Không hiền lành và đầy phàn nàn như các cô nàng tiểu thư nhạc pop, âm nhạc của Pink dù gắn liền với đời tư, những số phận, những nỗi đau nhưng lồng ghép vào đó là sự nổi loạn, cá tính khẳng khái, phảng phất đâu đó sự tổn thương đang bùng nổ chẳng thể nào nguôi ngoai. Phát hành đĩa ghi âm mới trong tháng 9, Pink quyết định kể một sự thật về tình yêu.
Cô nàng tóc hồng hát Rock
Những dấu ấn đầu tiên của Pink đến với âm nhạc thế giới là một cô gái ngổ ngáo đầy tàn nhang, thích khoe da thịt, phong cách thời trang nhem nhuốc thảm họa và hơn hết là mái tóc đầu đinh nhuộm hồng như thể cố gượng ép gắn cho mình nghệ danh “Pink”. Thế nhưng ít tai biết được rằng cái tên ngắn gọn này đã là nick-name của cô gái Alecia Beth Moore từ khi cô còn là nữ sinh 14 tuổi phá phách, ngang tàng, tham gia vào ban nhạc rock-chick học đường gồm ba cô gái thích nổi loạn. Ở tuổi niên thiếu, Pink đã sớm bộc lộ tài năng cảm thụ âm nhạc vốn thừa hưởng từ người cha là tay trống rocker.
Album đầu tay của Pink – “Can’t Take Me Home”, phát hành vào mùa hè năm 2000, thuyết phục tuyệt đối người nghe công nhận cô gái này là một nữ nghệ sĩ có nội lực và thực tài, dẫu cũng không ít tật xấu. Các single xuất xưởng từ album này như: “Most Girls”, “You Make Me Sick”, “There You Go” đều là những kiệt tác pha trộn âm nhạc tuyệt vời giữa pop, R&B và một chất rock tiềm ẩn trong chất giọng khàn đục của Pink.
Lọt vào top Billboard 100, trở thành nghệ sĩ mới triển vọng có danh dự mở màn cho live show N’Sync, thế nhưng Pink không chỉ dừng lại ở đó, vì với album thứ hai “Missunderstood”, cái tên Pink đã vượt qua mặt đàn anh N’Sync cùng nhiều ngôi sao khác nữa để chiếm lĩnh ngôi vị ca khúc của năm với single “Get The Party Started” cùng hàng loạt hit sản sinh từ album thành công này như: Don’t Let Me Get Me, Just Like A Pill, My Vietnam, vv… đó là chưa kể đến quả bom “Lady Marmalade” cùng Christina, Lil Kim, Mya đưa cô nàng chinh phục tượng Grammy đầu tiên trong sự nghiệp, cùng thành tựu video ca nhạc xuất sắc nhất năm 2001.
Cuộc tình cuối và sự thật chưa kể
Đĩa ghi âm thứ sáu trong sự nghiệp của Pink, “The Truth About Love”, dự kiến sẽ phát hành vào ngày 14 tháng 9 sắp tới. Đây là sản phẩm đầu tiên mà Pink cộng tác cùng hãng thu âm RCA sau khi hãng LaFace của cô đóng cửa và chấm dứt hợp đồng cùng Jive. Chưa ra kệ đĩa, nhưng “The Truth About Love” bắt đầu thu hút những ồn ào, “suốt 14 năm qua, mọi người đều từ chối cộng tác với tôi, thế nhưng với album này, thì mọi người đều đồng ý. Chắc có lẽ vì giờ đây tôi đã mềm mại hơn, dịu dàng hơn, còn trước đây … mọi người sợ tôi sẽ cắn họ chăng ?”.
Những cái tên đình đám vừa “chốt hạ” khẳng định sẽ có mặt trong album này của Pink gồm có: Lily Allen, Nate Ruess, và đặc biệt là rapper từng có hiềm khích với Pink trước đây cũng có mặt trong ca khúc “Here Comes The Weekends” – Eminem, và dĩ nhiên không ai khác, người đứng sau sự hợp tác đặc biệt này, kiên luôn phần sản xuất chính là DJ Khalil, người tạo nên thành công cho album “Recovery” của Eminem trước đây. “The Truth About Love” sẽ có tổng cộng 13 ca khúc ở bản thường và 19 ca khúc ở phiên bản deluxe. Album là sự cộng tác tâm huyết của Pink trong cương vị sáng tác và Greg Kurstin ở vị trí sản xuất. Chính Greg là người đã sáng tác bản hit đình đám “Stronger (What Doesn’t Kill You)” dành cho Kelly Clarkson. Chắc có lẽ thế mà người nghe nhận ra sự tương đồng và đôi khi còn chỉ trích Pink đang đi vào lối mòn của Kelly Clarkson.
Tuy nhiên, hơn cả những ồn ào truyền thông, khán giả nóng lòng chờ đợi được nghe Pink kể câu chuyện sequel về cuộc sống hậu tan vỡ, và giờ đây Pink đã là bà mẹ của cô công chúa nhỏ: liệu ba năm sau lời dứt tình, người đàn bà của rock ám ảnh có đứng vững và vượt qua, hay vẫn hoài những tiếc thương hằn học. Tình yêu trong các khúc ca tuyên ngôn của Pink, không phải thứ mông muội lụy tình, hay chóng vánh nhạt phai, đó là cảm xúc của một tâm hồn được bảo bọc bởi bề ngoài cứng rắn đương đầu, nhưng lại thểu não suy tư đến mềm nhũn phía trong. Cuối cùng, điều đọng lại là khát khao thẳm sâu được yêu và yêu, sòng phẳng, không tính toán, không phiền muộn. Single đầu tiên trích từ album này, “Blow Me (One Last Kiss)” là một minh chứng rõ ràng, bản pop/rock dễ nghe dễ thuộc nhưng không hề dễ thấm hời hợt nếu chỉ nghe qua một hai lần ban đầu. Một nụ hôn cuối gửi đến người tình, để dứt áo ra đi, hay để ngoái đầu tiếc nuối, tất cả đều ngóng đợi phản ứng của Pink và “The Truth About Love”.
Ngã rẽ phong cách âm nhạc
Kể từ sau thành công của album thứ hai phô trương những giai điệu bốc đồng của đám trẻ đường phố, Pink đã quá ngán ngẩm với việc chỉ là nghệ sĩ trình diễn, hát như một cái máy dưới sự điều khiển chặt chẽ của ông bầu và hãng đĩa, cô tự mày mò tìm hiểu về rock alternative một cách nghiêm túc, đắm chìm trong không gian sáng tạo có phần bộc tả cảm xúc, già dặn hơn và dĩ nhiên là “nhiễm” rock nặng hơn.
Chắc có lẽ vì thế mà âm nhạc của Pink trong album “Try This” (2003) không còn nhận được sự đón nhận cuồng nhiệt đến từ mọi thành phần người nghe, tuy nhiên giải Grammy thứ hai trong đời dành cho single “Trouble” là một bằng chứng trưởng thành sáng giá nhất cho việc chuyển hướng âm nhạc của Pink.
Bẵng đi ba năm vắng bóng với nhiều thăng trầm trong cuộc sống riêng tư, Pink quay trở lại showbiz bằng album “I’m Not Dead” (2006) , một sản phẩm mà ngay từ tiêu đề như một lời tuyên bố với thế giới rằng: “Này , tôi còn đây nhé, vẫn sáng tạo âm nhạc nhé, tôi không ngồi yên một chỗ mà ngậm miệng mình đâu, dù cho đôi lúc đó là điều nhiều người muốn”. Bên cạnh thứ giai điệu lột tả đã trở thành đặc trưng riêng, cảm xúc và ca từ của Pink trong sản phẩm này đánh dấu một sự chững chạc trong nhân sinh quan của người nghệ sĩ buộc phải trưởng thành theo dòng cuộc sống. Đã không còn một cô gái Pink đầy manh động, nổi hứng, lếu láo, những ca khúc của Pink bắt đầu mang nhiều tính đả kích, phê phán, châm biếm và tả thực xã hội.
Thời gian đó, Pink bắt đầu đi tour diễn “I’m Not Dead Tour” vòng quanh thế giới. Tại Úc, tour diễn đạt kỷ lục về doanh số tour diễn thành công nhất trong lịch sử âm nhạc của Úc từng được lập ra bởi một nghệ sĩ nữ, cùng với 62 tuần liên tục “I’m Not Dead” nằm trong bảng xếp hạng âm nhạc Úc giai đoạn 2006-2007.
Lời chia tay chua chát
Single “So What” ra mắt khán giả vào mùa thu 2008 mở đầu cho album “Funhouse” đánh dấu nấc thang phát triển mới trong cả sự nghiệp âm nhạc lẫn đời tư của Pink. “So What”, hòa trộn thanh âm của guitar điện tử và cách hòa âm electro pop đương đại như một lời hằn học, trách móc, mắng thẳng vào mặt anh chàng người yêu Carey Hart sau cuộc chia tay ráo hoảnh nước mắt. Pink trở lại trề năng lượng trong giọng hát, trong phong cách và hình tượng, thế nhưng ẩn dưới sức sống ương ngạnh ấy, Pink bộc lộ tâm hồn đầy day dứt và trằn trọc của người phụ nữ cô đơn mỗi đêm vắng trên chiếc giường trống, cô chuyển tải nội tâm nhiễu loạn ấy vào “Sober”, “I don’t believe you” và “Please don’t leave me”, đều là các single tự sự được giới phê bình đánh giá cao.
Tính đến thời điểm này, “Funhouse” vẫn là album thành công nhất trong sự nghiệp của Pink, với 2 triệu bản phát hành riêng tại Mỹ và 10 triệu bản bán hết veo trên khắp thế giới, cùng 6 single xuất xưởng lần lượt lọt vào thứ hạng cao của các bảnh xếp hạng uy tín. Pink tổ chức tour diễn vòng quanh thế giới lần thứ hai dựa trên “Funhouse”, trải dài từ Bắc Mỹ, qua Tây Âu và Châu đại dương, thu về doanh số bán vé khổng lồ 150 triệu đô la đứng vào hàng ngũ 10 tour diễn thành công nhất năm 2009.
Theo Thegioinguoinoitieng.vn