Status "phải đọc": Đánh trẻ con chẳng có gì đặc biệt - Tạp chí Đẹp

Status “phải đọc”: Đánh trẻ con chẳng có gì đặc biệt

DELETED

Với sự cho phép của các tác giả, Đẹp Online gửi tới độc giả tổng hợp các status hay trên mạng xã hội về sự kiện thời sự nóng hổi nhất trong tuần qua: bảo mẫu và quản lý hành hạ trẻ mầm non,

Nhà văn Đoàn Minh Phượng: Năm con trai tôi vào lớp 1, tôi quyết định cho con đi học trường Việt. Nhưng cái giá của sự yêu tiếng Việt, chúng tôi không trả nổi.

Khi làm thủ tục nhập học, tôi đã nói chuyện với nhà trường, rằng con tôi học mẫu giáo ở nước ngoài, và mẫu giáo nước ngoài không dạy viết, dù là viết tiếng nước nào. Ngay trong ngày đầu tiên ở lớp 1 ở trường bán dân lập ở Quận 3 đó, thằng bé bị cô giáo nắm tóc đánh vì không biết viết.

Đó là buổi học đầu tiên và cuối cùng của con tôi ở đó. Ngày hôm sau tôi đi học thay con trai. Bất chấp các cô ở văn phòng ngăn chận thế nào, tôi đi thẳng vào lớp, ngồi vào chỗ của con, chờ cô giáo vào để hỏi cô đã làm gì con tôi. Lúc cô giáo chưa tới, tôi có một ít thì giờ để hỏi các học sinh khác về chuyện nắm tóc ngày hôm qua.

Tôi cho con tôi nghỉ học, thì cần gì phải mất thì giờ nói chuyện với cô giáo. Nhưng tôi đến lớp để nói với cô giáo như thế này: Vấn đề không phải là con tôi. Tôi không đến để xin cô con tôi không biết viết thì mong cô để từ từ em học. Tôi đến để nói cô không có quyền làm vậy với bất cứ em nào cả và chờ nghe cô trả lời ai cho phép cô làm như vậy.

Nhưng tôi chỉ tưởng tượng thôi. Lúc gặp cô giáo, tôi không có cách nào để hỏi câu đó cả. Vì tôi có la hét thế nào, cô giáo cũng không nghe thấy.

Đó là một bà già điếc. Vừa điếc vừa có vẻ như sắp loà đến nơi, hay ít nhất là cô giáo không có khả năng tập trung cái nhìn của mình vào người đối diện, vào học sinh, hay vào bất cứ thứ gì. Cô giáo ngơ ngác, không biết tôi nói gì, muốn gì. Có thể bà già ấy giả điếc, có thể bà ấy điếc thật. Còn tôi, tôi còn ngơ ngác hơn bà ấy. Bà già điếc này là cô giáo nghe con chúng tôi đọc bài? Một bà già mà nếu gặp ngoài phố, lúc bà sắp băng qua đường, chúng tôi sẽ chạy lại nắm tay bà dắt qua vì bà không nghe không thấy lỡ bị xe đụng thì sao?

Rồi cũng cái bàn tay yếu đuối mà chúng tôi sẽ nắm lấy dắt qua đường đó sẽ nắm tóc con chúng tôi lên tát vào mặt chẳng vì lý do gì cả. Điều mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được là những con người hiền lành yếu đuối có thể làm gì với bọn trẻ con khi chúng ta quay lưng đi. Và tôi đã không tưởng tượng được. Tôi đi về.

Lúc đi ngang văn phòng, các cô ở văn phòng nói cô giáo lớp 1A đã hưu rồi. Tôi không phải lo lắng cho con mình, chờ vài hôm có giáo viên mới, thì cô ấy sẽ nghỉ thôi. Cô ấy già rồi. Đánh học trò là thói quen. Người già rất khó bỏ đi thói quen mấy mươi năm của mình.

Trẻ con đi học có phải để bị đánh, chỉ vì đánh là một thói quen của thầy cô hay không?

Vấn đề của chúng ta là chúng ta không phải là người ở bên ngoài để mà dửng dưng với chuyện đánh trẻ con, cũng không phải là người ở bên trong để cương quyết làm cho đến nơi đến chốn. Tôi không là ai và không ở đâu cả. Tôi ở đâu về, đã cho con nghỉ học, thì không có lý do và vị trí nào để ngăn chặn chuyện cô giáo già nắm tóc trẻ con lớp 1 tát tai. Những phụ huynh khác không cho con nghỉ, thì không làm chuyện đó vì họ rất biết rằng thái độ tốt nhất là làm sao cho con mình càng ít bị để ý càng tốt. Để trả thù trẻ con, thì một số thầy cô, nhà trường có nhiều dịp lắm. Và nhiều thời gian, rất nhiều.

Một xã hội xa xưa nào khác, trong một cộng đồng nhỏ, việc gì trong đó cũng liên quan đến mình. Mình làm gì cũng trong một cái khoảng không gian bên trong tầm nhìn. Chúng ta có thể thấy, nghe được vang vọng của việc mình làm. Tôi tưởng tượng như vậy.

Nhưng xã hội hiện đại quá lớn. Sự phân quyền và phân công chiều dọc chiều ngang trong một vùng quá rộng đã trở nên quá trừu tượng và khó hiểu. Có những việc có quá nhiều người có trách nhiệm, đến nỗi xin làm một chuyện gì đó phải qua gần mười ban ngành. Rồi có những việc không ai cảm thấy là việc của mình cả.

Hôm nay xem đoạn phim của báo Tuổi Trẻ quay một cô gái và một người đàn bà trẻ đánh trẻ con ở một trường mầm non, điều ghê gớm thứ nhất tôi thấy là rõ ràng đó là chuyện họ làm hàng ngày. Mỗi ngày. Đánh trẻ con chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một thói quen. Và có lẽ họ không phải là những người duy nhất.

Điều ghê gớm thứ hai là khi tôi tự hỏi sao cha mẹ những đứa trẻ ấy không biết – và tôi không có câu trả lời. Về nhà họ không nói chuyện với con, ôm ấp da thịt của con hay sao mà không biết? Cuộc sống khó khăn làm cho họ dửng dưng với con mình đến vậy sao?

Một trong những bản năng cần thiết nhất của con người – của bất cứ động vật nào – là bản năng bảo vệ những gì thơ trẻ. Chúng ta nhìn thấy trong đôi mắt trẻ con sự ngây thơ, đáng yêu, và cần được đùm bọc. Trời sinh chúng ta thấy như vậy, vì trẻ con non yếu, không được che chở thì em gẫy đổ. Đến cái bản năng đẹp đẽ nhất mà cũng đành bỏ hay sao?

Bettina Wegner hát bài này:

Bàn tay em nhỏ xíu
những ngón tay bé con
Đừng bao giờ đánh nhé

xương em còn mong manh.


Động Hoa Vàng: Không biết gửi con ở đó thì biết gửi ở đâu?

Trong hàng triệu bậc cha mẹ phẫn nộ với 2 “cô giáo” ở nhóm trẻ gia đình Phương Anh, có rất nhiều người đều có chung nỗi lo: liệu con mình có bị đày đọa như vậy không? Không có gì đảm bảo con không bị đày đọa khi quý vị giao con mình cho các nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình vốn bây giờ mọc lên như nấm, không ai theo dõi.

Nhưng không gửi con ở đó thì biết gửi ở đâu khi mà nghỉ đẻ 4 tháng phải đi làm, muốn xin vào trường công không dễ chen chân, thu nhập không đủ để gửi các trường tư có chất lượng với học phí cao ngất, thôi thì đành chấp nhận “đưa con vô nội”, nhờ giữ giúp ở các trường nhỏ, nhóm trẻ gia đình, gửi cho bà hàng xóm…

Đã từng có Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai và nhiều “cô giáo”, “bảo mẫu” khác hành hạ trẻ em. Sự kiện Phương Anh không phải là đầu tiên và duy nhất, mới đây còn có một “bảo mẫu” đạp vỡ tim làm chết một em bé, cũng ở Sài Gòn. Nhưng bao lời cảnh báo bấy lâu chẳng ai quan tâm. Trường, nhóm trẻ cứ mọc. Các “cô giáo” vẫn ra tay.

Hễ có vụ nào bị phát giác thì kiểm tra, nhưng đều như viên đá sỏi ném xuống lay động mặt hồ tí rồi nhanh chóng trở lại phẳng lặng. Cho nên những vụ hành hạ khác vẫn có thể đang diễn ra bằng các hình thức khác. Những người làm cha mẹ chỉ còn ngậm ngùi cầu mong là con mình may mắn không bị hành hạ. Để con mình không bị đày đọa thì cách duy nhất nghe rất cay đắng: quý vị phải “cày” ra tiền nhiều, gửi con vào trường công hoặc trường có chất lượng với học phí cao.

Nguyễn Ngọc Thạch: Có nhiều người đang lầm tưởng về những đạo đức cần có của một ngành nghề, và đạo đức cần có của những người làm nghề đó. Thế nên khi xảy ra chuyện bác sĩ phi tang xác, giáo viên hối lộ, bảo mẫu đánh người,… người ta nói rằng những con người này không xứng đáng với yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của ngành nghề họ đang theo đuổi.

Nhưng thực ra, đạo đức cần có của những người làm nghề khác cũng cần lưu tâm. Các cháu bé trong clip rất tội. Bé gái, trong lúc bị ốm và dọa ném vào thùng nước, khi cô trẻ mở nắp thùng, nó đã vội níu áo, lùi lại, có nghĩa là cơ chế tự bảo vệ được bật, chuyện hành hạ này không chỉ mới xảy ra lần đầu. Đứa bé trai tương tự, khi bị đánh cũng giơ tay đánh lại, phản xạ không điều kiện cho thấy nó cũng đã bị đánh nhiều lần.

Thật sự khâm phục người đã ngồi yên và quay lại được 8 phút phim quý giá này. Chắc hẳn anh phải là phóng viên kỳ cựu của một tờ báo nào đó mới đủ nghiệp vụ để dằn hết cảm xúc của mình mà ghi hình, nếu là tôi, tôi đã đi vào, đấm thẳng vào mặt hai con người đang hành hạ đồng loại đó.

Thật sự càng khâm phục những bạn phóng viên đã hỗ trợ lực lượng điều tra hết mình khi nhanh chóng tìm ra danh tính, địa chỉ, thậm chí cả Facebook của hai bảo mẫu. Đồng thời đứng thản nhiên, hí hửng, thỏa mãn chụp lại mấy tấm hình quý giá lúc hai bảo mẫu đứng trước bức tường xanh của phòng tạm giam. Các bạn giúp tôi hiểu được thêm về ngữ cảnh quyền lực thông tin được trao vào tay bọn kền kền hôi xác.

Xê Nho Nvp: Đang quan tâm đến mối quan hệ tương tác giữa mạng xã hội và báo chí nên tôi quan sát vụ hai bảo mẫu hành hạ con trẻ dưới góc độ này và thấy một số điều như thế này.

Lúc nào xảy ra một vụ gây xôn xao như thế này đều xuất phát từ báo chí trước, ngay sau đó mạng xã hội là nơi làm bùng phát sự phẫn nộ của mọi người dưới nhiều sắc thái khác nhau, lan tỏa như đám cháy rừng. Sự phẫn nộ đó lây lan ra báo chí chính thống, buộc hàng loạt tờ báo khác vào cuộc. Mọi việc bị đẩy tới đỉnh điểm.

Sau đó một thời gian, ngắn dài tùy lúc, nhưng thường xuất phát từ mạng xã hội với một cây bút được nhiều người theo dõi, đưa ra một góc nhìn khác, tỉnh táo hơn, có trách nhiệm hơn. Ví dụ ở đây là trách nhiệm của bố mẹ vì không lẽ con họ bị hành hạ như thế suốt một thời gian dài mà họ không phát hiện được? Dư luận mạng xã hội chùng lại và có khả năng bục ra ở một hướng hoàn toàn mới. Chẳng hạn trong vụ này là tấm hình hai bảo mẫu chịu sự soi mói của báo chí làm một số người đặt vấn đề sự căm thù, tính bạo lực không giải quyết được vấn đề…. Cứ như thế mạng xã hội như một cơ thể sống, thay đổi liên tục.

Theo tôi, ở trên mạng xã hội, các làn sóng xúc cảm thay đổi từng giờ là chuyện bình thường – vậy nó mới là mạng xã hội. Chẳng hạn, sự phẫn nộ ban đầu (hoàn toàn chính đáng) có thể là để giải tỏa mặc cảm (bỗng nhận ra) là lâu nay mình không quan tâm đến con cái, không lắng nghe chúng, không biết vì sao nó sợ hãi khi bị đưa đi nhà trẻ. Đó có thể là cảm giác ân hận, cảm giác mình cũng có lỗi… và đó chính là hiệu ứng tích cực từ câu chuyện đáng buồn này – nó giúp cảnh tỉnh mọi người trong một chừng mực nào đó. Mọi tranh cãi đều có ích, ít nhất nó giúp nhiều người giảm stress.

Nhưng làm báo phải thận trọng không thể chạy theo xúc cảm của mạng xã hội vì rất dễ chạy quá đà, rơi vào chỗ lố bịch. Làm báo là phải có sự tỉnh táo cần thiết. Ví dụ chạy theo mạng xã hội để lôi các trang Facebook của hai người bảo mẫu này với người thân của họ là quá đáng. Ví dụ cho nhịp phim chạy nhanh lên nhiều chỗ để nhấn mạnh hành vi bạo lực là không trung thực. Ví dụ đẩy làm sao thành “sẽ xét xử lưu động” sao giống thời Trung Cổ quá.

Theo tôi lẽ ra báo chí chính thống nên khai thác những đề tài này, nó quan trọng hơn nhiều:

– Vì sao công nhân nghèo không gởi con được vào các trường mầm non công lập? Các trường mầm non công lập hiện dành cho ai?
– Vì sao một nhà giữ trẻ chưa có phép mà vẫn hoạt động, không ai xử lý?
– Vì sao quy trình đào tạo đại học giáo dục mầm non vẫn đẻ ra những nhân vật bảo mẫu như thế?
– Có biện pháp gì để ngăn chặn hiện tượng bạo hành với trẻ nhỏ vì đây không phải là trường hợp cá biệt. Gắn camera có phải là điều khả thi?
– Bạo lực thân thể đã là đáng lên án nhưng trẻ nhỏ và ngay cả học sinh cấp một hiện còn chịu nhiều cảnh bạo hành tinh thần còn ghê gớm không kém. Cái quan trọng nhất là không ai lắng nghe trẻ nhỏ cả. Vì sao?

L.H (tổng hợp)

logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: Ơ tuyết rơi ở Sapa có phải vì tụi Hà Nội khấn cho nó rơi để lên nghịch đâu? Nó lên nghịch kệ nó, việc trâu chết rét, hoa mầu chết cóng, ức lắm thì đi trách mấy bố địa phương không có phương án chủ động tránh rét cho dân là cùng chứ? (Mà nói thế thôi, tránh kiểu gì?)

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

18/12/2013, 11:33