Mua những thứ mình cần chứ không phải mình muốn - Tạp chí Đẹp

Mua những thứ mình cần chứ không phải mình muốn

DELETED

Chi tiêu – mỗi người một kiểu

Có câu chuyện của một tín đồ shopping, chị bị “nghiện mua sắm” mà không tìm ra cách nào để “cai”. Nhà có 2 vợ chồng, 2 con nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi). 1 người giúp việc. Mỗi tháng chồng “nộp” 20 triệu đồng – thu nhập của chị cũng tầm 10 – 15 triệu đồng mà tháng nào cũng kêu sạch hết tiền, có khi còn phải vay nóng người thân. Tất cả là do cái tính mua sắm ngẫu hứng của chị. Trên đường đi làm, vô tình nhìn thấy món đồ đẹp là mua, không cần biết mình có thực sự cần nó hay không, mua nó mình sẽ dùng được bao lâu, hiệu suất sử dụng như thế nào. Biết là trẻ con sẽ lớn rất nhanh, không nên mua sắm cho bé quá nhiều quần áo, đồ chơi nhưng chị không kìm lòng được. Thấy một chiếc váy xinh, nhất định phải mua cho bằng được, mặc dù đã sắp sang đông, chiếc váy đó chỉ mặc được một vài lần, sang năm thì lại không vừa với con nữa… Cứ cái kiểu chi tiêu ngẫu hứng đó nên chưa hết tháng đã hết tiền và mặc dù được tiêu pha mua sắm nhiều nhưng chị không lúc nào cảm thấy đủ, vẫn cứ muốn có thêm tiền để mua sắm tiêu xài…

 

Cũng lại có câu chuyện của một nhân viên văn phòng. Lương 2 vợ chồng được 14 triệu/ tháng, nuôi 1 con nhỏ 4 tuổi, nhà phải đi thuê 3 triệu/ tháng. 2 quê ở xa thường xuyên phải đi lại tốn kém, đối nội đối ngoại mà chưa khi nào lâm vào hoàn cảnh khó khăn mệt mỏi với tiền. Mọi thứ với chị thật đơn giản, vào đầu mỗi tháng những khoản tiền “cứng” cần chi tiêu chị để riêng ra, dự trù cả chi phí bất ngờ phát sinh… Mua sắm đồ dùng gia đình hay quần áo cho các thành viên cũng đều có kế hoạch trước theo mùa và có sự chuẩn bị nên khoản nào ra khoản đó, chị không bị lâm vào tình trạng lạm chi nên hiếm khi rơi vào tình trạng cháy túi, lúc nào cũng thấy chị “túi tiền rủng rỉnh” và “sống khỏe”! Bài toàn chi tiêu tài chính trong gia đình chị trở nên thật dễ dàng!

Hãy mua những thứ mình cần chứ không phải thứ mình muốn

Nền kinh tế khó khăn như hiện nay, đồng tiền kiếm được ngày càng eo hẹp, đó là lúc chúng ta nghĩ nhiều tới đồng tiền nhất. Luôn trăn trở làm sao gia tăng thu nhập, làm sao chi tiêu cho hợp lý, làm sao cũng số tiền đó mà các thành viên trong gia đình không cảm thấy quá căng thẳng, eo hẹp trong chi tiêu… Đó cũng là lúc người ta nghĩ tới việc làm thế nào để sử dụng đồng tiền cho hợp lý nhất và hiệu quả nhất.

 

Trước tiên cần nhìn nhận thẳng thắn một điều, một cuộc sống thanh đạm, tiết kiệm không có nghĩa là một cuộc sống rẻ tiền! Tiết kiệm, theo định nghĩa là việc sử dụng khôn ngoan và sáng tạo các nguồn như vật dụng và thời gian. Sống tiết kiệm mặt khác là biết mình dùng tiền cho việc gì. Bạn phải sử dụng hợp lý từng đồng tiền mà mình đã phải khó khăn mới kiếm được.

Lúc nào cũng vậy, bạn luôn cần lập cho mình một kế hoạch chi tiêu hợp lý, hay nói cách khác là “liệu cơm gắp mắm”. Đã có không ít cặp vợ chồng cãi vã, mâu thuẫn nhau vì chuyện chi tiêu của vợ/ chồng trong gia đình. Khi quan niệm của 2 người không tìm tới điểm chung; khi một người ra sức “cày cuốc” kiếm tiền còn một người thì tiêu pha vung tay, không có kế hoạch, không tính toán; khi một người kiếm được ra tiền và luôn có nhu cầu tiêu xài nhưng một người lại quá hà tiện, bo bo giữ tiền trong túi mà chẳng biết giữ tiền để làm gì khi mà nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống cũng không được đáp ứng – đó là lúc mâu thuẫn vợ chồng dễ xảy ra và ảnh hưởng tới hạnh phúc tổ ấm của bạn, làm cho bạn trở nên căng thẳng với vấn đề “cơm áo gạo tiền”.

 

Theo các chuyên gia tài chính, để hạn chế những khó khăn trong vấn đề chi tiêu, bạn cần có thói quen lên kế hoạch hoạch định tài chính cho gia đình, cần thực hiện đầy đủ các bước sau:

– Xác định nhu cầu và mục tiêu muốn đạt đến cũng như khoản tài chính cần cho mục tiêu đó là bao nhiêu? Cần trong bao lâu?

– Lập bảng cân đối tài chính chi tiêu của gia đình để xác định số tiền có thể tiết kiệm để thực hiện mục tiêu này.

– Xác định cách thức tích lũy – bạn nên làm việc này với một chuyên viên tài chính.

– Chuẩn bị các phương án cho các tình huống ngoài dự kiến làm ảnh hưởng tới kế hoạch tích lũy trên.

– Xem xét kế hoạch thực hiện theo định kỳ đã định để đảm bảo kế hoạch được thực hiện đúng.

Trong công sở hay đâu đó quanh bạn vẫn còn có rất nhiều cách tiêu xài khác nhau mà đôi khi có thể người này cảm thấy không dung hòa được người khác. Cảm thấy “chị đó quá hoang phí” hay quá ki bo keo kiệt. Thế nhưng bất luận trong trường hợp nào, hãy dừng lại khi mình cảm thấy đủ, và việc làm của mình không có tác dụng tiêu cực tới cuộc sống tài chính của các thành viên trong gia đình bạn.

Theo CNMS

Thực hiện: depweb

15/11/2012, 17:29