Những điều bố mẹ cần nhớ khi cho con đi bơi - Tạp chí Đẹp

Những điều bố mẹ cần nhớ khi cho con đi bơi

ĐẸP KIDS

Nguy cơ dịch bệnh

Mũi họng là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên của nguồn bệnh rồi mới đến các cơ quan khác bên trong như tai, xoang, thanh khí phế quản, phổi và đường tiêu hóa. Tại bệnh viện Tai Mũi Họng TW, chúng tôi gặp bác Trần Minh Sơn đưa cháu nội là Tuệ Như, 6 tuổi đi khám. Bác cho biết: “ Hôm qua chủ nhật, bố cháu cho cháu đi bể bơi. Về nhà cháu bị sốt, hắt hơi và nhiều đờm. Bác sĩ vừa chuẩn đoán nói cháu bị viêm mũi do vi khuẩn. Bác sĩ cho thuốc về uống và dặn về nhà xịt rửa”.

 

Đề phòng tránh nguy cơ mắc bệnh khi đi bơi, bác sĩ Lê Sỹ Lân, chuyên gia Tai Mũi Họng – Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội cho lời khuyên: “Khi trẻ hít phải nước bể bơi, cha mẹ phải dùng nước muối sinh lý để rửa mũi. Chú ý bơm nước muối vào trong mũi vừa phải, không bơm quá sâu. Nhiều trẻ nhỏ không biết cách ngửa để thông mũi từ bên này sang bên kia gây hiệu quả ngược khi xông mũi. Như vậy rất không tốt. Nên để trẻ ngồi bình thường, hơi ngửa đầu ra sau một chút, bơm nước muối vào trong mũi rồi xì ra ngay.  Cách này chính là để nước muối lôi những dịch tiết bẩn ở trong mũi ra ngoài. Sau mỗi lần đi bơi, nên tạo thói quen dùng nước muối sinh lý Natriclorid để rửa mắt, rửa mũi. Đặc biệt khoảng thời gian từ tháng 6 – 8 là là cao điểm của dịch đau mắt đỏ, cần chú ý bảo vệ mắt để tránh các bệnh thường gặp như: đau mắt đỏ, khô mắt, đỏ mắt… Nếu có triệu chứng đau mắt, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Nguy cơ hóa chất


Clo (Cl) là một hóa chất thường được dùng để diệt khuẩn ở hồ bơi công cộng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ngày càng lo ngại về khả năng hóa chất này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bơi. Trong môi trường nước, Clo phản ứng với mồ hôi, nước tiểu, tế bào da và các vật liệu sinh học khác để sản sinh ra đủ loại phụ phẩm.Theo Alfred Bernard, chuyên gia khoa chất độc tại Đại học Cơ đốc giáo Louvain (Bỉ), các phụ phẩm Clo là yếu tố chủ chốt trong việc gia tăng bệnh suyễn, ngứa ngáy đường thở và các bệnh dị ứng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, cha mẹ nên tìm hiểu và chọn lựa hồ bơi một cách thông minh. Không nên đến những hồ bơi có mùi Clo nồng nặc. Trước khi cho trẻ xuống bể bơi cần tắm tráng để gột sạch phần lớn các vật chất hữu cơ phản ứng với Clo gây nguy cơ sản sinh những phụ phẩm độc hại. Sau khi bơi cần tắm sạch cho bé bằng sữa tắm dưỡng ẩm, các loại lotion (dạng sữa dầu, làm sạch, mềm, mịn da, cân bằng độ ẩm, trị mụn… ), thoa kem dưỡng da toàn thân.

Nguy cơ tai nạn


Trẻ em đi bơi luôn cần có người lớn giám sát, không nên rời mắt khỏi trẻ mọi lúc mọi nơi trong bể bơi, kể cả có thiết bị bơi an toàn. Anh Nguyễn Văn Thành, cứu hộ ở bể bơi Thủy Lợi (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trước khi xuống nước, cần cho trẻ khởi động nhẹ nhàng các khớp tay, chân. Sau đó, tắm tráng nước sạch để cơ thể thích nghi với nước dần dần. Cha mẹ cần chuẩn bị kính và mũ bơi đầy đủ cho trẻ. Nhắc bé đeo kính bơi và không tháo kính dưới bể nhiều lần để tránh vi khuẩn xâm nhập vào mắt kính. Lên khỏi nước ngay khi cảm thấy mệt hoặc lạnh. Nên hướng dẫn các cháu thực hiện tốt các quy định của bể bơi, cấm tuyệt đối các cháu đùa nghịch, chạy nhảy, xô đẩy nhau trong bể vì thành và đáy bể lát gạch đá hoa dễ trơn trượt, rất nguy hiểm. Ngoài ra, bố mẹ không cho trẻ ăn no, uống nước có chất kích thích trước khi xuống nước.

 

Ngoài ra để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cho trẻ khi đi bơi, các bậc phụ huynh nên chú ý :

+ Không để trẻ ngâm mình quá lâu trong nước rất dễ cảm lạnh. Thời gian để bé tắm bể bơi chỉ khoảng 45 phút.

+ Khi đón bé lên nhanh chóng lấy khăn tắm ủ ấm cho bé, rồi đưa bé đi tắm nước sạch, tránh nhiễm bẩn.

+ Nên súc miệng bằng nước sạch ngay khi lên bờ vì hóa chất trong nước bể bơi lỡ uống phải dễ hủy hoại men răng.

Bài: Thịnh Nguyễn
logo

Xem thêm: Theo ý kiến của các chuyên gia, viêm phổi ở trẻ năm nay cao hơn năm trước và có những diễn biến phức tạp do xu hướng bệnh dịch tăng cao. 


Thực hiện: depweb

26/05/2014, 10:49