Suy diễn về trình diễn

trình diễn, thiết kế  thời trang trình diễn

BST Comme des Garcons Xuân Hè 2014.

Thời trang vô nghĩa?

BST Xuân Hè 2014 vừa qua của Comme des Garcons có đến 23 “thứ” mà không hiểu ai sẽ là người bỏ tiền trong thời gian tới. Khó có thể nhìn thấy tinh thần thường được giới chuyên môn gọi là “thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật thiết kế trang phục”. Cũng không thể “giải mã” thành xu hướng theo cách dân thời trang vẫn thường làm, theo màu sắc, họa tiết, chất liệu, kiểu dáng hay những thứ trừu tượng hơn như “tâm trạng của thời đại”. Nói ngắn gọn, đó là một BST thời trang vô nghĩa! Tuy vậy, những tràng vỗ tay dài nồng nhiệt vẫn nổ giòn và báo chí cùng các blogger một lần nữa lại đồng thanh ca ngợi tinh thần tự do của một NTK thời trang không ngần ngại giới thiệu những sản phẩm “phi lợi nhuận”. Thời trang luôn bị giằng xé giữa sáng tạo và kinh doanh. Có thể vì để cho hình ảnh của một phong cách thời trang không màng lợi nhuận được trọn vẹn, hoặc có thể do lười nhác, mà những tờ báo và các blogger đó không nhắc đến BST “thương mại” Comme des Garcons Comme des Garcons. Dòng sản phẩm có tên gọi kép để nhấn mạnh sự tiếp nối, chứ không hẳn có vai trò dòng thứ được giới thiệu một ngày sau đó trong showroom của thương hiệu Nhật, với những trang phục bình thường, thực dụng, rất đẹp theo phong cách Comme.

trình diễn, thiết kế  thời trang trình diễn

BST Comme des Garcons Xuân Hè 2014.

Để đạt được sự “mới” bằng bất cứ giá nào, Rei Kawakubo từ chối thiết kế trang phục và thay thế nó bằng các “cấu trúc” được may cẩn thận như những món đồ chưng diện thực thụ. Có thể trước đây tôi sẽ nghĩ rằng NTK nổi tiếng đã “phá cách” thời trang, nhưng giờ thì tôi thiên về việc đây là một cách giải áp lực tuyệt vời. Tạo sao thỉnh thoảng lại không làm một BST “mới” chỉ để trông cho vui mắt mà thôi? Chúng ta quá quen với ý nghĩ rằng thời trang là thay đổi, là các xu hướng mới mỗi mùa, đến mức coi “mới” là điều hiển nhiên. Nhưng thực ra sản phẩm mới là sự đòi hỏi của kinh doanh. Ngành công nghiệp thời trang hoạt động trên giả định người tiêu dùng không mong muốn điều gì khác ngoài việc sở hữu những trang phục mang phong cách mới. Đấy là nguồn gốc của mọi áp lực lên các NTK mốt phải cho ra đời một BST mới sáu tháng một lần. Và cuối cùng, để bán được những món đồ mới đó, cỗ máy thời trang không ngại ngần làm chúng ta cảm thấy xấu hổ khi mặc lên người những thứ “không hợp mốt”. Chỉ những ai diện các món đồ “mới nhất” đương thời mới được coi là đẹp tuyệt vời và sành điệu. Mặc dù ai cũng biết “mới” trong thời trang thường là việc nhào nặn lại một vài phong cách quen thuộc từ thời quá khứ.

Show của Comme des Garcons diễn ra trên một bục diễn thông thường, vẫn có ánh sáng, âm thanh chuẩn, nhưng thách thức sự kiên nhẫn của các tín đồ trung thành của thương hiệu Nhật. (Diễn giải: hãy ngưỡng mộ chúng tôi đi đã, rồi hãy mua đồ của chúng tôi!) Một chiếc đèn sân khấu lớn đung đưa như quả lắc đồng hồ, quét luồng ánh sáng di động lên sàn diễn, khó có thể xem kỹ từng chi tiết của trang phục. Từng bài hát, bản nhạc, hoặc những “âm thanh thử nghiệm” nổi lên mỗi khi người mẫu bước ra từ sau cánh gà lên sàn diễn, rồi phụt tắt khi cô gái trẻ quay trở lại đó. Âm thanh có lúc méo mó như lúc đĩa than lạc tốc độ, có lúc tắt lịm giữa chừng. Tôi không dám chắc rằng NTK có ẩn ý gì đằng sau một show diễn tra tấn giác quan như vậy, nhưng suy diễn cũng vui. Những bài hát dang dở và chẳng liên quan đến nhau này có nói gì đến sự tình cờ, tính chất rời rạc, sự thiếu thốn một ý tưởng thống nhất trong BST mới? Phải chăng BST mốt cứ phải có một vài ý tưởng xuyên suốt? Liệu đây có là lời bình luận của NTK về thời trang “đồng phục” đang chiếm ưu thế gần đây? Series những trang phục na ná nhau trong một BST có vẻ đơn điệu, nhưng thông điệp về xu hướng thì rất rõ ràng, và dễ bán.

trình diễn, thiết kế  thời trang trình diễn

BST Rick Owens Xuân Hè 2014.

Đam mê lệch lạc

Nếu như người ta hay mong đợi được đắm chìm trong thời trang “tri thức” ở Comme des Garcons, thì Thom Browne là tên tuổi đảm bảo cho kịch tính, cường điệu, phấn khích với một chút đam mê lệch lạc. Không phải vô cớ mà người ta gọi ông là một Alexander McQueen hay John Galliano của thời trang Mỹ. Show của anh trong tuần lễ thời trang New York vừa qua có thể coi là một “giấc mộng kinh hoàng” trở thành hiện thực. Không gian buổi diễn được ví với phía bên trong của một chiếc quan tài, nơi khách mời phải nghe một thứ nhạc kinh dị gần một tiếng trước khi show bắt đầu. Dàn người mẫu hóa trang thành các cô nàng ý tá gớm ghiếc, đi lại, cử động như các zombie trong những bộ phim kinh dị. Tuy mang trên người những trang phục cầu kỳ, tinh xảo như thời trang haute couture, trông họ vừa bệnh hoạn, vừa đáng thương, vừa hấp dẫn một cách kỳ lạ. NTK gọi đó là biểu tượng cho nữ tính cực đại. Có lẽ cũng cần nhắc đến việc cần thiết phân biệt trí tưởng tượng, show thời trang và hiện thực.  

trình diễn, thiết kế  thời trang trình diễn

BST Thom Browne Xuân Hè 2014.

Ngược lại với Thom Browne, show của Rick Owens là sự phô trương sức mạnh phái đẹp kéo dài hơn 10 phút, trong âm thanh điện tử và nhạc rock của những nhịp điệu nhanh đến chóng mặt. 40 vũ nữ của các nhóm múa Washington Divas, Soul Steppers, The Momentums, The Zetas, phần lớn là các phụ nữ da đen trình diễn các điệu nhảy stepping mạnh mẽ, lôi cuốn, ồn ào của người Mỹ gốc Phi. Stepping bắt đầu thịnh hành trong các trường đại học Mỹ giữa thập kỷ 1990, kết hợp những cử động nhịp nhàng của cơ thể với tiếng động khi bàn tay vũ công đập lên chính cơ thể họ, tiếng la ó, giậm chân và chuyển đội hình theo phong cách nhà binh. Tôi đã sững sờ khi xem những bức ảnh đầu tiên của show diễn. Bởi những khuôn mặt dữ tợn thể hiện sức mạnh và sự thô bạo của các nữ vũ công có cơ thể lực lưỡng. Đó là những vẻ mặt đầy kịch tính của một show diễn đòi hỏi sức lực và sự bền bỉ (tuy chưa chắc đã nhiều hơn trường hợp của các diễn viên múa ba lê). Sự hiện diện của những nữ vũ công Mỹ gốc Phi cường tráng thay cho các người mẫu da trắng mảnh mai thường chiếm đa số trên sàn diễn thời trang cùng với vẻ đẹp toát ra từ những cử động phô trương sức mạnh chất vấn các chuẩn mực của thời trang về vẻ đẹp, nữ tính, màu da. Rất hiếm khi thời trang chạm được tới những vấn đề có ý nghĩa một cách hay và sành điệu như vậy.  

Bài: Thành Lukasz

Bernard Arnault đã chính thức bổ nhiệm cô con gái cả Delphine Arnault vào vị trí Phó Chủ tịch của thương hiệu Louis Vuitton.  




Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin và sự kiện diễn ra xung quanh lĩnh vực này? Vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ những thông tin và sự kiện nóng hổi đó. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Mọi thông tin xin gửi tại đây.

From the same category