Tết… ngon, bổ, rẻ - Tạp chí Đẹp

Tết… ngon, bổ, rẻ

DELETED

Với suy nghĩ mỗi năm chỉ… có một lần, nhiều người vung tay mua sắm vô tội vạ, có khi về nhà lại chẳng vừa ý với món đồ mình mua. Có khi bị mua đắt mà không biết, cũng có khi chẳng cần dùng tới hoặc tệ hơn nữa là bị tráo hàng lỗi, hàng hết “date”, mà chỉ khi về đến nhà mới ngậm ngùi vì vừa tiếc vừa tức. Cũng có người… xui hơn vì gặp vấn đề về sức khỏe với món đồ mà chỉ trước đó một ngày còn được nghe cô bán hàng quảng cáo là rất tốt cho sức khỏe, không có phụ gia… Ngoài ra, có người thì xấu hổ vì trót tặng cho ai đó toàn những món chẳng dùng được…

Để có một cái Tết vui và ít tốn kém, bạn hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây.

Mua sắm vừa tay

Vào dịp Tết, các loại hàng hóa được bày bán la liệt, trong đó có những mặt hàng được giảm giá mạnh tay. Hãy cẩn thận với từng món hàng bạn mua. Nhiều người thường mua theo kiểu ngẫu hứng, hoặc mua vì thấy nó quá rẻ. Đến lúc vác về nhà, lại chẳng biết phải dùng kiểu gì cho hết. Cũng có khi về đến nhà mới phát hiện mình mua đắt, vì cửa hàng kia nói là giảm giá nhưng thực ra đã đôn giá trị thực của món hàng lên gấp đôi, và giảm… 40%, thế là bạn vẫn bị móc túi một khoản. Vì vậy, để không phải mua quá nhiều những món không cần thiết hay bị lóa mắt vì hàng khuyến mãi, bạn hãy lên một danh sách những thứ cần mua. Và khi đi qua các gian hàng Tết ở siêu thị, ở chợ, hãy cương quyết không mua những thứ không có tên trong danh sách mình mang theo.

 

Ngoài ra, còn một điều nữa mà bạn nên lưu ý, đó là vào những ngày cận Tết, ngoại trừ ở siêu thị, các mặt hàng đều được niêm yết giá sẵn, thì ở các cửa hàng, mọi thứ đều được hét giá trên trời. Nếu không cẩn thận trả giá hoặc tỏ ra quá cần món đồ, chắc chắn bạn sẽ bị mua hớ. Bởi vậy, để không bị mua đắt và mua đồ không đẹp, bạn hãy tranh thủ sắm tết sớm một chút. Lúc đó sẽ có thời gian để bạn chọn lựa, đồ đạc còn nhiều và giá cả cũng chưa bị đôn lên.

Tận dụng món đồ của năm ngoái

Có những thứ có thể sử dụng được vài năm, thậm chí cả chục năm. Chẳng hạn như hộp đựng bánh mứt, bình hoa, các món trang trí… Qua Tết, bạn hãy cẩn thận rửa sạch sẽ, gói chúng lại rồi cất vào tủ; tết năm sau lại lấy ra dùng. Như thế, vừa tiết kiệm được một khoản mà vừa không bị chật nhà. Vì đôi lúc bạn mua đồ mới về dùng nhưng không nỡ bỏ đi món đồ cũ, và nếu tết năm nào bạn cũng sắm sửa đồ mới và cất lại đồ cũ, thì chẳng mấy chốc tủ nhà bạn sẽ trở thành “viện bảo tàng” mất thôi.

Những món quà “handmade”, tại sao không?

Nhiều người vì không có thời gian, nên với những món quà, thường rinh đại ở siêu thị hay ngoài đường về và đem tặng, chỉ cần nhìn “được được” mà không quan tâm bên trong thế nào. Nhiều người lại vì lười hay nghĩ mua sẵn sẽ tiết kiệm hơn, rẻ hơn nên mua cho tiện, vừa đỡ mất công, vừa đỡ tốn…

Chị Lệ Hà (P26 Q Bình Thạnh, TP.HCM) kể một kinh nghiệm thương đau: “Năm trước, thấy cửa hàng gần nhà bán các giỏ quà Tết  tấp nập người mua, mình cũng chen lấn vào cho được để rinh về 3 giỏ quà. Chưa hết hí hửng vì mua được với giá khá mềm, mình đã ngậm ngùi vì phát hiện một món đồ trong gói quà đã… hết “date”. Mở từng giỏ quà kiểm tra thì phát hiện có vài món hàng hết “date”, thêm vài món thì trầy trụa, méo mó, trông xấu xí vô cùng. Nhưng dù sao thì mình cũng còn hên, bạn mình mới đau. Vì sau khi mua quà về tặng một số người, còn sót lại một giỏ, cô ấy mở ra thì phát hiện vài món đồ hết “date”, vài món chỉ để “trưng bày” chứ không cách gì xài được. Bởi vậy, cứ nghĩ đến chuyện mình đã đem những thứ ấy tặng cho người khác là cô ấy vô cùng xấu hổ…”

Vì vậy, thay vì rinh đại những giỏ quà ở một cửa hàng nào đó, sao bạn không trổ tài làm những giỏ quà “made by… me” để tặng người thân, bạn bè hay thầy cô giáo của con. Chỉ cần chịu khó một chút, bạn sẽ có một giỏ quà chất lượng. Để làm việc này, bạn có thể lên danh sách những thứ cần mua cho một giỏ quà và ước lượng số tiền cần chi, mua thêm giỏ mây và giấy kiếng (có bán ở các tiệm bán giấy gói quà) rồi tự tay gói những giỏ quà. Làm như vậy, bạn sẽ có một món quà thiết thực để tặng người thân và tiết kiệm được chút ít. Quan trọng nữa là bạn không phải mua lấy sự bực mình, nếu chẳng may mua phải hàng kém chất lượng.


 

Rủ bạn bè gói bánh, thú vị mà!

Vào dịp Tết, nhà nào cũng có bánh chưng, bánh tét. Nhiều người thường không để ý khi mua bánh chưng nên đôi khi có thể mua đắt, mua bánh kém chất lượng hay bánh gần hết “date”, chỉ qua đến mùng 1 là bánh đã muốn hỏng. Vì vậy, với bánh chưng, bánh tét, bạn có thể đặt mua ở những cửa hàng uy tín. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và để… tiết kiệm chút ít, bạn có thể tự tay làm bánh. Chỉ cần chọn nếp ngon, rủ một số bạn bè cùng làm là bạn đã có những chiếc bánh chưng, bánh tét của riêng mình. Tuy có hơi mất thời gian một chút nhưng với cách này, bạn vừa đỡ lo mua phải hàng đều, vừa được ôn lại chút kỷ niệm, mà còn vui nữa.

Chị Thư (Lê Văn Thọ, Q Gò Vấp) đã áp dụng cách này 2 năm nay. Chị cho biết, tết năm nay cũng vẫn sẽ tiếp tục rủ bạn bè chung nhau mua nguyên vật liệu để gói bánh tét. “Lúc trước mình toàn mua nhưng rồi sau này, người ta nói rằng để bánh lên màu, các cơ sở sản xuất toàn phải cho pin vào, mình nghe mà thấy sợ. Bởi vậy, mình quyết định đứng ra tổ chức gói bánh tét, bánh chưng. Vừa có bánh ngon để cúng ông bà, biếu bạn bè, để ăn mà không lo bị ngộ độc thực phẩm, không lo về chất lượng, vừa tiết kiệm được một khoản kha khá. Đó là chưa kể, thỉnh thoảng mình còn được ôn lại kỷ niệm khi thức đêm canh bánh nữa chứ”, chị Thư tâm sự.

Ngoài bánh tét, còn có một món hàng không thể thiếu trong những ngày tết là củ kiệu. Với món này, nếu biết làm, bạn sẽ tiết kiệm được chút ít và yên tâm về chất lượng. Hiện nay, nhiều người thường lo ngại trước lượng hàn the trong củ kiệu được muối sẵn và bán, nên để an toàn, họ thường tự làm củ kiệu. Nghe qua, nhiều người nghĩ làm thế thì sẽ tốn kém hơn là mua sẵn nhưng thực tế so ra thì vẫn còn rẻ chán so với mua. Nếu bạn không biết cách làm củ kiệu, có thể tham khảo trên internet hoặc sách nữ công gia chánh.

Tự làm bánh, mứt

Hiện nay, trên thị trường hàng tết có rất nhiều mẫu mã, chủng loại và cả… xuất xứ. Và nhiều người đang lo ngại về tình trạng bánh kẹo, mứt tết của Trung Quốc. Do đó, nhiều người chọn giải pháp tự làm bánh và một số loại mứt đơn giản như mứt mãng cầu, mứt dừa, mứt bí, mứt rau câu… Số tiền tiết kiệm từ việc làm bánh, mứt này có lẽ chẳng đáng là bao nhưng giúp họ yên tâm về chất lượng thực phẩm, không phải lo mua phải hàng Trung Quốc được “phù phép” thành hàng Việt Nam; không phải lo về việc nạp các hóa chất độc hại, phẩm màu… vào cơ thể.

Tiền lì xì – rộng tay sạch túi

Tết mà, lì xì một chút lấy hên gọi là. Nghĩ vậy nên gặp ai bạn cũng móc tiền ra. Hãy cẩn thận, có thể chỉ cần hết ngày mùng 1 thôi, hầu bao của bạn đã vơi gần hết. Vì vậy, thay vì lì xì vô tội vạ, bạn hãy để một khoảng tiền dành cho việc lì xì. Và để không… bị động, hãy để tiền vào phong bao sẵn, đến lúc cần lì xì cho ai đó, chỉ việc rút ra là xong. Có một điều khá hay là với chiếc phong bao, bạn sẽ không phải ngại về số tiền mà mình lì xì, nếu như nó… chỉ mang tính tượng trưng.

Hoa tết

Đây là thứ chắc chắn bạn phải mua, vì chẳng thể tự trồng được. Một số người thường rủ nhau đi mua hoa vào… đêm 30, vì lúc này, các chủ vựa bán đổ bán tháo đề về đón giao thừa. Có thể bạn sẽ tiết kiệm được chút ít nhưng coi chừng rẻ quá lại hóa đắt đấy nhé. Đó là khi thấy giá cả quá bèo, bạn cứ sẵn sàng rút ví mua hết bình này đến bình khác và khi đem về thì lớp thì bị dập, lớp thì bị héo, bị hư. Như vậy, số tiền bạn bỏ ra mua hoa khuyến mãi có khi còn nhiều hơn là mua lúc bình thường. Ngoài ra, còn có trường hợp, hoa không bị hư, bị dập thì lại… không biết trưng ở đâu cho hết. Như vậy rất phí.

Theo Mẹ yêu bé

Thực hiện: depweb

28/01/2013, 12:18