Năm 2008, hình thức mua bán theo nhóm bắt đầu xuất hiện tại Mỹ với sự ra đời của một công ty có tên Groupon (Groupon = Group + Coupon).
Với những sản phẩm, dịch vụ được giảm sâu tới 90%, ngay từ khi ra đời, Groupon đã lập tức tạo được sức hút mạnh mẽ với người tiêu dùng xứ sở cờ hoa vốn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ khủng hoảng kinh tế. Không những thế, hình thức mua bán mới lạ này còn được hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ quan tâm cũng như ngỏ lời hợp tác vì giảm thiểu được chi phí quảng cáo mà lại dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng. Và nếu như để đạt được giá trị 1 tỷ đô la, những ông lớn như Twitter phải mất 3 năm, với Facebook là 2 năm thì Groupon chỉ cần 1,5 năm.
Vừa nở đã tàn
Bắt sóng được thành công của Groupon khi ấy, hàng loạt trang web mua hàng theo nhóm lần lượt được thành lập ở Việt Nam và gần như sao chép toàn bộ cách thức hoạt động cũng như giao diện bán hàng, quảng cáo của “phiên bản” gốc. Vốn ưa khuyến mãi, lại có xu hướng mua sắm theo đám đông thế nên phản hồi ban đầu của người tiêu dùng Việt trước hình thức mua hàng này rất tích cực. Đã có lúc, người người mua chung, nhà nhà sắm nhóm. Ở thời kỳ cao điểm, có đến gần 100 website lớn nhỏ cùng lúc hoạt động. Hầu như ông lớn làng thương mại điện tử nào cũng mở ra một trang web cho riêng mình. VC Corp có Muachung, VNG có ZingDeal, Cực rẻ của Vật giá, Nhóm mua đến từ MJ Group, Cùng mua của Tích lũy điểm…
Dù vậy, chỉ sau một thời gian, vì áp dụng y nguyên mô hình làm ăn của Groupon mà các đơn vị cung cấp dịch vụ lớn nhỏ tại Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế về vấn đề thanh toán, bảo vệ khách hàng, chất lượng sản phẩm… Thậm chí có không ít trường hợp doanh nghiệp và bên bán bắt tay đẩy giá trị thực của sản phẩm/ dịch vụ lên nhiều lần trước khi bán ra để lừa đảo khách hàng. Do đó, cùng lúc thời điểm Groupon đang trên đà đi xuống ở Mỹ, xu hướng mua bán theo nhóm tại VIệt Nam cũng thoái trào khi còn chưa lên đỉnh. Và nếu như động thái đóng cửa ZingDeal của VNG chỉ dừng ở mức xôn xao thì việc Nhóm Mua bất ngờ đóng cửa giống như một quả bom, làm nổ tung niềm tin của người tiêu dùng vào hình thức mua sắm này.
Ngay sau đó, dù Nhóm Mua đã đưa ra câu trả lời chính thức về vụ việc này, hệ thống giao dịch và kho hàng lần lượt được mở cửa trở lại, các voucher mà khách mua đều được giải quyết bằng hết, thế nhưng niềm tin của người tiêu dùng vào hình thức mua sắm này đều đã xuống rất thấp.
Tiếp tục tận dụng hay chùn bước?
Giọt nước đã tràn ly, liệu cơ hội cho những dịch vụ như thế ở Việt Nam có đi đến hồi kết? Nghiên cứu phản hồi của các mẹ trên một diễn đàn làm cha mẹ lớn cho thấy thực ra tình hình này vẫn chưa đến mức quá bi đát. Bởi không ít người vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó, các trang web mua sắm này sẽ làm ăn có trách nhiệm. Lý do, ai mà chẳng có nhu cầu mua hàng giá rẻ. Đặc biệt là trong thời kỳ bão giá hiện nay.
“Mình là khách hàng trung thành của hình thức mua sắm theo nhóm, cũng từng đôi lần bị hớ, bị bày tỏ thái độ khó chịu này nọ khi sử dụng các dịch vụ spa, du lịch… Nói thật, lúc đầu tôi khó chịu lắm, định làm to chuyện nhưng sau đấy thì tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Đó là: tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng, tham khảo ý kiến mọi người, và giờ thì cũng thấy ổn. Tôi rất hy vọng những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ tồn tại và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm/ dịch vụ chất lượng với giá cả chấp nhận được”, chị Minh Hồng (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ.
Phản ứng của người tiêu dùng đã rõ. Cơ hội dành cho các trang web mua sắm theo nhóm vẫn còn. Chỉ có điều, tất cả đều cần phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại. Không khó để dự đoán sau vụ việc vừa rồi, Nhóm Mua sẽ phải làm mọi cách để tạo lại niềm tin của người tiêu dùng. Song song đó, các trang web khác cũng sẽ không bỏ lỡ thời cơ để giành thị phần khi đối thủ nặng ký nhất gặp sóng gió. Tìm ra phương thức thanh toàn linh hoạt; bảo vệ người tiêu dùng khi mua voucher; thẳng tay loại trừ những doanh nghiệp làm ăn gian dối, không tôn trọng khách hàng; nói “không” với việc thổi phồng giá trị thực của sản phẩm trước khi bán… sẽ là những việc đầu tiên mà các “dealer” phải làm nếu muốn giữ chân khách. Như vậy, thay vì cố gắng vớt vát những giọt nước đã tràn, hãy rót một ly mới!
Kinh nghiệm “săn” deal – Chọn mặt gửi vàng: Chọn trang web có uy tín cũng như phù hợp với điều kiện thanh toán của mình. – Xem xét nhu cầu bản thân: Một trong những thói xấu của các con nghiện mua sắm là cái gì rẻ cũng muốn mua. Và mua về rồi chẳng để làm gì. Thậm chí voucher để hết hạn mà cũng chẳng động tới. – Tìm hiểu sản phẩm: Bạn cần phải biết mình sẽ mua gì, chất lượng ra sao, giá cả thế nào…. Trước khi quyết định mua deal. Với sự giúp đỡ của Google, bạn có thể thực hiện công đoạn này nhanh chóng. – Tham khảo phản hồi của cộng đồng: Với các deal dịch vụ như spa, café hay du lịch… cách tốt nhất để đánh giá chất lượng là tham khảo phản hồi của cư dân mạng. Dù là ý kiến chủ quan, thế nhưng sự đánh giá của số đông rất đáng tham khảo. |
Theo Mẹ yêu bé