Sự tích giày cao gót - Tạp chí Đẹp

Sự tích giày cao gót

DELETED

Phụ kiện “chỉ dành cho tầng lớp quý tộc”


Theo rất nhiều tài liệu khảo cổ thì những đôi giày cao gót đã có từ nền văn hóa Ai Cập cổ đại, có nghĩa là nó đã ra đời vào khoảng 3500 năm trước Công nguyên. Nhưng, cũng giống rất nhiều phát minh khác của nhân loại, những đôi giày cao gót cũng đã trải qua những thăng trầm, và có thời điểm, nó không tránh khỏi quy luật tồn tại và biến mất. Chỉ đến thế kỷ thứ 16, vào năm 1533, những đôi giày cao gót mới bước sang trang mới với một giai thoại để đời. Chuyện là năm đó, Catherine de Medicis, một tiểu thư danh giá quý tộc Ý đã được gả cưới cho vui Henry II của Pháp. Catherine de Medicis có vóc dáng nhỏ bé nên để không quá lệch so với vị vua nước Pháp và cũng để dằn mặt tình địch Dianes de Poititers, cao hơn mình đáng kể, hoàng hậu tương lai của nước Pháp đã nhờ một người thợ đóng giày cho giới quý tộc Ý thửa riêng cho bà một đôi giày cao 4,5cm.

Sự táo bạo của bà hoàng nổi tiếng này đã khiến cả vương triều Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung “điên đảo” trong những bước di chuyển đầy quyến rũ. Cũng giống như Haute Couture, giày cao gót tức thì khuấy đảo cả giới quý tộc châu Âu. Họ đưa ra định ước phân biệt giai cấp bằng những đôi giày cao gót và chỉ những người phụ nữ quý tộc mới được phép mang giày cao gót. Có thể sau này những đôi giày cao gót không giúp Catherine de Medicis giữ được trái tim vị vua đa tình nhưng chắc chắn, phái đẹp và ngành công nghiệp phụ kiện phải luôn cảm ơn sự táo bạo của bà.

Chưa hết, giày cao gót còn gắn lịch sử của nó với một người đàn bà quyền lực khác, đấy là nữ hoàng Victoria bé nhỏ nhưng quyền lực của nước Anh. Giai thoại ghi lại rằng, vì vóc dáng nhỏ bé của bà nên các cận thần đã nghĩ ra cách làm đẹp riêng cho bà bằng những đôi giày cao gót để khắc phục chiều cao và thăng thêm sự tôn kính cho bà. Giống như câu chuyện với bà hoàng Medicis, ngay lập tức, giày cao gót của nữ hoàng tạo ra một hiệu ứng vô cùng lớn trong vương triều Anh quốc.

 

Cũng bởi giày cao gót gắn liền với tầng lớp quý tộc nên nó gặp không ít biến cố thăng trầm theo dòng lịch sử châu Âu. Chỉ đến những năm 1950, giày cao gót mới thật sự trở lại cùng với những người thợ làm giày nổi tiếng, được coi là các nhà phát minh của giày hiện đại. Họ là Vivier Roger, người Pháp và Salvatore Ferragamo, người Ý. Cũng chính vào thời điểm này, cả Vivier Roger và Salvatore Ferragamo, hai đồng phát minh ra stiletto, những đôi giày gót nhọn, cao ít nhất 9cm và đường kính gót là 5mm, đã mở ra một kỉ nguyên mới cho giày cao gót. Nói vậy là bởi, cho đến giờ, người ta vẫn chưa biết chính xác Vivier Roger hay Salvatore Ferragamo là cha đẻ của stiletto vì năm 1935, khi Salvatore Ferragamo tạo ra những đôi giày sitletto đầu tiên thì ở Pháp, Vivier Roger cũng trình làng những phiên bản sitletto của riêng mình.

Chưa bao giờ giày cao gót phát triển như thời điểm hiện tại. Cũng chưa bao giờ giày cao gót lại có nhiều kiểu dáng, đa chất liệu như hiện tại. Những cuộc cách mạng luôn được thực hiện để tạo ra những đôi giày cao gót hoàn hảo hơn, đẹp đẽ hơn, gần gũi hơn và dễ đi hơn cho người phụ nữ. Đó là vì, với phụ nữ, giày cao gót là tình yêu.

Một tình yêu mãnh liệt, và đôi khi … mù quáng

Kể từ khi những đôi giày cao gót xuất hiện, quan niệm về cái đẹp và thời trang của phụ nữ cũng thay đổi. Họ mặc nhiên thừa nhận phát ngôn “Thiếu đôi giày cao gót, tôi chẳng thể tự tin bước ra khỏi nhà” của một người nổi tiếng là chân lý, đúng ở mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh. Chắc chắn bạn còn nhớ chi tiết cô Carrie trong bộ phim “Sex in the city” đã nổi đóa lên chỉ vì chủ một bữa tiệc không cho cô mang giày cao gót và câu nói “không mang giày cao gót chẳng khác nào … nude ra đường” của cô đã trở thành châm ngôn không chỉ cả những cô nàng sành điệu mà của 80% phụ nữ trên thế giới này. Với phụ nữ, giày cao gót là một phần trong cuộc sống của họ.

 

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Một đôi giày cao gót đẹp sẽ mang bạn đến những nơi đẹp hơn”. Không biết có phải được sống cùng câu ngạn ngữ này không mà theo một cuộc thống kê mới đây, trung bình một phụ nữ Pháp có tới 9 đôi giày cao gót trong tủ đồ, và mỗi năm họ lại bổ sung thêm 6 đôi nữa. Liên tục có những kỷ lục về giày cao gót được lập ra. Và có vẻ ngôi vị “người sở hữu nhiều giày cao gót nhất thế giới” giờ đây không còn thuộc về cựu phu nhân Tổng thống Philippine, bà Imelda Marcos, và diva vùng Queber, Celine Dion với tủ giày lên tới 3.000 đôi nữa, bởi chỉ tính riêng giày hiệu Christian Louboutin, trong tủ giày của nữ văn sĩ Danielle Steel đã có đến 6.000 đôi giày đế đỏ.

Phái đẹp chết mê chết mệt những đôi giày cao gót, họ sẵn sàng rút hầu bao, thậm chí trở thành “tội phạm” chỉ vì tình yêu đó. Từng có một nhân viên ngân hàng biển thủ cả tiền công quỹ chỉ để mua giày hiệu Christian Louboutin… Bất chấp những cảnh báo về sức khỏe khi đi giày cao gót, chị em vẫn liên tục khiến chiều cao của những đôi giày thay đổi, theo chiều hướng tăng lên. Và bất chấp những thực trạng bi đát của nền kinh tế từ năm 2009 đến nay, chị em vẫn không ngần ngại quẹt thẻ để có thể sở hữu những đôi giày. Họ đã góp phần tăng gấp đôi doanh thu của hãng giày Christian Louboutin trong vòng ba năm, từ 350.000 đôi giày tiêu thụ năm 2009 lên 700.000 đôi năm 2011. Riêng với thương hiệu Salvaltore Ferragamo, doanh thu từ giày vẫn chiếm đến 25% tổng doanh thu của nhãn hiệu.

Với phụ nữ, bất kể thứ gì mang đến cho họ sự quyến rũ đều đăc biệt. Và giày cao gót thì vô cùng đặc biệt bởi nó giúp họ tăng thêm sự quyến rũ đến 30%. Mỗi sải chân của họ trên đôi giày cao gót đều trở thành bước đi của sự khiêu gợi. Bởi lẽ đó, dù tình yêu đó khiến họ cạn kiệt ngân sách, thậm chí nguy hại đến sức khỏe thì phụ nữ vẫn cứ yêu giày cao gót.

 

Những thuật ngữ về giày cao gót

Stiletto: Được coi là một trong những phát minh lớn nhất của giày cao gót. Đây là loại gót nhọn, từ 5 – 25cm. Ưu điểm của loại giày này là sự chắc chắn, dễ kết hợp với trang phục.

Kitten: Thấp hơn Stiletto, gót mảnh mai, chỉ cao từ 3,5-4,75 cm. Thường thì gót giày Kitten sẽ tạo thành một đường cong nhẹ từ điểm nhọn của gót nối vào phần sau của giày. Kitten là một trong những kiểu giày rất được Audrey Hepburn ưa thích và thường xuyên sử dụng.

Cone: Gót giày Cone có phần nối với thân giày là to nhất và càng phía gót càng nhỏ dần. Loại giày này có chiều cao đa dạng.

Prism: Về cơ bản, prism có gót được tạo thành từ các mặt phẳng để tạo nên một khối lăng trụ. Chính bởi thế mà ngày nay, các nhà thiết kế đã tạo cho kiểu giày này rất nhiều hình thù và kiểu dáng mới lạ, thậm chí kì quái.

Spool: Kiểu giày này có phần gót tiếp đất to bè nhưng đến giữa gót giày lại thon nhỏ và tiếp tục phình to ở phần nối với thân giày. Phần gót kiểu này giống với chiếc đồng hồ cát.

Wegde: Chính là giày đế xuồng, kiểu giày cao gót rất được chị em ưa chuộng mỗi khi hè về. Wegde có phần đế giày tạo thành một khối dày liền mạch từ gót chân đến phần trước mũi giày.

Pumps: Hay được biết đến với những đôi giày gót nhọn và cao, phần thân giày kín, ôm gọn bàn chân và bít ở đầu các ngón chân. Mũi giày có thể nhọn hoặc tròn. Pumps là kiểu giày được ưa chuộng số một trong những bữa tiệc tùng.

Slingback: Có phần giống với Pumps nhưng phần gót chân hoặc cổ chân hở ra và được giữ bằng quai giày.

Mary Jane: Là kiểu giày bít mũi có quai bắt ngang ở cổ chân. Giày Mary Jane thường có màu đen và khởi nguồn là những đôi giày đi học cho cac bé gái. Càng ngày, các nhà thiết kế càng mang đến cho nó rất nhiều điều mới mẻ.

Mulles: Hay còn gọi là giày sục, phần mũi giày bít kín, không có quai hậu.

Espadrilles: Thường đươc làm bằng vải với phần đế mềm, thành quả từ sự kết hợp giữa cao su và các sợi dây thừng hoặc cót. Loại giày này nổi bật bởi sự tiện dụng và linh hoạt.

Platform: Hay còn được biết đến với cái tên Disco Boots, giày bánh mì. Platform có thể là guốc, boots, hoặc sandal … có phần đế giày cộp từ mũi giày đến gót giày nên kiểu giày này không dốc như các dòng cao gót khác. Đây cũng là một trong những kiểu giày gắn liền với tên tuổi của ban nhạc Spice Girls thập niên 1990. Ngoài ra, kiểu giày này còn có Lucite Platform, là kết quả của cuộc hôn phối giữa Platform và gót Stiletto với phần mũi được đệm đế giày và những chiếc gót siêu cao.

Peep Toes: Còn được biết đến với cái tên giày hở mũi.

Cap Toes: Phần mũi giày được trang trí bằng các miếng kim loại hoặc vật liệu khác màu.

* Mời các bạn tiếp tục đón đọc các bài viết trong chuyên đề “Chuyện kể của những đôi giày” 

Theo Sành điệu

Thực hiện: depweb

11/03/2013, 14:34