Khu vực hành khách quá cảnh tại sân bay quốc tế Incheon. (Nguồn: Yonhap)
Theo lịch trình, hành khách Việt Nam tên A (25 tuổi), đi trên chuyến bay của hãng Korean Air từ sân bay Nội Bài tối ngày 28/1 tới sân bay Incheon vào hồi 5 giờ 05 ngày 29/1 để quá cảnh rồi sau đó bay tiếp đến sân bay Narita của Nhật Bản trên chuyến bay khởi hành lúc 10 giờ 10 cùng ngày. Tuy nhiên, đến giờ khởi hành vẫn không thấy A lên máy bay nên Korea Air đã phải thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Incheon lúc 10 giờ 35 cùng ngày.
Sau khi kiểm tra hệ thống camera giám sát (CCTV) tại sân bay, các cơ quan chức năng phát hiện A đã trốn bất hợp pháp vào Hàn Quốc vào hồi 7 giờ 24 cùng ngày.
Theo quy định, hành khách quá cảnh sẽ phải chờ ở khu vực miễn thuế trên tầng ba của Khu xuất cảnh tại sân bay Incheon để chờ chuyển sang chuyến bay kế tiếp. Tuy nhiên, A đã đi đến Khu vực nhập cảnh tại tầng hai của sân bay và lợi dụng lúc không có nhân viên an ninh ở đó để trốn vào nội địa thông qua cửa xuất nhập cảnh tự động.
Các cơ quan chức năng Hàn Quốc cho rằng A rõ ràng đã chuẩn bị kế hoạch trốn từ trước khi cố tình đi vào Khu vực nhập cảnh và lân la ở đây, chờ khi không có lực lượng an ninh để trốn vào Hàn Quốc. Các cơ quan này đang tiếp tục truy tìm tung tích của A.
Vụ việc của A là trường hợp thứ hai trong tháng vừa qua xảy ra việc hành khách nước ngoài lợi dụng quá cảnh tại sân bay Incheon để trốn vào Hàn Quốc.
Cặp vợ chồng người Trung Quốc lợi dụng quá cảnh tại sân bay Incheon để trốn bất hợp pháp vào Hàn Quốc đã bị bắt ngày 25/1 vừa qua. (Nguồn: Yonhap)
Trước đó, vào ngày 21/1, một cặp vợ chồng người Trung Quốc (cùng 31 tuổi) cũng đã trốn vào Hàn Quốc thông qua cửa xuất nhập cảnh tự động nêu trên.
Đến ngày 25/1, tức là sau năm ngày lẩn trốn, cặp vợ chồng này đã bị lực lượng xuất nhập cảnh bắt giữ tại thành phố Cheonan, cách sân bay Incheon khoảng 140km về phía Nam. Qua điều tra, cặp vợ chồng này khai nhận mỗi người đã nộp cho môi giới 10 triệu won (gần 200 triệu đồng) để được “bố trí” trốn vào Hàn Quốc lao động bất hợp pháp.
Dư luận sở tại cho rằng qua hai vụ việc trên đã cho thấy có những kẽ hở và sự lỏng lẻo nhất định trong quy trình kiểm soát và quản lý hành khách quá cảnh tại sân bay quốc tế Incheon, một trong những sân bay lớn và đông đúc nhất châu Á và từng được coi là “sân bay trung tâm của khu vực Đông Bắc Á”.
Theo VietnamPlus