Oukan - “Vương miện” giữa lòng Berlin - Tạp chí Đẹp

Oukan – “Vương miện” giữa lòng Berlin

DELETED

Thời trang của tĩnh lặng

Thật bất ngờ là “concept store” Oukan nằm ngay trên đường Kronenstrasse cắt con phố mua sắm thời thượng nhất Berlin Friedrichstrasse lại thuộc về một người Việt Nam: Trần Mai Huy-Thông, cựu sinh viên trường thiết kế danh tiếng Central Saint Martins. Là một Việt kiều, nhưng Huy-Thông đã có tiếng trong giới sáng tạo ở Berlin. Đam mê đạo Phật, yêu thích sự tỉ mỉ và chậm rãi kiểu Á Đông, Huy-Thông sáng lập Oukan vào mùa thu năm ngoái với mong muốn đưa ý tưởng thời trang “tĩnh” kiểu châu Á tới giới mộ điệu tại Đức.

 

Trần Mai Huy-Thông, người đứng đằng sau toàn bộ ý tưởng Oukan

 

BST của Marina Fantich & Dominic Young: mối giao thoa giữa công nghệ hiện đại với kỹ thuật đóng giày và may vá truyền thống của hoàng gia Anh quốc. 

Một không gian không quá lớn (300m2) nhưng cũng đủ để Oukan tạo nên tiếng nói độc đáo cho riêng mình. “Oukan”, tiếng Nhật có nghĩa là vương miện (dịch từ chữ tiếng Đức “Kronen”). Nhưng vương miện ở đây không nhất thiết phải được làm từ vàng bạc hay kim cương. Vương miện có thể là những khúc than rắn rỏi được trưng bày ở cả hai tầng lầu. Những khúc than ấy là “bùa hộ mệnh” giúp lọc đất, lọc không khí và lọc nước cho những vùng đất bị ảnh hưởng bởi bom hạt nhân Hiroshima. Huy-Thông bày khúc than trong lồng kính, tựa một pho tượng nhỏ, và giới thiệu nó như một món đồ vừa để trang trí nội thất vừa để thanh lọc không gian.

Sự tĩnh lặng, thanh khiết và vô cùng tinh tế, trí tuệ là tinh thần chủ đạo trong tất cả các sản phẩm được tuyển chọn vào Oukan. Đó là bộ sưu tập nữ trang làm bằng xi măng nung cứng với đường nét góc cạnh, tinh giản của trường phái Bauhaus. Là chiếc áo lụa đen hiệu Antonia Goy in vệt màu phấn nhạt đổ nhẹ theo chiều dài áo, hay chiếc dù kiểu Nhật cổ điển nhưng lại bằng da thuộc màu đen của T.A.S.

 

Mẫu đồ sứ thiết kế bởi Hedwig Bollhagen, nhà thiết kế theo trường phái Bauhaus.

 

Nữ trang bằng thiếc có thể thay đổi hình dạng tùy cách lắp ráp, được thiết kế bởi nhóm nhà toán học The Fudamental Group

Sự hòa quyện Đông – Tây

Tại Oukan, “tĩnh” không có nghĩa là không phá cách. Sự phá cách ở đây không ồn ào mà đạt đến mức tinh tế, kín đáo nhất. Dường như có nét tương đồng ở sự kiệm lời, tính tối giản giữa văn hóa Đức và phương Đông. Nhưng điều ấy không có nghĩa là Oukan chỉ chọn lựa các nhà thiết kế và nghệ sĩ đến từ châu Á, Oukan đã tìm kiếm được những cách diễn giải mới cho nhiều thương hiệu Đức, Pháp, Bỉ, Na Uy.

 

Bộ váy lụa màu xám vân khói, có cấu trúc phức tạp của Hussein Chalayan; chiếc áo khoác dệt kim với đường cắt may cách tân của Damir Doma; tính khảng khái, mãnh liệt trong trang phục của A.F.Vandevorst là những nốt nhấn nhá trong cuộc chơi thời trang của Oukan.

Được cải tạo lại từ một phòng tranh và quán bar nghệ thuật, nội thất của Oukan thể hiện rõ sự kết hợp ăn ý mang hơi thở avant-garde của hai khối văn hóa Tây – Bắc Âu và Đông Á. Sàn xi măng trơn; khung cầu thang thép bóng mờ uốn cong; khối trụ đúc màu trắng như phi thuyền của thì tương lai; những tấm thảm được ghép bởi mảnh gỗ ép cắt laser; bộ bàn Monroe sáng tạo bởi một nhóm các chuyên gia toán học ở Berlin mang tên The Fundamental Group,…

Ví hiệu No, No, Yes! làm bằng một tấm da duy nhất, không đường may, xếp origami và chỉ đính một nút bấm.  

Nghệ thuật thiết kế nội thất và thời trang tiên phong được dung hòa với ẩm thực châu Á tại nhà hàng AVAN nằm ngay trong Oukan. Ổ bánh mì thịt với đồ chua và ngò rí thơm lừng cùng ly nước soda chanh gợi nhớ Sài Gòn sẽ là bữa xế chiều nhẹ nhàng cho khách hàng sau buổi mua sắm kiểu Đông – Tây.

Câu chuyện Concept Store

>> Colette Paris: Cái nôi của “concept store”

>> Xa xỉ & Avant Garde

>> Oukan “vương miện” giữa lòng Berlin

Thực hiện: Arlette Quỳnh Anh 

Thực hiện: depweb

08/01/2013, 14:16