Nhật ký Giáo viên thể dục thẩm mỹ

Từ người nhút nhát trở thành cô giáo thể dục thẩm mỹ (TDTM). Từ người lười vận động, trở thành người đoạt bằng Hướng dẫn viên loại giỏi. Và quan trọng hơn là từ người béo phì trở thành người sở hữu những số đo chuẩn mực. Chỉ là lời giới thiệu ngắn gọn, nhưng lại là quá trình rất gian nan của Trần Thị Anh Đào
 
 Từng đau khổ vì thân hình của mình
 
 Trước khi trở thành giáo viên TDTM, người tôi rất mập. Mới học lớp 9, cao chưa đầy 1m50, nhưng tôi “sở hữu” trọng lượng của… hoa hậu, và bị bệnh liên miên. Bị ám ảnh bởi những đôi mắt tò mò, những lời nhận xét không được “xuôi tai”, tôi rất đau khổ với thân hình của mình, nên đã uống nhiều loại thuốc, trà giảm cân, nhưng không có tác dụng, thậm chí tác dụng ngược. Và tôi đã tìm đến TDTM, coi như
 một “phương thuốc” cuối cùng…
 
 Từ nỗi kinh hoàng trở thành nhu cầu
 
 Có thể nói, những ngày đầu tiên, lớp TDTM là nỗi kinh hoàng đối với tôi! Ngay sau ngày tập đầu tiên, toàn thân tôi đau ê ẩm, đặc biệt là vùng bụng. Đi lại – đau, ngồi học bài – đau, nằm ngủ – đau, cười – đau, thậm chí thở cũng… đau!
 
 Rút kinh nghiệm, những ngày sau, tôi chỉ tập 50% sức tập của những người bình thường. Không phải người ta tập 60 phút thì tôi tập 30 phút, mà trong 20 nhịp tôi chỉ tập 10 nhịp. Khi cơ thể tôi bắt đầu thích ứng dần với các động tác, thì lại chuyển sang những “ngày kinh hoàng” khác.
 
 Người ta nói thể dục giúp mình khỏe ra, nhưng tôi lại thấy rất mệt mỏi và lười biếng. Câu hỏi: Tại sao thay bằng buổi sángđược ngủ vùi trong chăn, tôi lại phải dậy sớm đi tập? Tại sao buổi chiều người ta được đi chơi, ăn uống thoải mái với bạn bè còn tôi lại phải đến lớp TDTM? Đã không ít lần tôi muốn “bỏ quách cho xong”.
 
 Nhưng ám ảnh về thân hình quá khổ của mình đã chiến thắng “lý sự lười biếng”. Đến phòng tập, thấy những người xung quanh có vóc dáng rất đẹp, thậm chí có những chị sinh hai con mà vẫn đẹp, nên tôi cố gắng và nâng dần bài tập của mình.
 
 Một tháng trôi qua, tôi bắt đầu quen dần với TDTM, cơ thể không còn đau đớn, mệt mỏi nữa. Thậm chí, thể dục thẩm mỹ trở thành nhu cầu của tôi. Vậy là tôi đã đứng ngoài con số 40% học viên không thể nào vượt qua thời gian đầu đầy thử thách
 của TDTM.
 
 Một tháng xuống 5kg lành mạnh
 
 Bên cạnh việc tập luyện đầy đủ, tôi kết hợp với ăn kiêng. Chế độ ăn kiêng của tôi là: sáng ăn xôi trắng với chả lụa, không cho patê, không thêm nước tương (vì ăn mặn sẽ giữ nước trong người). Thật ra, xôi có nhiều năng lượng, nhưng ăn buổi sáng sẽ nằm “ngoài vùng nguy hiểm”, mà lại chắc bụng, no lâu.
 
 Trưa vẫn ăn cơm, nhưng ăn ít và thêm một trái táo. Chiều ăn rất ít cơm, ăn táo với sữa chua. Chỉ sau một tháng kiên trì tập luyện và ăn kiêng khoa học, tôi đã xuống được 5kg một cách lành mạnh.
 
 Những tháng sau, tốc độ chậm hơn, nhưng tôi vẫn xuống cân đều đặn và thể lực tăng dần lên. Khi đã có được những số đo như mong muốn, thì TDTM trở thành nhu cầu lúc nào không hay, thậm chí tôi còn “ghiền” môn vận động này.
 
 Buổi sáng tôi tập 2 suất, chiều 1 suất. Từ năm học lớp 9 cho đến giờ, tôi tập đều đặn. Nếu vì một lí do nào đó, không thể đến lớp là tôi chạy bộ, hoặc thay vì chạy bộ, tôi để máy đi bộ trước tivi, vừa xem phim vừa tập cũng là cách “đốt” thời gian.
 
 Bỏ ngành y để trở thành cô giáo TDTM
 
 Sau khi tốt nghiệp, tôi vào làm cho một phòng nha với thu nhập khá ổn định. Nhưng tôi vẫn đi tập đều đặn. Tập đẹp, động tác chính xác, hít, thở, hóp (bụng) đúng, nhất là thể lực khỏe, nên cô giáo muốn tôi theo làm huấn luyện viên. Nhưng là một người nhút nhát, chiều cao lại khiêm tốn, nên tôi không đủ tự tin mình có thể trở thành huấn luyện viên.
 
 Một lần tình cờ (cũng có thể cố ý), cô giáo nói bị đau bụng, không thể dạy được và muốn tôi dạy thay. Bị đặt vào hoàn cảnh không thể từ chối, tôi đành phải nhận lời. Cuối buổi, học sinh vỗ tay, tôi mới thở phào thấy mình đã làm được. Sau đó, tôi theo cô giáo làm phụ tá.
 
 Cuối cùng, với sự chăm chỉ và kiên trì của mình, tôi đã đạt được bằng Hướng dẫn viên loại giỏi do Sở Thể dục Thể thao Tp.HCM cấp. Tôi quyết định bỏ ngành Y, và trở thành một giáo viên TDTM thực thụ.
 
 
Phải tuân thủ những nguyên lý
 

 Mỗi giáo viên TDTM có một bài tập riêng. Tuy nhiên, chúng tôi phải tuân thủ những nguyên lý khoa học nhất định. Nhiều học viên phàn nàn với tôi họ tập nhiều mà không xuống cân, thật ra là họ đã không có một nguyên lý hít, thở, hóp (bụng) đúng.
 
 Bởi khi tập, họ quá chú tâm đến việc tập thế nào cho đúng động tác, mà quên nguyên lý hết sức quan trọng này. Khi tập tôi thường nói “tay sau gáy, mắt nhìn xuống bụng” – cố ý để học viên hóp bụng lại. Còn khi tập eo, đang đếm 1, 2 tôi lại nói câu “nhớ hóp bụng, nhớ hít thở”. Khi lên – thở, khi xuống – hóp, và khi hít thì hóp sẽ dễ làm và dễ vào cơ hơn.
 
 Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, mỗi giáo viên có một phương pháp khác nhau, vấn đề là học viên hãy xem cách nào thoải mái và hiệu quả với mình nhất. Quan trọng là phải hít và thở đều đặn để cung cấp đủ oxy cho quá trình tập luyện.
 
 Không nên hít thở quá nhanh, cũng không thể xuống rồi lên liền, mà phải có điểm dừng. Đặc biệt, trong suốt quá trình tập luyện, khi không hóp bụng cũng không được phình ra, mà lúc nào cũng phải trong tư thế giữ cơ bụng thật chắc. Chắc chắn hít thở và hóp bụng đúng sẽ giúp học viên xuống cân nhanh hơn.
 
 Tôi được ăn uống thoải mái mà không mập
 
 Điều sung sướng nhất là với nghề này, tôi được ăn thoải mái mà không mập (tôi biết, đây là giấc mơ của nhiều phụ nữ!). Một ngày tôi dạy 7 ca: 3 ca sáng, 3 ca chiều và 1 ca trưa dành riêng cho người nước ngoài. Để đảm bảo thể lực, buổi sáng, trước khi đi dạy, tôi uống một ly sữa, ăn một trái chuối, hoặc thay chuối bằng bánh ngọt.
 
 Sau khi tập, tôi ăn sáng bình thường. Buổi trưa và buổi tối của tôi cũng khá thịnh soạn. Tôi ăn nhiều cá, thịt bò, thịt gà và các loại rau quả, trái cây.
 
 Nếu bỏ tập, hậu quả sẽ khốc liệt
 
 Tuy nhiên, khi bỏ tập thì hậu quả dành cho một huấn luyện viên cũng “khốc liệt” không kém. Nếu không tập, mà vẫn ăn nhiều thì đương nhiên những số đo lý tưởng sẽ bị năng lượng tấn công, và “phình” ra là nguy cơ không thể tránh khỏi. Nhưng nguy hại hơn là các lớp cơ sẽ mất dần độ săn chắc, nhão ra. Bụng, eo, nhất là bên hông sẽ có lớp mỡ đọng lại. Nếu khi tập luyện, tim hoạt động tốt hơn, máu lưu thông hơn, giúp da hồng hào, khỏe mạnh, thì khi bỏ tập, những tác dụng ngược cũng sẽ sớm bộc lộ.
 

 Dương Sương Mai (ghi)

 Ảnh: Phạm Hoài Nam

 

 


From the same category