Điều “đáng mừng” bởi vì nó có vẻ báo hiệu số lượng người “sang” và có style đang nhiều lên ư? Chưa chắc. Vẫn câu châm ngôn quen thuộc: không ai có thể ngửi được trọn vẹn mùi cơ thể mình và cũng chẳng ai biết được mình sến như thế nào.
1. Bạn đừng mặc cảm với những gì đám đông gọi là xấu
Nếu bạn biết cách, thì chính thứ mà người ta chê bai ấy, sẽ là điểm mạnh của bạn. Bạn hãy thử tưởng tượng nếu mặt Xuân Lan không lạnh, môi Hà Anh không hở, mà thay vào đó và mặt cười duyên dáng, môi trái tim khép hờ, thì mọi chuyện sẽ…khủng khiếp đến đâu?
Dù ở cái thời danh xưng hoa hậu hơi dễ dãi, kể cả một nhan sắc nhợt nhạt, nhỉnh hơn trung bình yếu một chút, ứng xử sáo rỗng và thiếu muối như cô Vu Văn Hà của Trung Quốc cũng có thể trở thành hoa hậu thế giới, lại càng thấy danh xưng này nó dễ dãi đến mức nào. Nhưng ít ai biết, gu của Hoa hậu thế giới và kể cả Việt Nam ta, thì những nét “sến sến” thường dễ giành được vương miện.
Trước khi giành vương miện, nhiều cô “sến” chỉ ở thang điểm 4, trong quá trình xây dựng hình ảnh, qua tay một số stylist “vườn”, thang điểm chợt vọt lên chót vót ở mức 8-9. Thì này, cứ áo trắng nón lá cười bẽn lẽn bên đồng xanh. Thì này, áo hường má hường, môi hường, mắt xanh và một tay để lên má bẽn lẽn, một tay để ngoắt ngoẻo dưới cằm. Thì này, tóc bối, đi ưỡn à ưỡn ẹo, nói năng rón ra rón rén…Có những style mà người ta nghĩ phải thế thì mới là hoa hậu, hoa hậu thì phải đậm đà truyền thống, nhưng không mấy ai hiểu đó là những thứ style sáo mòn và đã đi vào quá khứ từ lâu lắm rồi.
Bạn có quyền không làm thế. Khi quan niệm về vẻ đẹp ngày một thoáng hơn thì nhiều phụ nữ đã nhanh chóng thay đổi mình để hợp thời hợp thế. Nhưng lịch sử người đẹp còn sót lại một số chân dung “sến mãn tính” không thể sửa chữa nổi.
“Quý bà” H. là điển hình. Cứ mỗi dịp sinh nhật, mời hết gần như cả giới showbiz đến chung vui. Lúc đón khách, nàng mặc một chiếc váy màu loè loẹt, với cái đuôi váy dài thõng thượt kéo lê từ thềm ra cổng, cứ hễ ai đến là nghiêng đầu sang một bên, tay ôm má chào rất duyên dáng và không quên lời giải thích là “chào cho ra dáng một hoa hậu”. “Tiệc vui sinh nhật” của nàng không thể thiếu màn “hái hoa dân chủ”, mà “hoa” nào cũng là bạn hãy múa hoặc hãy hát. Phần thưởng thường là một chiếc nồi hoặc một chiếc chảo với thông điệp: “Chị em mình phải luôn là người mẫn cán trong chuyện bếp núc”
Mỗi người có quyền chọn một cách đối xử với bản thân nhưng khi bệnh hình thức còn ám ảnh bạn, thì “bệnh sến” của bạn lại càng trầm trọng. Khi phụ nữ cả thế giới đang hướng tới những hình ảnh năng động, nếu có một điểm yếu nào đó trên cơ thể thì sẵn sàng biến điểm yếu thành điểm mạnh, thì nhiều người đẹp ở ta có vẻ đi ngược lại. Quần áo thì cứ phải hoa hoè hoa sói, kim sa hội lựu xanh xanh đỏ đỏ. Và các bộ phận trên cơ thể thì cứ phải “tròn, đều, vừa vặn” mới an tâm. Thế nên, đưa nhau đi sửa. Khi đăng quang, ngực lép kẹp thì bơm to kễnh lên cho thiên hạ biết “mày hả bưởi”. Cái mũi chưa được cao như tây thì thôi rồi, sửa, nắn cuối cùng nó cứ nằm chồm ỗm trên khuôn mặt. Nhìn vào chi tiết, có một cái mũi cao đấy, nhưng cái sống mũi cứ mỏng như sợi chỉ và chẳng ăn nhập gì với hai cái cánh mũi tròn lum lủm và lại càng không ăn nhập gì với những bộ phận khác trên khuôn mặt. Cái cằm hơi nhọn ư? Gọt, đẽo. Làn da hơi nâu, có sắc màu khoẻ mạnh à? Không là gì. Tắm trắng. Cuối cùng ra một cái màu xìu xìu ển ển, khoẻ chẳng ra khoẻ bệnh không ra bệnh. Người viết bài này thật lòng xin lỗi những thẩm mỹ viện từ Âu đến Á với những lời chào mời hấp dẫn, nhưng tạo hóa chẳng vô lý bao giờ, chỉ trừ những trường hợp không may mắn.
2. Thông thường, khi người ta sến, người ta không hề biết mình sến
Chị giám đốc kinh doanh của một công ty mỹ phẩm, giàu từ trong trứng nước, sang trọng từ cái thời đa số phụ nữ Việt nhà mình còn nguyên một tone “bẽn lẽn bên hoa”, nhưng bây giờ khi bước quá “ngưỡng 4” chợt thích váy kim sa hột lựu lấp lánh. Móng tay thì lúc nào cũng phải đỏ loè, tóc thì vàng vàng và mí mắt kẻ xanh biếc. Chị nói, chị đã chán cái kiểu style lạnh ngày xưa vì nó không thực sự là chị và muốn nổi loạn cho trẻ trung cho đúng những gì bên trong mình. Thì ra, nhung lụa không che đậy được sự “sến”, nó là những gì trong style của người ta rồi.
Một cô nhà văn sống bằng chức danh nhà báo, không ít lần lên báo bày tỏ quan điểm ghét style sến. Thế nhưng mỗi lần đọc văn cô, nhiều người cứ nổi da gà, không phải vì hay mà vì nó ướt át đến mức khủng khiếp. Cứ tưởng tượng mỗi lần cô viết chân dung nhân vật, khúc dạo đầu cứ là “chị ngồi một mình trong quán cà phê từ sáng sớm, đôi mắt ánh lên một nỗi buồn thăm thẳm”. Nghe đâu, chị diễn viên, nhân vật được viết trong bài đó lồng lộn lên: “là nó tự bịa ra chứ tôi đâu có điên mà ra quán cà phê ngồi một mình từ sáng sớm? Cuộc sống của tôi khá vui và cười suốt ngày, chứ buồn thăm thẳm khi nào?”
Một cô hoa hậu (lại hoa hậu), cứ mỗi lần trò chuyện với ai là cứ chê người này sến, người kia sến, thậm chí còn lên báo nói rằng từ nhỏ gia đình cô không cho cô xem phim bộ vì sợ lớn lên cô sẽ sến. Nhưng cuối cùng khi nhắc đến một trong “top 10 sến nhất Việt Nam” thì không thể không nhắc đến cô. Mỗi lần cô đi tiệc, phải có một người quay phim chạy thụt lùi để quay lại các khoảnh khắc cô… bẽn lẽn. Trang phục của cô đủ thứ sắc màu và phụ kiện thì vô cùng rườm rà. Có lần cô tâm sự, để tạo nên nét sang trọng riêng biệt, cô phải tự tự tạo lấy những style riêng cho mình.
Sến dễ thấy đối với những người đua đòi bắt chước kiểu thị dân. Thấy son thì lấy bôi cho hồng má. Thấy chiều thì cứ nhớ nhà. Thấy sự yên lặng thì cứ nghĩ mọi thứ ảm đạm và tự thả mình vào những tâm trạng thái quá. Sở dĩ, một người ngồi nhớ nhiều, hoặc nói về nỗi nhớ quá nhiều bị nhìn nhận là sến cũng chẳng có gì là oan uổng cả. Bởi vì khi cả thành phố đang huyên náo, ai cũng tất bật với những vòng quanh mà có người ngồi lại nhớ nọ tưởng kia thì chẳng giống ai cả. Một nỗi nhớ không những không tìm được sự đồng cảm mà còn làm phiền, tra tấn những người xung quanh. Nó cũng giống như cái lý lẽ của người viết văn. Nếu văn anh được diễn tả bằng những động từ, người đọc luôn có một cảm giác rất mạnh khi đối diện với từng con chữ và họ chờ đợi từng diễn biến của nó. Còn nếu bạn đối diện với một trang văn chi chít tính từ, đâu cũng “thảm đạm”, “thăm thẳm”, “cô liêu”, “bời bời”, “đắng đót”… thì bạn không đủ kiên nhẫn để dở sang trang khác, nếu vẫn là của tác giả đó.
3. Phụ nữ càng “có tuổi” thì càng dễ sến hơn?
Không hẳn. Một chuyên gia tâm lý Mỹ cho biết: Phụ nữ càng có tuổi càng có xu hướng muốn làm cho mình trẻ lại cũng như yêu thích những sắc màu cuộc sống hơn. Họ có thể cho bạn thấy cuộc sống của họ nhiều màu sắc như thế nào, kể cả màu sắc quá khứ huy hoàng của họ. Đó là dấu hiệu tích cực của một cuộc sống vui vẻ.
Bạn đừng ngạc nhiên nếu một ngày đẹp trời, bạn bắt gặp những người phụ nữ mà bạn đã từng ngưỡng mộ sự sang trọng từ lời ăn tiếng nói đến cốt cách, nay chợt thể hiện họ ở những góc độ rộn rã nhất của cuộc sống. Như, họ nói về hạnh phúc của họ một cách nhiệt liệt nhất. Họ diện những bộ đầm sặc sỡ và làm dáng bên một bãi biển xanh ngắt. Họ có thể post những bức hình về những bữa ăn ngon gia đình và nói về chúng như một niềm vui bất tận.
Đó là cách mà họ đang tận hưởng những món quà mà cuộc sống trao tặng, mà có thể suốt cả một quãng đời trước đó, họ bận bịu với công việc, với những cách để tìm một sự ổn định trong cuộc sống. Nó khác với những khoe khoang loè loẹt mang tính hình thức. Nó càng khác với những điệu đàng giả tạo và những mòn sáo giả dối từ lời ăn tiếng nói đến bộ dạng. Sắc màu và loè loẹt khác nhau hoàn toàn.
Nhà văn Hồ Anh Thái
Sến có trong mọi người
Sến có trong mọi người, trong bạn trong tôi trong chúng ta. Y học một tí thì bảo nó như vi trùng lao sẵn sàng trong cơ thể, nằm chờ dịp để phát lộ. Điện ảnh và võ thuật một tí thì bảo nó thập diện mai phục chờ thời cơ. Giọng sến lạc quan một tí thì bảo đó là trái tim đang ngủ yên chờ một nụ môi hồng đánh thức.
Tự bao giờ chẳng rõ, không còn tần ngần, e ngại, thủ thế; không còn cao ngạo, vênh vang, phô lộ… một cái gì rất sâu rất xa từ trong hồn được khơi nguồn. Tuôn trào không cưỡng được. Tự nhiên, như nhiên, khỏe khoắn, thấm thía.
Nói vậy không có nghĩa rằng con người mạnh mẽ, trẻ trung, thậm chí quyền thế thì với cái sến trong mình, họ phải đoạn tuyệt, tự hủy, triệt tiêu quyết liệt. Chẳng nên và chẳng thể. Cũng không có nghĩa là nghệ thuật đích thực không có quyền sến. Chinghiz Aitmatov với “Người thầy đầu tiên”, Jamilia, “Cây phong non trùm khăn đỏ”… ngày trước; rồi Gabriel Garcia Marquez với “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ ta”; Mạc Ngôn với “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình”…; Haruki Murakami với “Rừng Na Uy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Kafka bên bờ biển”…
Nhiều tác phẩm có giá trị không thể thiếu yếu tố li kỳ, éo le, bất thường, ngang trái… Chỉ có điều cái màu sắc lâm ly cũng thay hình đổi dạng cho phù hợp với thời đại. Nhiều nghệ sĩ sử dụng nó chỉ để mà gây mê, gây run rẩy, khóc lóc. Còn nghệ sĩ đích thực thì biết dùng nó làm gia vị, gia vị không bao giờ trở thành món ăn, nhưng món ăn có khi vô vị nhạt nhẽo vì thiếu nó. Nghệ sĩ đích thực thì biết gia giảm cái sến, tận dụng nó, điều khiển nó, không để nó dẫn dụ ra bên ngoài mục tiêu tư tưởng và nghệ thuật của mình.
(Trích Hướng nào Hà Nội cũng sông)
Theo Thegioinguoinoitieng