Là một nhiếp ảnh gia người Ý, Paolo Belletti đã có 5 năm được đào tạo chuyên nghiệp và 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Bộ ảnh “Roma Trong Thời trang” (Rome in Fashion) mà anh chụp cho thương hiệu Fernanda Gattinoni đã được Đại sứ quán Italia tại Việt Nam trưng bày trong Tuần lễ Văn hoá nước Ý vào tháng 11 vừa qua.
Nhiếp ảnh gia Paolo Belletti.
Họ và tên: Paolo Belletti
Ngày sinh: 25/10/1982
Nơi sinh: Venice
Nơi làm việc: Milan
Tốt nghiệp Cử nhân Truyền thông tại Đại học Padua
Thạc sỹ Truyền thông – Marketing tại Milan
Từng làm việc tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế (New York) năm 2009
Từng tổ chức các triển lãm riêng tại Roma năm 2012
Nhiếp ảnh gia yêu thích: Guy Bourdin (người Pháp)
Website cá nhân: http://www.paolobelletti.it
Paolo có sở thích du lịch và chụp ảnh những nơi anh đã đi qua.
Một số ảnh của bộ “Roma trong Thời trang” mà Paolo chụp cho thương hiệu Fernanda Gattinoni.
– Chào Paolo. Anh có thể chia sẻ thêm về công việc nhiếp ảnh của anh được không?
Tôi học nhiếp ảnh từ năm 20 tuổi và bắt đầu đi làm nhiếp ảnh năm 25 tuổi. Bộ ảnh đầu tiên tôi chụp là trên một tầng thượng ở Milan, hợp tác cùng với một nhà thiết kế thời trang người Ý rất trẻ tuổi tên là Alessia Xoccato. Hiện tại thì cô ấy đang kinh doanh rất tốt với thương hiệu riêng của mình.
– Tại sao anh lại chọn nhiếp ảnh làm nghề nghiệp chính?
Tôi biết nhiều người chỉ coi nhiếp ảnh là sở thích hoặc thú vui, nhưng đối với tôi, nhiếp ảnh còn là nơi thể hiện bản thân và những cảm xúc cá nhân. Mỗi tấm ảnh đều phản ánh cách tôi nhìn nhận cuộc sống và bày tỏ những cái nhìn của riêng mình. Vì thế tôi đã quyết định học và theo đuổi nhiếp ảnh như một nghề nghiệp thực sự.
– Khi bắt đầu với công việc nhiếp ảnh, anh có gặp khó khăn gì không, nhất là ở một nơi công nghiệp thời trang phát triển như Milan?
Tất nhiên là có chứ. Ở Milan có rất nhiều nhiếp ảnh gia, vì thế khi mới “chân ướt chân ráo” vào nghề, bạn phải sẵn sàng cho cuộc “chiến sinh tồn”. Những người mới vào ngành phải tạo cho mình những mối quan hệ quen biết trong giới như các NTK, biên tập viên thời trang hay phóng viên báo chí. Đồng thời, bạn cũng phải liên tục giới thiệu với mọi người về những bộ ảnh của bạn để có được những lời mời chụp.
Bản thân tôi khi mới vào nghề đã phải tự mình thiết kế một hồ sơ công việc (portfolio) thật tốt, sau đó viết thư tới tất cả những email mà tôi xin được của những người trong ngành. Tôi cứ kiên trì gửi hồ sơ như vậy, rồi bắt đầu với những buổi chụp nhỏ, thậm chí lúc đầu là chụp miễn phí. Tôi chụp cho bạn bè của mình, rồi bạn của bạn mình… Dần dần, portfolio của tôi dày lên, tôi được nhận làm trợ lý của một số nhiếp ảnh gia có tiếng. Sau đó, tôi bắt đầu có những hợp đồng riêng, thuận tiện hơn cho việc phát triển sự nghiệp của bản thân.
– Anh có thể giới thiệu một số bộ ảnh mà anh từng chụp không? Có bộ ảnh nào để lại ấn tượng sâu sắc với anh?
Alessia Xoccato, Corriere Della Sera, “Buổi tiệc trắng” của Milano, hãng thời trang Io Donna và gần đây nhất là Fernanda Gattinoni, cũng là bộ ảnh mà tôi ấn tượng nhất, vì thương hiệu này từng thiết kế nhiều phục trang nổi tiếng cho các minh tinh Hollywood mà tôi yêu thích. Gattinoni mời tôi chụp cho họ sau khi họ xem hồ sơ của tôi – cũng mất vài tháng để cạnh tranh với các nhiếp ảnh gia khác đấy (cười). Đến nay, chúng tôi đã hợp tác một số bộ ảnh với nhau. Bên họ cung cấp các mẫu váy, đầm để chụp, ngoài ra tôi và họ cũng cùng nhau thảo luận về địa điểm chụp và ý tưởng bộ ảnh.
Những bức ảnh thời trang của Paolo thường có sự kết nối giữa người mẫu, trang phục và bối cảnh.
– Anh thường lấy cảm hứng nghệ thuật từ đâu?
Tôi thường xem phim hoặc tham khảo các bộ ảnh khác, và đặc biệt là đi du lịch, nó đem lại cho tôi rất nhiều cảm hứng. Tôi thích tạo ra sự liên hệ giữa người mẫu và bối cảnh chụp, để cảnh và người hoà quyện được vào với nhau. Phong cách của tôi là tối giản (minimal), tôi không sử dụng ánh sáng hay chỉnh sửa màu sắc cầu kì. Cứ để cảnh tự làm nổi bật người, và người làm đẹp thêm cho cảnh.
– Từng có 6 năm làm việc tại Milan, anh có thể nhận xét về bức tranh thời trang ở Milan khi so sánh với các kinh đô thời trang khác trên thế giới không?
Người Ý họ có một phong cách riêng từ bên trong (inner style). Bạn có thể “ngửi” thấy thời trang ở khắp mọi nơi, vì con người ở đây họ sống với thời trang. Nếu như Roma là vùng đất nghệ thuật, thì Milan là một miền đất hứa cho những người đam mê và muốn làm thời trang. Ngành công nghiệp thời trang cũng đã được sản sinh ở đây, từ những thương hiệu như Armani, Versace, Prada… Ở Milan có rất nhiều trường thiết kế thời trang, dạy nhiếp ảnh, show room, xưởng may… Mọi người đều làm việc với cái đầu bùng nổ đầy ý tưởng. Đây quả là một thiên đường cho những người yêu thích thời trang như tôi.
– Anh nhắc tới các trường đào tạo, nhưng với số lượng rất nhiều sinh viên đến Milan học mỗi năm, liệu họ có chắc chắn nhận được một công việc sau khi tốt nghiệp?
Rất nhiều sinh viên tới Milan học nhiếp ảnh hoặc thiết kế để có thể tìm cho mình một chỗ đứng trong lĩnh vực này. Mặc dù khối lượng học khá vất vả và cạnh tranh cao, nhưng sinh viên học ở Milan sẽ được nhà trường tạo điều kiện rất nhiều. Các bạn có thể nhận thư giới thiệu để đi thực tập ở các hãng thời trang và làm trợ lý cho những show thời trang tại đây. Và nếu bạn thật sự có tài thì các hãng sẽ đào tạo và nhận bạn vào làm chính thức.
– Trong thời gian tới, ngoài nhiếp ảnh thì anh còn có dự định nào khác không?
Tôi muốn đi du lịch nhiều hơn – Việt Nam cũng là một điểm dừng chân thú vị. Ngoài ra, tôi còn phát triển một dự án nghệ thuật cá nhân có tên “Pavlove der Visionaer” mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Dự án này tập trung vào những con người rất sáng tạo mà tôi từng gặp, một vài trong số họ là nhà thiết kế thời trang. Tôi chụp ảnh họ và kể những câu chuyện về họ qua ảnh. Bạn có thể xem thêm tại đây.
Cám ơn Paolo, chúc anh sẽ thành công hơn nữa trong sự nghiệp nhiếp ảnh và các dự định của mình.
Bài: Ngọc Đặng
Ảnh: Paolo Belletti
Cùng Đẹp Online tìm hiểu về nữ tướng mới của Louis Vuitton.