn còn lan tỏa trong các bộ sưu tập, các thiết kế của rất nhiều thương hiệu khác.

NTK trẻ Alexander Wang ứng dụng thiết kế áo tổ kén đặc trưng được sáng tạo bởi “tiền bối” Cristobal Balenciaga trong BST Thu Đông 2013-14 của Balenciaga. 

Diane von Furstenberg – quấn lại để giải phóng!

Một trong những câu nói nổi tiếng của Diane von Furstenberg khi được hỏi về những bí quyết giúp bà thành công trên trận địa thời trang là “Suy nghĩ như một người phụ nữ”. Tên tuổi của Diane von Furstenberg được nhanh chóng biết đến trên phạm vi toàn thế giới trong những năm thập niên 1970 khi chiếc váy wrap-dress của bà ra mắt, trở thành hiện tượng lớn trong làng thời trang. Wrap-dress là dạng đầm quấn có đai thắt, nút cài. Váy quấn của Diane von Furstenberg đặc trưng với những họa tiết rất sặc sỡ, làm bằng chất liệu cotton và jersey, được đánh giá là một trong những thiết kế tiêu biểu nhất cho dòng thời trang “ready-to-wear”. Diane von Furstenberg khởi nghiệp với khoản đầu tư 30.000 đô la vào năm 1970, tập trung hướng đến đối tượng khách hàng nữ. “Ngay khi trở thành vợ của Egon (Hoàng tử nhà Furstenberg), tôi quyết định mình phải có sự nghiệp riêng. Tôi muốn tự quyết định cuộc sống của mình,” bà kể lại suy nghĩ của mình khi lấy chồng ở tuổi 23.

Diane von Furstenberg và chồng, ông Barry Diller 

Ý tưởng về chiếc đầm quấn này đến với Diane von Furstenberg khi bà nhìn thấy Julie Nixon Eisenhower (con gái Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard M. Nixon) khoác một chiếc áo choàng quấn bên ngoài trang phục của mình trên ti vi. Ngay lập tức, bà đã phát triển chiếc áo choàng quấn đó thành một trong những thiết kế mà bất kỳ phụ nữ nào trên thế giới, bất kể thuộc thời đại nào, cũng phải sở hữu. Khi chuyển đến New York, bà đã gặp cựu Tổng biên tập Vogue Mỹ Diana Vreeland và người đàn bà quyền lực lúc bấy giờ đã phải thốt lên “xuất sắc tuyệt đối!” khi nhìn thấy những thiết kế của von Furstenberg.

Một thiết kế đầm quấn trong BST Thu Đông 2006-07 của Diane von Furstenberg 

Ngay sau đó, tên của Diane von Furstenberg đã xuất hiện trong lịch trình tuần lễ thời trang New York. Vào năm 1975, có khi bà phải sản xuất đến hàng nghìn chiếc đầm quấn trong một tuần để đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ. Bà được chọn là nhân vật trang bìa của tờ Newsweek vào năm 1976, được vinh danh là một biểu tượng của sự giải phóng phụ nữ. Sáng tạo của bà đã trở thành sự lựa chọn của từ những bà nội trợ tới những minh tinh màn bạc và cả những nữ chính trị gia. Chiếc đầm quấn là biểu tượng hoàn hảo cho hình tượng người phụ nữ độc lập Diane von Furstenberg, cũng như những phong trào giải phóng phụ nữ trong thập niên 1970. Cho tới nay, chiếc đầm quấn của Diane von Furstenberg vẫn chưa bao giờ trở nên lỗi mốt và tiếp tục sứ mệnh làm đẹp cho những phụ nữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Phụ nữ có thể yên tâm rằng Diane von Furstenberg luôn nghĩ đến mình mỗi khi bà đặt bút vẽ phác thảo.

BST Pre-Fall 2013 của Diane von Furstenberg 

 

Symbols & Codes

Khi khởi tạo một thương hiệu, những nhà sáng lập luôn muốn mang đến những sáng tạo mới mang tính biểu tượng, thể hiện tầm nhìn xa và rộng, khẳng định vị thế của họ trong làng thời trang. Những biểu tượng, những mật mã xuyên suốt trong các thiết kế giống như một dạng logo vô hình mà bất kỳ người sành sỏi nào chỉ nhìn qua đều biết được thiết kế đó mang hiệu gì. Chúng ẩn trong mình những bí quyết cũng như cách nhìn nhận riêng của mỗi thương hiệu. Không phải bỗng dưng Christian Louboutin lại kiện YSL ra tòa để khẳng định chủ quyền với thiết kế đế giày màu đỏ, và họ đã thắng trong vinh quang.

Thực hiện: Tuấn Anh

Bạn đang phân vân muốn tìm cho mình chiếc váy dạ tiệc thật lộng lẫy, những thiết kế theo xu hướng kẻ sọc thời thượng, hay đơn giản chỉ là tìm một vài gợi ý nhỏ để update tủ quần áo mùa Xuân Hè của mình? Hãy gửi ngay câu hỏi của bạn cho chuyên mục Tư vấn của Đẹp Online tại đây và chúng tôi sẽ giúp bạn tìm được những giải pháp thời trang hữu ích nhất!

From the same category