Sôcôla: Chinh phục cả thế giới - Tạp chí Đẹp

Sôcôla: Chinh phục cả thế giới

DELETED

Mùa xuân năm 1502, Columbus bắt đầu giăng buồm ra khơi lần cuối cùng với đích đến là châu Á. Ông ta tin rằng những hòn đảo Tây Ấn chỉ ở ngay ngoài khơi Trung Hoa và Nhật Bản nhưng ông đã nhầm.

Con tàu ghé vào một vịnh cách Honduras khoảng 30 dặm. Khi tàu vừa thả neo, thủy thủ đoàn phát hiện thấy một chiếc thuyền độc mộc lớn chở nhiều hàng hóa, trong đó bao gồm cả những hạt như quả hạnh nhân. “Có vẻ như họ rất quý những hạt hạnh nhân đó, qua cách họ chuyển hàng lên tàu. Mỗi lần có hạt nào rơi ra họ lại cúi rạp người nhặt lấy như thể một con mắt của họ rơi ra vậy”.

Đó là một chiếc thuyền buôn Maya đang vận chuyển hạt cacao. Columbus là người châu Âu đầu tiên tiếp xúc với gốc gác của sôcôla và tất nhiên là ông chưa thể hiểu nổi đó là cái gì.

Sôcôla của người Maya

Người Maya thống trị bờ biển phía Đông vùng Trung Mỹ trong những năm 250 đến 900 sau Công nguyên chính là những chủ nhân của sôcôla.

Trong cuốn sách chép tay Dresden, được viết trước khi người Tây Ban Nha đặt chân đến đây, có những bức vẽ Chúa đang ngồi, cầm trên tay là vỏ cacao và những chiếc đĩa đựng đầy hạt cacao. Họa tiết trên những bình chôn trong quan tài những người thuộc đẳng cấp cao trong xã hội cũng có hình hạt cacao. Trên một chiếc bình từ thế kỷ thứ VIII được tìm thấy ở Bắc Guatemala có hình vẽ vua Maya ngồi trên ngai vàng, bên dưới là bình đựng đồ uống sôcôla. Những người phụ nữ đang rót từ bình này sang bình khác để tạo bọt trên miệng bình.

Đồ uống sôcôla giữ một vai trò quan trọng trong những dịp đặc biệt của người Maya. Người ta dùng sôcôla để ghi nhớ những hiệp ước, hôn nhân… nói cách khác, sôcôla được coi như champagne của người châu Âu. Trong đám cưới, cô dâu đưa cho chú rể một cái ghế sơn màu mè và năm hạt cacao rồi nói: “Những gì em trao cho anh là để thể hiện rằng em chấp nhận anh là chồng mình”. Chú rể cũng không kém phần long trọng trao cho cô dâu một cái váy mới với 5 hạt cacao và nói câu tương tự. Đến thời điểm đó, lễ cưới được đánh dấu bằng một nụ hôn sôcôla. 

Sôcôla là thuốc chữa bệnh

Ở Tây Ban Nha, sôcôla không chỉ đơn giản là đồ ăn mà còn có một thứ thuốc có lợi cho sức khỏe. Ngự y của vua Tây Ban Nha Philip II đã tìm ra rằng cacao không chỉ là đồ uống bổ dưỡng mà còn có thể chữa bệnh cảm trong ngày hè. Nếu cho thêm một chút hạt tiêu thì có thể làm ấm dạ dày và làm thơm hơi thở, giải độc, giảm các cơn đau bụng. Và nó còn có tác dụng tuyệt diệu là làm tăng ham muốn!

Sôcôla chinh phục châu Âu

Năm 1544, sôcôla chính thức ra mắt châu Âu. Dominican Friars, một trong những người đầu tiên đến Maya đã biếu hoàng tử Tây Ban Nha rất nhiều quà, trong số đó cả một bát sôcôla. Tuy nhiên, 40 năm sau chuyến tàu đầu tiên chở sôcôla từ Mỹ mới cập bến châu Âu.

Thế kỷ 17, sôcôla bắt đầu chinh phục châu Âu. Từ một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh nó trở thành một thứ tiêu khiển. Quý tộc Tây Ban Nha uống sôcôla trong những bát nhỏ, nhưng phó vương Lima của Pêru lại chế thêm một cái quai nhỏ vào chiếc bát đó sau một lần kinh sợ khi nhìn thấy một thiếu nữ lóng ngóng làm đổ sôcôla ra váy. Màu sôcôla loang trên váy trắng cũng chẳng đẹp đẽ gì. Chén đựng sôcôla ra đời nhằm mục đích an toàn cho người sử dụng. Cả châu Âu đón chào nhiệt liệt phát minh này và nó trở thành thứ đựng đồ uống sôcôla phổ biến nhất. 

Sôcôla tấn công nước Pháp

Năm 1660, Maria Teresa, con gái vua Tây Ban Nha lấy Hoàng đế nước Pháp Louis XIV. Hoàng hậu thì thích sôcôla nhưng ông chồng thì không, thế là bà phải uống một mình. Trong vòng 10 năm bất chấp ý kiến của Louis XIV, uống sôcôla trở nên phổ biến trong giới thượng lưu ở Pháp. Thế là Hoàng đế cố chấp lại quay ra giành độc quyền cho hoàng gia đối. Chỉ có giới quý tộc mới được dùng sôcôla ở Pháp. Bên cạnh đó là quản lý gắt gao việc buôn bán sôcôla.

Sôcôla và nước Anh

Năm 1655, Anh chiếm đảo Jamaica từ tay Tây Ban Nha. Cây cacao đang được trồng rất nhiều ở đây và tất nhiên là người Anh nhận thức rõ về mối lợi này. Jamaica trở thành nguồn cung cấp cacao cho người Anh. 4 năm sau, người ta đọc thấy mẩu quảng cáo trên báo: “sôcôla, đồ uống tuyệt vời đến từ châu Mỹ, được một người Pháp bán ở hẻm Queen’s-Head, phố Bishopsgate… Bạn có thể uống ngay lập tức hoặc mua về pha lấy. Chưa biết pha sẽ được dạy. sôcôla chữa lành nhiều bệnh”.

Sôcôla, cà phê, trà và đường cùng có mặt tại Anh trong cùng một thời điểm và cùng được quan tâm. Nhưng sau đó, tình thế đã thay đổi. Giai cấp trung lưu chỉ uống sôcôla và bàn chuyện chính trị. Giữa những năm 1600, Tiến sĩ Henry Stubbes cho vua Charles II uống sôcôla và sau đó chẳng hiểu tại sao người ta coi đây là một thứ Viagra.

S
ôcôla và nhà thờ

Sôcôla được coi là thứ đồ uống bổ dưỡng nhưng giáo hội quan niệm đó là đồ ăn bổ dưỡng cần kiêng trong tuần chay. Nhưng Hội Jesus, tên chính thức của tu dòng Tên, thành lập năm 1534, cánh tay sắt của nhà thờ chiến đầu phụng sự Giáo hoàng, đã thất bại trước sôcôla. Năm 1650, họ cấm các tu sĩ dòng Tên uống sôcôla. Nhưng rồi họ nhanh chóng phải thay đổi quyết định của mình khi các học viên lũ lượt bỏ trường dòng.
 







                Từ cây cacao đến thanh sôcôla

Sôcôla được làm ra từ cây cacao, một thứ cây nhiệt đới chẳng chịu ra quả nếu không được trồng ở trên một mảnh đất gần xích đạo. Mỗi cây cacao có cả trăm bông hoa nhưng chỉ khoảng từ 1-3% trong số đó ra quả. Ra quả cũng lại mất đến 3 năm. Hoa chỉ có thể được thụ phấn bởi một con vật bé nhỏ tên là ruồi nhuế. Sau 4-5 tháng mỗi bông hoa được thụ phấn thành công sẽ cho ra một vỏ bọc chứa từ 30 đến 40 hạt nằm trong cùi ngọt.

Người trồng sẽ thu hoạch cả hạt và cùi ngọt rồi để chúng lên men trong 5 hoặc 6 ngày. Cùi ngọt sẽ chảy thành nước và trôi đi. Hạt sẽ lên men từ từ và có vị sôcôla, được phơi nắng và chuyển đến nhà máy để sấy. Vỏ hạt được nghiền trong máy hình thành ra một chất lỏng gọi là cacao liquor. Chất lỏng này được ép mạnh sinh ra cacao butter. Phần còn lại chính là sôcôla.

Năm 1823, một nhà khoa học người Hà Lan tìm ra cách loại bỏ hầu hết chất béo ra khỏi sôcôla. Năm 1847, một người Anh đã pha thành phẩm cacao với đường để có được những thanh sôcôla như ngày nay chúng ta đang ăn.

Thực hiện: depweb

14/02/2005, 14:26