"Sống trong sợ hãi" vì hóa chất - Tạp chí Đẹp

“Sống trong sợ hãi” vì hóa chất

DELETED

Thông tin rau này nhiễm bẩn, quả kia ngâm hóa chất ngày càng nhiều. Nó khiến các chị em cũng cảm thấy áp lực khi là người lựa chọn nguyên liệu cho bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe của cả nhà.

Nỗi sợ hãi có thật

Lòng vòng gần cả tiếng đồng hồ trong một siêu thị lớn trên đường Ba Tháng Hai nhưng chị Hoàng Minh Nguyệt, 40 tuổi, Q. 10 TP. HCM chẳng chọn được cho mình mớ rau ngon. Chị đưa cho phóng viên xem một bịch nấm đùi gà với nỗi lo lắng trên gương mặt: “Định mua nấm về nấu lẩu cho cả nhà bữa cuối tuần nhưng nhìn kỹ nơi sản xuất mới thấy bịch nấm này xuất xứ từ Trung Quốc. Tôi bỏ luôn ý định nấu một nồi lẩu thiệt ngon, tìm mớ rau cải, mồng tơi về luộc. Nhưng cái bịch nấm Trung Quốc này cứ ám ảnh, đâm ra tôi nghi ngờ luôn mấy loại rau khác cùng quầy”.

Nhiều bà nội trợ cũng cùng nỗi lòng như chị Nguyệt, đi ra chợ thì sợ rau không sạch, vào siêu thị mua cho an tâm. Nhưng ở siêu thị, hàng cũng nhập từ xứ Tàu nên bà nội trợ cũng chẳng biết tin vào đâu. Các cụ xưa hay có câu “ăn bẩn sống lâu” nhưng là ở thời của các cụ, gạo xay từ lúa mùa, loại lúa tự nảy mầm, lên cây, ra hạt mà không có phun bất kỳ loại thuốc trừ sâu, diệt rầy nào, còn rau thì tự mọc ngoài bờ ao, trong vườn nhà nên ăn cũng an toàn hơn. Còn ăn bẩn ở thời buổi này xa một chút sẽ mắc ung thư đường ruột, gần thì bị ngộ độc dễ như chơi. Lý do là rau quả bị lạm dụng hoá chất tăng trưởng, bảo quản ngày càng phổ biến.

Đến người bán hàng thậm chí còn chẳng cần phải giả vờ rau sạch, rau an toàn với người mua. Tại một quầy rau ngay trong khi chợ Thanh Đa, Q. Bình Thạnh, phóng viên chọn vài quả dưa leo, 3 quả mướp đắng, hỏi chị bán hàng: “Rau này trồng ở đâu?”. Chị thành thật luôn: “Trồng ở Củ Chi đấy, nhưng cũng phải bón thuốc thôi chị ơi. Không bón thường xuyên, quả không phát triển, không mướt như vậy đâu”. Và theo chị, khổ qua, dưa leo chính là những loại rau được bón nhiều thuốc tăng trưởng nhất, mà đó lại là loại rau thông dụng trong bữa ăn của người dân.

Xem ra không chỉ những nguồn hàng nhập từ xứ Tàu, mà ngay cả trong nước, tại các điểm sản xuất, trồng trọt, các chủ vườn cũng đã cho rau “ăn” quá nhiều thuốc, giúp rau tươi ngon, bắt mắt người mua, tăng lợi nhuận cho kẻ bán. Chưa kể, “dựa hơi rau hóa chất độc hại”, các điểm được cho là bán rau sạch, ít thuốc lại được dịp tăng giá cao ngút trời. Chị Hoàng Ly, 35 tuổi, nhà ở Thanh Đa, Q. Bình Thạnh than thở: “Gia đình tôi có 5 người, trước giờ ít ăn thịt, chủ yếu là rau. Đi chợ thì mua rau theo cảm tính của mình. Nhưng mấy hôm nay giá rau cao quá, bỏ 3 ngàn đồng ra mua hành ngò về nêm canh nhưng người bán có vẻ không mặn mà lắm, trong khi trước đây, tôi chỉ cần mua 1 ngàn đồng là được. Có hôm, tôi đi chợ hết trăm ngàn mà vẫn không đủ rau cho một ngày. Đừng nói đến chuyện nấu lẩu vì tiền rau còn đắt hơn tiền thịt, cá, tôm”.

Cái khó ló cái khôn

Rau bẩn thì hại cho sức khỏe, rau sạch thì trong vùng bão giá, để thoát khỏi “thập diện độc hại mai phục”, nhiều người đã tự trông rau tại nhà, phục vụ bữa ăn mỗi ngày. Thật ra, trào lưu trồng rau của người thành thị đã có vài năm nay và đứng trước diễn biến rau xanh chứa quá nhiều hóa chất thì chuyện làm vườn từ thú vui trở thành công việc chính, có sự đầu tư khá nhiều công sức.

Chị Nguyễn Minh Hằng, 33 tuổi, Q. 2 chia sẻ: “Sinh đứa con đầu lòng, ông xã tôi đã bắt đầu mua mấy thùng xốp, đất dinh dưỡng và hạt giống rau cải, mồng tơi về, hì hục làm vườn, trồng rau ở cái ban – công bé tin hin của nhà. Bé con được năm tháng tuổi đã có rau ăn dặm hàng ngày. Tiếp đó, vì quá hoảng với những loại rau có xịt thuốc tăng trưởng ngoài chợ, vợ chồng tôi mở rộng diện tích, trồng thêm một số loại rau khác. Vẫn cảm thấy quá chật hẹp, chúng tôi quyết định lén trồng rau ở sân thượng của chung cư”.

Dần dà, nhìn thấy gia đình chị Hằng có vườn rau xanh tốt quá, các hộ lân cận cũng bắt chước làm theo. Cả sân thượng là khu vườn treo xanh mướt rau bí, cải, bồ ngót, mồng tơi. “Ban Quản lý khu chung cư bắt gặp, khiển trách, nhưng các hộ trong khu đã năn nỉ và cam kết sẽ giữ vệ sinh sạch sẽ cho khu vườn. Từ đó, nhà tôi chỉ mua các loại rau củ khó trồng như bí đỏ, cà tím, ngò rí, su hào, củ cải… còn các loại cải, rau muống dễ trồng thì cứ tự sản xuất, luân phiên vài bữa là có rau ăn rồi. Từ tầng 3 lên đến tầng 7 hai lần mỗi ngày để tưới rau kể cũng nhọc thật nhưng có rau xanh, an toàn cho bữa ăn mỗi ngày, chúng tôi coi việc chăm trồng này như tập thể dục”, chị Hằng nói.

Gia đình chị Thu Cúc, 42 tuổi, đường Tân Kỳ – Tân Phú, Q. Tân Phú cũng nhiều lần khát khao có mảnh vườn nhỏ để trồng rau ăn hằng ngày. Mong ước đó trở thành sự thật kể từ khi mẹ chồng chị từ nước ngoài về sống cùng. Bên kia, bà cụ cũng có một vườn rau, hoa quả cạnh nhà. Về đây, bồn chồn chân tay vì không có gì để làm, thấy bên hiên nhà còn khoảng đất trống, mẹ chồng chị Cúc mới nhờ con trai chở đi mua đất và các loại hạt về trồng. Mỗi ngày hai bận sáng chiều, bà cụ hết bón phân lại tưới nước, bắt sâu cho đám rau. Bốn mươi lăm ngày sau, nhà chị Cúc đã có bữa canh cải nấu tôm đất thơm ngon. “Mẹ tôi còn trồng cả dưa hấu, dưa gang, khổ qua. Đến lúc thu hoạch, trong nhà có đến chục quả dưa gang, ăn không hết làm quà biếu họ hàng ở xa. Nhìn mẹ háo hức gói ghém món quà mang cho hàng xóm, vợ chồng tôi vui lắm. Cứ nghĩ để mẹ trồng rau cho tinh thần bà vui, ai ngờ, nhờ công của bà mà cả nhà tôi có rau ngon ăn mỗi ngày, vừa an toàn, vừa tiết kiệm tiền rau chợ một khoản kha khá”.

Đặc biệt, chị Hằng chia sẻ thêm: “Rau vườn nhà còn được làm quà tặng bạn bè, người thân. Thời buổi này, nhận một bó rau ngon “cây nhà lá vườn” chính là nhận một bài thuốc quý. Tôi còn học mẹ chồng cách ủ giá đậu, vì sợ giá ngoài chợ nhiễm hóa chất độc hại. Tôi còn chỉ cho con gái cách chăm rau, tưới nước, trồng giá. Bé thích lắm, nó bảo còn có ích hơn mấy bài học môi trường ở lớp”.

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

06/12/2012, 14:14