Oscar 2013: Cuộc so tài nảy lửa - Tạp chí Đẹp

Oscar 2013: Cuộc so tài nảy lửa

DELETED

Hai chục studio tên tuổi ở Hollywood, mỗi studio chỉ cần một phim, cộng với mươi ứng cử viên thuộc diện tay không bắt giặc (ví dụ như “The Artist” năm ngoái của một hãng phim Pháp nhỏ “canh ti” với Weinstein Co.), thì đã có tới 30 phim cần xem để chọn ra đề cử cho Phim hay nhất. Và thường những phim tranh giải lại không thuộc diện ăn khách ở Việt Nam để được nhập về. Trong hơn ba chục đầu phim sáng giá của năm nay, chỉ năm phim đã và sẽ công chiếu ở Việt Nam là “The Dark Knight Rises“, “Skyfall“, “Life of Pi“, “The Hobbit“, và “Les Misérables“. May thay, có không ít phim đã đến được Việt Nam qua con đường DVD hoặc Internet. Bài viết này, do vậy, một phần là điểm qua những ứng viên tiềm năng trước ngày công bố chính thức các đề cử, phần khác là giới thiệu những phim đã có ở Việt Nam để độc giả của Đẹp có thể tìm xem trong dịp nghỉ Tết.

Best Picture

Từ năm ngoái, Viện Hàn lâm đã quy định, để được đề cử, một phim phải có tối thiểu 5% phiếu bầu vào vị trí số 1. Tiêu chí này khiến việc dự báo rất khó khăn vì số đề cử sẽ dao động bất kỳ từ 5 đến 10 (năm ngoái là 9), đồng thời sẽ gây ít nhiều thiệt thòi cho những phim độc lập được phát hành hạn chế, hoặc ra mắt dịp cuối năm, không có nhiều cơ hội được hội đồng “để mắt” khi bầu chọn. Điều này, tuy thế, lại không hẳn đã đúng với “Zero Dark Thirty“. Tác phẩm mới nhất của Kathryn Bigelow, người đoạt Oscar 2009 với “Hurt Locker”, mặc dù tháng 12 mới ra rạp song vẫn được coi là một ứng cử viên nặng ký, gần như chắc suất ở top 5. Câu chuyện về một thập niên truy đuổi Bin Laden tự nó đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, chưa kể đến tài năng xuất chúng của Kate khi đạo diễn những bộ phim chiến tranh.

Zero Dark Thirty

Ứng viên chắc suất thứ hai là “Argo” của Ben Affleck. Sau “Gone Baby Gone” và “The Town”, Ben tiếp tục chứng tỏ mình phát về đường đạo diễn hơn là diễn viên. Cốt truyện về vụ khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Iran rất thời sự, chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Viện Hàn lâm, đặc biệt là sau vụ Lãnh sự quán Mỹ ở Libya bị tấn công hồi tháng 9 năm nay.

 

Argo 

Sau hai gương mặt thời sự sẽ đến một gương mặt kinh điển. “Les Misérables” của Victor Hugo tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim, và lần này là Tom Hooper. Tiếp nối thắng lợi phần nào bất ngờ của “The King’s Speech” hồi năm ngoái, vở nhạc kịch này đã chứng tỏ Tom không hề “ăn rùa” khi các suất chiếu đặc biệt cuối tháng 11 đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của giới truyền thông. Hai lần Đạo diễn xuất sắc của Spielberg cộng với hai lần Diễn viên nam chính xuất sắc của Daniel Day-Lewis thừa sức là bảo chứng cho “Lincoln” trong cuộc đua giành tượng vàng. Với một đất nước đang chìm trong khủng hoảng và chia rẽ, thiên sử thi về một trong những người cha của Hợp chủng quốc, tác giả của câu nói bất hủ “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, sẽ là một tiếng bạc khá sáng của DreamWorks Studio năm nay.

 

Les Misérables 

Gần gũi và ấm áp với khán giả hơn cả trong top 5 có lẽ là “Silver Linings Playbook“. Nếu được đề cử, bộ phim hài về tình yêu và cơ hội thứ hai trong đời của mỗi con người này cũng sẽ là cơ hội thứ hai của David Russell ở hạng mục Phim hay nhất sau “The Fighter” năm 2010. Một khi nước Mỹ đã cho Obama cơ hội thứ hai thì có lẽ Viện Hàn lâm cũng chẳng tiếc gì David một điều tương tự.

 

Silver Linings Playbook 

Sau năm gương mặt tương đối chắc chân này là ba ứng viên khá tiềm năng khác. Thứ nhất là “Life of Pi” của một gương mặt không xa lạ gì với tượng vàng Oscar: Lý An. Mang cuốn tiểu thuyết được xem là “không thể dựng thành phim” của Yann Martel lên màn ảnh, ông được ca ngợi là đã xóa nhòa ranh giới giữa hiện thực và kỳ ảo bằng những khuôn hình 3D làm người xem sững sờ nhất kể từ “Avatar”.

 

Life of Pi 

Đối lập với biển cả hoang đường của Pi và Charlie Parker là căn phòng hiện thực tàn nhẫn của Georges và Anne trong “Amour“. Bộ phim mới nhất của Michael Haneke đã có dịp đến với khán giả Việt Nam qua hai suất chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội tháng 11 vừa qua.

 

Amour 

Hết một ảo, một thực, là tới một dị: “Moonrise Kingdom“*, vương quốc của cô bé Suzy có đôi khuyên tai là hai chú cánh cam mà Wes Anderson đã tạo ra ở một miền New England giả tưởng.

 

Moonrise Kingdom 

Bên cạnh đó, không ít cái tên khác cũng có quyền mơ đến một suất đề cử. Có thể kể đến “Beasts of the Southern Wild“* với một tinh thần độc lập rực rỡ như pháo hoa và giải Camera Vàng ở LHP Cannes để làm vốn liếng, đến “Django Unchained” của quái kiệt Quentin Tarantino mà fan hâm mộ chờ đợi suốt cả năm nay, và đến “The Master” của Paul Thomas Anderson với Joaquin Phoenix trong vai diễn xuất thần và ám ảnh nhất của anh kể từ Johnny Cash trong “Walk the Line” bảy năm về trước. Câu chuyện cảm động về một gia đình du khách trong thảm họa sóng thần, tình huynh đệ nhiệt huyết giữa hai cảnh sát tuần tra của LAPD và mối tương giao kỳ lạ giữa cô gái tàn tật và tay võ sĩ giải nghệ cũng có khả năng khiến “The Impossible“, “End of Watch“* và “Rust & Bone“* lọt vào mắt xanh của Viện Hàn lâm.

Beasts of the Southern Wild

Silver Linings Playbook
Moonrise Kingdom
Amour

Zero Dark Thirty

Best Director, Actor & Actress

Không có gì khó hiểu khi trong lịch sử giải Oscar, danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất thường xuyên đi liền với Phim hay nhất. Những gương mặt sáng giá trong hạng mục này đều là những cái tên đã được nhắc đến bên trên: Steven Spielberg, Kathryn Bigelow, Ben Affleck, Lý An, Michael Haneke, Tom Hooper và David O. Russell. Trong khi đó, người có triển vọng đoạt giải Nam chính và Nữ chính xuất sắc nhất lại không nhất thiết phải tham gia vào Phim hay nhất. Đó là trường hợp của Denzel Washington trong “Flight“, sản phẩm của đạo diễn “Forrest Gump” Robert Zemeckis, hay Anthony Hopkins trong bộ phim tiểu sử về nhà đạo diễn bậc thầy Hitchcock. Họ sẽ cạnh tranh cùng Daniel Day-Lewis, Joaquin PhoenixBradley Cooper (“Silver Linings Playbook“).

Năm nay hạng mục của nữ có khả năng sẽ đồng thời lập hai kỷ lục về ứng viên trẻ nhất (cô bé chín tuổi Quvenzhane Wallis trong “Beasts of the Southern Wild“) và già nhất (người đẹp Emmanuelle Riva lừng lẫy một thời trong vai cụ bà 85 tuổi của “Amour“). Xen giữa họ là hai nhan sắc đang độ chín muồi của Marion CotillardJessica Chastain ở “Rust & Bone” và “Zero Dark Thirty“. Cái tên sau chót trong danh sách rất có thể là mỹ nhân 22 tuổi Jennifer Lawrence, nàng sương phụ trẻ của “Silver Linings Playbook“.

Best Foreign Language Film

Một hạng mục cũng rất thu hút sự quan tâm của khán giả quốc tế là Phim nước ngoài hay nhất. Oscar năm nay ghi nhận sự tham gia kỷ lục của 71 nền điện ảnh trên thế giới. Nếu trượt đề cử Phim hay nhất, “Amour” của Haneke vẫn còn cơ hội với tư cách đại diện của điện ảnh Bỉ.

Với chất hài hước và một cái kết rất có hậu, “Intouchables“* (đã chiếu ở Việt Nam hồi tháng 6) là một lựa chọn hết sức lý trí của các nhà tuyển trạch Pháp cho ngày 10/1 (ngày công bố đề cử Oscar) và có thể cả 24/2 tới (ngày diễn ra lễ trao giải).

 

Intouchables 

Trong khi châu Âu có thêm một “A Royal Affair”* gây ấn tượng mạnh với câu chuyện tình yêu cấm kỵ giữa viên ngự y và hoàng hậu của vua Christian VII, thì khuôn mặt châu Á sáng giá nhất có lẽ là “Pietà”* của Kim Ki Duk vừa đoạt giải Sư tử Vàng tại Venice. Không có nhiều cơ hội nhưng vẫn rất đáng chú ý với khán giả Việt là “War Witch”, tấn bi kịch về những đứa trẻ cầm súng ở châu Phi thời nội chiến, qua ống kính của đạo diễn Việt kiều Kim Nguyen, lựa chọn của Canada trong mùa giải năm nay.

 

War Witch 

Với sự góp mặt của nhiều tên tuổi sừng sỏ trên tất cả các hạng mục quan trọng, cuộc đua giành tượng vàng Oscar năm 2013 sẽ đặc biệt quyết liệt và không thiếu những bất ngờ. Bởi vậy, hãy hướng sự chú ý của các bạn đến Nhà hát Dolby vào ngày 24/2/2013 (ở Việt Nam là vào sáng 25/2), nơi đó chúng ta sẽ có câu trả lời cho mọi mong chờ và dự đoán.

* Những phim được đánh dấu hoa thị đã có mặt ở Việt Nam dưới dạng DVD hoặc trên Internet.

Bài: Nham Hoa

Thực hiện: depweb

02/01/2013, 14:57