“Status phải đọc”: Để đắng cay lại cho người tóc trắng



Với sự cho phép của các tác giả, Đẹp Online gửi tới độc giả tổng hợp các status hay trên mạng xã hội về sự kiện thời sự nóng hổi nhất trong tuần qua: TAND Tp.HCM đã tuyên án tử hình Hồ Duy Trúc (20 tuổi), người trực tiếp chém gần lìa tay nạn nhân để cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ.


Cu Trí:
Tuần trước, một bà mẹ mang thai bị chồng truy sát bằng dao rơi cả thai nhi, bản năng làm mẹ đã giúp chị cứu được đứa con trong một điều kiện sinh nở không thể tồi tệ, dã man hơn nữa.

Tuần này, một bà mẹ tuyệt vọng gào thét bởi đứa con bị tuyên án tử hình bằng quì lạy những người xa lạ, bằng chửi rủa vô thức, bằng những hành động kỳ quặc giữa sân tòa án…

Trong đằng đẵng cuộc đời người mẹ, chứng kiến đứa con từ khi lọt lòng, từ những chập chững bước đi đầu đời, từ bi bô ngọng líu gọi mẹ ơi… Có ai bỏ được con? Có ai mong muốn nó có số phận tức tưởi?

Không ít người làm báo có quá độc ác hay không khi chụp ảnh, bêu rếu, định hướng dư luận bằng những lời lẽ – dẫn chứng đầy miệt thị bà mẹ thứ hai,  một người đàn bà yếm thế đến tuyệt vọng vì thương con, dù nó là tên tướng cướp máu lạnh. Nó sai nó đã phải trả giá bằng mạng sống rồi kia mà.

Mong đợi gì ở xã hội này khi những con người được cho là có tri thức và cả lưu manh hành xử, đối thoại qua lại với nhau bằng sự hèn hạ – độc ác?

“Mẹ là người đầu tiên,


Là người đàn bà sau cuối


Không bao giờ phản bội


Ngay cả khi con ngu dại một đời


Còn mãi với con lời ru ngày xưa…”

(thơ Hồng Thanh Quang)

Hoàng Nam: Vụ tử hình kẻ chặt tay cướp SH thật sự shock. Công bằng mà nói đây là mức án quá nặng. Tất nhiên, người bị hại sẽ mong những thành phần này không có trong xã hội. Không ai, không một xã hội nào mong muốn những thành phần này trong xã hội.

Nhìn sâu rộng hơn một chút, Việt Nam chưa đủ tầm để có những nghiên cứu xã hội học, mặc dù Viện Xã hội học to đẹp còn hơn cả trung tâm thương mại nằm chình ình ở phố Liễu Giai, hàng năm nuôi không biết bao nhiêu con người ở đây để làm gì?

Tại sao họ không tìm hiểu xem vì sao hình thức tội phạm ngày càng nhiều và man rợ và cách để trị tận gốc. Còn trừng phạt kiểu thấy ngọn cỏ nào phát triển thì phát nó đi thì sẽ không thể ngăn những cây cỏ khác sẽ mọc cao tiếp.

Vụ tử hình này chắc chắn sẽ không ngăn được những tội ác khác mà sẽ tạo ra những tâm lý đáng sợ trong cộng đồng mà quan trọng nhất đó là: Coi thường mạng sống và nhân phẩm của người tội phạm.

Hiện nay dễ dàng thấy những comment của những người dân đang tức giận. Thậm chí họ còn đòi tử hình hết cả bè lũ và gia đình của  phạm nhân.

Một mặt người dân sẽ hung hãn, tạo ra một xã hội thiếu nhân văn. Một mặt, sẽ có những vụ “án oan” vì trình độ của người dân sẽ khiến cho những người vô tội phải “chết oan”.

Ai sẽ đảm bảo rằng, một ngày nào đó, tôi hoặc bạn sẽ an toàn trong tình huống “tình ngay lý gian” và không phải chịu một cái kết tức tưởi bởi một đám đông người đang thiếu kiểm soát.

Càng nhiều bản án tử thế, bạn và tôi sẽ càng an toàn hơn trong xã hội này?

Anh Tuấn Anh: Việc tòa xử tử hình có vẻ như nặng so với khung tội mà luật đã ban hành nhưng mà dường như khung hình này được đại đa số những người đã theo dõi phiên xử tán đồng, và đồng cảm với sự mất mát lớn lao của người bị chặt tay.

Người mẹ nào cũng vĩ đại, người mẹ nào cũng sẽ đau đớn tột cùng khi nghe tin mất con. Nhưng ko phải một người mẹ nào cũng hành xử như mẹ của chàng trai ăn cướp này. Bởi một người thiện lương, chắc chắn sẽ nuôi dạy con mình thật tốt mà không tổn hại đến ai, dù trong lời nói. Nếu đã từng sinh con, nuôi dạy con, thì mẹ nào cũng phải trải qua sự khó khăn nhường nào để sinh một đứa con, nuôi dạy nó,  và sẽ đau đớn từng khúc ruột khi con mình bị đày đọa, chặt tay…

Có thể hiểu được sự bấn loạn của bà mẹ, nhưng sự bấn loạn phải có kiếm soát trong từng hành vi. Còn nếu như ở Mỹ, người mẹ này sẽ không yên ổn, vì luật pháp Mỹ chỉ rõ, bạn có thể lăng mạ, phỉ báng nhưng không được phép đe dọa ai, dù hàm ý hay nội ý. Tôi không đồng tình với những lời nói không nhân văn của bà, tôi đồng cảm với đau đớn mất người thân mà thôi.

Cái lỗi lớn nhất là người con, được sinh ra nhưng không trọn làm người làm con, để đắng cay lại cho người tóc trắng.

Thấy nực cười trước những comment cho rằng đeo hột xoàn, trang sức mần chi để rồi bị chặt bị cướp. Ô hay, xã hội bây giờ thật loạn, làm ăn kiếm tiền bao đời nay là một nghề, và bây giờ trộm cướp trắng trợn lại cũng là một nghề nghiệp? Nếu như thế thì xã hội bây giờ còn gì công lý hay lẽ phải.

Một khẩn cầu cấp thiết đó là dẹp bỏ ngay ý nghĩ hay các ý nghĩa, đại ý lồng ghép trong các bậc phổ thông, ở sách giáo khoa là cướp của người giàu (có hơn mình) chia cho người nghèo. Bởi nếu vậy, sinh ra và lớn lên thì chỉ cần cướp là sống ổn???

Chúng ta không có quyền lựa chọn cuộc sống hay số phận nhưng chúng ta có quyền sống như thế nào với cuộc sống. Dẫu biết rằng, ở trên đời, để làm một người tốt – thiện lương bao giờ cũng rất khó, nhưng dù khó thế nào, chúng ta cũng phải trở thành người tốt.

Chả nhẽ, cuộc sống này lại phải như game, hết mạng này, nạp xèng, cào thẻ có mạng khác, thì dễ dàng hơn không? Ai cũng có một lần để sống, hãy sống để không hối tiếc.

Nguyễn Ngọc Thạch: Hai ngày nay, báo chí đưa tin về việc tử hình Trúc, kẻ đứng đầu vụ án chặt tay cách đây gần 1 năm. Theo pháp luật, tội Trúc chưa đủ để tử hình, nên mẹ cậu và người thân có những hành động, lời nói bị dư luận lên án. Chuyện ai đúng ai sai, mỗi người tự có lý luận riêng cho mình để phản bác hay đồng tình.

Chiều nay, có gọi nói chuyện với mẹ, mẹ cũng quan tâm, hai mẹ con lại nói về câu chuyện này. Tôi nói rằng, mình rất tức giận khi nghe câu mẹ cậu Trúc nói, mẹ cười, trả lời: “Nếu là mẹ, mẹ cũng sẽ nói những lời như vậy khi con mình bị đem đi xử tử.”

Chắc câu chuyện về gà mái mẹ sẵn sàng xù lông, chiến đấu với diều hâu để bảo vệ con mình, ai ai cũng biết. Tôi nghĩ trong trường hợp này, cũng tương tự.

Hệ tư tưởng phương Tây thường đặt chủ nghĩa cá nhân lên hàng đầu, mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm với những gì bản thân mình gây ra. Trước có lần tôi thấy một cặp vợ chồng Tây du lịch, đeo hai ba lô lớn sau lưng, bước đi khá nhanh, một cậu Tây con cũng đeo ba lô lớn, cố gắng bước gần như chạy theo cha mẹ mình. Tôi thắc mắc vì sao hai vợ chồng không dừng lại mang đồ giùm đứa con. Bạn tôi đi cùng bảo chuyện này rất dễ thấy bên xứ Tây, vì bọn Tây tập cho con thói quen phải tự gánh vác mọi thứ từ khi còn nhỏ.

Hệ tư tưởng Á Đông ta, thường có câu “mũi vại thì lái chịu đòn” hay “con dại cái mang”, tức là quy tội lỗi của đứa con về trách nhiệm của bậc làm cha mẹ không biết dạy dỗ chúng. Thứ này đơn thuần nằm trong tư tưởng thiên về tập thể, đặt nặng giá trị của gia đình lên hàng đầu. Ngày còn nhỏ, tôi nhớ có lần tôi đánh nhau với bọn trẻ hàng xóm, mẹ nó dắt con qua tận nhà tôi mắng vốn. Mẹ tôi chỉ đơn giản nói rằng: “Hai đứa đánh nhau thì là lỗi của cả hai, giờ chị bắt mình con em chịu lỗi thì đâu được.” Rồi khi người ta dắt con về, mẹ mới đánh tôi một trận đòn nặng vì thói gây sự đánh nhau.

Tôi nghĩ, bất cứ người mẹ nào cũng vậy, trước hiểm nguy thì luôn luôn tìm mọi cách để bảo vệ cho đứa con của mình. “Nuôi con trăm tuổi, mẹ lo chín mươi chín năm”, chuyện này chắc không khó hiểu trong xã hội ta.

Quay lại chuyện mẹ cậu tử tù có những câu nói như thế, nghe mẹ nói xong, tôi thấy chẳng còn tức giận, mà chỉ thấy buồn. Từ cách nói chuyện và hành động, tôi nghĩ người mẹ đó không được ăn học nhiều, cũng như xuất thân trong một hoàn cảnh không lương thiện. Tiếc rằng, thay vì tách con ra như mẹ thầy Mạnh Tử, mẹ cậu Trúc lại để con mình phát triển theo con đường khác.

Rồi thì sao, bản án thì vẫn y vậy, nếu đúng tinh thần pháp luật, bản án ấy là quá nặng vì còn “mang tính răn đe”, dù rằng chả pháp luật nào nên đem mạng con người ra làm biện pháp răn đe. Người mẹ ấy đã mất con, nên trong một chút từ bi, đạo đức nào đó con người hay ca ngợi, cũng nên niệm thứ, tha cho bà ta vì bà đã đang phải chịu trách nhiệm, quả báo cho việc giáo dục con không tốt của mình. Bản án ấy, tôi nghĩ không nhẹ hơn bản án tử hình đâu, khi nhìn thấy người mình yêu thương nhất cuộc đời phải ra đi.

Trước khi tôi cúp máy, mẹ tôi còn nói thêm “nhưng mẹ sẽ cố gắng hết khả năng của mình để con không bao giờ đi con đường như vậy… chỉ hi vọng trên đời này, chẳng bà mẹ nào bị buộc phải lìa xa con.”

L.H (tổng hợp)

>>> Có thể bạn quan tâm: Bạo lực thân thể đã là đáng lên án nhưng trẻ nhỏ còn chịu nhiều cảnh bạo hành tinh thần còn ghê gớm không kém. Cái quan trọng nhất là không ai lắng nghe trẻ nhỏ cả. Vì sao?

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category