Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng hiện đại hơn, bên cạnh những tiện ích thì chúng ta lại phải đối mặt với tác động của vấn đề thay đổi môi trường sống xung quanh. Sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đối với làn da của chúng ta?
1. Ánh nắng mặt trời
Trong những năm vừa qua trên phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài cũng như trong nước, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng tầng ozone ngày càng mỏng đi, sự mất dần tầng ozone là do chính con người gây ra bởi những chất thải khí ra bên ngoài.
Khi tầng ozone bị mỏng đi thì các tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời sẽ dễ dàng xâm nhập xuống trái đất. Và khi làn da chúng ta chịu nhiều sự tác động của tia tử ngoại hay còn gọi là tia U.V. sẽ gây tác hại:
– Da mau bị lão hóa hơn, xuất hiện nhiều nếp nhăn, da chảy xệ do sự phá hoại chất COLLAGEN và ELASTIN.
– Da bị nám, tàn nhang, đồi mồi do sự tăng tạo chất MELANIN.
– Da dễ bị ung thư hơn, do sự đột biến của tế bào da. Ở Mỹ, người ta ghi nhận có khoảng 500.000 người bị ung thư da mỗi năm. Ở Úc có tỉ lệ ung thư da cao nhất thế giới do tác động của tia tử ngoại.
– Chúng ta cũng có thể mắc một số bệnh ngoài da do ánh nắng, như bệnh luput đỏ, bệnh viêm da do ánh nắng…
Ngoài ra, có một số chất hóa học và thuốc khi sử dụng có thể làm tăng khả năng gây nhạy cảm với ánh nắng, làm cho da bị viêm đỏ, bị đen, một số thuốc như:
– Thuốc kháng sinh có chất sulfamid, quinolon, tetracyclin.
– Thuốc lợi tiểu: nhóm thiazide.
– Thuốc trị mụn: isotretinoin, tretinoin.
– Kem bôi có chất AHA (Alpha-Hydroxy Acid). Mỹ phẩm có chất thơm, chất bảo quản.
Phòng tránh
– Cần tránh ánh nắng, khi đi ra nắng, bôi kem chống nắng có chỉ số S.P.F từ 15 trở lên, mặc áo tay dài, đeo găng tay, đội mũ rộng vành, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang dày.
– Cần tránh ánh nắng từ lúc 18 tuổi, tác hại của ánh nắng là tác hại từ từ, có một quá trình kéo dài nhiều năm. Đối với người có làn da trắng thì ánh nắng dễ gây tác hại nhiều hơn người có làn da nâu.
– Khi sử dụng một số thuốc kể trên cần tránh nắng.
2. Ô nhiễm môi trường
Ở những thành phố lớn, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, khói của nhiều loại xe, nhiều nhà máy thải ra. Song song đó là bụi bặm ngày càng tăng, nhà cửa, đường xá được xây dựng, sửa chữa ngày càng nhiều. Nguồn nước vệ sinh da cũng không tốt.
Các yếu tố này có thể là riêng rẽ hoặc cùng phối hợp làm da dễ bị nhiễm trùng, như bị nổi mụn trứng cá ở mặt, cả ở lưng, ngực. Khi mồ hôi ra thì thường áo quần dễ có mùi hôi gây khó chịu cho người xung quanh.
Ô nhiễm môi trường làm da dễ bị dị ứng như bệnh: Eczema (da nổi mảng đỏ, tiết dịch ngứa); Mề đay (da nổi mảng đỏ, sẩn phù và rất ngứa).
Phòng tránh
– Đội mũ, đeo khẩu trang khi đi ra đường.
– Tránh đi lại trên con đường có nhiều xe cộ lưu thông.
– Vệ sinh da sạch sẽ như rửa mặt nhiều lần mỗi ngày với nước sạch, lau khăn sạch. Có thể sử dụng thêm sữa rửa mặt mỗi buổi tối và buổi sáng.
– Tắm rửa thay quần áo hằng ngày.
– Bôi thuốc trị mụn thích hợp.
– Uống và bôi thuốc trị bệnh dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Khí hậu
Bình thường, da của nhiều người lúc nào cũng mịn màng, có độ ẩm tốt, nhưng khi ở trong môi trường lạnh kéo dài (ví dụ vào mùa đông hoặc sống trong môi trường máy lạnh với nhiệt độ thấp kéo dài thường xuyên) thì da sẽ bị khô, mất độ ẩm. Nếu tình trạng này kéo dài thì da sẽ bị thô ráp, khô, đóng vảy và dễ xuất hiện các nếp nhăn.
Phòng tránh
– Vào mùa đông cần hạn chế ra đường vào buổi tối và sáng sớm.
– Khi ở trong môi trường máy lạnh không nên để nhiệt độ thấp kéo dài.
– Bôi kem dưỡng ẩm (moisturizer) giúp bảo vệ da chống khô nứt, mất nước, giúp da mềm mại.
Ngoài những vấn đề đã nêu trên chúng ta cũng nên thực hiện một số biện pháp khác như:
– Sống lạc quan, tránh để stress kéo dài.
– Uống nước đầy đủ, ăn thêm rau quả tươi.
– Ngủ đủ 6 – 8 giờ mỗi ngày.
– Không ăn uống dư thừa nhiều năng lượng.
– Tập thể dục thể thao đều đặn.
– Không lạm dụng mỹ phẩm.
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng |