Người Việt vẫn phải tiếp tục giấc mơ xe ô tô giá rẻ - Tạp chí Đẹp

Người Việt vẫn phải tiếp tục giấc mơ xe ô tô giá rẻ

Năm 2017 được xem là một năm đầy biến động của thị trường ô tô Việt. Người tiêu dùng chờ đợi, nếu không muốn nói là đếm từng ngày để tới cột mốc 2018 khi thuế nhập khẩu xe hơi nội khối Asean về 0% (kèm theo một số điều kiện) cùng với hàng loạt chiến dịch giảm giá của các hãng đã tạo nên một bức tranh chưa có tiền lệ. Một cách sòng phẳng thì giá xe năm qua đã giảm rất nhiều (ngoại trừ xe sang và các xe có dung tích động cơ lớn) khiến nhiều người tiêu dùng đã mua được chiếc xe ưng ý với mức giá được xem là rẻ hơn. Có những mẫu xe giảm giá tới gần 300 triệu VND khiến nhiều người đã xuống tiền mua ngay mà không chờ đợi thêm.

honda-crv-hires-46
Giá bán thực tế của Honda CR-V đã cao hơn so với công bố trước đó của hãng cả trăm triệu đồng

Tất nhiên, nếu nhìn sang thị trường xe của các nước láng giềng khác trong Asean thì giá xe tại Việt Nam vẫn thuộc vào loại cao. Đơn cử như một chiếc Toyota Fortuner ở Indonesia có giá khởi điểm khoảng 792 triệu VND thấp hơn ở Việt Nam 200 triệu VND hay chiếc Vios ở Malaysia có giá từ 427 triệu VND trong khi ở nước ta là từ 513 triệu VND dù chiếc xe này được lắp ráp trong nước với phần thuế cho linh kiện đã xuống 0% (từ 1/1/2018). Xe ở Việt Nam giá cao được cho là do thuế phí cao, người ta thường ví giá xe bán ra là 3 thì trong đó giá thành chiếm hơn 1 phần, còn thuế phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị giá tăng, phí trước bạ,…) chiếm gần 2 phần (tùy từng loại xe, dung tích động cơ…). Chiếc Lexus LX 570 trước ngày 1/7 (khi thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 60%) có giá khoảng 5,7 tỷ VND nhưng ngay sau đó khi thuế này tăng lên 130% thì giá xe đã hơn 8 tỷ VND, tiền thuế tăng tới 2,3 tỷ VND (bằng 2 chiếc xe Toyota Camry).

Vì thế, người Việt từ bao đời vẫn mơ một ngày thuế phí giảm để giá xe giảm mà mua, ngày đó được xem là 1/1/2018 khi thuế nhập khẩu nội khối Asean giảm về 0%. Nhưng cho tới nay, giấc mơ đó dường như vẫn còn quá xa vời khi có sự biến động rất lớn trên thị trường vào dịp cuối năm do các thông tư nghị định của chính phủ. Điển hình nhất là Nghị định 116 được xem như là một “cú chốt hạ làm sạch xe nhập khẩu” khi đặt ra hàng loạt yêu cầu cho nhà nhập khẩu. Đầu tiên là giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài. Theo các hãng xe thì giấy này thực tế không hề tồn tại ở nhiều quốc gia, mà có thì họ cũng chỉ cấp cho xe nội địa (ngay cả Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng thế) chứ không cấp cho xe xuất khẩu. Thứ hai là mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thời gian để kiểm tra thử nghiệm thường là khoảng 2 – 3 tháng và tốn khoảng 220 triệu VND/xe.

mazda-cx-5-2017-1600-02
Mazda CX 5 được xem là chiếc xe lên xuống giá thất thường nhất

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp nhập 1 chiếc xe hay hàng trăm chiếc cùng kiểu loại trong một đợt đều phải kiểm định như nhau, đợt sau cũng mẫu xe ấy thì vẫn kiểm tra lại như ban đầu. Một cách hài hước là nếu doanh nghiệp nhập khẩu 1 chiếc xe Rolls-Royce (được xem là sang trọng và hiện đại nhất thế giới)  có giá sau thuế về Việt Nam cũng phải 40 – 80 tỷ VND cũng sẽ phải chờ mấy tháng để kiểm tra chất lượng kỹ thuật cũng như khí thải phù hợp với tiêu chuẩn của… Việt Nam hay không?. Thứ ba là các doanh nghiệp lắp ráp cần có đường thử dài tối thiểu 800m khiến cho nhiều nhà sản xuất kêu trời vì như thế sẽ phải đầu tư mở rộng nhà máy rất tốn kém. Hai điều kiện đầu tiên khiến xe nhập khẩu gần như bị loại khỏi cuộc chơi tại Việt Nam. Điều này dường như có lợi cho các nhà lắp ráp xe mà cụ thể là Thaco và Hyundai Thành Công.

Hệ quả của các quy định này là thời điểm cuối năm 2017 vừa qua, sản lượng bán hàng của hàng loạt mẫu xe đều giảm sút, nhiều hãng xe đã không kịp đưa xe về giao cho khách hàng như ban đầu. Điển hình là mẫu Toyota Fortuner mới đã không còn hàng tại các đại lý và bị đẩy giá lên cao hơn mức niêm yết tới cả trăm triệu đồng nếu muốn lấy xe ngay. Hay như mẫu Honda CR-V mới cũng đã không về đúng thời gian và mức giá bán cũng cao hơn cả trăm triệu so với giá công bố trước đó (ở mức 1,256 tỷ VND cho bản L). Toyota cũng không thể ra mắt mẫu Wigo cũng như Honda ra mắt mẫu Jazz trong tháng 1/2018 như dự kiến ban đầu.

img_6773
Mẫu Toyota Wigo đã lỡ hẹn với người tiêu dùng Việt vì Nghị định 116

Nhiều doanh nghiệp trong VAMA đã kiến nghị lên Chính phủ sửa đổi Nghị định hoặc cần nói rõ chủng loại giấy tờ ở thông tư hướng dẫn để thực hiện, trong khi hai doanh nghiệp sản xuất xe trong nước là Thaco và Hyundai thì lại ủng hộ Nghị định 116 bởi hầu hết các sản phẩm của họ đều được lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu rất ít hoặc họ sẵn sàng từ bỏ các mẫu xe nhập khẩu (như Thaco từ bỏ Sportage hay Hyundai từ bỏ Creta…). Dĩ nhiên, cơn biến động khan hàng hay đội giá cuối năm 2017 vừa rồi cũng có thể là “chiêu trò” của các hãng xe để nâng tầm quan trọng cũng như chờ tới thời điểm sau 1/1/2018 mới làm thủ tục nhập vì lúc này thuế nhập khẩu về 0% (tức tháng 2 – 3/2018 mới bán ra) thay vì trước đó (để bán ra vào tháng 1, sẽ phải nhập từ tháng 10 – 11/2017) vẫn chịu mức thuế nhập khẩu cũ.

img_9727
Toyota Fortuner mới đã rơi vào tình trạng khan hàng dịp cuối năm 2017 đầu năm 2018

Trở lại câu chuyện giá xe trong nước. Thaco và Hyundai Thành Công đã rất mạnh tay giảm giá bán xe với mức giảm rất lớn, như mẫu Santa Fe giảm tới 230 triệu VND kéo theo hàng loạt thương hiệu khác cũng phải giảm theo. Toyota vốn là hãng chưa bao giờ phải giảm giá bán cũng đã phải khuyến mãi hàng loạt trước áp lực của thị trường. Mẫu xe bán chạy nhất của hãng là Vios cũng liên tục được giảm xuống với mức giảm gần 60 triệu VND hay mẫu bán tải Hilux giảm cả trăm triệu. Toyota cũng đã công khai bảng giá của năm 2018 và cho biết đó là giá kịch sàn và không thể giảm thêm được nữa.

3
Chiếc sedan Proton Saga này chỉ có giá hơn 200 triệu VND

Dù các hãng đã giảm giá xe cho nhiều mẫu lắp ráp trong nước nhưng người tiêu dùng đang chờ đợi một cuộc giảm giá thực sự vì các linh kiện ô tô nhập khẩu đã về 0% từ 1/1/2018 thì giá xe phải giảm theo mới đúng lẽ. Nhưng không, nhiều hãng vẫn để giá như cuối năm 2017, thậm chí Thaco còn tăng giá mẫu Mazda CX5 từ 10 – 30 triệu VND, mẫu Mazda 3 tăng khoảng 10 triệu VND…Một tia hi vọng le lói là tập đoàn Vingroup đã chính thức xây dựng nhà máy với chiếc xe “made in Vietnam” khiến nhiều người kỳ vọng sẽ có xe giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, Bộ Tài Chính lại vừa có động thái không đồng tình với Bộ Công Thương khi bộ này đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước nhằm giảm giá ô tô “made in Vietnam”. Như vậy, cơ hội để ô tô sản xuất trong nước dùng nhiều linh kiện trong nước giảm giá là rất mong manh. Ô tô giá rẻ thêm một lần khó thành hiện thực.

proton_exora_enhanced_ext-1
Chiếc Proton Exora 7 chỗ ngồi này chỉ có giá hơn 400 triệu tại Malaysia

Nhìn sang nước bạn Malaysia, hạ tầng giao thông rất phát triển, đường cao tốc nối liền cả nước với mức phí rẻ hơn ở Việt Nam, xăng thì đã dùng A95, A97 với mức giá quy đổi ra tiền Việt chỉ chừng hơn 10.000 VNĐ/L và đặc biệt, hãng xe nội địa mang tên Proton đã rất thành công khi phổ cập ô tô cho người dân nước này. Một chiếc MPV 7 chỗ Exora chỉ có giá từ hơn 400 triệu VND, hay chiếc sedan Saga có giá chỉ từ hơn 200 triệu VND. Nhiều chuyên gia đánh giá chất lượng xe của Proton ngang ngửa với Toyota, vì thế người dân Malaysia rất dễ dàng để sở hữu xe hơi.

Tựu chung lại, lý do khiến giá xe ở Việt Nam quá cao thì rất nhiều, từ chính nhà sản xuất, chính sách thuế, thủ tục nhập khẩu, vận chuyển… Nên nếu bạn đã có sẵn một ít tiền, muốn mua xe thì nên quyết định mua luôn. Chờ đợi trong trường hợp này đôi khi chẳng hạnh phúc tý nào đâu.

Thực hiện: depweb

08/01/2018, 17:52