"Nông dân nhà phố": Có công cày cuốc, có ngày nên… rau - Tạp chí Đẹp

“Nông dân nhà phố”: Có công cày cuốc, có ngày nên… rau

DELETED

>> 11 ý tưởng trồng rau “Thạch Sanh” tại gia hay tuyệt vời
>> Thêm 6 loại cây trồng “Thạch Sanh” cho người mê làm vườn
>> Trồng cây lên gỗ, có gì khó!

Trồng rau vì… sợ và… vui

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam là một trong 20 nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư. Nguyên do chủ yếu là từ đồ ăn thức uống bẩn. Lo sợ trước không ít những thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn lan truyền hàng ngày trên các phương tiện báo chí, truyền thông, các bà nội trợ đua nhau tìm nguồn cung cấp rau sạch cho gia đình. Tuy nhiên, rau gắn mác “sạch” ở các siêu thị theo nhiều báo chí đưa tin cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn là rau lấy từ các chợ đầu mối mang về gắn mác.

Mẹ An Khang (Thái Thịnh, Hà Nội) – thành viên của một số diễn đàn chia sẻ “Ngày nào mình cũng đọc báo, tin tức mình quan tâm nhất là vấn đề thực phẩm, thế mà ngày nào cũng phát hiện ra chất này chất nọ trong thức ăn. Nghe mà kinh hãi. Nhà mình 2 con nhỏ, thi thoảng ông bà gửi đồ ăn thức uống ra nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Mình tìm cách tận dụng ban công và một số góc trong ngôi nhà tập thể cũ đang thuê để tranh thủ trồng trọt vậy”.

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiều bà nội trợ đã tự tay mình trồng rau

Mất niềm tin vào thị trường rau quả, không ít các bà nội trợ đã tìm cách để “tự cung tự cấp” rau quả sạch cho nhà mình. Nói là làm, mặc dù, không có mảnh đất nào để gieo trồng, làm vườn nhưng rất nhiều bà mẹ đã tự tay “quy hoạch” những khoảng không gian nho nhỏ của nhà mình trở thành “vườn” như không gian sân thượng, không gian ban công, thậm chí ngay ở bờ tường.

Vật dụng được các bà mẹ sử dụng nhiều nhất cho “mảnh vườn” của mình có lẽ là thùng xốp. Ngoài ra, những chiếc chậu cảnh nhỏ, chậu thủng, các loại hộp cũng được sử dụng để gieo trồng. Tuy vậy, để có được một khu “vườn” đúng nghĩa và có thể phục vụ cho bữa ăn gia đình, các bà nội trợ cũng gặp không ít khó khăn. Ở thành phố, việc tìm được một ít đất để cho vào thùng xốp cũng không phải đơn giản. Đất trồng rau phải tơi xốp và càng màu mỡ càng tốt. Một số người lựa chọn mua đất sạch từ các công ty bán đất, giống cây, phân bón nông nghiệp; một số khác, lại đi xới đất ở những nơi đất tốt và về tự ủ. Nhiều nhà diện tích ban công hay sân thượng quá bé, các bà mẹ lại phải tìm cách để làm những chiếc giàn thẳng đứng hoặc mua chậu cây thẳng đứng để vừa có thể trồng được nhiều mà lại tiết kiệm không gian.

Công sức và nhiều khi là tiền của bỏ ra ban đầu cũng không nhỏ nhưng không phải ai cũng có thể trồng rau thành công. Trồng rau, ngoài thiên thời, địa lợi, thì kinh nghiệm cũng là yếu tố góp phần không nhỏ. Không phải cây nào cũng trồng là sống, gieo là mọc, một số loại cây rau đòi hỏi phải “chăm bẵm” rất kỹ mới có được thành quả.

 

Một số loại rau quả rất dễ trồng, nhưng cũng không ít loại rau cần nhiều thời gian và công sức chăm bẵm

Để chia sẻ với nhau những kinh nghiệm để trồng rau, các bà mẹ, các bà nội trợ đã lập nên những nhóm, hội trồng rau sạch tại nhà trên các diễn đàn mạng. Chính những chia sẻ nhiệt tình của các chị em trên mạng mà phong trào làm “nông dân” trên phố cũng trở nên rộn ràng hơn. Nhiều bà mẹ chia sẻ rằng, nhờ những kinh nghiệm học hỏi từ những người khác và những bức ảnh “khoe” mà họ có nhiều động lực để tiếp tục hơn. Mẹ cu San ở Mễ Trì tâm sự: “Hồi đầu mình hào hứng trồng trọt lắm, bắt ông xã mua thùng xốp, đi lấy đất rồi mua phân bón, giống cây. Thế nhưng được 1 tháng, chắc do mình tưới tắm các “em” ý kinh quá nên các “em” ý bị úng rồi chết hết. Vừa xót vừa nản, lúc đó đã định thôi làm nông dân rồi đấy. May sao mình google thì gặp đúng hội mê rau mình cần và được chia sẻ vô số kinh nghiệm, từ việc mùa nào rau nào tới chuyện mua phân nào ở đâu, diệt sâu bọ thế nào, làm giàn ra sao… từ đó mình trồng trọt cũng “mát tay” hẳn”.


Có công cày cuốc, có ngày nên… rau

Cũng như người nông dân thực thụ, các chị em “nhà nông trên phố” cũng cực kỳ hứng khởi khi đón nhận những thành quả mà mình đạt được. Mẹ cu San hào hứng: “Mới đầu, khỏi phải nói, cứ nhìn những cái mầm bắt đầu nảy lên là hạnh phúc vô cùng. Chăm sóc, tưới bón mỗi ngày, đến được ngày thu hoạch cũng không dễ gì nhưng khi thưởng thức những bát rau mình trồng thấy sao mà ngon thế chứ”.

Mẹ huyenbi (Hà Đông, Hà Nội) thì khoe: “Bi nhà mình thích mướp, nhưng nhà mình thì bé xíu, trồng được mấy loại rau đã hết chỗ, mướp thì xum xuê, nghĩ là trồng sao nổi. Ấy thế mà đánh liều trồng, rồi làm cái dàn tự tạo bằng mấy thanh gỗ đi xin, vậy mà cũng ra rõ nhiều quả, tha hồ Bi và bố mẹ ăn”.

Quả thực, để trồng rau và có thành quả ngay giữa thành phố chật hẹp không phải là điều dễ dàng. Mặc dù, việc trồng trọt trong những thùng xốp, chậu cảnh không đủ cho nhu cầu rau quả hàng ngày của mỗi gia đình, nhưng hạn chế sử dụng nguồn thực phẩm bẩn tràn lan các chợ, các siêu thị cũng khiến các bà nội trợ yên tâm phần nào. Mẹ An Khang chia sẻ: “Mình làm 2 giàn trồng rau hai bên, cũng được hơn chục loại rau củ các loại. Thường mỗi tuần mình thu hoạch được khoảng 3 mẻ, nhiều thì 4 mẻ, tuy không đủ nhưng mà vẫn là quá mỹ mãn rồi. Phần thiếu thì mình đành nhờ ông bà nội ở quê mua của người quen trồng rồi gửi xuống. Ăn rau quả sạch, thấy bố mẹ con cái khỏe hơn hẳn, không nơm nớp như dạo trước nữa”.

Những thành quả đôi khi không đủ đáp ứng nhu cầu nhưng cũng khiến niềm vui của bà nội trợ nhân lên gấp bội

Tuy nhiên, theo chị D (Quận 12, Tp.HCM), niềm vui không chỉ là bữa ăn hàng ngày được thưởng thức những thứ do chính tay mình làm ra, trồng trọt còn giúp chị và con gái có thêm những giờ phút đầy hứng khởi mỗi ngày. Buổi sáng và buổi tối, hai mẹ con lại ra “vườn” tưới cây, xem cây lớn chừng nào và cuối tuần thì cùng nhau thu hoạch để về chế biến. “Mình thấy cuộc sống thật bình an và thư thái đến lạ từ khi có mảnh vườn nhỏ xíu này”, chị D tâm sự.

Các địa chỉ mua hạt giống và cây giống
Tại Hà Nội

– Hạt giống: Tổng công ty Rau quả TW – Số 2, Phạm Ngọc Thạch, HN
– Hạt giống: Công ty Bình Minh. Địa chỉ: ngõ 10, số 47 Tôn Thất Tùng, chỉ bán trong giờ hành chính
– Hạt giống và cây giống: Phiên chợ Bưởi các ngày 4 và 9 trong tháng
– Hạt giống và cây giống: Phiên chợ Canh các ngày 3 và 8 trong tháng
– Hạt giống và cây giống: Phiên chợ Hà Đông 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng

Tại Tp.HCM

– Công ty TNHH Nguyên Nông (Gino). Địa chỉ: 146/6A Võ Thị Sáu, P. 08, Quận 3, Tp.HCM. Điện thoại/fax: 8293134 – 8293134

– Công ty Trang Nông2E – 2F Lê Quang Sung, P2, Q6, Tp.HCM. ĐT: 8489690931 – 8489690932

Tại Hải Phòng

– Chợ Hàng – đường Nguyễn Văn Linh (chỉ họp vào ngày chủ nhật)
– Chợ Đôi – Thị trấn Tiên Lãng
– 254 Trần Tất Văn, Kiến An

 

Bài: Bảo Minh

logo

Xem thêm: Những loại “rau Thạch Sanh” mà bạn có thể trồng tại nhà

Thực hiện: depweb

13/03/2014, 14:09