Tại sao ngày đầu năm gọi là “Nguyên đán”?
Trong tiếng Hán, chữ “nguyên” nghĩa là bắt đầu, thứ nhất, chữ “đán” nghĩa là một ngày hoặc buổi sáng. Ghép lại, “nguyên đán” nghĩa là ngày đầu tiên của năm.
Tại sao phải thức qua giao thừa?
Theo truyền thuyết, ngày xưa, tổ tiên của con người thường bị một loài dã thú cực kì hung ác và dũng mãnh, có tên là “niên”, uy hiếp. Loài “niên” này hết sức hung dữ, nó ăn thịt tất cả các loài thú vật khác. Nhưng cứ đến giữa mùa đông, thời tiết trên núi giá lạnh làm cho nó khó tìm được thứ gì để ăn, nên nó xuống núi hoành hành quấy nhiễu, săn bắt người và gia súc, làm dân chúng hết sức hoảng sợ.
Về sau, người ta phát hiện ra rằng loài “niên” này rất sợ ánh lửa và tiếng động. Vì thế người ta bắt đầu đốt lửa, khua chiêng đánh trống và đốt pháo suốt đêm để xua đuổi những con “niên” ấy trở về rừng và chết đói trong thời tiết giá lạnh.
Để kỉ niệm thắng lợi ấy, phong tục thức qua đêm giao thừa hình thành. Ngày nay, hình ảnh cả gia đình đoàn tụ và trò chuyện chờ đón giao thừa đã trở thành một hình ảnh văn hóa truyền thống đặc trưng của Tết Nguyên đán.
Tại sao khi uống rượu người ta chạm cốc?
Có người cho rằng tập chạm cốc uống rượu bắt đầu có từ thời cổ đại La Mã, bắt nguồn từ những cuộc đấu võ. Trước khi vào cuộc, các đấu sĩ thường uống rượu để tỏ lòng tôn trọng và khuyến khích lẫn nhau. Nhưng để đề phòng những kẻ có lòng dạ bất chính cho thuốc độc vào rượu của đối phương, hai đối thủ đều đổ ít rượu trong cốc của mình vào cốc của đối phương. Khi làm động tác này, hai chén rượu tất nhiên phải chạm vào nhau. Về sau nghi thức này dần dần trở thành một lễ tiết trong các buổi chè chén.
Có người lại truy nguyên tập quán chạm cốc khi uống rượu lên tới thời đại cổ Hy Lạp. Người ta nghĩ rằng trong khi uống rượu có rất nhiều giác quan trong cơ thể tham gia như: mũi ngửi mùi thơm, mắt ngắm màu sắc, lưỡi thưởng thức mùi vị. Vì thế người ta bổ sung việc chạm cốc để tai có thể nghe thấy tiếng vang và làm tăng thêm lạc thú khi uống rượu.
Thiệp chúc Tết có từ bao giờ?
Năm 1843, Hoàng đế Anh đã nhờ một họa sĩ thiết kế tờ thiếp mừng Noel. Từ đó về sau, từ một tháng trước ngày Noel, người ta đã bắt đầu gửi cho nhau thiếp mừng.
Ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á, người ta gởi thiệp chúc mừng nhau vào dịp Tết Nguyên đán, là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Ngày nay, việc gởi thiệp chúc mừng có trong nhiều dịp lễ, Tết, Noel, sinh nhật…
Tại sao cúng giao thừa ngoài trời?
Giao thừa là giờ phút chuyển giao thiêng liêng nhất giữa năm cũ và năm mới. Giao thừa còn là lúc chuyển giao việc trông nom hạ giới của hai viên quan trên thiên đình. Thời khắc ấy, quân đi, quân về tấp nập, vội vã đầy không trung, thậm chí có quan quân chưa kịp ăn uống gì. Tất nhiên là mắt thường chúng ta không nhìn thấy được.
Các gia đình đem xôi gà, bánh trái, hoa quả và đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng với tấm lòng thành tiễn người đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống cai quản hạ giới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng lại vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Tại sao là “Ngũ quả”?
Trong ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Năm loại quả này phải đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thông thường người ta chọn yếu tố màu sắc đặc trưng của ngũ hành: màu trắng là màu của Kim, màu xanh lá cây là màu của Mộc, màu xanh lam hay đen là màu của Thủy, màu đỏ là màu của Hỏa, màu vàng là màu của Thổ. Ngoài ra, tên của loại trái cây mang một ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự sung túc, sức khỏe và may mắn như : Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Xoài, Đào Tiên, Táo, Dưa Hấu…
Mâm ngũ quả biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà, tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.
Tại sao phải chọn người xông đất?
Tục xông đất đã có lâu đời ở nước ta. Người dân Việt Nam quan niệm rằng, ngày mồng Một, ngày đầu tiên của một năm, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà rất quan trọng. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà rất quan trọng. Cho nên cứ đến cuối một năm, mọi người có ý tìm xem những người nào vui vẻ, hoạt bát, đạo đức và làm ăn phát tài (có người còn thêm điều kiện là hợp tuổi với chủ nhà) trong bà con, láng giềng để nhờ sang xông đất.
Người đến xông đất phải đến thăm sáng sớm ngày mồng Một, mang theo quà biếu như trái cây, bánh mứt và tiền lì xì cho trẻ con trong nhà. Chủ nhà, do đã sắp đặt trước, sẽ tiếp đón niềm nở và nhận những lời chúc tốt lành. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được mau mắn, trôi chảy thông suốt.
Người đi xông đất có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.
Viết gì khi khai bút?
Sự "khai bút" này nhằm mong mỏi đón nhận được mọi sự tốt lành nhân năm mới tới. Thường thường người ta phải chọn ngày và giờ tốt để khai bút. Nhiều khi sự khai bút cũng chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi; chẳng hạn như viết lên giấy hồng điều vài chữ: ngày, tháng, năm…. "khai bút đại cát" hay "tân xuân đại cát" (nghĩa là đầu năm mới khai bút để gặp được những điều tốt lành lớn).
Đối với những danh sĩ thì đôi khi khai bút bằng cách làm một bài thơ đầu xuân bày tỏ nguyện vọng hoặc ý chí của mình. Những bài thơ khai bút này được viết lên giấy hồng điều (giấy màu đỏ) hoặc trên giấy hoa tiên (giấy có vẽ hoa) rồi dán bài thơ lên tường để thưởng xuân.
Những người có chức vụ lớn như Tổng Đốc, Tuần Phủ, Tri Phủ, Tri huyện…. thì có lên Khai ấn và Khai triện. Tục này cũng thực hiện ở các bộ đường ở kinh đô Huế dưới triều Nguyễn. Ấn và triện là những con dấu của những người giữ chức vụ chỉ huy trong chính quyền. Các vị này nhân đầu năm làm lễ khai ấn, triện bằng cách đóng dấu vào những giấy tờ công văn để cầu mong cho "thiên hạ thái bình" và dân chúng an vui.
Ngày nay, trong các gia đình, thường người khai bút là bậc trưởng bối trong nhà như ông nội, cha, hoặc con trai trưởng. Những người này chọn ngày, giờ tốt, viết lên giấy trắng những điều mong ước tốt đẹp cho gia đình, họ tộc, làng xã…trong năm mới.
“Nam mô A Di Đà Phật” có nghĩa gì?
Ngày rằm, mùng Một, ngày đầu xuân, vào chùa chúng ta thấy hàng dãy ngang dãy dọc các thiện nam tín nữ châm hương đốt nến cầu khẩn, miệng luôn niệm mấy tiếng “Nam mô A Di Đà Phật”. Ngoài đời, nhiều bà khi gặp chuyện gì bất ngờ (thường là điềm dữ), để trấn tĩnh cũng hay niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Nhưng hỏi họ đó có nghĩa là gì thì không mấy người biết lý giải.
“Nam mô” là tiếng Hán phiên âm từ chữ Phạn “Nama”, nghĩa là “hết sức tôn kính”. “Nam mô” nói lên tinh thần nhất tâm quy theo Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) của các tín đồ Phật giáo. Hai chữ này thường được đặt trước tên các vị Phật và các vị Bồ Tát để bày tỏ sự hết sức tôn kính sùng mộ.
Còn “A Di Đà Phật” là vị Phật tổ sống tại thế giới Tây Phương Cực Lạc. Vậy câu niệm trên là cách thể hiện lòng sùng kính đối với Phật A Di Đà.
Nhưng vì sao câu niệm này phổ biến như vậy? Vì khi đạo Phật dần hình thành nên nhiều trường phái, thì phái Tĩnh Thổ Tông quan niệm rằng Phật tử chỉ cần thành kính niệm “Nam mô A Di Đà Phật” , là đức giáo chủ nơi Tây Phương Cực Lạc, tức Phật A Di Đà sẽ tiếp nhận họ vào Tĩnh Thổ vô cùng tốt đẹp và trang nghiêm, diệt trừ được mọi tội lỗi, tai ương, còn sau khi chết đi sẽ được du nhập vào thế giới Tây Phương Cực Lạc./.