“Midnight in Paris” và những bộ trang phục mang tâm hồn Pháp

Bản nhạc dạo đầu “Si Tu Vois Ma Mère” cổ điển du dương dắt người xem bước vào thủ đô Paris tráng lệ, phồn hoa, hiện ra với những góc cổ kính trầm mặc, những con đường gạch đá với hoa giấy thơ mộng, sông Seine êm đềm và hoàng hôn chiều tím.

“Fashion Review In Movies”: Những tác phẩm của nghệ thuật thứ bảy cuốn hút người xem từ kịch bản, tình tiết đến trang phục của các nhân vật trong phim. Đẹp Online sẽ giới thiệu cho các bạn những bộ phim có điểm nhấn về thời trang đặc sắc. Đón đọc “Fashion Review In Movies” trên Đẹp Online vào mỗi thứ 3 hàng tuần.
Nhân vật chính của Midnight in Paris là cặp vợ chồng Mỹ: Gil (Owen Gilson thủ vai) và cô vợ xinh đẹp Inez (Rachel McAdams) đến Paris trong một kỳ nghỉ. Vốn là một nhà văn, Gil lập tức mê mẩn vẻ lãng mạn của thủ đô nước Pháp. Anh thích đi dạo dưới mưa, khám phá Paris để lấy cảm hứng thơ ca. Còn Inez, vợ anh thì chìm đắm trong sự hiện đại của Paris.  Ta thấy ở đoạn đầu phim, Inez rất “ra dáng” một cô vợ Mỹ hiện đại với các bộ trang phục phóng khoáng, thoải mái: chiếc đầm một mảnh, áo sơ mi trắng giả váy kèm thắt lưng ngang eo… thì dường như Gil không thuộc về nơi này: anh lúc nào cũng rất “nghiêm chỉnh” với áo sơ mi caro, quần kaki màu ghi và chiếc áo vest nâu xù xì. Vậy anh thuộc về đâu?

Poster phim 

Paris qua ống kính của Midnight in Paris

Các nhân vật hiện đại ở đoạn đầu phim

Đôi vợ chồng Gil và Inez

Qua trang phục của cô, Inez được mô tả như một tiểu thư giàu có, một phụ nữ phóng khoáng, trẻ trung và tận hưởng cuộc sống

 

Gil dường như luôn luôn “lệch tông” với mọi người, thể hiện từ cách ăn mặc của anh

Mạch phim nhanh chóng chuyển sang đêm tối, khi Gil đang đi dạo đường phố Paris lúc nửa đêm thì gặp một chiếc xe Peugeot cổ, và bất ngờ, đó lại là chuyến xe đưa anh trở lại Paris những năm 1920. Gil đã gặp những nhân vật mà anh không bao giờ có thể ngờ tới – nhà văn Mỹ Earnest Hemingway, nữ nhà văn Gertrude Stein, danh họa Pablo Picasso, nhà soạn nhạc Cole Porter, vợ chồng Scott và Zelda Fitzgerald… Họ gặp nhau trong không khí xa hoa, cổ điển của Paris thời hoàng kim (Golden Age) – giai đoạn mà nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã tụ hội tại đây và tận hưởng sự phù du, thậm chí là phù phiếm và sến sẩm, để rồi cho ra đời những tác phẩm vĩ đại.

Trang phục của những quý ông Pháp trong phim

Scott Fitzgerald (tác giả của “Gatsby vĩ đại”) và cô vợ đa sầu đa cảm Zelda Fitzgerald

Các nhà văn và hoạ sỹ trong phim đều ăn mặc rất chuẩn mực

 

Nhà văn Hemingway đa tình trong phim

Chìm đắm trong không gian hoài cổ hằng mong ước, Gil đã ngây ngất khi gặp Adriana – “nàng thơ”, người tình xinh đẹp của cả Picasso lẫn Hemingway. Gil và Hemingway cùng lần đầu trông thấy Adriana – lúc đó đang là người tình của Picasso, ở nhà của nhà phê bình nghệ thuật khó tính Gertrude Stein. Hai người đàn ông đều bị nhan sắc của cô gái mê hoặc. Hemingway nhanh chóng tán tỉnh cô, còn Gil chỉ dám ngập ngừng bắt chuyện với Adriana.

“Bông hồng nước Pháp” Marion Cotillard đã được thiết kế những phục trang riêng tuyệt vời để lột tả vẻ đẹp của người con gái Pháp những năm 1920. Người thiết phục trang cho phim nhận xét nhân vật Adriana là “lãng mạn, nữ tính, mộng mơ”. Nàng có cách ăn mặc rất thanh tú nhưng cách tân, với những chiếc đầm một mảnh điểm chút sequin lấp lánh, băng đô cầu kì trên tóc và điếu thuốc hững hờ trên bàn tay mảnh dẻ. Nàng là hiện thân cho nàng thơ của nghệ thuật và của cả nét đẹp đầy tri thức vào những năm 1920. Nói chuyện với nàng, Gil cảm thấy mình không còn là nhà văn nữa, nàng khiến anh tự biến thành một nhân vật trong câu chuyện của nàng. Đến tôi là con gái, xem phim còn thấy yêu Adriana và vẻ đẹp nhẹ nhàng mong manh của nàng. Chẳng trách anh nhà văn lãng mạn đã bỏ quên cả người vợ xinh đẹp Inez, bỏ quên đám cưới sắp diễn ra, bỏ quên cả Paris hiện đại để tận hưởng cái men say của quá khứ, đắm chìm trong vẻ đẹp hớp hồn của nàng Adriana.

Adriana hay mặc những chiếc váy một mảnh với chất liệu ánh kim sang trọng mà thanh nhã

Nàng hút người đối diện từ đôi mắt kẻ smokey, bờ môi lúc nào cũng cong lên như đang chờ đón điều gì

Adriana luôn rất chậm rãi và từ tốn, nàng không vội vàng, vì vội vàng là mất đi sự sang trọng

Nụ cười ngọt ngào của “nàng thơ” khiến các nhà văn, hoạ sỹ chết lịm

Sonia Grande, nhà thiết kế phục trang cho phim, đã kết hợp khéo léo được cả thời trang Paris hiện đại và quá khứ, đưa người xem trở về không gian nghệ thuật Paris những năm 1920. Ta cũng không thể không chú ý đến vẻ đẹp nhẹ nhàng của Carla Bruni – Đệ nhất phu nhân nước Pháp hoá thân thành “đại sứ du lịch” của Paris trong phim với những trang phục giản dị, nhã nhặn và lịch thiệp. Ngay cả những nhân vật phụ như cô gái bán hàng cũng mang vẻ đẹp trong sáng, đáng yêu của nước Pháp. Cuốn theo những bản nhạc jazz trữ tình trong phim và bước vào thế giới của những nghệ sỹ bất hủ, người xem có thể thấu hiểu trọn vẹn cái đẹp của Paris, đồng cảm với những cảm xúc của Gil: vui, buồn, tiệc tùng náo nhiệt và hoài niệm đến sầu thảm. Tất cả hoà quyện vào nhau, và cuối cùng, được gói gọn lại trong một đêm ở Paris.

Ca sỹ/diễn viên Carla Bruni đóng một vai khách mời: cô gái hướng dẫn viên du lịch với những am hiểu về nước Pháp

Carla phóng khoáng với những chiếc áo trơn màu, đôi mắt khói lạnh lùng, hiện đại và hút hồn người khác

 

Cô gái nhỏ người Pháp dễ thương trong phim, đại diện cho thế hệ những cô gái Paris tiếp theo, trẻ trung, năng động nhưng tâm hồn vẫn rất lãng mạn và hoài cổ về quá khứ hoàng kim

 

Bài: Ngọc Đặng

Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các bộ sưu tập mới nhất, vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ cảm nhận của bạn về các bộ sưu tập. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Mọi thông tin xin gửi tại đây.


From the same category