Tấn Minh - Người đi chậm - Tạp chí Đẹp

Tấn Minh – Người đi chậm

Sao

Âm nhạc của Tấn Minh không tuổi, nó chẳng hớn hở thời thượng khi anh còn đôi mươi, và mãi thanh xuân ngay cả khi anh không còn trẻ. Giống như tình yêu, như giấc mơ êm đềm và bình an – những bài hát của Tấn Minh sẽ luôn thủ thỉ khi chúng ta đối diện với niềm hy vọng hay nỗi buồn của chính mình.

Tấn Minh

Đằng nào tôi cũng là người muộn màng rồi

– Vào năm 1993, cùng với Mỹ Linh, Tấn Minh xuất hiện như một hiện tượng trong cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội. Năm 1998, Tấn Minh đoạt giải Giọng hát Vàng ASEAN cùng với Thanh Lam và Mỹ Linh. Anh đã có một khởi đầu quá tốt, ở thời điểm âm nhạc chưa có chiêu trò mà chỉ cần thực lực. Nhưng anh lại mất đến gần 10 năm để loanh quanh ở điểm khởi đầu. Nói thật, quan sát “tốc độ” của anh những năm tháng đó, tôi chỉ thấy phí…

– Thuận lợi thì mọi người đều nhìn thấy, nhưng khó khăn của tôi thì không ai hay. Tôi ở tỉnh lẻ về, gia đình không có ai liên quan đến nghệ thuật để hỗ trợ mình, không có kinh tế, không ai chống lưng, quãng đường bơ vơ tự lập nghiệp rất dài. Đam mê và chí tiến thủ tôi có thừa, nhưng hoàn toàn không có tiền. Mà nghề hát nếu chỉ có cái cổ họng, bạn sẽ chẳng làm được gì hết. Không có quan hệ trong giới, thân cô thế cô thì mọi quý mến cũng chỉ để đấy thôi. Mãi đến tận năm 2000, dành dụm sau bao nhiêu năm đi hát tôi mới có 100 triệu để làm CD đầu tiên, nói thẳng ra là chỉ có vài chục triệu thôi, còn lại vay bạn bè. CD ấy (“Bức thư tình đầu tiên”) tôi tự lo từ A đến Z, đi xin bài từng nhạc sĩ, rồi nhờ người làm phối khí, nhờ phòng thu, tự đóng hộp, dán tem… vất vả đến nỗi trở thành một nỗi khiếp sợ. Album chỉ in 2.000 bản, bán hết ngay sau 2 tháng, tới tận bây giờ đại lý vẫn giục, người ta vẫn muốn mua, nhưng tôi còn chưa dám in lại – phần nào vì ám ảnh ấy. Thôi thì đằng nào tôi cũng là người muộn màng rồi.


“Anh Minh và tôi học cổ điển cùng một thầy là danh ca Trần Hiếu. Trong mắt tôi, anh Tấn Minh là một nghệ sĩ quyết liệt và rất thông minh. Là một trong những ca sĩ có kiến thức rộng nhất về âm nhạc, Tấn Minh luôn tiên phong về nghe, hiểu biết của anh về âm nhạc rộng hơn ngoài lĩnh vực thanh nhạc. Nếu không đủ đam mê với dòng nhạc trữ tình mà anh theo đuổi, thì không thể vượt qua những cám dỗ từ các trào lưu âm nhạc đến như sóng. Lực trong nghệ thuật của Tấn Minh đã đặt đúng chỗ và đang ở quãng rực rỡ nhất. Anh Minh không mạo hiểm, không thời thượng, nhưng trong vùng khán giả yêu quý Tấn Minh, anh chắc chắn là nghệ sĩ đáng quý và có sức hút bền bỉ nhất.” – Ca sĩ Trọng Tấn

– Nhưng hình như anh cũng không cố gắng tìm kiếm các cơ hội cho mình?

– Thú thực, thời điểm đó tôi mang nhiều mặc cảm lắm. Khả năng của mình không thua bạn bè, nhưng sao mình đi chậm thế, mình cứ bị lùi lại sau mọi người? Thấy xung quanh người ta thăng tiến nhanh, kiếm tiền nhanh, mình cũng bị chạnh lòng chứ! Bạn bè sốt ruột, họ giục – nhưng tôi vẫn ngồi im! Dù cuối những năm 90 là làn sóng Nam tiến của giới nhạc Hà Nội, ai vào cũng thành công. Khi từ chối những lời mời, tôi nghĩ nếu theo guồng quay ấy, có còn là mình nữa không? Có đúng là thứ âm nhạc mình đam mê và đánh đổi mọi điều vì nó nữa không? Thế đấy, tôi không có khả năng làm được điều mình không thích. Để được làm đúng điều mình thích, chấp nhận trả giá là điều tất nhiên!

– Tôi còn nhớ những năm cuối 1990 – đầu 2000, cứ mở ti vi là thấy anh rả rích hát “Phượng hồng”. Còn thực ra lúc đó anh đang hát gì?

– Lúc đó tôi có cái dở là gì cũng hát được, và hát không cái gì ra cái gì. Mình cần sự động viên của một người có nghề, thì không gặp được. Không có cơ hội được làm điều mình thích, không có bài mới (tiền đâu mà đặt các nhạc sĩ?), toàn phải hát lại những thứ người ta hát rồi (mà tôi tự giễu nhại mình là “nhai lại những thứ người ta đã ăn”). Thời điểm đó tôi cũng nản lắm, không biết đi tiếp thế nào? Không biết bám vào đâu để lấy cảm hứng, đi thế nào cho đúng… “Ôn nghèo kể khổ” thì thấy không hiểu sao mình vượt qua được quãng đường mù mịt ấy. Nhưng tôi trân trọng những khó khăn đó, vượt qua hết từng ấy thử thách, thì mới thành tôi bây giờ. Như là người đi qua đường hầm tối mới biết cảm giác tuyệt vời của ánh sáng mà sau đó anh ta được ân hưởng.

– Sau “Bức thư tình đầu tiên”, có vẻ thuận lợi mới bắt đầu đến với anh?

– Đúng là khi bước qua được cánh cửa khó nhất, thì những cánh cửa tiếp theo sẽ tự rộng mở. Tôi lấy lại được niềm tin vào chính mình – đấy là sứ mệnh quan trọng nhất của “Bức thư tình đầu tiên”. Và tôi gặp được Đỗ Bảo! Không chỉ giúp tôi về đường đi nước bước, chiến lược, cảm hứng… Bảo còn cho tôi cả một con đường.

 Tấn Minh

Âm nhạc của tôi phải vì chính tôi đã

– Anh luôn xuất hiện với hình ảnh chỉn chu, hát những bài tình chậm buồn với một kỹ thuật thượng thặng. Hình dung khi anh hát, luôn như một người thả lỏng, rất nhẹ nhàng và yên bình. Nhưng ngay cả sự dễ chịu, nếu kéo dài cũng đâu còn bình thường? Tự anh có thấy chán sự ổn định của mình bao giờ không? Anh chưa từng muốn rời khỏi hình ảnh an toàn đó sao?

Sau nhiều lần cộng tác với nhau, tôi nhận ra Tấn Minh là người nghệ sĩ máu lửa và cực kỳ nhiệt huyết. Ở Tấn Minh, sự sáng tạo không đột ngột, mà là hành trình của mỗi ngày, anh luôn đau đáu muốn làm điều gì đẹp đẽ hơn cho âm nhạc. Và anh chọn cách đưa thông điệp âm nhạc thật tình cảm đến với khán giả. Cái mà mọi người gọi là ‘bảo thủ’ ở Tấn Minh, tôi gọi là sự kiên định. Phải vững tâm với việc mình làm, biết mình sẽ phát triển với nó, thì mới giữ được sự kiên định ấy. Mọi người hay nhận định những ca sĩ kiểu Tấn Minh là an toàn, nhưng thông điệp của anh sâu sắc và nhẹ nhàng, không đao to búa lớn gì. Tấn Minh nổi tiếng muộn vì phải mất rất nhiều thời gian người ta mới hiểu thông điệp âm nhạc của anh. Là ca sĩ nhưng anh luôn muốn lùi lại, Tấn Minh cẩn thận trong cả cách sống và giãi bày. Nhưng anh là con người mãnh liệt kinh khủng, kiên định nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Anh ấy giữ lý tưởng của mình trong cả lúc khó khăn nhất, đó mới là điều để những người làm nghề phải trân trọng Tấn Minh.

Khi Tấn Minh đã đưa ra một lời hứa, thì chúng ta chỉ có cách là phải tin anh. Đã nhận lời tham gia một chương trình lớn, anh ấy sẽ tự hạn chế xuất hiện của mình, không nhận show thêm nữa. Tấn Minh tôn trọng nhà tổ chức chương trình, bảo vệ khả năng bán vé của họ cũng là tôn trọng sự xuất hiện của chính mình. Ở môi trường âm nhạc Việt Nam, ứng xử như vậy là rất hiếm, nhưng với con người Tấn Minh thì lại là hành xử tất nhiên và bình thường của anh ấy. Trong chuỗi chương trình In The Spotlight 2014, liveshow Tấn Minh (diễn ra ngày 16/11 tại Hà Nội) là concert khó và thách thức nhất đối với ê kíp chúng tôi. Vì anh ấy muốn cống hiến cho âm nhạc bằng sự kỹ lưỡng và sâu sắc nhất của mình. Để đem lại thăng hoa cho con người kiên định rất khó. Chính vì thế, nên tôi rất phấn khích khi xây dựng concert chân dung âm nhạc của Tấn Minh.”
Nhạc sĩ Hồng Kiên – Giám đốc âm nhạc chuỗi chương trình In The Spotlight

– Tôi thấy việc trung thành với hình ảnh của mình đâu phải là điều gì tồi tệ? Người ta không thể là con tắc kè hoa được. Nhắc đến một chân dung, phải là rất rõ nét. Kiên nhẫn và hết lòng để đi theo một thứ mình yêu thích đến trọn đời, là chính mình đến cùng – điều đó mới thật sự khó, bạn tin không? Quan trọng nhất là bản thân tôi không thấy nhàm chán, thậm chí càng ngày tôi càng thấy thích thú hơn con đường của mình. Người nghe thấy sự thung dung nhẹ nhàng, không có gì đao to búa lớn, nhưng với người hát là cực kỳ khó.

Hát mà không thấy kỹ thuật, không dựng đứng dựng ngược, hát không cần làm gì, chỉ thấy nhàn nhã yên ả – đó là mệt nhất. Cái hình ảnh ổn định hơn 20 năm nay như bạn nói, nó là cốt lõi, là máu thịt con người tôi – thì cứ mở miệng hát ra là thành thế. Người nghệ sĩ sợ nhất là cất tiếng hát mà chai mòn cảm xúc. Còn tôi, tự thấy mình có khám phá cả đời cũng chưa đi được hết con đường này.


– Nhiều người tiếc cho anh đấy, năng lượng như thế, giọng hát như thế – phải “thế nọ thế kia” chứ!

– Lúc trẻ tôi cũng có nghĩ, sao mình thế này mà chỉ được hưởng có vậy? Nhưng tôi đã vượt qua những cảm xúc như thế rồi. Thực chất, tôi biết mình muốn gì và hợp với điều gì. Bây giờ, bạn tin không, tôi chẳng còn nghĩ đến việc mình sẽ được trả lại hay đền đáp thế nào. Tôi chưa từng đòi mức thù lao ở những chương trình mang yếu tố nghệ thuật. Và tôi chẳng thiệt thòi gì, kể cả về tiền nong hay sự nhìn nhận của đồng nghiệp và khán giả. Đến giờ này, với những gì tôi đang có trong tay, thì còn đòi hỏi gì nữa nhỉ?


– Cũng có nhiều người thành công, thậm chí hơn anh, họ chưa nói câu “còn đòi hỏi gì nữa nhỉ” với chính mình đâu nhé. Anh ít tham vọng thế sao?

– Ngay cả lúc nghèo nhất, tôi cũng không có tố chất bon chen. Chưa bao giờ nhìn sang người khác thành công mà tôi bị ngùn ngụt thiêu đốt vì ghen tị. Còn những người đã đứng top trên, nhìn xuống không thấy ai bằng mình nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn, vẫn muốn với được cả những thứ không thuộc về mình, thì tôi thấy đó là một nỗi khổ. Cũng có thể, cuộc đời mở cửa cho tôi từ lối đi khó, để mình phải trải nghiệm cho đủ. Nên tôi thanh thản và yên tĩnh chấp nhận hiện hữu xung quanh, hài lòng những gì mình có được.

– Nhạc sĩ Đỗ Bảo có nói đùa, “Tấn Minh chỉ cần quay trong 2m2”. Biết đâu, kiểu nhắm mắt – đứng im – run rẩy ấy lại là cái duyên sân khấu riêng của anh nhỉ!

– Tôi có nhược điểm là không trình diễn được. Mình phải biến hạn chế thành ưu điểm, thôi thì tập trung vào hát để khán giả có thể nhắm mắt nghe mình, chứ không phải… xem mình. Thực ra, điều tôi lưu tâm không phải diễn thế nào, thậm chí mình hát thế nào cũng không quá quan trọng, mà là thẩm mỹ âm nhạc của mình. Giọng hát đẹp hay kỹ thuật thượng thặng cũng chỉ đến ngưỡng nào đó thôi. Với nghề hát, đừng khen giọng. Cổ họng là cái “vốn liếng” đương nhiên phải có rồi. Nhưng trở thành ai – thì là do cái đầu và phông nền văn hóa của anh. Tôi luôn tự nhắc mình, đừng có tụt lại sau người nghe. Vì trên thực tế có những ca sĩ giọng vẫn tốt lắm, nhưng thẩm mỹ của họ, hiểu biết của họ về âm nhạc thì đã dừng lại sau khán giả, và họ bị loại khỏi cuộc chơi…

– Anh chắc cũng tự biết vận tốc rất khác thường của mình giữa showbiz. Thành thật nhé, anh không thấy sốt ruột sao?

– Vấn đề là chúng ta có đến đích của mình hay không, còn dùng phương tiện hay vận tốc nào đâu phải là điều quan trọng. Tôi đã đạt được những gì mình mong muốn. Tôi đâu chờ mình “vồ” được cái gì to tát hay vinh quang hơn? Tôi là người đi chậm mà! Được thích thú với sự ung dung tự tại – đó là lựa chọn của tôi. Theo chủ quan suy nghĩ của tôi, ai cũng mong muốn mình được đi chậm, nhưng không phải ai cũng đạt được điều đó.

Đi chậm sung sướng chứ – mình ung dung, được nhìn, được nghiền ngẫm nhiều điều. Tất nhiên, cái giá là mình về đích sau những người có tốc độ cao, hoặc mình vất vả hơn. Nhưng tôi bị bệnh nhìn đời lạc quan. Xã hội đương nhiên có nhiều trạng thái. Quỹ thời gian của đời người tôi để dành cho những gì thật sự quan trọng đối với chính mình. Vì thế, tôi vui vẻ chấp nhận kể cả những thứ không giống mình, khác tốc độ chỉ là chuyện rất nhỏ.

– Âm nhạc tồn tại trong cuộc sống của anh như thế nào? Với một người đi chậm, thì trạng thái sống trong âm nhạc là bình tĩnh hay phấn khích?

Tôi không bao giờ toan tính hay sắp đặt trong âm nhạc, mà thuận theo tự nhiên. Sự điên loạn của tôi không nhìn thấy, vì nó không bộc lộ mà ẩn sâu. Âm nhạc là một trạng thái nóng bỏng luôn đầy tràn tôi, như dòng chảy không ngừng nghỉ, luôn thiêu đốt tôi bởi những ước ao và mong mỏi. Âm nhạc của tôi phải vì chính tôi đã, vì niềm yêu thích, sự kiêu hãnh hay nỗi hổ thẹn của cá nhân tôi. Hát là phải thành thật sòng phẳng với chính mình. Sau đấy, nó có đến với công chúng, được đón nhận thế nào là do số phận…

Trọng Tấn và Tấn Minh

Tấn Minh & Trọng Tấn lững thững trong showbiz

Họ có xuất thân khá “đồng dạng”: con nhà nghèo, lập thân đơn độc, ngoài tài năng thiên phú và một tình yêu bền bỉ – họ trắng tay khi đến với âm nhạc. Giữa những vòng quay phù phiếm bất tận của showbiz, họ lạc ra với vẻ lững thững không liên quan. Hai kẻ khác biệt ấy đi trên 2 con đường, với tốc độ khác nhau, nhưng ở thời điểm này họ đã cùng tìm được đích đến của mình – được đo bằng sự trân trọng của giới nghề nghiệp và lòng yêu dấu của khán giả. Tấn Minh và Trọng Tấn xứng đáng là đại diện cho một thế hệ ca sĩ Hà Nội mang phẩm chất âm nhạc thuần khiết nhất. Phải sau hơn 20 năm đứng trên sân khấu, ở độ chín đằm đượm nhất của giọng hát – kỹ thuật – cảm xúc, họ mới khởi sự làm liveshow cá nhân đầu tiên.

Bài liên quan:
– Trọng Tấn: Người đi ngang
– Tấn & Minh: Khi mọi lý thuyết showbiz đều… sai!

   

Bài: Quỳnh Tun
Nhiếp ảnh: Sáng Studio  
Thực hiện: Hellos
Mỹ thuật: Phan Linh
Địa điểm: Swing Lounge 21 Tràng Tiền, HN

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Nom Trọng Tấn chẳng có vẻ gì là một người đàn ông thành đạt: gương mặt dường như vẫn còn vương một chút chân quê, ăn vận giản dị, mà như Tấn nói là “gần như chả liên quan chút gì đến hàng hiệu”… Nhưng chỗ Tấn ngồi tiếp chuyện tôi (cái phòng khách rộng thênh thênh nhìn ra cái giếng trời đầy cây xanh và nắng) lại cho biết rằng, ít nhất, vợ con anh đã được “ấm thân” đến mức nào nhờ giọng hát trời cho ấy. Vậy mà đã là lúc Tấn dợm nhắc đến hai chữ “giải nghệ”, nhẹ như không…

Thực hiện: depweb

09/09/2014, 15:08