Có một thế giới không màu sắc, đơn điệu và buồn tẻ với những con người, những gia súc, thú hoang, thậm chí cả những côn trùng giống hệt thế giới mà chúng ta đang sống – Thế giới bạch tạng. Người và vật trong thế giới ấy có những ưu thế và những bất lợi gì? Vì sao lại trở thành bạch tạng? Nỗi khổ tâm của người bạch tạng và chuyện kỳ lạ của những con vật bạch tạng khi nổi tiếng và trở thành những siêu sao.
Thế giới mà chúng ta đang sống thật sinh động, vui mắt bởi đầy những sắc màu phối hợp hài hòa. Những cánh bướm rập rờn bên những bông hoa khoe sắc dưới ánh nắng dát vàng lên cảnh vật. Chàng công trống phô phang bộ áo ngũ sắc lộng lẫy, lấp lánh bước những bước theo nhịp điệu để ve vãn nàng công mái đang e lệ nép mình bên hồ nước trong xanh, in hình những đám mây màu ngọc bích…
Đẹp biết bao nhiêu hình ảnh “Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng” (Kiều – Nguyễn Du) hoặc khung cảnh phiên chợ Tết đầy màu sắc “Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa/ Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/ Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh/ Người mua bán ra vào đầy cổng chợ” (Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ).
Quen với cảnh vật ấy, chúng ta sẽ cảm thấy thế giới sẽ vô cùng đơn điệu và buồn tẻ nếu như chỉ có một màu duy nhất. Vậy mà có đấy! Thế giới ấy không phải ở Bắc cực hay Nam cực, trắng xoá một màu của những núi băng miên man và cái lạnh thấu xương. Nó tồn tại ngay quanh ta.
Đó là thế giới bạch tạng.
Bạch tạng được coi là linh vật
Người ta thường nói một cách văn vẻ, bạch tạng là một “trò đùa của Tạo hóa”. Ấy là hiện tượng mà đối tượng mất gần hết những màu xanh – đỏ – tím – vàng và pha trộn của những màu này, chỉ còn để lại một màu trắng tuyền trên cơ thể. Hiện tượng bạch tạng không buông tha một giới nào, song may mắn là chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong thiên nhiên, từ cây cỏ đến động vật; từ những loại côn trùng nhỏ bé, rùa rắn trong hang tối, cá dưới hồ ao sông biển, chim chóc trên bầu trời, dã thú trong rừng xanh sâu thẳm đến con người, kể cả những thổ dân đen như than ở châu Phi hoang dã.
Những câu chuyện cổ tích về bạch tạng từ xa xưa đã được ghi trong sử sách, trong truyện thần thoại, cổ tích cũng như sự tích tôn giáo.
Đạo Phật từng coi voi bạch tạng (bạch tượng) như linh vật. Trong các chùa thuộc tông phái Đại Thừa, bao giờ cũng có tượng Đức Phổ Hiền Bồ tát (tượng trưng cho Công lý) cưỡi voi trắng, tay cầm hoa sen trên có lưỡi kiếm (để trừng phạt kẻ ác). Nàng rắn bạch tạng là một nhân vật nổi tiếng trong câu chuyện huyền thoại “Thanh Xà – Bạch Xà” của người Trung Hoa.
Không ít các đền thờ, chùa chiền thờ ngựa trắng (bạch mã), như một con vật gắn liền với chiến công của các bậc anh hùng có công với nước. Hổ trắng (bạch hổ), nhất là những con hổ trắng “tu luyện” lâu năm thành tinh đã mang lại kinh hoàng cho nhân dân một vùng thể hiện trong truyền thuyết. Bất lực trước sự hung hãn của loài dã thú, nhân dân tôn thờ chúng làm “thần”quanh năm hương khói.
Chúng trở thành những linh vật mà khi nói đến, phải thành kính xuýt xoa.
Nỗi oan của người bạch tạng
Trong khi những con vật bạch tạng được tôn sùng ở những nơi thờ cúng tôn nghiêm, thì ngược lại những người bạch tạng lại phải chịu số phận hẩm hiu. Người ta cho rằng họ là những người bị Trời đày, hoặc là ma quỷ đầu thai vào nhà, đặc biệt ở châu Phi, trong gia đình mọi thành viên nước da hoàn toàn đen đủi bỗng xuất hiện một đứa trẻ có màu da, màu tóc trắng như vôi, khác hẳn mình.
Những vùng dân trí kém phát triển, không giải thích được hiện tượng “lạ” này, người bạch tạng còn bị coi là ma quái, nhiều khi bị chính gia đình mình ghét bỏ và chịu đựng nhiều nỗi oan ức mà không thể thanh minh. Có những gia đình cả nhà bị bạch tạng, dân làng đuổi ra khỏi nơi họ đã cư trú bao đời vì tin những người này chỉ mang tai họa đến cho cộng đồng.
Thổ dân da đỏ ở các nước châu Mỹ Latin coi những người bạch tạng là loại trung gian giữa Trời và Người, và tin rằng khi chôn xuống đất, xác họ sẽ biến mất. Bởi vậy, ở khu vực này những người bạch tạng thường làm những nghề mê tín, kiểu như thầy mo, thầy cúng và rất được tín nhiệm trong việc đoán tương lai, số mệnh.
Khi những nguyên nhân của bạch tạng đã được làm sáng tỏ, sự kỳ thị đã giảm hẳn. Tuy nhiên vẫn còn những thành kiến sai lầm, chẳng hạn cho rằng bạch tạng đồng nghĩa với vô sinh, chết yểu (điều này cũng có thể đúng phần nào, vì ở những xứ nắng gay gắt, nếu không bảo vệ tốt họ dễ bị ung thư da), là mầm mống mang đến những đợt dịch bệnh.
Gần đây vẫn có những điều đáng buồn đối với người bạch tạng ở những nước hiểu biết thấp do những tin đồn vô căn cứ. Ví dụ tại Zimbabwe, rộ lên tin đồn rằng ăn nằm với người bạch tạng sẽ khỏi được bệnh AIDS, khiến những phụ nữ bạch tạng trở thành nạn nhân của nhiều vụ cưỡng hiếp và bản thân họ bị hứng chịu căn bệnh thế kỷ này từ những người đàn ông dùng họ để… chữa bệnh.
Tại Tanzania năm 2008, Tổng thống Kikwete đã tuyên án tử hình các thầy phù thủy giết những người bạch tạng vì cho rằng bùa ngải làm từ những bộ phận trong cơ thể họ sẽ đem lại may mắn. Từ tháng 3/2007 đến tháng 4/2008, chúng đã giết 19 người bạch tạng.
Thật ra những người bạch tạng chẳng khác gì người bình thường ngoài màu da xuất phát từ sự khác biệt một điểm nhỏ trong bộ gen di truyền (sẽ nói tới ở phần sau). Tỷ lệ những người bị bạch tạng nói chung trên thế giới là 1/17.000 người. Tỷ lệ này khác nhau tùy từng nước. Ở Mỹ, cứ 12.000 người mới có một người bị bạch tạng (chủ yếu ở người gốc Phi), trong khi đó ở Niger 1.000 người đã có một người bạch tạng. Với người Kuna, một bộ tộc thiểu số ở Panama, tỷ lệ này là 3,4% (nghĩa là cứ khoảng 30 người có 1 người bạch tạng).
Trong số những người bạch tạng không hiếm những người tài năng. Hoàng đế Nhật Bản thứ 22 là Seinei (trước khi lên ngôi có tên là Shiraka, nghĩa là “Tóc trắng”), trị vì vào giữa thế kỷ thứ 5, là người đã nam chinh bắc chiến thống nhất giang sơn là một ví dụ. Thời hiện đại, người ta nhắc đến Johnny Winter, nhạc sĩ nổi tiếng Mỹ chơi đàn ghita, Hermeto Pascoal, nhạc sĩ số 1 của Braxin, Salif Keita, nhạc sĩ nhạc jazz của Mali, Yellowman, ca sĩ nhạc nhảy reggae của Jamaica.
Những con vật bạch tạng
Không kể những cái cây trắng hoàn toàn khác hẳn “họ hàng” của mình, bảng thống kê các con vật bị bạch tạng hầu như không thiếu loài nào. Nhờ sự kiên trì tìm kiếm, các nhà nhiếp ảnh đã cho ra đời bộ sưu tập vô cùng thú vị, bao gồm hàng nghìn loài vật bị bạch tạng, to có, nhỏ có, lông vũ có, lông mao có mà da trần cũng có. Sống trên rừng có, dưới biển có, mà ẩn trong lòng đất dưới hang sâu cũng có… từ con cá voi vài trăm tấn đến con châu chấu nhỏ xíu, từ con sư tử dũng mãnh đến con ốc sên mềm yếu, từ con hươu cao cổ lênh khênh đến lũ rắn hổ mang ác độc trong hang hốc.
Loài người thật lạ, thường kỳ thị, thậm chí còn ruồng bỏ những đồng loại không giống mình, nhưng lại ham của lạ và “mê” những cái gì quý hiếm nên những con vật bạch tạng được họ ưu ái đặc biệt. Chúng có thể không đẹp bằng các con vật “chính hiệu” nhưng luôn luôn được trọng vọng, nâng niu. Chính vì vậy, họ bảo vệ chúng, tìm mọi cách nhân giống cận huyết chúng nhằm tạo ra một đội ngũ đông đảo những con vật lạ để trưng bày trong các vườn bách thú, các rạp xiếc và nhiều khi là tặng phẩm vô giá để tặng nhau giữa các nguyên thủ quốc gia.
Một số con vật bạch tạng nổi tiếng không kém những chính khách hàng đầu thế giới, những ngôi sao màn bạc, những ông vua nhạc pop, rock hoặc những cầu thủ lừng danh.
Đó là trường hợp của chú hắc tinh tinh – mà thực ra phải gọi là bạch tinh tinh mới đúng – mang tên Nụ Tuyết (Snowflake) duy nhất trên thế giới. Vốn “quê” ở Ghinê xích đạo, năm 1966, chưa đầy 2 tuổi chú bị bắt, đưa về Tây Ban Nha và từ đó trở thành một báu vật, hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch hiếu kỳ đến Sở thú Barcelona để chiêm ngưỡng dung nhan chú.
Chú đã mang lại cho ngân sách thành phố hàng chục triệu đôla mỗi năm để chi vào những việc công ích và nuôi sống bao nhiêu người. Chẳng thế mà năm 2003 chú từ giã cõi trần do bệnh ung thư da ở tuổi 40 (các đồng loại của chú sống trong thiên nhiên chỉ có tuổi thọ là 25 năm) mà hàng vạn người tiễn đưa và khóc hết nước mắt.
Bác hổ trắng vùng Rewa, Ấn Độ mà người ta cho rằng là “của độc” trong Thiên nhiên đã được các bác sĩ thú y nhân giống đến “hết công suất” và trở thành “tổ phụ” của xấp xỉ 80 con bạch hổ, phân phối cho nhiều sở thú trên thế giới hiện nay. Sự thành công này thật trái ngược với việc làm tương tự đối với Nụ Tuyết.
Các nhà di truyền học đã “cưới” cho Nụ Tuyết hàng chục cô nàng hắc tinh tinh đồng hương từ châu Phi (động cơ nào có tốt đẹp gì, vì đâu phải người ta lo cho hạnh phúc của chú, mà chẳng qua chỉ là những vụ ép duyên hòng tạo ra những đứa con hoành tráng như bố đấy thôi), và dù chú đã trở thành bố của 22 hoàng tử và công chúa mà chẳng hậu duệ nào có màu trắng như tuyết cả.
Nghe nói hai quả tinh hoàn nặng 5-7 lạng cũng như vài trăm phân khối tinh dịch đã lấy ra từ chú vẫn được giữ đông lạnh để dùng dần và một cô tinh tinh cái có bộ lông nhuôm nhuôm tên là “cô Hồng” (Pinkie) hiện sống ở Sierra Leon đang mang dòng máu của chú trong bụng bằng cách thụ tinh nhân tạo chờ ngay mãn nguyệt khai hoa. Sự cố gắng của các nhà khoa học để tạo ra một đứa con nối dõi đẹp y như bố vẫn lặng lẽ tiếp tục.
Một câu chuyện khác nữa là vào thế kỷ 19, bác cá voi lưng gù bạch tạng hiền lành lảng vảng ngoài khơi từng che chở cho ngư dân đi biển đã được nhà văn Herman Melville hư cấu thành tác phẩm Moby-Dick làm say mê bao người đọc và được quay thành một bộ phim lừng tiếng một thời. Sau nhiều lần bị tấn công truy đuổi bác cá voi bạch tạng trở nên hung dữ, quẫy đuôi làm chìm biết bao nhiêu thuyền bè nhỏ và trở thành nỗi hãi hùng – một hung thần biển cả – đối với những thủy thủ qua hàng chục cuộc chiến dữ dội giữa biển khơi.
Vì đâu nên nỗi
Nguyên nhân gì làm nên bạch tạng đã được khoa học giải thích từ khi môn di truyền học ra đời.
Bạch tạng là một bệnh di truyền, ẩn giấu trong gen lặn của nhiều người, nên có thể bố hoặc mẹ không thể hiện bạch tạng, nhưng con cái vẫn có thể bị. Khi cả hai bố mẹ đều bạch tạng thì trong số con cái vẫn có người bị, người không. Gen lặn đó là gen tổng hợp nên sắc tố melanin (xuất phát từ chữ Hy Lạp melanos nghĩa là đen) tạo thành trong tế bào melanocyt.
Màu sắc ở người và động vật (chủ yếu là ở da, tóc, lông, tròng mắt) là sự tổ hợp của nhiều sắc tố, trong đó sắc tố melanin có màu đen, rất quan trọng. Nó bổ sung vào các màu khác để các màu ấy trở nên đậm đà hơn, sinh động hơn, có chiều sâu hơn. Thiếu nó, màu nào cũng bợt bạt, cứng đờ. Ở người và động vật nào gen trong tế bào melanocyt, vốn có nhiệm vụ tổng hợp melanin bị đột biến, hoặc trục trặc, không hoàn thành được nhiệm vụ của mình thì người ấy, động vật ấy sẽ bị bạch tạng toàn bộ hoặc một phần. Không được cung cấp melamin, da, tóc, lông và mắt trở nên trắng hoặc bạc màu, thành bạch tạng.
Thực ra, cái màu trắng ở một đối tượng bạch tạng không phải là màu mà chỉ là thiếu màu đen để bổ sung, điều hòa các màu khác. Khác với người chỉ có một gen gây bạch tạng duy nhất, thì ở loài vật có nhiều hơn và đa dạng hơn nên hiện tượng mất sắc tố ở các động vật cũng phổ biến hơn và đa dạng hơn. Chẳng hạn như hổ bạch tạng có thể vẫn giữ được những vết vằn vện màu đen nhạt.
Melanin không chỉ để pha màu mà còn một chức năng quan trọng khác. Nó bảo vệ cơ thể (da) khỏi tác dụng của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời.
Vì lý do này, thiếu nó, cơ thể các đối tượng bị bạch tạng (người và động vật) thường gặp một số vấn đề về sức khỏe. Thị giác không bình thường, sức nhìn giảm, rất nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị ánh sáng làm cho lóa mắt, đi lại khó khăn khi trời tối.
Thường người bạch tạng phải đeo kính râm hoặc tốt hơn, kính tự đổi màu chuyên dụng rất đắt tiền để tránh ánh sáng có cường độ quang cao. Da không được bảo vệ, nên ra nắng, người bạch tạng thường bị cháy nắng do các tia tử ngoại thiêu đốt. Nếu bị cháy nắng thường xuyên và lặp đi lặp lại có thể dẫn đến ung thư da, một bệnh nan y rất khó chữa.
Ngoài các bất lợi về sức khỏe do không có melanin gây ra, mọi chức năng của người bạch tạng, sự phát triển cơ thể và trí tuệ đều hoàn toàn bình thường.
Đối với những con vật, nhất là động vật hoang dã, hiện tượng bạch tạng đưa đến một bất lợi khác. Sống trong thiên nhiên, cuộc đấu tranh sinh tồn rất khắc nghiệt. Các con vật cần có bộ mã có màu sắc hòa lẫn vào môi trường để ngụy trang lúc rình, bắt mồi cũng như khi lẩn trốn. Con sư tử, con báo trắng như tuyết sẽ dễ bị lộ, không giấu được mình tại vị trí rình rập, vồ mồi.
Con hươu, con nai bạch tạng dễ bị kẻ thù phát hiện nơi lẩn trốn, khác nào tự thú “lạy ông, tôi ở bụi này”. Lại nữa, những con vật giống đực thường quyến rũ các con cái nhẹ dạ bằng cái mẽ ngoài đỏm dáng của mình. Thế nhưng các gã trai bạch tạng không được Trời ban cho “bộ cánh mồi” ấy nên dường như cũng… ế vợ hơn, khó chinh phục các “em” hơn.
Để tự bảo vệ mình trước những sự kỳ thị của xã hội ở nhiều nước xuất hiện Hội những người bạch tạng. Và ngoài ra, còn có Hội bảo vệ bạch tạng do những người bình thường lập ra dành sự ưu ái của mình cho những người bạn cũng như những động vật bị bạch tạng.
Bí mật của con rắn bạch tạng hai đầu Sáu năm trước, Công viên Cá World Aquarium tại St Louis, bang Missouri (Hoa Kỳ) mua được một con rắn bạch tạng có 2 đầu, với giá 15.000 đôla, đặt tên là We. Ai cũng nghĩ nó chỉ sống được vài tháng là cùng, nhưng đến nay, nó vẫn nhởn nhơ dương mắt nhìn khách tham quan. We dài 1,2 mét, dày 2,5 cm, thân màu trắng và đầu có những vết khoang màu nâu đỏ. Sao nó thọ vậy? Ông Leonard Sonnenschein – giám đốc Công viên bật mí: Nó sống lâu vì hai miệng của nó đều nối với cùng một dạ dày trong khi những con vật hai đầu khác không có cấu trúc này. Muốn thêm kinh phí để phát triển, Công viên đã rao bán đấu giá nó trên website của mình (www. Reptileauction), đặt giá 150.000 đôla nhưng hy vọng sẽ bán được giá cao hơn nhiều. |