“Saving Mr. Banks”: Hơn cả cuộc đời - Tạp chí Đẹp

“Saving Mr. Banks”: Hơn cả cuộc đời

DELETED

Cuộc sống nhỏ và sản nghiệp lớn

Trước hết hãy nói về cái tên “Saving Mr. Banks”. Khi chuẩn bị công chiếu phim ở Việt Nam từ 21/2/2014, chính nhà phát hành CGV Cinemas cũng tỏ ra bối rối khi lựa chọn tựa tiếng Việt. Tên dịch ban đầu là “Cuộc giải cứu thần kỳ” dù có vẻ “câu khách”, nhưng nghe khá sáo mòn và sai tính chất. Đây là bộ phim tiểu sử, hài và tâm lý chứ không phải thể loại phiêu lưu, kỳ ảo.

  

Sát ngày phim ra mắt, có thông báo mới, “Saving Mr. Banks” đổi tựa Việt, chỉ còn là “Mr. Banks”. Nghe cũng chẳng ổn tí nào, vì mất đi hẳn một vế. Tên phim mới này cũng chẳng khác nào đang hướng đến nhân vật trọng tâm là “ngài Banks” nào đó; nhưng kỳ thực, phim chẳng có nhân vật chính nào tên như vậy.

Mr. Banks chỉ là một nhân vật được nhắc tới trong bộ truyện “Mary Poppins” của nữ văn sĩ P.L Travers. Phim bắt đầu bằng việc gã khổng lồ phim hoạt hình tìm mọi cách để sở hữu bản quyền và đưa tác phẩm gốc gồm 8 cuốn này lên màn ảnh rộng.

Nhưng đúng là cái tên phim “Saving Mr. Banks” quả là khó chuyển sang tiếng Việt cho thuận mọi bề. Xem phim mới rõ tên phim vừa đa nghĩa, vừa là cách chơi chữ. Đúng là có “saving”, nhưng ý trong phim gần với sự nâng niu, gìn giữ hoặc giải toả nhiều hơn là “giải cứu”. Nếu là “giải cứu” thì đó là giải cứu cả dự án hoạt hình hóa bộ tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, được ông chủ Walt Disney theo đuổi suốt 20 năm, tránh nguy cơ đổ bể, đứt gánh giữa đường.

Trong phim, từ “Mr. Banks” ngoài việc là tên nhân vật trong truyện được nhắc tới còn ám chỉ về hệ thống ngân hàng. Song song với đó, “saving” còn có nghĩa là “tiết kiệm”.

Hình bóng của nhà băng, và hiểu rộng hơn nữa là sự chi phối của bạc tiền luôn hiện diện trong phim. Đó là khi người cha nghèo khó, thương yêu gia đình Travers Goff (Colin Farell) phải khổ sở mới giữ được công việc bé mọn ở ngân hàng. Mà oái oăm thay, anh và gia đình của mình chính là những nạn nhân bị bần cùng hoá, phải bỏ xứ ra đi, cũng chính vì rơi vào cái bẫy nợ nần. Hơn thế nữa, khi là nhân viên ngân hàng, người cha rất đỗi nâng niu con mình ấy phải đứng giữa hội chợ để phát biểu về cơ hội trở nên giàu có từ gửi tiền vào ngân hàng, với những khoản khổng lồ sẽ nhân lên bắt đầu từ 2 xu!

Đến đây thì ta có thể hiểu thấu hơn về cách người cha đã uống thật say trước khi lên phát biểu; và người đàn ông chất phác, có ánh mắt và nụ cười hiền ấy vẫn luôn giấu giếm vợ và hai cô con gái bé bỏng về tình trạng của mình sau những chai rượu…

Trong phim, cũng vì đối mặt với vấn đề thâm hụt tài chính mà nữ văn sĩ P.L Travers (Emma Thompson) phải thay đổi thái độ, miễn cưỡng bán tác quyền tác phẩm để đời của mình. Đến khi việc tiêu thụ sách trở nên khó khăn, không còn dư dả để tiền trả cho người giúp việc… thì “quý bà khái tính” Travers đành lòng rời London để tới Los Angeles, cụ thể là vương quốc Walt Disney, để… thương thảo hợp đồng. Sự cương quyết, kiêu hãnh suốt bao năm qua không còn vẹn nguyên nữa, thay vào đó là thế giằng co giữa cơm áo gạo tiền và việc giữ “chất” trước những “cỗ máy xay tiền Hollywood”.

Bởi những logic ấy mà “Saving Mr.Banks” còn hay ở chỗ đã thể hiện rất khéo léo và thú vị tâm lý các nhân vật, từ vai chính nữ văn sĩ Travers, ông chủ Walt Disney (Tom Hanks) cho đến các vai phụ như người cha Travers Goff, người mẹ Megaret Goff, người tài xế già vô cùng tận tuỵ và dễ mến Ralph… Đường dây tâm lý của các vai diễn cũng được vắt nối nhịp nhàng qua lối kể đồng hiện, xen giữa hiện tại của những năm 1960 với quá khứ là những năm đầu thế kỷ 19, khi nhà văn Travers còn thơ ấu.

Đừng để “đời dài rộng cũ kỹ…”    

Nói “Saving Mr. Banks” là câu chuyện dài hơn cả cuộc đời không chỉ vì bộ phim mang hai câu chuyện có thật về những con người có tầm vóc, sức ảnh hưởng. Đúng là ở đây có sự tái hiện cuộc đời, nỗi suy tư của những nhân vật cá tính, thú vị, đáng để biết tới; nhưng hơn thế, từ mỗi cuộc sống nhỏ, đạo diễn John Lee Hancock mở ra cánh cửa nhìn vào những sản nghiệp lớn.

 

Xem phim ta thấy được rằng: khó mà có gia sản, sự nghiệp vững bền theo thời gian, làm nên mỗi dấu ấn của con người nào lại được ngẫu nhiên hình thành. Để có được danh tiếng, sự nể trọng, được công chúng trọng thị như Travers; có được sự nghiệp vĩ đại như vương quốc Walt Disney thì phải nhờ cả quá trình dài vượt lên chính mình, kiên trì phấn đấu.

Xem “Saving Mr. Banks”, hẳn sẽ có bao người đồng cảm với cô bé Travers khi còn nhỏ. Tuổi thơ nghèo khó và nhiều suy tư ấy chắc chắn phản chiếu ở biết bao người trong chúng ta. Nhưng dẫu thế giới như không ít lần đổ sụp trước mắt Travers vì đắng cay và thất vọng, thì cô vẫn mạnh mẽ sống, hướng đến những lời nhắn nhủ và tình yêu thương vô bờ bến của người cha.

Cha của Travers từng nói với cô bé: “Đừng bao giờ ngừng mơ mộng, con gái ạ, bởi khi ấy, con có thể là bất cứ ai mà con muốn…” Rồi một ngày, cô bé “muốn được như ba” đã trở thành văn sĩ nổi danh, góp phần đưa cái tên Mary Poppins trở thành kinh điển trên màn ảnh, trên sân khấu nhạc kịch, chắp nối cho trí tưởng tượng, sự mộng mơ của biết bao thế hệ trẻ em trên khắp thế giới… Đó là sự hàm ơn lớn nhất với cha, người nén lại những khắc nghiệt, phũ phàng của đời sống, để luôn truyền cho con niềm tin yêu, hy vọng và trí tưởng tượng bay xa…

Còn với Walt Disney, qua diễn xuất của Tom Hanks, nhân vật này cũng mang những điều tuyệt vời không kém. Vì lời hẹn với con gái và vì chính niềm tin, tầm nhìn dài rộng của mình mà ông không ngừng theo đuổi dự án đưa câu chuyện về người vú nuôi Marry Poppins lên màn ảnh rộng. Chặng đường ấy kéo dài tới 20 năm. Chắc chắn con người vĩ đại ấy biết rằng: Thời gian, cùng với cơ hội, chính là những khoản “tiết kiệm” giá trị nhất, giúp tạo nên thành tựu xứng đáng cho những người kiên trì với lý tưởng, ước mơ, biết nhìn xa trông rộng.

Bởi vậy mà hãy xem “Saving Mr. Banks” để thấy tâm hồn, ước vọng là sự cứu rỗi cho con người khi trở nên già cỗi, định kiến, bẳn gắt. Cảnh cửa của cô đơn, ổ khoá của buồn thương quá khứ sẽ đóng sập lại khi mỗi người thấy lại được cánh diều thời ấu thơ của mình lại bay lên, như trong những bản nhạc classic-pop tuyệt hay của bộ phim.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: Walt Disney


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Lần đầu tiên trong lịch sử, nền điện ảnh của đất nước láng giềng có phim đứng trong hàng ngũ tranh giải Oscar lần thứ 86. Cùng 4 bộ phim khác, “The Missing Picture” (Hình ảnh mất tích) vinh dự có tên trong đề cử Phim nước ngoài xuất sắc nhất.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

20/02/2014, 10:22