Mặt lạnh ăn tiền
Mặt lạnh bây giờ đang là mốt. Kiểu mặt của sự vô cảm, vô hồn, sự lạnh như băng không tỏ rõ thái độ. Một sự lạnh lùng như hố ngăn cách sâu thẳm. Một sự phân cấp rõ ràng, giữa hai kẻ đối thoại. Manơcanh vốn là một hình tượng của người được làm ra để khoác lên đó những bộ quần áo thời trang. Đặc trưng đầu tiên của khuôn mặt manơcanh, đó là sự vô hồn. Kiểu phải thế, nên thế!
>>>
Các người mẫu cũng theo tiêu chí, một cuộc trình diễn thời trang, quần áo là chúa tể, đến người mẫu cũng chỉ hơn cái giá treo một tí thôi. Chính vì thế, cho dù được trang điểm này phấn này son, này mi cong rợn ngợp, này tóc xòe tóc cụp, tóc xỉa xĩa tóc cuốn lô đến man dã, thì khuôn mặt khi ra sàn, vẫn phải là vô cảm. Kiểu diễn phải thế, nên thế!
>>>
Những tay điệp viên, bố già trong điện ảnh, những tay vệ sỹ đeo kính đen, che đi đôi mắt cửa sổ tâm hồn. Để cho đối phương khó lòng nhận diện được hành tung bí ẩn pha chút ly kỳ của các tay ấy. Kiểu diễn phải như thế, nên thế!
>>>
Trước kia, những người bán hàng mậu dịch của Việt Nam, nhất là ở miền Bắc (bán hàng mậu dịch được đánh giá là một nghề cực oách thời đó), và trong những áng văn chương, phim ảnh bất hủ của Việt Nam, đã có những “trường đoạn” miêu tả bộ mặt và cách bán hàng của các cô mậu dịch viên thời đó. Làm sao mà cười được với cái đám đông đang xếp hàng kia, cười người ta lại cho là mình quen biết, ưu tiên; cười người ta lại cho là mình dễ dãi, a-lô-xô vào nhờ với chả vả, mệt lắm.
Phục vụ đã mệt thì chớ, thôi, cứ nghiêm nghị, tảng lờ, trơ trơ một tí. Dĩ nhiên, cái gì chả có thời kỳ và hậu quả. Đến bây giờ là thế kỷ 21, nhưng ở ta vẫn còn lưu giữ hiện trạng một số ngành nghề dịch vụ mang bộ mặt của các cô mậu dịch viên kênh kiệu vô cảm và đương nhiên là hiếm nụ cười. Nghề ấy, thời ấy phải thế, nên thế!
>>>
Những người làm công sở bàn giấy, nhất là những người làm những ngành nghề “phục vụ nhân dân” của thế kỷ 21, đã có bộ mặt đỡ nặng hơn thế kỷ 20. Dù sao, họ cũng coi họ là những người có quyền hành địa vị một chút so với dân lao động thông thường. Mà quyền, thì đi đôi với hành.
Không hành được, thì cứ đợi chờ đi. “Sợ mất công mất việc, mất thời gian à? Chúng tôi cũng đang phải làm đây, sao hỏi nhiều thế, mỏi cả mồm, không trả lời nữa đâu, đừng có bảo là khinh người!” Đấy, mỏi mồm rồi, lấy đâu ra sức mà để họ cười với chúng ta, thôi, thông cảm nhé.
Nói chung, để họ làm đúng theo lời Hồ Chủ tịch dạy thì có lẽ là còn khuya. Đành chờ đến thế kỷ 22, khi máy móc hệ thống hóa toàn bộ mạng lưới làm việc hành chính vậy. Ôi những lúc ấy mà toàn máy với móc, không thấy mặt người đâu thì kinh hoàng lắm. Lúc ấy, khéo chỉ cần nhìn thấy bóng người thôi chứ đâu dám mong ước chi một nụ cười ấm áp.
Cười "pừ rồ"
“Pừ rồ”, tức professional, có nghĩa là chuyên nghiệp. Cười chuyên nghiệp thời nay cũng cần lắm. Trước, có chương trình truyền hình bị lỗi, nhờ đó mà khán giả được xem cảnh hậu trường có đoạn các phát thanh viên, MC tập cơ miệng. Họ tập cho miệng nó dẻo, không bị cứng hàm, nói cho nhuyễn. Có người còn tập cười, toe ra, rồi chụm miệng lại. Khán giả vô tình chứng kiến, thấy lý thú quá! Cười nói, tập luyện vất vả lắm, không dưng mà lại có duyên vậy đâu!
>>>
Bây giờ, có đội cổ động chuyên nghiệp, toàn gái đẹp giai sáng sủa, tay cầm hai cục bông xòe rực rỡ, cổ động cho mọi chương trình, mọi khách hàng, trong mọi tình huống. Hú hét, nhảy múa, vỗ tay hoan hô, cười phải hết cỡ. Càng “pừ rồ” bao nhiêu, càng được chuộng bấy nhiêu. Nghề thế, cười có gì là khó!
Cười khi tiếp khách giao dịch, cười khi hầu chuyện cấp trên, cười khi ký kết văn bản hợp đồng, nó khác nụ cười của các em bé được kẹo, hay các em bé khi gặp mẹ. Nụ cười bia, cười rượu, cười đãi bôi tiếp khách, cười nịnh bợ… quan trọng lắm, thời nay, càng phải “pừ rồ”. Có một truyện ngắn kể về một anh chàng tồ được nhận vào làm chân đứng đón khách đến khách sạn.
Thời gian đầu anh làm khá tốt, sau đó, thì khách thưa dần đi. Người quản lý tìm hiểu, và nhận ra một điều, đó là vì anh tồ này cười nói xởi lởi quá mức, khiến cho những người khách vì có những lý do đặc biệt muốn kín đáo, họ không muốn quay lại nữa. Anh chàng tồ bị thôi việc, lý do vì sao bị đuổi, người quản lý không giải thích. Bản thân anh thì tồ, nên đến tận sau này, anh tồ vẫn chưa thể hiểu nguyên nhân thất nghiệp.
Chai sạn cảm xúc
Một cái nghề nữa thường bị người ta đánh giá một cách “oan ức” về sự vô cảm, đó là bác sỹ. Chưa có mấy công trình nghiên cứu tổng hợp xem làm thế nào để các bác sỹ chế ngự được những nỗi sợ thông thường, những nỗi đau thông thường để phục vụ cho công việc của mình.
Thiếu vắng nụ cười trẻ thơ sẽ là một bi kịch. |
Sự tiếp xúc, từng trải, ngày nào cũng đối mặt với bệnh tật máu me, với những sự đau đớn, khiến cho phần nào cơ chế cảm xúc bình thường của họ đã được “nén” hoặc được sự biểu lộ cảm xúc qua khuôn mặt? Chứ cái gì cũng xót thương run rẩy thì làm sao trấn tĩnh được bệnh nhân và người nhà. Nên đôi khi, các bác sỹ, y tá có bị ăn mắng (có lý do, hoặc bị oan ức) thì họ cũng phải xác định tâm lý: “Thường thôi!”.
Lương y như từ mẫu, từ mẫu là mẹ hiền. Bác sỹ mà như mẹ của ta, thì ôi thôi, an tâm và kính trọng và vô cùng biết ơn! Nhưng thôi, thông cảm, mẹ lắm con quá, sao chăm sóc và quan tâm hết được. Thông cảm đi!
>>>
Những người làm việc trong các nhà xác bệnh viện, làm công việc khâm liệm, kèn trống đám ma, xét nghiệm cơ thể, ngày nào cũng đối mặt với các tử thi. Cơ hội nở nụ cười với họ, liệu có phải là sẽ ít so với người bình thường không? Còn nhớ một cô gái làm nghề trang điểm cho người chết, cô có một tình yêu mới chớm với một người đàn ông. Nhưng cô không đủ can đảm kể cho người yêu mình biết cô làm nghề gì.
Cho đến một buổi hẹn hò, cô kinh hoàng khi nhận ra rằng, trên cơ thể mình, không thể nào xóa đi mùi vị của những người chết. Và nếu như cô phải được hạnh phúc, phải được mỉm cười bên người cô yêu một cách cháy bỏng, thì cô lại đau khổ không dám lại gần anh ta.
Cười nên chân thành
Các bà mẹ chồng xưa chấm con dâu, ngoài mông và dáng, tính tình ăn ở thế nào là những tiêu chuẩn, còn có tiết mục để ý xem con dâu cười thế nào. Cười, xem lợi, xem răng. (Thời trung cổ, người ta cũng xét tiêu chuẩn nô lệ có sức khỏe tốt qua răng). Cười mà mắt tít lại, đuôi mắt cứ là rõ mồn một, “đĩ nong đĩ nanh” thì bà phải dặn con giai bà là cô này sớm muốn rồi cũng… ngoại tình; hoặc cười mà lộ cái hàm răng xít xìn xịt, quặp cả vào trong, thì sớm muộn gì nó cũng vì bo bo của cải mà khéo bà cũng là nạn nhân của sự keo bo ấy.
Bà là bà ghét nhất cô nào cười nhếch mép, mặt lạnh như tiền, à, khinh nhà bà à? Cứ cô nào cười răng hạt lựu (chắc là không lấy tiêu chí răng hạt na nữa), cười mà ý tứ, lại tươi roi rói, hồn hậu ấm áp thì bà duyệt. Nói vậy thôi chứ thời nay, để ý thì cứ để ý, còn cấm đoán thuộc dĩ vãng rồi. Có mà răng bà chìa, cười suốt ngày mà phải duyên phải số thì răng cũng vồ lấy nhau. Bao giờ giàu có thì đi nha sỹ xịn mà thẩm mỹ lại răng. Răng đẹp, cười có đẹp được không lại là chuyện khác. Mà lo gì chứ, ai lại kén quá – lấy đâu ra!
>>>
Có chàng trai yêu một cô gái. Chàng luôn băn khoăn, sao nàng không cười. Sao ánh mắt nàng luôn nhìn về nơi nào xa xôi vậy. Chàng ở trước mắt đây, sao không nhìn nhau mà âu yếm nhau, mà cười tình với nhau cho nó dấu yêu. Mặt nàng lúc nào cũng đăm chiêu, có khi triết gia Platon sống lại hay cái tay Nietzsche điên khùng thời cổ lai hy có lẽ cũng không khó hiểu bằng nàng.
Chàng khẽ… sến: “Anh muốn biết em suy nghĩ gì. Anh biết ta còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống là vậy. Có thăng trầm, có vất vả, có đau khổ, thì ta mới phải sống. Bởi con đường của ta đi, không có nhiều hoa hồng, thì ta hãy phát quang những chướng ngại vật mà đến với hoa hồng. Sao em không nhẹ nhàng đi, cho dễ sống! Anh xin thô lỗ một chút, các cụ ta đã bảo: “Chuyện đâu có đó, thịt chó đã có mắm tôm”.
Anh cũng chẳng phải là người vô dụng vô tình mà để cho em gánh chịu một mình đâu, nhưng em phải nói, phải xả, thì những gánh nặng trong lòng mới hết được”. Họ chia sẻ với nhau như vậy, và rốt cuộc, chàng trai đã làm cho cô gái bắt đầu biết mỉm cười. Điều quan trọng, chàng mang lại cho nàng, đó là niềm tin cuộc sống. Và khi có niềm tin, nghĩa là niềm vui trọn nghĩa nhất.
>>>
Đó là những cái éo le trong cuộc đời. Người vì nghề nghiệp mà mặt cần phải lạnh, rồi quên bẵng đi khi họ đang sống ngoài đời thường. Họ vẫn mang khuôn mặt và thái độ lạnh lùng vô cảm quá quen thuộc của công việc, để cái mặt lạnh ấy từ cái mặt nạ giả tạo đã trở thành cái mặt thật gắn chặt với đời sống của họ. Gia đình của họ, cũng bị phần nào ảnh hưởng. Bi kịch nảy sinh từ đó.
Rồi người ta hay cũng cười, dở cũng cười, khen cũng cười, chê cũng cười. Cười đã được chọn làm cách xử thế. Cười tạo sự thân thiện, hàn gắn mâu thuẫn, bất hòa, cười giúp sống lạc quan và tâm tính hiền hòa vui vẻ. Tiếng cười có ích, cũng là một sự sung sướng đến xa xỉ thời nay. Nói như anh Chu Văn Quềnh trong phim “Đất và người” thì: “Không nên trì hoãn cái sự sung sướng đó lại!”.