Sôi sục mùa yêu dưới biển - Tạp chí Đẹp

Sôi sục mùa yêu dưới biển

DELETED

Dưới đáy đại dương, Tình yêu vẫn sôi sục và không kém phần kỳ thú. Nào một đời bạch tuộc lụy tình, nào cá ngựa – chồng thay vợ mang bầu và “khai hoa nở nhụy”, nào cặp vợ chồng sam cõng nhau đi trọn cuộc tình. Nhưng cư dân chính của biển khơi – loài cá – mới thật lạ kỳ. Chàng cá chình tỏ tình bằng dòng điện làm nàng đê mê, ngây ngất, cá mập búa “không chồng mà chửa” và cá voi xanh dữ dội tỏ tình…


Tình tôm tép

Những nàng tôm khổng lồ trong tình yêu luôn luôn là kẻ chủ động. Khi kích thích tố sinh dục bắt đầu tiết vào máu, các nàng lập tức tự lên đường đi tìm… trai theo tiếng gọi của tình yêu ngàn đời. Với giác quan đặc biệt, nàng phát hiện ra sào huyệt của một chàng.

Chưa biết nếp tẻ ra sao, nàng cứ phăm phăm xán đến, treo mình ngay cửa ra vào và buông lời ong bướm bằng cách phóng thả pheromon ra ve vãn. Nhận được tín hiệu tỏ tình, chàng hồ hởi tiến ra, khua đôi càng nặng nề dò hỏi.

Đã tỏ mặt, nàng ngó nghiêng đánh giá rồi hoặc “chê” chàng còn bé dại, lặng lẽ bỏ đi, hoặc bị “sét đánh” bởi thân hình lực lưỡng, e thẹn xáp lại, đặt càng của chàng lên đầu mình, tỏ ý chấp nhận và dụ chàng quay lại hang để kín đáo bày chuyện yêu đương.

Đôi tình nhân đứng bên nhau, lấy càng vỗ vào lưng nhau liên tiếp hàng giờ không chán. Sau vài ngày chung sống trong hang, một buổi nàng bỗng vùng dậy, đẩy chàng ra xa và trút dần lớp vỏ ngoài. Nàng lột xác. Chàng đứng cạnh, lăng xăng lấy chân ra sức quạt nước để thông khí và làm các hoá chất tiết ra từ nàng lan toả xung quanh như để thông báo với thiên hạ: nhà chúng tôi đang có tin vui, đừng ai đến.

Trút xong bộ áo cũ, nàng nằm bẹp dí. Nửa giờ sau, bắt đầu ngọ ngoạy, lớp vỏ mới cứng dần. Nàng gần như đứng thẳng, hướng bụng về phía chàng. Chàng đỡ nàng nằm ngửa ra, áp mình lên nàng và những cặp chân lại liên tục quạt nước. Chàng đưa cặp chân thứ nhất vào túi chứa tinh gần đuôi nàng và trút vào đó khối tinh trùng đầu tiên.

Sau đợt tiếp nhận này, nàng búng đuôi, hất chàng ra, lùi vào đáy hang nghỉ ngơi. Còn chàng, thong thả vơ bộ áo nàng vừa thay, nhấm nháp một cách ngon lành.

Cuộc tình diễn ra vài lần như thế nữa. Cơ thể nàng cho hay đã lĩnh đủ số tinh trùng cần thiết, và chàng đã trở thành “người thừa”. Thế là nàng lẳng lặng bỏ đi, tự tìm một hang mới sống cô đơn để lớp vỏ cứng lại, thường mất hai tháng vào mùa hè ấm áp và lâu hơn đôi chút vào mùa đông. Sau đó nàng cần mẫn đẻ trứng.

Mùa sinh nở kể từ lúc thèm khát tình yêu đến khi đẻ ra những chiếc trứng bé tí teo kéo dài từ 9 đến 12 tháng. Số trứng tùy loài, tùy tuổi, tùy mùa, có khi lên tới 80.000 quả.

Còn chàng? Ôi, cái gã bạc tình nói đến làm gì! Nàng vừa đi khỏi đã thấy một ả tôm hùm khác thập thò trước cửa hang. Gã lại ga lăng mời vào, lại tán tỉnh, lại giúp cô vợ mới lột xác, lại làm tình, lại thưởng thức bộ vỏ ả trút ra lấy sức cho cuộc tình sau như một nhà truyền giống mẫn cán, ham vui và trong đời chẳng biết có bao nhiêu người đẹp qua tay gã.

Nghêu ngao những chiếc tua tay dài

Bạch tuộc xứng đáng là điển hình cho sự hy sinh vì tình. Đến mùa sinh đẻ, bạch tuộc đực và cái quấn quýt bên nhau, chờn vờn những chiếc tua trong một vũ điệu ngoạn mục. Màu của cả đôi cứ thay đổi theo cường độ của sự say mê. Đến khi nàng tỏ ra đã thuận tình ân ái, chàng lấy những chiếc tua quấn chặt nàng rồi cho một chiếc tua, chính xác là tua thứ ba ở bên phải chứa đầy tinh trùng mà bình thường dùng vào việc di chuyển, săn mồi – gọi là tua giao hợp – chui vào ống dẫn trứng của nàng.

Cuộc tình kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ nhưng rất ít ai được chứng kiến vì bạch tuộc đực sống độc thân và chỉ yêu đương có một lần trong đời. Trong giờ phút thăng hoa, chàng không nỡ rút “cái vòi hạnh phúc” ra khỏi nàng khiến chiếc tua bị đứt lìa khỏi cơ thể và và ở lại trong nàng như một kỷ vật của ái tình. Rồi chàng bỏ nhà ra đi, sức cứ yếu dần sau vụ yêu đương cuồng nhiệt đến kiệt sức và vài ngày sau, chàng chết.

Nàng sẽ tìm một hang để cư trú, dùng dần những tinh trùng chàng để lại, hoài thai và ở lì trong đó đợi chờ khoảng 3 tháng rồi cho ra đời những hạt trứng bằng hạt gạo, xếp thành những sợi dây chuyền long lanh từ trần hang treo rủ xuống. Nàng tận tụy bảo vệ kết quả của tình yêu, hàng ngày phun nước sạch lên trứng để rửa bằng hết các ký sinh trùng bám vào và cung cấp đủ oxy cho trứng phát triển mà không hề ăn uống gì cho tới khi trứng nở.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ làm mẹ, nàng bình tĩnh từ giã cõi đời. Bọn ấu trùng nở ra trôi dạt theo đám phù du và nếu may mắn, sống sót sẽ chìm xuống đáy biển, lặp lại một chu kỳ sống như bố mẹ.

Yêu một lần rồi chết… bởi vậy, tuổi thọ của bạch tuộc rất thấp, thường chỉ vẻn vẹn 6 tháng trời, trừ loài bạch tuộc khổng lồ ở Thái Bình Dương sống được đến 5 năm. Sự hy sinh của bạch tuộc bố và mẹ cho tình yêu và con cái đã làm xúc động biết bao nhiêu nhà thơ trên thế giới.

   

Kẻ chung tình nhất thế gian

Có một loài sinh vật biển mà tất cả các ngôn ngữ thế giới đều gặp nhau: cá ngựa. Chẳng có gì là lạ bởi đó là một loài cá bé nhỏ, lắc lư bơi đứng, có chiếc đầu hình một chiến mã. Cá ngựa nổi tiếng vì nhiều lẽ. Các nhà đông y coi chúng là vị thuốc quý chữa các bệnh hiểm nghèo, các quý bà chọn chúng làm tặng phẩm dành cho đức lang quân như một thứ viagra dân dã.

Các em nhỏ coi chúng là một con “thú cưng” tuyệt vời. Còn các nhà sinh học lưu ý đến tập tính độc đáo của chúng trong vai trò một ông chồng thủy chung có một, sẵn sàng giúp vợ cả việc… mang thai.

Thân hình cá ngựa đực nhỏ hơn cá ngựa cái nhưng bụng lại to hơn, bởi phía dưới có một cái túi, được cấu tạo bằng 2 lớp da mỏng, mặt trong có vô số mạch máu nhỏ li ti dùng để ấp trứng sau này. Ở tuổi trưởng thành, đến lúc trứng đã đầy trong tử cung, thường vào sáng sớm hoặc chiều tối, cá ngựa cái lên đường tìm chồng và thường tranh giành nhau những chàng trai cô đơn.

Gặp một chàng trai “ngon mắt”, các nàng xúm quanh ve vãn. Chàng rất kỹ tính, mãi mới ok một nàng chẳng hiểu có phải vì nàng đáp ứng các tiêu chuẩn này nọ như ở loài người không. Rồi chàng phồng bụng, phô bày chiếc túi rỗng, ý nói mình còn trinh trắng, chưa cùng ai.

Cặp uyên ương cùng nhau lả lướt trong một vũ khúc yêu đương, đuôi kề đuôi, má kề má quay cuồng suốt một ngày trời. Có lẽ trong khi nhảy múa chàng và nàng đã thề non hẹn biển, đại khái nàng đã thuyết phục được chàng làm hộ việc “mang nặng đẻ đau” và chàng đã trịnh trọng nhận lời.

Bởi thế khi đã mệt nhoài với bài khiêu vũ quá dài, nàng âu yếm quấn đuôi, áp bụng vào chàng, gửi khoảng vài trăm quả trứng vào túi ấp. Chàng hứng trọn rồi phóng tinh trùng. Những chú tinh trùng khôn ngoan không bơi đi đâu xa mà biết cách len lỏi tìm đường vào thụ tinh cho trứng. Chiếc túi được đóng lại và niêm phong cẩn thận. Chàng đã mang bầu.

Các nhà khoa học tiết lộ: sự thụ tinh của cá ngựa vô cùng hiệu quả. Ở người, hàng tỷ tinh trùng phóng ra chỉ làm nên một (cùng lắm cũng chỉ hai ba) cô cậu mà thôi thì với cá ngựa, với ngần ấy chú tinh trùng, ít ra cũng làm cho 100 trứng “đậu”. Trót nhận sự ủy thác của vợ, cá ngựa đực vất vả vô cùng.

Những mạch máu trong túi trở thành những dây rốn, cung cấp chất dinh dưỡng để trứng phát triển. Chàng điều chỉnh độ mặn trong túi cho phù hợp với điều kiện phát triển của trứng, quậy nước biển tuần hoàn để bổ sung oxy liên tục ngày đêm. Bụng chàng cứ to dần, chàng mệt mỏi hơn, nặng nề hơn, lặn xuống tầng sâu hơn để ấp trứng và chờ ngày nở nhụy khai hoa.

Khoảng 12 ngày sau, trứng nở và cá ngựa đực trải qua một cuộc “vượt cạn” nhọc nhằn. Như bất cứ bà mẹ nào trên đời và nhẹ nhõm hẳn khi cảm thấy “bố tròn con vuông” để lên đường trở về cố hương chờ vợ cũ.

Những ưu điểm của cá ngựa, buồn thay, lại là nguyên nhân để dẫn chúng đến bờ vực của sự diệt vong. Là vị thuốc quý, hàng năm 40 triệu con cá ngựa bị hi sinh vì sức khỏe của loài người. Vì vẻ đẹp, 1 triệu con khác bị bắt về sống trong các bể cá gia đình và chết dần chết mòn nơi tù hãm.

Và cuối cùng, vì tình yêu chung thủy, trung thành với cách sống đứng đắn “một vợ một chồng” nên dân số tăng quá chậm, không bù được số cá thể bị hao hụt nghiêm trọng vì những nguyên nhân trên. Ôi, giá cứ “lang chạ” lại hóa hay… Nếu cá ngựa biết tư duy, hẳn sẽ kêu lên như vậy.

Yêu nhau như vợ chồng sam

Những anh những ả quấn quýt không rời nhau nửa bước, thiên hạ bảo “yêu nhau như vợ chồng sam”. Loài sinh vật biển này là một kỳ quan của Tạo hóa, nhờ khả năng thích nghi lạ lùng trước sự khắc nghiệt của môi trường mà sống sót qua 360 triệu năm vật đổi sao dời. Bởi vậy, sam được gọi là một “hóa thạch sống” đã chứng kiến sự ra đời của những bác khủng long đầu tiên cũng như sự tuyệt chủng của loài bò sát khổng lồ này.

Ẩn mình dưới chiếc mai chắc chắn, dùng chiếc đuôi cứng quèo và nhọn hoắt như dao găm (từ đó người ta mới gọi giải tóc ngoe nguẩy trên đầu các cô thôn nữ là tết “tóc đuôi sam”) để định hướng, sam sống ở nhiều vùng của đại dương. Tháng Tư, sam đồng loạt từ biển khơi trở về bờ bắt đầu mùa sinh sản.

Loài thủy sản có những 5 cặp mắt và máu màu xanh chứ không đỏ này có đặc điểm là thân hình nàng to gấp rưỡi chàng, nhưng tình yêu kể gì kích thước. Trải qua 17 lần lột xác mất chừng 10 năm, sam trưởng thành để bước vào mùa sinh nở.

Tìm được cô vợ ưng ý, sam đực dùng cặp chân trước khoá chặt lưng sam cái áp vào bụng mình thành một khối không thể tách rời, rõ ra một ông chồng ích kỷ và độc đoán nhất thế gian, quản lý vợ chặt đến mức nàng phải nai lưng ra cõng chồng trong suốt thời kỳ ân ái.

Sam cái dùng đôi chân sau đào một lỗ sâu khoảng 15-20 cm trên bãi cát và đẻ trứng, còn sam đực tưới tinh trùng vào đó để trứng thụ tinh. Trứng phát triển trong cát có sóng biển vỗ hàng ngày. Sau 6 tuần trứng nở thành ấu trùng, lang thang trong biển 6 đến 7 ngày, rồi tìm chỗ định cư và lột xác để lớn dần… trong khi bố mẹ chúng vẫn bám chặt lấy nhau “hành tẩu giang hồ”.

Kỳ thú thay, loài cá!

Chẳng lẽ quên mất dân cư chủ yếu của đại dương là cá? Cá cũng yêu như những loài thủy sinh nói trên: cũng tán tỉnh, cũng cũng ghen tuông, tranh giành, cũng múa may trong những điệu vũ tỏ tình ngắn thì vài phút, dài thì suốt ngày, loài thì phóng tinh ngoài cơ thể (đa số) rồi phó mặc cho số phận rủi may, loài thì phóng tinh trong cá cái và chăm sóc tận tụy thế hệ tương lai. Tuy nhiên, đôi loài có những điểm khác lạ.

Ví như cá chình điện là loại cá có khả năng phát điện từ một bộ phận giống hệt một bộ ăcquy nằm trên sống lưng ở phía gần đuôi. Bình thường, chúng phát ra những dòng điện nhẹ để định hướng khi bơi, thăm dò môi trường xung quanh phục vụ cho việc săn bắt mồi, khi cần thiết, chúng tăng điện áp lên tới 1.000 Volt trong khoảnh khắc để làm tê liệt, quật ngã địch thủ và trong chuyện yêu đương, điện lại trở thành tín hiệu để tỏ tình.

Những tín hiệu điện chàng phát ra, mơn man trên cơ thể làm nàng ngất ngây, trở thành khúc dạo đầu êm ái để đưa cả hai vào cuộc truy hoan. Trường hợp hai chàng cá đực cùng “phải lòng” một ả cá cái, điện lại trở thành một vũ khí lợi hại để song đấu và tất nhiên, chiến thắng sẽ thuộc về anh chàng nào có dòng điện mạnh hơn. Thí nghiệm cho thấy cá chình điện đực có thể phóng điện liên tiếp 150 cú liền mà không hề mệt mỏi.

Một họ hàng gần của cá chình điện là lươn điện cũng có “phong tục tập quán” như trên, chỉ khác là chúng yêu nhau dưới… bùn.

Trong gia tộc cá mập, loại cá dữ nhất của thủy cung, được mệnh danh là hung thần biển cả có cá mập búa, đầu chẽ ngang trông hệt chiếc búa của bác thợ mộc bỏ quên dưới biển. “Rơi vào vòng tình ái”, cặp cá mập búa quay tròn trên mặt nước trong một vũ điệu tưng bừng. Nàng run rẩy như người lên đồng.

Chàng quấn chiếc đuôi quanh người tình, dùng hai chiếc dương vật (vâng, đúng thế, những hai cơ đấy!) để thụ tinh cho nàng. Nàng mang thai trong vài tuần và trứng nở ngay trong bụng mẹ, thông thường sẽ chui ra 12 kẻ nối dõi tông đường. Cá mập búa cũng thuộc loại chung tình, cả đời chỉ một vợ một chồng. Nếu chồng hoặc vợ chết đi, thì một nửa còn lại của cặp uyên ương cũng chẳng tái hôn và rất có thể, chuyển đổi giới tính để duy trì nòi giống.

Biến từ cái thành đực là một cách để sống còn. Cá nhám bẹt (angelfish) theo chế độ đa thê. Gã chồng có cả một hậu cung năm thê bảy thiếp, đẳng cấp đàng hoàng. Nếu có chuyện rủi ro, gã chồng chết đi thì mụ cá cái đứng đầu hậu cung tự chuyển đổi giới tính, thay chồng, cai quản đám phi tần.

Kỳ lạ hơn tại bể thí nghiệm Viện Hải dương học thuộc Trường ĐH New York (Hoa Kỳ), người ta đã ghi nhận trường hợp nàng cá mập tên là Tidbit sinh ra một hoàng tử khi hãy… còn trinh. Đã sống ở nơi đây 8 năm, nàng chưa hề biết hơi hướm… đàn ông (đồng loại, tất nhiên!). GS D. Chapman lãnh đạo Viện cho biết: “Việc sinh nở này rất không bình thường, bởi nếu chồng con đàng hoàng, mỗi lứa “cô ta” sinh được cả chục đứa con chứ không ít”.

Từ lâu, tình yêu của của cá voi xanh chỉ được gợi đến qua tưởng tượng, nhưng gần đây người ta mới biết rằng thực tế còn vượt cả sự tưởng tượng ấy. Hai giới tìm đến nhau thật lãng mạn thông qua khúc hát yêu đương chàng phát ra mà trước đây người ta cứ nghĩ là giọng hát của những nữ thủy thần. Đó là những âm thanh siêu trầm ở tần số 14 Hertz.

Và đó cũng là thứ âm thanh lớn nhất trên thế giới, lớn hơn cả tiếng rú của máy bay phản lực khi tăng tốc, có thế mới đến được tai của một nàng có thân hình to lớn không kém ở xa vạn dặm. Bởi vậy, người ta còn gọi cá voi là những ca sĩ lãng du của đại dương.

Những cặp tình nhân cá voi yêu nhau rất dữ dội, tương xứng với thân hình. Mỗi lần chúng ve vãn nhau, rượt đuổi nhau, mặt biển dạt dào, sóng xô ầm ĩ như một cơn bão tố. Tiếng quẫy, đôi khi là cú nhảy lên không trung rồi rơi ùm xuống biển vang xa hàng chục kilomét.

Bộ phận sinh dục của chàng khổng lồ này xếp thành hình chữ S trong bụng, đến lúc này mới “tòi” ra. Eo ơi, khiếp chưa, nó dài từ 2,5 đến 2,7 mét, đường kính ở phần gốc tới 1 mét nghĩa là chu vi hai người dang tay ôm mới xuể. Tinh hoàn của chàng nặng sơ sơ… nửa tạ.

Chuyên gia cá voi John Sparks bình luận: “Cuộc sống tình dục của cá voi xanh có lẽ chẳng lấy gì làm lạc thú và chắc cũng đầy rẫy khó khăn khi làm “chuyện ấy”. Bạn hãy tưởng tượng một cặp tình nhân đang cố làm tình dưới hồ trong lúc đang bơi, chân không chạm đất. Đã thế, họ lại mặc bộ áo bơi trơn nhẫy bằng cao su có thoa dầu, chân tay bị trói chặt, chẳng có gì để bấu víu vào nhau”.

Rõ vô duyên, nhà khoa học! Chúng có cách của chúng chứ và cả triệu năm nay chúng có kêu ca gì đâu. Ai lại đi “suy bụng ta ra bụng người” để thương vay khóc mướn, phải không, thưa giáo sư John Sparks!

Bảo Châu

Thực hiện: depweb

16/03/2009, 16:50