Sữa chỉ như... bột mì - Tạp chí Đẹp

Sữa chỉ như… bột mì

DELETED

“Sữa dê Danlait” – một trong nhiều loại sữa có hàm lượng đạm dưới 34% – Ảnh: Nguyễn Khánh

Tuy nhiên qua khảo sát thị trường ngày 24-2 cho thấy rất nhiều sản phẩm đang được coi là sữa đều có độ đạm dưới 34%, thậm chí có sản phẩm chỉ có lượng đạm đạt 9,6%, thấp hơn cả tỉ lệ đạm trong bột làm bánh mì!

Không đủ để trẻ phát triển

Trên nhãn sản phẩm Ducht Lady cho trẻ từ 1 tuổi trở lên có ghi hàm lượng đạm đạt 16,5%, Ducht Lady Gold 3 hàm lượng đạm đạt 14,8%, Dumex Gold cho trẻ 0-6 tháng lượng đạm đạt 10,5%, Lactogen cho trẻ 0-6 tháng lượng đạm đạt 10,5%, Enfa mama A+ lượng đạm đạt 26%, Nan pro cho trẻ dưới 6 tháng lượng đạm đạt 9,6%, Frisomum cho phụ nữ có thai lượng đạm đạt 22%, Abbott Grow cho trẻ 3-6 tuổi lượng đạm đạt 17,5%… Xét theo quy chuẩn VN hiện hành, các sản phẩm này chỉ được coi là thực phẩm bổ sung, không sản phẩm nào được coi là sữa, trong khi có tới 3/8 sản phẩm được khảo sát là dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu sữa mẹ không đủ thì phải dùng sữa bột là chính chứ chưa thể ăn giặm, tức chưa thể dùng thực phẩm bổ sung.

Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho rằng sữa bò tươi (bò sữa giống nội) mới vắt có tỉ lệ đạm thông thường là 3,6%, bò sữa lai (hiện phổ biến ở VN) tỉ lệ đạm khoảng 3,8%, nếu tính 8,5kg sữa tươi làm được 1kg sữa bột thì hàm lượng đạm trong 1kg sữa bột phải trên 30%. Đây chính là loại sữa được nhập về để hoàn nguyên (sản xuất thành sữa nước trở lại) hoặc chế biến thành sữa bột cho trẻ em. Theo ông Vang, nếu so sánh với tỉ lệ đạm trong bột mì (khoảng 12%), bột ngô (khoảng 11,5%), bột gạo khoảng 9% thì lượng đạm trong các sản phẩm sữa kể trên là quá thấp.

Cùng quan điểm này, ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng với tỉ lệ đạm như trên, nếu pha đúng công thức 1kg sữa bột pha ra 8,5kg sữa nước thì cho trẻ con ăn rất nguy hiểm, không đủ hàm lượng đạm (chưa so sánh các dưỡng chất khác) cho trẻ phát triển. Theo ông Đáng, sữa bột phải đảm bảo tỉ lệ đạm 34% trở lên, chất béo 26-42% mới đảm bảo tiêu chuẩn sữa cho trẻ em bởi sữa mẹ, nhất là sữa mẹ những ngày đầu sau sinh, có hàm lượng đạm và dưỡng chất rất cao.

Trẻ ăn 1 tháng là để lại hậu quả

Ở trường hợp cụ thể sản phẩm “sữa dê Danlait”, chị Cao Ngân Hà – người có con trai sử dụng sản phẩm – phàn nàn con chị từ tăng trưởng vượt trội so với các trẻ cùng lứa tuổi (đạt 12kg), nhưng sau hơn hai tháng sử dụng Danlait bé đã lùi về ngưỡng 11,5 kg, mọc răng chậm…

Theo ông Đáng, nếu trẻ ăn sữa kém chất lượng mới vài bữa, vài ngày thì chưa để lại hậu quả, nhưng ăn trên một tháng là bị ảnh hưởng. Ông Đáng còn nói cần tiến hành điều tra xem có bao nhiêu trẻ sử dụng sản phẩm so với sản phẩm cũ thì tăng trưởng chậm hơn như thế nào, có hậu quả gì không và nhà phân phối phải đền bù cho người tiêu dùng do sản phẩm không đủ tiêu chuẩn gọi là sữa mà lại được quảng cáo là sữa với các tính năng vượt trội, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Cũng theo ông Đáng, cơ quan quản lý thực phẩm nên xem xét khái niệm “thực phẩm bổ sung”, đang được sử dụng để gọi các loại vốn là sữa bột nhưng có hàm lượng đạm dưới 34%. Ông Đáng cho rằng thực phẩm bổ sung là khái niệm để chỉ sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất, còn sản phẩm vốn là sữa nay được coi là thực phẩm bổ sung do không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng đạm thì phải coi là sữa nhưng chất lượng kém, chứ xếp vào thực phẩm bổ sung là không phải. “Trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu sữa mẹ không đủ thì chỉ ăn sữa bột công thức, chưa được ăn giặm nên không thể coi sản phẩm chỉ đạt 9,6-10,5% đạm là thực phẩm bổ sung” – ông Đáng nhấn mạnh.

Một chuyên gia về dinh dưỡng trẻ em cũng cho rằng nên gọi những sản phẩm này là “bột ăn giặm cho trẻ em” thì đúng hơn, do hàm lượng đạm thấp nên khi pha với nước sẽ càng thấp. Có lẽ chính vì lý do đó, sản phẩm sữa bột kiểu này được các nhà sản xuất khuyến cáo pha rất đặc, có khi 1kg sữa bột pha ra 6kg sữa nước, trong khi nếu đúng tỉ lệ thì phải là 1kg sữa bột pha ra 8,5kg sữa nước. Các bà mẹ phải tốn tiền mua sữa hơn nhiều nếu thực hiện đúng tỉ lệ pha sữa cho trẻ để trẻ đạt biểu đồ tăng trưởng. “Cơ quan quản lý phải khuyến cáo các bà mẹ và người nuôi trẻ, để họ không lẫn lộn giữa khái niệm sữa bột theo cách hiểu truyền thống với những loại “thực phẩm bổ sung” có hàm lượng dưỡng chất không đủ tiêu chuẩn để gọi là sữa bột”– chuyên gia này cho biết.

Cục An toàn thực phẩm chưa đủ thông tin về Danlait?

Ngày 21-2, Cục An toàn thực phẩm đã có thông báo chính thức công nhận “thực phẩm bổ sung- sữa dê Danlait” đều có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, ghi nhãn tiếng Pháp và có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định của pháp luật VN, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định với từng lô hàng…

Tuy nhiên ngày 22-2, cục này lại có văn bản gửi Đại sứ quán Pháp tại VN đề nghị giúp xác minh “sữa dê Danlait” có phải do Công ty FIT, Cộng hòa Pháp sản xuất hay không và sản phẩm này có lưu hành tại Cộng hòa Pháp hay không.

Cũng trong ngày 22-2, Quản lý thị trường Hà Nội đã niêm phong trên 6.000 lon Danlait do vi phạm quy định về nhãn mác trên nhãn phụ sản phẩm, do giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cấp cho Danlait là thực phẩm bổ sung- sữa dê Danlait, nhưng nhãn phụ chỉ ghi đây là “sữa dê Danlait”.

Trong khi chỉ một ngày trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã xác nhận nhãn phụ sản phẩm là đúng quy định của pháp luật!

Theo Tuổi trẻ

Thực hiện: depweb

25/02/2013, 09:04