Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê - Tạp chí Đẹp

Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê

DELETED

Có gì hấp dẫn mãi ở những bộ váy áo chuyển động trên sàn diễn cùng các chân dài?
Có gì để giữa những ngày-thường-thời-trang (giờ đây thời trang đã trở thành những ngày-thường, khi cả vỉa hè các con phố bình dân Sài Gòn chiều nào cũng biến thành những vỉa-hè-thời-trang-nón hay vỉa-hè-thời-trang-dép Trung Quốc 15 nghìn 2 đôi, và tivi muốn xem thời trang trong nước-quốc tế giờ nào trong ngày cũng có), Đẹp Fashion Show 3 năm, 5 chương trình, 7 đêm diễn vẫn là những-ngày-lạ với những ai ham mê cái đẹp và sự sáng tạo?

Thời điểm cuối năm 2004, ngay trước khi Đẹp Fashion Show (DFS) 1 ra mắt đêm thời trang đầu tiên của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, sự tò mò của công chúng đối với các sàn diễn thời trang không còn. Tệ hơn, những đêm thời trang monotone lặp đi lặp lại, các màn phụ diễn của thời trang quá nhiều trên sân khấu tạp kỹ với bằng đấy kiểu đi của các cô người mẫu và bằng đấy kiểu “phăng” của áo dài… khiến người mẫu cũng phát chán mà nhảy sang ca hát, đóng phim! Có lẽ mang tâm trạng này tới DFS 1 nên bản thân người viết và bạn bè báo chí, văn nghệ có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật tối 16/12 ấy đều choáng váng trước những gì ê kíp thực hiện DFS vừa trình diễn.

DFS lúc ấy còn khiêm tốn lắm: chỉ có 3 bộ sưu tập của 3 nhà thiết kế, 50 người mẫu. 3 nhà thiết kế là Nguyễn Công Trí và Ngô Thái Uyên của Việt Nam – hai gương mặt nổi lên từ cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix trước đó, cùng nhà thiết kế người Nhật Bản với nhãn hiệu Thaka và cửa hàng thời trang trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa quen thuộc với nhiều ca sĩ, nghệ sĩ Việt Nam. Nhưng tất cả xuất hiện trong một diện mạo hoàn toàn mới lạ, lôi cuốn toàn bộ người xem vào cuộc trình diễn nghệ-thuật-thời-trang của họ. Trong những bộ trang phục rất Tây, cổ điển và quí phái của Công Trí, các người mẫu bước ra từ những góc khuất của tòa nhà mang kiến trúc Pháp hồi đầu thế kỷ. Bế thiên thần – đứa con trai nhỏ chưa đầy tháng tuổi trên tay, bà mẹ trẻ Ngô Thái Uyên bước vào màn trình diễn performance đầy cảm xúc. Và thời trang Thaka rộn rã, hồn nhiên trong không gian gợi nhớ đảo thổ dân Tahiti và những bức họa của thiên tài Gaugine. Không thể tách rời những bộ trang phục ra khỏi không gian, những động tác trình diễn, và tất cả trộn lẫn cùng âm nhạc điện tử đương đại, cùng những video-art mang tinh thần post-modern được chiếu thẳng lên những bức tường ám màu thời gian của Bản tàng Mỹ thuật. Chúng cất lên tiếng nói mê hoặc của một cái đẹp tổng hòa của âm nhạc, màu sắc, đường nét, ánh sáng và tâm hồn con người.

Hơn 3 năm, thêm 3 DFS nữa đã qua, nhưng với người viết ấn tượng của đêm trình diễn khai sinh cái tên DFS vẫn còn rất mạnh mẽ. Và có lẽ quan trọng hơn việc khai sinh một thương hiệu fashion show, DFS nói cho chúng ta biết một điều thật giản dị: thời trang không chỉ là quần áo và người mẫu; thời trang là nghệ thuật và văn hóa. Và khi thời trang là nghệ thuật và văn hóa, nó mang một ma lực mà tôi muốn gọi đó là một thứ bùa mê. Bùa mê của sự phù phiếm sâu sắc, sự phô diễn ẩn giấu, sự sáng tạo không ngừng và lặp lại…

DFS 2 trên sàn catwalk khách sạn Park Hyatt tháng 8/2005 mang tên “Bản hoà ca của những sắc màu”, rồi “Cơn ác mộng của người thợ may” tại nhà hát Công Nhân trong DFS 3 tháng 2/2006, “Thời trang và ánh sáng” – DFS 4 trong studio của Đài truyền hình TP.HCM tháng 9/2006 và tới đây DFS 5 trong hai ngày 7-8/4  tại TT Hội nghị quốc gia Hà Nội – có thể nhìn thấy rõ từng bước đi tự tin và mạnh bạo của những người thực hiện DFS trên con đường sáng tạo luôn mờ ảo và luôn ở phía trước.

Gây ấn tượng mạnh, tạo thành thương hiệu và gieo sự kỳ vọng ngay từ lần ra mắt, DFS tự tạo ra những thách thức cho mình bằng tuyên ngôn của chính DFS: “Không bao giờ có sự lặp lại”. 2 lần trở lại sàn catwalk truyền thống (DFS 2 và 4) nhưng chất lượng và đẳng cấp của sàn diễn, của thời trang trình diễn, của người mẫu, của âm nhạc, của đạo diễn… luôn tạo nên sự khác biệt.

“Cơn ác mộng của người thợ may” (DFS 3) mang tới cho thời trang Việt và sân khấu biểu diễn Việt một khái niệm mới: vở thời trang. Và lần này, “Bí ẩn của linh hồn” sẽ là một câu-chuyện-thời-trang, đưa thời trang vào một trình thức văn hóa thuộc về tâm linh của người Việt. Những người thực hiện DFS tiếp tục dẫn dụ người xem vào những con đường mới lạ, thách thức chính người thưởng thức sự khám phá.

Từ bảo tàng Mỹ thuật đến khách sạn 5 sao, từ rạp hát cổ lỗ sĩ đến trường quay truyền hình hiện đại, và bây giờ là một TT Hội nghị quốc gia, DFS đã mang thời trang đến tất cả những nơi nào có đời sống. Đi cùng với sự khám phá thế giới nghệ thuật thời trang là sự khám phá những gương mặt mới, những tài năng mới của làng biểu diễn: sau Việt Tú và Henry Hubert, đồng hành với DFS 5 là Phạm Hoàng Nam – một người đã nổi tiếng với vị trí nhà quay phim, đạo diễn ca nhạc, đạo diễn phim, nhưng đây là lần đầu tiên thử nghiệm vai trò một đạo diễn thời trang. Và cũng chính tinh thần “Không bao giờ có sự lặp lại” của DFS đang thách thức sự phát triển quá chậm chạp của làng thiết kế, sự thưa thớt của giới đạo diễn sân khấu hiện nay.

Nhà văn Trung Quốc Vương Sóc khi viết “Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê” đã nhìn thẳng, nói sốc vào những niềm tự hào của văn hóa đại lục từ văn học tới điện ảnh, từ Lỗ Tấn đến Trương Nghệ Mưu, không vì “bùa mê thuốc lú” mà nhắm mắt trước những thách thức và nguy cơ.

Nhận “bùa mê” của người đẹp trong đêm DFS nhưng đừng quên rằng một lực lượng (chứ không chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ) các nhà thiết kế Việt Nam có phong cách và những thương hiệu thời trang Việt có đẳng cấp vẫn đang là cơn khát của những sàn diễn thời trang.

*Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê: Tên cuốn tiểu luận phê bình của nhà văn Trung Quốc Vương Sóc

Thực hiện: depweb

05/04/2007, 17:34