Nhà văn Đoàn Minh Phượng: Trong đoạn video quay cảnh trật tự đô thị ở Bình Thạnh đánh anh Tình, tôi nghe anh nói “Tôi có làm gì đâu?” Sau khi bị còng tay và đẩy lên xe, anh khóc và nói “Em xin anh, em có làm gì đâu?”
Trật tự đô thị đã đánh bất tỉnh tất cả giới buôn bán lề đường trên đất nước này.
Buôn thúng bán bưng là một nghề có lâu như xã hội Việt. Đó là cách người ta tự nuôi nhau sống. Chưa có quản lý kinh tế hay quản lý đô thị nào vào bất cứ thời nào nuôi được dân như dân đã tự trồng trọt và phân phối miếng ăn đến cho nhau như họ. Trong chuỗi hoạt động đó, người bán hàng rong là cái mắt xích vất vả và gần gũi mà chúng ta gặp hàng ngày. Có một ai trong chúng ta đã không lớn lên nhờ rau trái mẹ mua về nấu từ những người buôn thúng bán bưng? Và những người bán hàng rong, họ đã kiếm tiền nuôi thân, nuôi ăn nuôi học bao nhiêu đứa con của đất nước này, có ai ghi và nhớ được hết hay không?
“Tôi có làm gì đâu?”, anh Tình đã thay chúng ta hỏi cái câu thật nhất và chính xác nhất cho sự hoang mang này. Lâu rồi, chúng tôi không còn rõ thành phố thuộc về ai, ai qui định người ta được làm gì và không được làm gì trên đường phố của mình. Nếu một người bán hàng mang đủ tội để có thể bị còng tay và đánh sau khi tay đã bị còng, thì người mua rau ven đường không phải là lý do và đồng loã đã quyến dụ anh đi bán rong kiếm sống hay sao?
Đâu là lằn ranh khi con người còn là một con người lương thiện, mua bán nuôi thân và gia đình, và bắt đầu từ đâu thì người ta trở thành một cái bị đấm không còn được pháp luật bảo vệ trước sự xúc phạm thân thể và tinh thần một cách man dã? Ngược lại, không phải những người trật tự đô thị nhân danh một thứ luật lệ nào đó hay sao? Luật nào, từ đâu? Làm sao chúng tôi biết?
Xê nho NVP: Kinh tế vỉa hè là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế phi chính thức. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng kinh tế phi chính thức, hiện bằng chừng 30% nền kinh tế chính thức, đóng vai trò là tấm bình phong che chắn bão tố, là tấm đệm giảm nhẹ những cơn khủng hoảng dội vào Việt Nam.
Chính kinh tế vỉa hè đang đóp góp một phần không nhỏ vào con số GDP mà quý vị thường đem ra khoe khoang đấy.
“Em có làm gì đâu?” – Người nhân viên “trật tự đô thị” phân bua. Em thấy anh ta đang giải trình với sếp. Và sếp của anh ta, ông chủ tịch phường ấy, có vẻ ông ta cũng không biết gì nhiều hơn. Em nghe ông ta nói với báo chí: anh bán hàng rong đã chống đối và hành hung tổ công tác, rồi sau đó lăn ra ngủ.
“Em có làm gì đâu?” – Người đứng xem nói. Tôi đang mua rau thì họ ập đến. Tôi chỉ kịp dạt sang một bên. Tôi chỉ dám đứng nhìn, vì họ có dùi cui điện. Tôi chỉ kịp dùng điện thoại quay lại một đoạn phim ngắn. Tôi chỉ có thể lên mạng bày tỏ nỗi bất lực, thương xót, căm ghét, khinh bỉ của tôi.
Em bắt đầu thấy điều gì đó rất quen. Một điều gì em đã nghe quá nhiều lần. “Em có làm gì đâu? Người ta hôi bia đấy chứ!” “Em có làm gì đâu? Họ tham nhũng quá nhiều!” “Em có làm gì đâu? Do máy tự đưa hàng vào luồng xanh!” “Tại trời mưa nên xả lũ.” “Tại lương thấp không đủ mua bánh mì.” “Tại cái nước mình nó thế.” “Em có làm gì đâu?”
Chính là câu hỏi ấy. Câu hỏi nằm bên dưới tất cả các câu trả lời. Câu hỏi được dùng thay cho câu trả lời. Không ai chịu trách nhiệm cho việc mình làm. Ai cũng làm việc họ đang làm vì họ phải làm. Ai cũng là nạn nhân.
Tất cả những sự lộn xộn này, nhiễu nhương này, bất cập này, đều là lỗi của một ai đó khác. Em đổ lỗi cho văn hóa. Em đổ lỗi cho chính trị. Em đổ lỗi cho giáo dục. Đất nước này, vùng đất này, bầy đàn này. Em nhiếc móc, em thóa mạ, em chửi rủa. Em thở dài ngao ngán. Em cay đắng mỉa mai. Em cười lên phe phé. Và em lại thở dài.
Nhưng em có làm gì đâu?
Em đã làm gì để lòng thương của em đến được với người nghèo khổ? Em đã làm gì để sự bất bình của em trở thành vũ khí chống lại bất công? Em đã làm gì để viễn tượng của em về một xã hội bình đẳng hơn, hòa hợp hơn, hạnh phúc hơn trở thành hiện thực?
Xúc cảm của em chưa đủ. Tư duy của em chưa đủ. Lời nói của em vẫn chưa đủ. Khi mà hành động của em vẫn như xưa. Khi em chưa nhận trách nhiệm phần mình. Khi em vẫn làm mọi việc theo thói quen, theo quán tính, theo ảnh hưởng của đám đông.
Em mắng chửi bọn trộm chó không tiếc lời, nhưng vẫn tiếp tục ăn thịt chó. Em than phiền nạn tham nhũng tràn lan, nhưng em luôn sẵn sàng dùng tiền để bôi trơn công việc. Em chê hệ thống giáo dục này lạc hậu, nhưng bản thân em mấy năm nay không đọc một cuốn sách nào. Em tránh trách nhiệm, tránh khó khăn, tránh thay đổi. Em tìm cái gì thuận tiện, cái gì nhẹ nhàng, cái gì có sẵn. Và em mong đất nước này sẽ ngày một tốt hơn lên. Còn gì điên rồ hơn như thế không em?
“Nhưng em thì làm được gì?” – Em sẽ hỏi. Được chứ, em làm được nhiều lắm, nhưng em có một kẻ chặn đường. Kẻ đó không ai khác chính là niềm tin của em cho rằng em không làm được gì cả. Rằng em quá bé nhỏ. Rằng em quá yếu đuối. Rằng mọi thứ đã được xếp đặt, an bài. Nếu đúng như thế, lịch sử loài người có lẽ đã chẳng bao giờ thay đổi. Dalai Lama từng nói, nếu em nghĩ rằng em quá bé nhỏ để tạo ra sự thay đổi, hãy thử đi ngủ với một con muỗi.
Bây giờ hẳn em đã nguôi ngoai. Em chẳng còn nhớ chuyện anh bán hàng rong mấy nữa. Hôm nay anh ấy sẽ phải tìm cách khác, hoặc chỗ khác, để mưu sinh. Tổ công tác trật tự đô thị sẽ tiếp tục công tác. Nhưng em vẫn còn ở đây, với câu hỏi ám ảnh của riêng em. Và dường như mọi điều em biết đều dẫn đến chỉ một cách trả lời.
Ngày hôm nay, bây giờ, em hãy làm gì đi.
L.H (tổng hợp)