Những giáo viên yoga hiện nay hầu hết đều làm việc với tinh thần tự nguyện, truyền dạy những kinh nghiệm bản thân thu nhận được trong quá trình khổ luyện của mình.
Trò chuyện với những giáo viên yoga có thể giúp bạn đọc có những ý niệm rõ ràng hơn về môn thể thao mới mẻ này, đồng thời tham khảo thêm kinh nghiệm cho riêng mình.
Phạm Thanh Hải, huấn luyện viên yoga tại Lotus spa, TPHCM
– Theo anh, người ta tìm đến yoga vì lý do gì?
Theo tôi, người ta tập yoga vì một số lý do sau: căng thẳng, không tự tin ở vẻ ngoài của mình, mỏi mệt ở các cơ bắp…
Do đó, tùy vào mỗi người mà giáo viên có cách tư vấn, “điều trị” khác nhau. Cái hay của yoga là ở điểm này. Mỗi người sẽ tự tìm cách riêng để cân bằng trạng thái của chính bản thân mình thông qua tư vấn của giáo viên.
Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, áp lực về việc làm đẹp cao quá thường không mang lại hiệu quả. Nhiều người cho rằng yoga gần như trở thành một phép màu, nôn nóng tìm đến yoga để làm đẹp và đôi khi sẽ cảm thấy thất vọng.
Bởi yoga không phải là giải phẫu thẩm mỹ. Nó chỉ là cách hướng dẫn người ta đạt đến trạng thái như mình mong muốn, do chính bản thân mình cố gắng mà được. Sự thăng bằng trong tâm hồn và ngoài thể xác chính là những gì mà yoga sẽ mang đến cho người theo đuổi.
Tác dụng cơ bản của yoga là mang đến sự khỏe mạnh từ bên trong, từ trí lực đến sức khỏe thể chất. Và chính những điều đó mang lại cho người ta một sắc diện tươi trẻ, rạng rỡ.
– Người theo học yoga thường ở độ tuổi nào?
Nơi tôi huấn luyện, phần lớn học viên tìm đến yoga ở lứa tuổi từ 25 – 40 và đều là người có tri thức, có địa vị trong xã hội, đa số là phụ nữ. Sau một thời gian ngắn, họ hoàn toàn có thể tự tập yoga ở nhà mà không cần đến giáo viên hướng dẫn nữa.
Nếu có thời gian nghiên cứu sâu, họ có thể đủ trình độ để tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn cho người khác cùng tập. Yoga có một sức mạnh cuốn hút vô cùng, ngay cả tôi, khi đi bất kỳ đâu, miếng thảm tập cũng là vật bất ly thân.
Đặng Đỗ Quyên, huấn luyện yoga tại Sofitel Plaza, TPHCM
– Làm sao Quyên trở thành giáo viên ở độ tuổi chỉ mới 25?
Bố mẹ tôi là tín đồ của yoga nên cách đây 10 năm tôi đã theo cha mẹ luyện bộ môn này. Nhiều người cho rằng yoga chỉ dành cho người lớn tuổi muốn được trẻ hoá. Tôi theo học và bị nó thu hút thực sự. Quyết tâm theo đuổi đến nơi đến chốn, tôi cắp tráp theo người thầy Ấn Độ huấn luyện yoga tại các khách sạn lớn.
Theo phụ thầy hướng dẫn, luyện tập, học hỏi được 2 năm tôi bắt đầu tu nghiệp thêm môn này tại Thái Lan và Singapore, những nơi được xem là trung tâm của yoga ở Đông Nam Á.
Càng theo đuổi càng đam mê, càng theo phụ giúp thầy, tôi càng có nhiều kinh nghiệm. Phần lớn học viên thời điểm đó là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Dần dần, tôi trở thành giáo viên đứng lớp một cách chính thức.
– Vậy là ai theo học môn này cũng có khả năng trở thành giáo viên?
Có thể đúng mà cũng không hẳn vậy. Người thầy giỏi hay không, có học viên hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào họ. Ai cũng có thể trở thành giáo viên được, nhưng vấn đề là có ai theo học hay không. Cũng như tất cả các ngành nghề khác, không có duyên, không có đủ trình độ, bạn không thể “hành nghề” được.
Yoga lại là một trường phái đặc biệt. Càng theo đuổi, bạn càng đạt được trạng thái cao hơn. Giáo viên yoga cũng có nhiều cấp bậc, tôi may mắn đã từng tiếp xúc với rất nhiều giáo viên từ nhiều nước trên thế giới. Nhiều người trong số đó có thể nói là đã đạt đến “đỉnh”. Rất dễ nhận ra, ở họ, gần như tất cả mọi cảm giác đều thăng bằng. Là một giáo viên, bạn không chỉ thông tuệ tất cả những vấn đề liên quan đến yoga mà phải yêu thật sự mới tồn tại được với nghề.
Sự khác biệt giữa các giáo viên là cấp bậc của họ. Có những người giáo viên rất giỏi và có những giáo viên bình thường. Giáo viên giỏi là người cảm nhận được cái hồn của yoga, họ phải đào luyện thêm qua cuộc sống tâm linh của chính mình.
Yoga không phải là giải phẫu thẩm mỹ. Nó chỉ hướng dẫn người ta đạt đến trạng thái như mong muốn, do chính mình cố gắng mà được. Sự thăng bằng trong tâm hồn và ngoài thể xác chính là những gì mà yoga sẽ mang đến cho người theo đuổi. |
Một giáo viên yoga thường được đánh giá ở 2 điểm: tư thế, động tác khi luyện tập và kiến thức truyền đạt. Yoga là sự chuyển đổi cả con người, cả thể xác và tâm trí. Cái khó của người giáo viên là giúp học viên cảm nhận được những gì mà chính họ đang có.
– Những người theo tập được lợi gì khi phải bỏ ra một chi phí cao hơn nhiều so với tập thể dục thẩm mỹ?
Nếu chuyên tâm, họ được rất nhiều. Thể dục thẩm mỹ là cái đẹp ngay lập tức, từ bên ngoài. Yoga là cái đẹp từ bên trong.
Yoga đòi hỏi ở bạn tính kiên nhẫn đến mức gần như phi lý. Có nhiều động tác yoga tưởng chừng con người không thể làm được, nhưng họ đã làm được. Điều đó chứng tỏ sự kiên trì sẽ giúp ta làm được tất cả. Từ sự kiên nhẫn bạn sẽ tiến tới trạng thái “thiền”, trạng thái tĩnh mà bộ môn yoga hướng đến.
– Quyên nhận xét gì về trào lưu yoga hiện nay?
Bây giờ yoga trở thành một phong trào, nhất là ở các đô thị. 10 năm trước yoga là cái gì đó rất xa xỉ, bây giờ câu lạc bộ, spa, một công ty hay một tổ chức tập thể đều huy động lớp yoga và có đông đảo người theo học… Tôi thấy trào lưu này hoàn toàn có tác dụng rất tích cực, vì ai cũng sẽ tìm ra cho mình một chân lý để theo đuổi, ở yoga, rất dễ tìm được trạng thái đó.
– Theo Quyên, người trẻ theo học yoga có phù hợp không?
Tôi nghĩ, đến với yoga từ khi còn trẻ hay lớn tuổi không quan trọng. Quan trọng là người ta lĩnh hội được những gì. Mà điều ấy thì ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng lý tưởng cả./.
Các tin liên quan:
Yoga – Triết lý 8 bước Yoga – Tìm thấy và ở lại Những điều cần biết khi tập Yoga Liệu pháp cho sắc đẹp Yoga – Tăng cường năng lực |