Sắp có giải Cống hiến cho video nhạc? - Tạp chí Đẹp

Sắp có giải Cống hiến cho video nhạc?

DELETED

Từ “Mưa bụi” đến YAN TV

Những năm 1990, phong trào sản xuất băng video ca nhạc mở ra một thị trường âm nhạc thú vị. Điển hình cho sự thành công là series “Mưa bụi” với các ngôi sao nhạc quê hương (đa phần là nghệ sĩ cải lương chuyển qua hát nhạc mới) như Tài Linh, Đình Văn, Ngọc Sơn, Ngọc Hải, Thạch Thảo… Cũng chính nhà sản xuất Kim Lợi Studio khi đó bằng cách làm này cũng tiếp tục lăng-xê rất thành công Lam Trường, Phương Thanh, Thu Phương… và một phần nào đó, đẩy nhanh các tên tuổi khác như Cẩm Ly, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung bằng các sản phẩm âm nhạc có hình ảnh sinh động.

Cùng lúc, thị trường âm nhạc trong nước cũng đi lên nhờ có sự sôi động trong sản xuất âm nhạc, từ thu âm, phát hành audio, quay clip, bán video và bình chọn trên sóng FM… Cũng những năm ấy, công ty BHD thương lượng được hợp đồng đưa thương hiệu quốc tế MTV vào Việt Nam và bắt đầu bằng những chương trình nhỏ trên VTV.


Không giấu tham vọng và từng bước dọn đường cho giấc mơ có kênh truyền hình âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam và sử dụng thương hiệu MTV cho cả thị trường âm nhạc trong nước. Một vài phép thử (không hợp thời) với vài ca sĩ như Hồng Nhung, Lam Trường, Kasim Hoàng Vũ… để có một video clip đạt chuẩn đã được đưa ra.

Tuy nhiên, mọi việc nhanh chóng đi vào quên lãng bởi nhà sản xuất thì cứ mơ một giấc mơ “quốc tế hóa” trong khi rào cản âm nhạc trong nước để hòa nhập không hẳn chỉ là yếu tố kỹ thuật (chuẩn MTV quốc tế) mà chính là ngôn ngữ (quá ít ca sĩ hát tiếng Anh, mà nếu có hát tiếng Anh được thì cũng chẳng để làm gì – vì thị trường của họ vẫn là khán giả quốc nội). Giấc mơ music video Việt đã được hiện thực hóa, nhưng lại bởi những nhân sự khác và của công ty khác. YAN TV ra đời được hơn 2 năm nay, khởi sự từ một diễn đàn âm nhạc trực tuyến yeuamnhac đình đám. Ngay từ khi ra đời, rõ ràng YAN TV đã khẳng định ngay được tương lai chiếm lĩnh thị trường bởi họ chọn yếu tố trọng tâm là thị trường âm nhạc quốc nội.

Nếu như tham vọng ngày nào của kênh MTV Việt Nam là nhạc quốc tế là chính (những năm 90, nhạc Âu Mỹ mới vào Việt Nam nên rất hấp dẫn vì sự mới mẻ), thì ngược lại YAN TV lấy trọng tâm là nhạc Việt. Bởi thế rất dễ hiểu nhạc nước ngoài chỉ là gia vị và lấp chỗ trống cho đủ thời lượng phát sóng. Ngay từ những ngày đầu tiên, khá nhiều video clip chất lượng kém của những Minh Hằng, Cao Thái Sơn, Tuấn Hưng được thực hiện bằng camera cầm tay trong các chuyến lưu diễn cũng thấy xuất hiện trên YAN TV…

 Họ không đặt ra chuẩn cho music video Việt ngay từ đầu, khác với tham vọng của MTV là phải đạt chuẩn kỹ thuật mới được phát sóng. Sau 3 năm, vừa tự sản xuất vừa… dễ tính với các ca sĩ Việt, giờ thì YAN TV đã có tiếng nói và quyền lực lớn nhất trong các kênh truyền hình giải trí, đặc biệt là âm nhạc (khá tiếc cho VTV khi có 2 đợt thử nghiệm làm clip ca nhạc dưới dạng cuộc thi “VTV – Bài hát tôi yêu”, lại không thừa thắng xông lên được trở thành một kênh ca nhạc quốc nội).

Năm 2008, tại giải Cống Hiến, đã có một cuộc vận động hành lang cho một giải thưởng “Video clip của năm” (Năm đó, Hồ Ngọc Hà xuất hiện và chiếm ưu thế ở mảng này với mức đầu tư lớn cho phần hình ảnh, video. Cuộc vận động giải thưởng này tuy bất thành nhưng bù lại, cô cũng đã có được giải thưởng Nữ ca sĩ của năm). Và lời hẹn của ban tổ chức giải là chừng nào video ca nhạc thể hiện được chất lượng và số lượng thực sự trong thị trường âm nhạc, khẳng định được vai trò không thể thay thế của nó trong đời sống âm nhạc, sẽ có giải Cống Hiến cho hạng mục này. Xem ra, điều này không còn lâu nữa đâu!


“Ăn chơi không kể tốn kém”

Theo cách làm tiếp thị sản phẩm âm nhạc truyền thống nhất của thế giới, video clip đóng một vai trò tuyệt đối quan trọng. Một vài ca khúc đinh của album sẽ được lựa chọn để tiếp thị cả dự án. Ca khúc này ngoài phần audio sẽ được đưa lên radio, còn video sẽ được chuyển cho các kênh truyền hình âm nhạc. Đĩa single (CD + DVD) hiện tại không còn được trọng dụng như trước bởi vấn nạn internet, nhưng vai trò của một video clip không vì thế mà giảm đi.

Nó vẫn đóng vai trò đầu tiên trong chuỗi chiến lược tiếp thị sản phẩm mới, dự án mới, hình ảnh mới của nghệ sĩ. Sức lan tỏa về mặt hình ảnh bao giờ cũng mạnh mẽ hơn về phần âm nhạc đơn thuần (đòi hỏi tài năng và thời gian thẩm thấu với người nghe). Ở Việt Nam cũng thế, không phải ca sĩ nào cũng có được một giọng hát mê hoặc hay một phong cách âm nhạc đặc trưng để nhận diện. Vì vậy, cách duy nhất để họ có thể được khán giả nhớ đến là một khuôn mặt xinh xắn ăn hình, “body” bốc lửa cùng những bộ trang phục ấn tượng. Thời “Mưa bụi”, ca sĩ phải nổi tiếng và có bài “hit” thì mới được nhà sản xuất mời quay video. Nhưng giờ đây, ca sĩ nào cũng có thể tự bỏ tiền ra thực hiện một clip (từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng) và tự tiếp thị mình đến với công chúng.

Hiện tại, thị trường cho video ca nhạc chỉ duy nhất một mục đích: quảng bá hình ảnh, đặc biệt là trên các kênh truyền hình âm nhạc và internet. Video hoàn toàn không thể đem vào kinh doanh vì thị trường đĩa lậu DVD hoàn toàn có thể cạnh tranh chất lượng với DVD xịn.

Ca sĩ chủ yếu dùng video clip làm sản phẩm tặng kèm cho loạt ấn bản đầu tiên của album, đương nhiên là chịu lỗ vì giá thành sản xuất và in ấn cũng cao hơn. Hầu hết những album nhạc có sản phẩm tặng kèm khuyến mãi như thế này càng phát hành nhiều càng lỗ, bởi giá thành bán album không thể quá cao hơn so với giá mặt bằng thị trường. Music video ra đời chỉ có một mục đích quảng bá tên tuổi chứ hoàn toàn chưa có giá trị thương mại.

Còn nhớ, cách đây chừng 2 năm, quản lý của một sao nhạc teen từng hùng hồn tuyên bố: “Đã đến thời của clip!” Bài toán ở đây là: có thể một music video không thể sinh lời nếu như bán kèm album thì sẽ đẩy được hình ảnh của ca sĩ. Một music video ăn khách + một ca sĩ ăn khách tuổi teen = vô vàn hợp đồng quảng cáo sản phẩm (không cần phải là sản phẩm ăn khách).

Hơn nữa, với sự phát triển của các dịch vụ giá trị gia tăng của các mạng 3G, 4G… music video  sẽ là món hàng được thương lượng đầu tiên (vì hàng  dẫu sao vẫn còn ít về số lượng nếu như so sánh với bản quyền các bản thu âm audio). Một sự thật là số lượng khách hàng download những sản phẩm của các sao teen hoặc các ngôi sao giấy đang nổi, các bản nhạc nhảm nhí…. thường cao hơn các sản phẩm đường hoàng của các ngôi sao dòng chính thống (!).

Bởi thế, nếu so sánh một ngôi sao ca nhạc thực thụ (một diva chẳng hạn) – có thể đầu tư trên dưới 500 triệu đồng cho một album/ bán trong vòng 5 năm với số lượng xấp xỉ 20.000 bản – với một ca sĩ mới nổi đầu tư một album chừng 300- 400 triệu, cộng với 100 triệu cho 2 music video.

Music video  là công đoạn bắt buộc phải thực hiện để tiến sâu vào làng giải trí, thậm chí là cách duy nhất để đánh bóng bản thân mình bán 3.000 bản trong vòng một năm. Tưởng như ca sĩ mới kia không có lời nhưng thực ra chưa hẳn đã như vậy. Đó chỉ là số tiền ban đầu họ đầu tư lâu dài… Nhiều trường hợp chỉ sau 3 năm với tiến trình đầu tư liên tiếp, album và music video ra với mức độ rải thảm đã trở thành sao thực sự. Tất nhiên, không nhìn vào cát-sê thực tế của mỗi ca sĩ nhưng so sánh lợi nhuận thu được từ tiền bản quyền nhờ các mạng di động, các công ty kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ, thì rõ ràng các diva thua đứt đàn em.

Các video clip, tưởng như không lợi nhuận, nhưng lại đóng vai trò quyết định một chuỗi công việc sinh lời. Và tất nhiên, xin hiểu đơn giản lại thế này, làm music video có thể với các diva hay các ngôi sao lớn là mất tiền, tốn thời gian và không nhất thiết phải có mới duy trì được công việc ổn định thì với các ca sĩ mới, MV lại là một công đoạn bắt buộc phải thực hiện để tiến sâu vào làng giải trí, thậm chí là cách duy nhất hiện nay để đánh bóng bản thân mình trên trận địa truyền thông và truyền hình đa phương tiện.

Cũng bõ!

Chất lượng music video Việt hiện nay ra sao? Câu trả lời không cần phải suy nghĩ, là tốt hơn rất rất nhiều. Thậm chí, nếu chỉ đem so sánh các clip hiện tại so với mặt bằng cách đây 5 năm đã hoàn toàn có sự khác biệt trông thấy.
Vài năm trước, có thể đếm trên đầu ngón tay số lượng đạo diễn và quay phim ca nhạc. Nhưng bây giờ hầu như là những cái tên mới, trẻ hơn, hầu hết là 8X.

Một số là cựu sinh viên trường điện ảnh, một số khác thuộc các nhóm ngành đào tạo tương tự trở về từ nước ngoài. Thị trường clip sôi động bởi nhu cầu sản xuất music video và nhu cầu định hình hình ảnh của ca sĩ trẻ là có thật. Một loạt cái tên mới như Tuấn Chelsea (thực hiện clip cho Hồ Ngọc Hà, Hiền Thục), Triệu Quang Huy – Ninja Production (thực hiện “Hồ Gươm sáng sớm” rất xuất sắc cho Hoàng Hải, cùng bộ DVD cho nhóm Dương Cầm – Cẩm Tú), nhóm Propeller thực hiện clip cho Hoàng Thùy Linh, nhóm Quaden của Thăng Long thực hiện cho Đại Nhân – Hòa Mi… Riêng nhóm của Quang Huy WePro trong vòng 5 năm trở lại đây quyết xây dựng một video production theo phong cách riêng vừa qua đã trình làng 2 clip đầy sáng tạo cho Phi Trường.

Cái thời kỳ đi lưu diễn, du lịch kết hợp với việc làm clip ca nhạc bằng máy quay cầm tay đã qua. Giờ đây, những đàn em của họ lung linh đẹp đẽ trong những video ca nhạc có nội dung, kịch bản và sự đầu tư rõ ràng về hình ảnh, đặc biệt trong khâu xử lý hậu kỳ.

Trong tháng 5, một video cho một bài hát mới kiểu canto pop của Tuấn Hưng xuất hiện trên kênh YAN TV chen giữa một loạt các clip tây ta đủ cả mới thấy, tư duy hình ảnh cũ cuối thế kỷ trước của clip Việt bỗng nhiên lạc hẳn trong nhịp sống sôi động của giới trẻ. Video của Tuấn Hưng miêu tả một câu chuyện diễm tình với hình ảnh mang tính đặc tả và thiếu nhịp điệu đến mức đơn điệu và tẻ. Clip này không xấu, nhưng nó rất cũ kỹ và sự xuất hiện của nó tại thời điểm này chỉ thêm khẳng định những sự khác biệt của một thế hệ nghệ sĩ đã bị thay thế.

Chiếu theo tiêu chí tương tự, cũng mừng vì phần lớn các music video Việt Nam sản xuất trong thời gian gần đây ăn đứt các clip của Hồng Kông hay Thái Lan (một thời ta đã thua). Nội trên kênh YAN TV, trong một số chương trình clip Việt được phát chen giữa và “nonstop” với các  music video quốc tế, độ chênh giữa các sản phẩm không có nhiều. Phần hình ảnh của clip Việt đã được trau chuốt hơn và nhờ những sự cập nhật về kỹ thuật, đặc biệt là khâu hậu kỳ hình ảnh. Điểm cộng cho các đạo diễn trẻ là họ đang chú ý nhiều đến yếu tố kỹ thuật và coi đó là một trong những điểm yếu chí tử của clip Việt cần phải được bù đắp.

Nhưng nếu xét về sâu xa hơn, việc thực hiện clip gần đây cũng đơn giản hơn nhiều với sự tiện dụng của chiếc máy ảnh thế hệ mới kiêm máy quay với chất lượng hình ảnh HD nâng cấp từng ngày. Đa phần các music video Việt gần đây đều được quay bằng camera 5D maxII, hạ giá thành sản xuất xuống mức tối ưu, lại đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật về hình ảnh. Yêu cầu cao cấp một thời của clip là video quay bằng phim nhựa 35 ly không còn như trước nữa, mà chỉ cần một clip chất lượng HD là đã có thể lên sóng kênh ca nhạc được rồi.

Một phần nguyên nhân khác nữa, nhạc Việt cũng đã bứt được khỏi những khuôn mẫu nhạc pop rề rà một thời, ngày càng nhiều những ca khúc mới hiện đại hơn, tăng tính tiết tấu và đây chính là đất cho những người làm hình ảnh. Càng chuyển
động nhiều, video càng có những sự thay đổi hình ảnh linh hoạt và sáng tạo.

Vẫn với chủ đề này, sẽ còn nhiều câu chuyện khác để tiếp tục hầu chuyện quý vị. Ngẫm ra, với đà phát triển hiện nay của music video, thị trường nhạc Việt sẽ còn tiếp tục nở rộ và sẽ còn không ít những điều thú vị đằng sau nó.

Vĩ Thanh
Theo Đẹp số150

Thực hiện: depweb

08/07/2011, 13:37