Cuộc đụng độ
Haute couture, ánh hào quang rọi sáng hai con phố Avenue Montaigne và Faubourg st. Honore, nơi đóng đô của các thương hiệu vẻ vang nhất Paris, một thời chính là kim chỉ nam của thời trang. Các “nhà thiết kế độc tài” của Paris thay đổi màu sắc hay chiều dài váy áo cho một mùa, áp đặt phong cách cho tất cả những ai muốn được coi là sành điệu. Cho đến khi cuộc cách mạng trẻ nổ ra ở London rồi lan sang Paris. Thời trang đường phố là lãnh địa của những nhóm trẻ chơi trội, nghe thể loại nhạc riêng, phân biệt bản thân với nhóm bên cạnh bằng trang phục và những cái tên rất kêu như rockers, teddy boys, skinhead, punk, rave, gothic, emo, rapper, lolita. Phong cách nổi loạn đường phố giờ đây chỉ còn chất “cẩu thả bất cần”: áo phông, áo nỉ trùm đầu, quần jeans ống côn đi cùng giày dép màu sắc “độc” – những món đồ unisex ai cũng có thể khoác lên người, mặc bất cứ lúc nào (ra đường, đi club) mà trông vẫn “thật phong cách”.
Chất liệu len dệt tạo hiệu ứng giống như vải denim trong một thiết kế của BST Dior Thu Đông 2013-14
Thời trang biến động cùng những thay đổi trong xã hội và đó là khi street đụng độ haute couture. Váy mini jupe của Mary Quant và André Courrèges trở thành một trong những biểu tượng của những năm 1960. Một thập kỷ sau, Yves Saint Laurent thách thức giới thượng lưu với phong cách vintage “phản cảm” mà điển hình là chiếc áo lông thú ngắn của các cô gái đứng đường. Phong cách punk với trang phục rách rưới, tự chế của Vivienne Westwood vang vọng trong các thiết kế của người Nhật và Bỉ đã làm đảo lộn thời trang thập kỷ 1980. Năm 1992, vải kẻ ca rô, giày Converse, váy hoa baby doll của Marc Jacobs xuất hiện trên sàn diễn, đưa phong cách grunge – “vẻ đẹp tuyệt vọng” của thế hệ X (thế hệ sinh vào những năm 1964-1980)thành hiện tượng thời trang thập kỷ 1990.
Vậy chúng ta có thể chờ đợi điều gì khi ba nhà thiết kế được coi là những đại diện ưu tú nhất cho phong cách đường phố, Raf Simons, Hedi Slimane và Alexander Wang vừa trở thành những người đứng đầu ba nhà mốt có truyền thống haute couture nổi tiếng của Paris là Christian Dior, Saint Laurent Paris và Balenciaga?
Chất phố phường trong các “nhà couture”
Mặc dù Raf Simons nói rằng anh muốn trang phục của Dior “xuống phố” cùng các cô gái trẻ, nhưng khó có thể tìm thấy “chất phố phường” trong các thiết kế của anh. Cho dù đó là những chiếc váy dạ hội hở vai được “cắt bỏ” phần chân váy và mặc với quần âu ống côn trên sàn diễn haute couture, hay những chiếc áo khoác màu đen vai mềm nhưng vạt bồng cứng tạo kiểu dáng áo khoác “bar” truyền thống, treo trong cửa hàng mới mở của thương hiệu ở Hà Nội. Haute couture của thập kỷ 1950 cuốn hút Raf Simons từ khi anh còn thiết kế cho Jil Sander. Trong bộ sưu tập Xuân Hè 2013 cho Dior, bộ suit, tuxedo có áo khoác “bar” theo kiểu dáng New Look được giản lược và quần âu có thể coi là chuẩn mực cho phong cách thanh lịch hiện đại. Vừa là một trang phục tượng trưng cho quyền lực, vừa có vẻ yêu kiều của các cô gái trẻ. Chất “phố phường” hiện diện rõ hơn trong bộ sưu tập Thu Đông, khi đồ suit được may từ vải len dệt trông giống vải denim.
Raf Simons bắt đầu thiết kế thời trang khá muộn ở tuổi 27 nhưng là người đi tiên phong trong thời trang nam giới. Nhà thiết kế mang “những người hùng cô độc” của Antwerp đến Paris, nhóm thanh niên dường như thuộc về một cộng đồng riêng biệt, đẹp dữ dằn nhưng vẫn còn sự ngây thơ của tuổi trẻ. Đây là phong cách mạnh mẽ, lãng mạn, đầy âm thanh của rock và thể hiện tài năng cả trong cắt may trang phục lẫn trong việc khởi xướng những quan điểm mới về cái đẹp. Tôi luôn thắc mắc một nhà thiết kế thời trang độc lập (và quyết liệt như Raf Simons) có phải thỏa hiệp (hay “chịu đựng”?) để có thành công trong thời trang dòng chính thống hay không. Và rồi tìm được câu trả lời trong bài phỏng vấn của Raf Simons với Kanye West cho tờ Interview năm 2008. “Tôi đẩy việc thiết kế thời trang ra xa mình hết sức có thể, vì những-gì-thật-sự-là-tôi chỉ phù hợp với một nhóm nhỏ mà thôi”. Tức là Raf Simons ở Dior là một nhà thiết kế chuyện nghiệp, biết cắt may quần áo, nắm bắt nhu cầu của thời trang hay tạo ra xu hướng mới, nhưng chưa hẳn đã là con người “thật” của anh.
Chiếc áo chubby fur trong BST Thu Đông 2013-14 của Saint Laurent Paris
Còn Alexader Wang khi 27 tuổi đã là nhà thiết kế thời trang trẻ có thương hiệu trị giá 27 triệu đô la và nổi tiếng trong giới ăn chơi trên toàn thế giới. Người ta hâm mộ những trang phục thành thị của anh, áo phông và áo khoác mềm, váy dài ba lỗ ôm sát người, áo khoác da biker, áo nỉ, trang phục có phong cách và chất liệu thể thao, túi xách da thuộc hay giày khảm đinh kim loại. Đây là phong cách “cool” vì có vẻ bề ngoài thân thiện, dễ chịu. Không cần ồn ào nổi loạn (như vài thập kỷ trước đây), không cần phải có niềm đam mê thúc giục người ta nghe một loại nhạc rock, nhạc hip hop, nhạc điện tử gì cụ thể, cũng không cần trông quá khác người. Miễn là có ngoại hình trẻ, dễ nhìn.
Alexander Wang là trường hợp một nhà thiết kế thời trang dòng chính thống đến với thương hiệu tiên phong. Người ta cho rằng chính phong cách “cool” dễ chịu đầy tiềm năng kinh doanh là lý do Balenciaga mời anh về làm giám đốc sáng tạo. Có lẽ Alexander Wang đã gây nên sự bất ngờ dễ chịu tại Paris, một phần vì bản tính khiêm tốn, một phần vì bộ sưu tập Thu Đông 2013-14 được nhận xét là “rất ra dáng Balenciaga!”. Thêm một vài chi tiết mang tinh thần “phố phường”, như áo len có bề mặt láng sơn khô cứng, nứt nẻ (có thể làm liên tưởng đến các thiết kế đầu tiên của Martin Margiela) hay quần ống côn và boots cao cổ. Tuy vậy có vẻ như người ta vẫn còn chờ đến bộ sưu tập tiếp theo, khi mà lý do “không đủ thời gian” để thực hiện một bộ sưu tập hoàn thiện không còn được chiếu cố.
Bạn có thể cho rằng sự ồn ào đầy bức xức đi kèm với việc Hedi Slimane thay thế Stefano Pilati tại Yves Saint Laurent (YSL) thể hiện tính cách của một nhà thiết kế với thái độ “diva”. Bỏ từ “Yves” trong tên thương hiệu, đổi phông chữ (theo mẫu logo thập kỷ 1970), rời studio từ Paris sang Los Angeles, gửi giấy mời dự show với chỗ đứng hoặc cấm cửa các nhà báo thời trang không có thiện chí với mình. Nhưng xét cho cùng, việc “gây sự”, thái độ bất cần hơi trẻ con của nhà thiết kế cũng chẳng khác phong cách anh đưa lên sàn diễn của Saint Laurent Paris, hay gợi lại những hành động, phát ngôn gây sốc của chính Yves Saint Laurent hồi trẻ, đúng là một dạng PR thời trang Paris chính hiệu!
Dior Xuân Hè 2013 – BST Balenciaga Thu Đông 2013-14
Hedi Slimane đến với thời trang năm 1996, một năm sau Raf Simons, nhưng ngay lập tức gây dựng tên tuổi với “siêu” thương hiệu YSL Pour Homme của Paris. Và cũng ngay từ những ngày đầu tiên, anh kết hợp kiểu dáng người siêu gầy, trẻ với đồ suit, tuxedo – trang phục đứng đắn của đàn ông – một cách mới mẻ, ôm sát người, tạo phong cách androgyny (lưỡng tính). Anh trở thành nhà thiết kế quan trọng nhất của thời trang nam giới trong những năm 2000 với thương hiệu Dior Homme. Và thời trang của Hedi Slimane thiết kế cho Saint Laurent Paris có thể coi là bản copy của Dior Homme cách đây hơn một thập kỷ, từ boho chic đến phong cách gợi cảm kiểu rock and roll, đầy khiêu khích. Trong bộ sưu tập Thu Đông 2013-14, anh kết hợp mini jupe da thuộc với áo khoác tuxedo và quần tất lưới đính hạt pha lê hay váy “búp bê” mặc với áo kẻ ca rô, áo len nỉ mohair lót lụa (những trang phục đặc trưng của grunge và punk) và boots cao cổ của những tay chạy xe phân khối lớn. Bạn cũng nhìn thấy hình ảnh chiếc áo chubby fur tai tiếng từ bộ sưu tập năm 1971 của YSL. Báo chí thời trang cho rằng đây là những bản sao của một phong cách đã quá lỗi thời, tuy được làm từ chất liệu đắt tiền một cách công phu bài bản. Saint Laurent Paris của Hedi Slimane khác hẳn với dòng chảy của công nghiệp thời trang, nhưng đó có phải chính là bản chất của phong cách phố phường? Không cần ai thích, không thích ai đi theo! Ở studio mới của mình tại Los Angeles, có lẽ Hedi không quan tâm nhiều đến ý kiến của Paris, miễn sao người Mỹ bỏ tiền mua đồ anh thiết kế.
Sự kết hợp áo kẻ ca rô với váy búp bê trong BST Thu Đông 2013-14 của Saint Laurent Paris
Bài: Thành Lukasz
Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các bộ sưu tập mới nhất, vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ cảm nhận của bạn về các bộ sưu tập. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Mọi thông tin xin gửi về e-mail: thoitrang@dep.com.vn