Nhu cầu về sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam đã giảm 38% - Tạp chí Đẹp

Nhu cầu về sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam đã giảm 38%

Hậu Trường

Tại buổi tập huấn nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp) tổ chức tại Hà Nội, ngày 19/6, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho biết kết quả này đã khẳng định quyết tâm giải quyết thách thức đã tồn tại trong nhiều năm qua, đó là giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam.

Theo bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận Loài hoang dã, tổ chức Humane Society Internatinonal, để ngăn chặn tình trạng cắt sừng tại Nam Phi, cơ quan chức năng nơi đây đã sử dụng biện pháp bơm chất độc trong sừng tê giác. Họ dùng chất để diệt ký sinh trùng bôi lên da động vật, thậm chí dùng bơm cao áp bơm trực tiếp vào sừng tê giác. Do cấu trúc sừng không có mạch máu và đặc nên việc bơm chất độc vào sừng không ảnh hưởng đến sức khỏe tê giác. Tuy nhiên, việc làm này không làm bọn săn trộm quan tâm. 

“Cần truyền đạt rộng rãi hơn nữa thông điệp này. Việt Nam có thể đã có nhiều sản phẩm sừng tê giác bị tiêm độc” bà Teresa Telecky nhấn mạnh.


Tê giác tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Tê giác và Sư tử ở Krugersdorp, phía bắc Johannesburg (Nam Phi). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bà Teresa Telecky, đến nay chưa một bằng chứng khoa học nào cho thấy sừng có tác dụng với sức khỏe con người. Về mặt cấu tạo, sừng tê giác có cấu tạo từ chất sừng, thành phần quen thuộc trên cơ thể động vật. Sừng tê giác không phải thứ gì kỳ diệu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cũng cho rằng, do sự đồn thổi về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác, nhu cầu sử dụng ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng

Theo báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế, tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều tê giác bị giết hại ở châu Phi, gây tác động xấu đến hình ảnh Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, đến quan hệ hợp tác với một số nước trên thế giới.

Theo các đại biểu, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền đến nhận thức của người dân, cần nâng cao chất lượng quá trình điều tra, xử lý. Đầu tiên phải xây dựng các đầu mối trao đổi thông tin thường xuyên về tội phạm trong lĩnh vực này ở các nước láng giếng và nước xuất xứ tạo điều kiện hỗ trợ trong xác minh, điều tra. Hướng tới xây dựng chương trình hành động vì mục tiêu quốc gia: không buôn bán, sử dụng sản phẩm động vật hoang dã vì mục đích thương mại. Cùng với đó, cơ quan hải quan và công an cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả trong việc bắt giữ, điều tra, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã.

Theo Cơ quan quản lý Cites Việt Nam, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm như sừng tê giác, ngà voi châu Phi, tê tê, hổ… vẫn có diễn biến phức tạp. Số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép sừng tê giác có xu hướng tăng trở lại.

Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cho biết sừng tê giác chủ yếu được vận chuyển qua đường hàng không, hầu hết có nguồn gốc từ Nam Phi, nơi sinh sống của 90% các loài tê giác. Các vụ buôn lậu diễn ra nhỏ lẻ với trọng lượng ít. 

Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 4 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép sừng tê giác. Phương thức buôn lậu của các đối tượng chủ yếu là mang theo trong hành lý nhập cảnh. Để qua mắt sự giám sát, kiểm tra của cán bộ hải quan các đối tượng thường dùng các thủ đoạn cắt khúc, bôi tỏi lên toàn khúc sừng, sau đó quấn giấy bạc, giấu trong các vật ngụy trang.

Có đối tượng tinh vi hơn dùng các vật liệu cản quang che giấu sừng tê giác để đối phó với máy soi của hải quan, móc nối với một số đối tượng có nhiệm vụ trong sân bay để tuồn hàng ra ngoài. 

Ngoài ra, các đối tượng này còn thường xuyên thay đổi tuyến đường đi từ Nam Phi đi qua các nước thứ 2, thứ 3 rồi về Việt Nam nhằm đánh lạc hướng tập trung của cơ quan hải quan trong việc theo dõi các chuyến bay, tuyến bay trọng điểm.

Theo số liệu thống kê từ năm 2008 đến tháng 6 năm nay, hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp, phát hiện và bắt giữ 23 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác; số lượng trên 26 khúc, 10 chiếc sừng và gần 140 kg sừng tê giác.

Cites là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp với sự tham gia của 181 nước thành viên.

Theo: Đặng Thị Linh Chi/Vietnamplus

Thực hiện: depweb

19/06/2015, 20:45