Nhân vật nữ của năm 2012 - Tạp chí Đẹp

Nhân vật nữ của năm 2012

DELETED

Dấu ấn Hillary Clinton

Sau 31 năm theo đuổi sự nghiệp chính trị, năm 2013, bà Hillary Clinton kết thúc nhiệm kỳ Ngoại trưởng Mỹ, quyết định rời chính trường và dành nhiều thời gian cho gia đình. Sự chia tay này khiến cộng đồng quốc tế thấy hụt hẫng, bởi những dấu ấn của bà để lại trên vũ đài chính trị toàn cầu.

Trong 3 thập kỷ qua, bà Hillary Clinton đã phục vụ cho lợi ích nước Mỹ bằng nhiều cách khác nhau. Khi còn là Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Hillary đã có những tư vấn hoàn hảo cho chính sách của cựu Tổng thống Bill Clinton. Và trên cương vị Ngoại trưởng, bà Hillary đã mang đến cho thế giới một hình ảnh nước Mỹ vừa mạnh mẽ, quyết đoán, vừa mềm dẻo. Những thành công đáng kể của bà trong suốt thời kỳ làm “thuyền trưởng con tàu ngoại giao” của Mỹ là cùng Tổng thống Barack Obama đưa ra quyết định đúng đắn khi rút quân khỏi 2 “vũng lầy” Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, bà cũng đã thiết lập các chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ trị giá 1,2 tỷ USD nhằm trợ giúp phụ nữ và có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền.

 

Với kỷ lục 102 quốc gia từng đến thăm, bà Hillary Clinton đã vượt qua tất cả các Ngoại trưởng trên thế giới để thiết lập kỷ lục nữ Bộ trưởng đi đến nhiều quốc gia nhất trên thế giới. Không chỉ đến các nước phương Tây hùng mạnh, các nước phương Đông huyền bí, bà Hillary còn đặt chân đến những vùng đất nghèo khó ở châu Phi chưa từng được đón Ngoại trưởng Mỹ nào đến thăm như Togo – một nước nhỏ nằm ở phía Tây Châu Phi. Trong mỗi chuyến công du của mình, ngoài các chương trình nghị sự đối ngoại, bà Hillary không bao giờ bỏ qua những vấn đề của phụ nữ, trẻ em và thế hệ trẻ. Đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt của nữ Ngoại trưởng 66 tuổi này. Tại các diễn đàn đa phương, bà Hillary luôn mạnh mẽ tuyên bố phản đối những quan điểm đi ngược lại với bình đẳng giới. Bà kêu gọi các quốc gia tăng cường nữ quyền, đảm bảo để lực lượng chiếm một nửa dân số thế giới được phát triển đầy đủ.

“Một đất nước – nơi giấc mơ của tôi thành hiện thực”

Đó là câu nói được nữ chính trị gia kỳ cựu thuộc đảng cầm quyền Thế giới mới Park Geun-hye sử dụng trong suốt chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Hàn Quốc. Với chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2012, giấc mơ được phụng sự cả đời vì quyền lợi quốc gia và nhân dân của người phụ nữ độc thân ở tuổi 60 này đã thành hiện thực. Chiến thắng của bà Park cũng hiện thực hóa giấc mơ cso nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử, thắp sáng hy vọng vào những cải thiện về nữ quyền cho hàng triệu phụ nữ Hàn Quốc.

Không thể phủ nhận xuất thân là con gái của cố Tổng thống Park Chung-hee là lợi thế lớn cho bà Park trên con đường trở lại Nhà Xanh sau hơn 30 năm. Tuy nhiên, yếu tố làm nên sức hút của nữ Tổng thống muốn “kết hôn” với nhân dân này không phải là dòng dõi mà chính là sự quyết đoán, khiêm nhường, sẵn sàng thay đổi để được phục vụ nhân dân. Tự mô tả mình là một nhà lãnh đạo được tôi luyện bởi những thảm kịch cá nhân, bà Park Geun-hye đã cố gắng phá vỡ hình ảnh “công chúa băng giá”. Thay vào đó là nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi người phụ nữ này. Nhiều người hẳn vẫn chưa quên đôi tay phải băng bó của bà trong chiến dịch tranh cử Quốc hội hồi tháng 4/2012. Đó là hệ quả của một chuỗi ngày vận động không mệt mỏi của bà, di chuyển đến nhiều nơi, gặp gỡ, bắt tay người dân cho đến khi phải băng lại vì đau.

 

Trước nhiều thách thức về kinh tế, đối ngoại đặt ra trong nhiệm kỳ 5 năm tới, trong bài phát biểu sau khi thắng cử, bà Park vẫn không quên những cam kết trước đó của mình về việc tạo ra sự khác biệt cho phụ nữ xứ Kim chi. Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc tuyên bố, nhiệm kỳ của bà sẽ là “sự khởi đầu đáng chú ý trong nỗ lực phá vỡ “trần thủy tinh” đang ngăn cản bước tiến của phụ nữ”. Bà Park chủ trương tăng cường các chính sách hỗ trợ phụ nữ như mở vườn trẻ miễn phí, ưu đãi các công ty sử dụng lao động nữ, yêu cầu các đảng chính trị duy trì tỉ lệ 40% ứng cử viên nữ trong các cuộc bầu cử. Những người ủng hộ nữ quyền tại Hàn Quốc đang chờ đợi sự thay đổi được khởi phát từ nữ Tổng thống đầu tiên của mình.

Biểu tượng thanh lịch của xứ sương mù

Sau đám cưới đẹp như trong truyện cổ tích với Hoàng tử Anh William, sức hút của công nương Kate Middleton vẫn không hề giảm trong lòng công chúng. Nhất cử nhất động của cặp đôi Hoàng gia này đều được đưa vào tầm ngắm và “bông hồng” mới của nước Anh đã không khiến những người hâm mộ thất vọng khi có một năm đầy nổi bật trên nhiều phương diện.

Công nương 28 tuổi này luôn xuất hiện trước công chúng và gây ấn tượng với hình ảnh xinh đẹp, quý phái và gu ăn mặc tinh tế. Cái tên Kate Middleton luôn nằm trong danh sách những phụ nữ đẹp nhất, có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của nhiều tạp chí danh tiếng như People, Time. Năm 2012, Kate Middleton cũng được lựa chọn là biểu tượng thời trang của phụ nữ Anh.

 

Nàng dâu của Hoàng gia Anh không chỉ chăm chút về ngoại hình mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện giúp đỡ người già và trẻ em. Trong suốt một năm tổ chức Đại lễ Kim cương kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Công nương cùng với chồng của mình đã đặt chân đến nhiều nơi trên khắp nước Anh cũng như các nước thuộc Khối thịnh vượng chung Anh để gặp gỡ người dân. Hình ảnh thân thiện, gần gũi của cặp đôi nổi tiếng này đã góp phần quan trọng trong việc lấy lại niềm tin của người dân đối với Hoàng gia Anh sau một thời gian suy giảm kể từ cái chết của Công nương Diana, mẹ Hoàng tử William. Tại 2 sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là Thế vận hội Olympic London 2012 và Paralypic 2012, Công nương Kate cũng là đại diện hình ảnh cho nước chủ nhà.

Sau nhiều tháng chờ đợi, tin Công nương mang thai nhanh chóng lan truyền và trở thành niềm vui cho những người hâm mộ. Những thông tin, hình ảnh về tình trạng ốm nghén của Công nương tràn ngập trên các trang báo, còn trên mạng xã hội thì từ khóa “Kate mang bầu” nhanh chóng dẫn đầu bảng xếp hạng xu hướng tìm kiếm. Cả nước Anh chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ và hồi hộp chờ đón ngày Kate Middleton hạ sinh đứa con nối dõi cho Hoàng gia.

“Tôi là Malala”

Chỉ một cái click chuột trên công cụ tìm kiếm, cái tên Malala Yousafzai lập tức có hơn 5 triệu kết quả hiển thị. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa mạnh mẽ của cô gái Pakistan 15 tuổi – người đã bị các tay sung của lực lượng Taliban bắn trọng thương vì “dám” công khai lên tiếng đòi quyền đi học cho trẻ em gái.

Tham gia đấu tranh đòi quyền đi học cho trẻ em gái từ năm 11 tuổi, Malala trở thành một blogger nổi tiếng với bút danh Gul Makai. Vào năm 2009, lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát thung lũng Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, quê hương của Malala.  Chúng ban hành sắc lệnh cấm trẻ em gái đi học. Những trang nhật ký đăng trên mạng đầy xúc động của cô bé Malala kể về tháng ngày phải giấu sách vở dưới gầm giường để đối phó với sự kiểm soát gắt gao của lực lượng Taliban. Tư tưởng chống đối qua các trang viết của Malala khiến những kẻ cực đoan tức giận. Những lời đe dọa trừng phạt nhiều lần được đưa ra và bùng nổ bằng những phát sung nhằm vào Malala khi cô bé đang trên đường đến trường cùng các bạn ngày 9/10/2012.

 

Sự việc này nhanh chóng gây chấn động dư luận Pakistan và thế giới. Hành trình tìm lại sự sống của Malala trong hơn 1 tháng nằm viện và điều trị có sự đồng hành của hàng triệu lời cầu nguyện của những người ủng hộ, trong đó có nhiều gương mặt nổi tiếng như Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, diễn viên Angeline Jolie… Không chỉ thu hút sự vào cuộc của chính quyền Pakistan đối với vấn đề giáo dục cho trẻ em gái ở trong nước, tinh thần quả cảm của Malala còn tạo ra hiệu ứng ở cấp độ toàn cầu. Liên hợp quốc đã phát động một chiến dịch kêu gọi giáo dục cho trẻ em gái với tên gọi “Tôi là Malala”; đồng thời quyết định lấy ngày thứ Bảy (10/11) là “ngày Malala” nhằm kêu gọi hành động tập trung vào 32 triệu trẻ em gái như Malala đang không được đến trường.

Cái tên Malala Yousafzai đã đi vào lịch sử tranh đấu cho quyền được giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ. Trở lại quê hương sau đợt điều trị dài ngày ở nước ngoài, cô bé có đôi mắt to tròn và nụ cười thánh thiện vẫn vững bước trong hành trình đến trường bất chấp những đe dọa truy sát đến cùng của những kẻ khủng bố cực đoan. Và trong hành trình đó, Malala không cô đọc. Hàng triệu người đang ở bên em, cùng hướng tới một chân lý không ai có thể chối bỏ: Giáo dục là một giá trị phổ quát mà tất cả mọi người trên trái đất này đều được quyền thừa hưởng.

Theo Thế giới Phụ nữ

Thực hiện: depweb

15/01/2013, 16:57