"Lửng lơ" giữa những không gian nghệ thuật của Gucci - Tạp chí Đẹp

“Lửng lơ” giữa những không gian nghệ thuật của Gucci

Thời Trang

Exhibitions

Không hẹn mà gặp, thời điểm cuối năm 2015 diễn ra hàng loạt triển lãm độc đáo của các thương hiệu thời trang hàng đầu. Từ những triển lãm hoàn toàn mới, lần đầu ra mắt công chúng  như “Etourdissant Cartier” của Cartier hay “No Longer/Not Yet” của Gucci cho tới các triển lãm đình đám đã, đang và sẽ tiếp tục cuộc chu du vòng quanh thế giới của mình như “Leather Forever” của Hermès. Mỗi triển lãm tạo ra một thế giới, một không gian ấn tượng, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khách tham quan. Và gắn với mỗi buổi triển lãm là những câu chuyện, những chia sẻ để công chúng có thể hiểu rõ hơn về các giá trị cốt lõi của thương hiệu.

Đọc thêm:

Không gian của UnskilledWorker

Triết gia người  Ý Giorgio Agamben từng nói: “Những người đương đại thực thụ là những người không bao giờ hoàn toàn hòa mình vào với thời đại, hoặc thay đổi để phù hợp với thời đại. Họ luôn lạc lõng với thời điểm họ đang sống.” 

Điều này thực sự đúng trong thế giới thời trang. Các bộ sưu tập Xuân Hè được trình làng khi trời bắt đầu sang thu, còn các bộ sưu tập Thu Đông sẽ được ra mắt khi mùa xuân đang đến gần. Khái niệm thời gian trong thời trang chỉ có tính chất tương đối và nhà thiết kế là người phải biết dự đoán trước những gì sẽ hợp thời và những gì sẽ lỗi thời. Để làm được điều đó, mỗi nhà thiết kế phải thoát ly khỏi thời điểm hiện tại mà mình đang hiện hữu để “dịch chuyển” trong không gian và thời gian riêng của trí tưởng tượng và sáng tạo. 
Trở lại với triển lãm “No Longer/Not Yet” mở cửa từ giữa tháng 10 vừa qua tại Viện bảo tàng Nghệ thuật Minsheng ở Thượng Hải, Giám đốc Sáng tạo của Gucci Alessandro Michele và nhà giám tuyển nghệ thuật Katie Grand đã mời 7 nghệ sĩ, những gương mặt nổi tiếng trong giới nghệ thuật tham gia tạo nên những không gian độc đáo rất riêng, theo cách thể hiện vô cùng khác biệt của mỗi người. Không những vậy, tại triển lãm đặc biệt này, khách tham quan còn có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele là căn phòng “Gucci Tian”, giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn về nhà thiết kế tài ba này. 

Căn phòng “Gucci Tian” của Alessandro Michele

Bước vào từng căn phòng, người xem ngay lập tức bị choáng ngợp bởi những trải nghiệm riêng, những cung bậc cảm xúc xâm chiếm tâm trí khiến họ phải ngẫm nghĩ về cách diễn giải độc đáo của mỗi nghệ sĩ về khái niệm đương đại. Các nghệ sĩ tham gia triển lãm bao gồm những tên tuổi như Cao Fei, Jenny Holzer, Li Shurui, Rachel Feinstein, Glen Luchford, Nigel Shafran và Unskilled Worker. Mỗi người, với những nền tảng khác nhau, những trường phái khác nhau làm nên những sự diễn giải đa dạng theo đúng chủ đề xuyên suốt “No Longer/Not Yet” qua các tác phẩm của mình.  

“Nhà thiết kế thời trang là người phải biết dự đoán trước những gì sẽ hợp thời và những gì sẽ lỗi thời.”

– Giám đốc Sáng tạo của Gucci, Alessandro Michele –

Tác phẩm sắp đặt của Cao Fei mô tả cảnh quan kinh tế xã hội hiện đại ở Trung Quốc với quá trình đô thị hóa cực kỳ nhanh chóng và rộng khắp. Jenny Holzer tái hiện lại một số tác phẩm của mình từ năm 2005 thể hiện cái nhìn vẫn có sự liên quan tới hiện tại sau ngần ấy năm. Tác phẩm của Li Shurui gợi lên sự liên kết giữa nhận thức và trí nhớ hiện tại được thành hình bởi ý thức trong quá khứ. Rachel Feinstein hình tượng hóa thời gian giống như một nhân vật cổ tích thời hiện đại. Glen Luchford – nhiếp ảnh gia từng cộng tác với Gucci trong chiến dịch quảng cáo Thu Đông 2015 – mang đến triển lãm không gian bao quanh là những bức hình anh chụp cho Gucci cùng những bức hình chưa từng được công bố. Nigel Shafran giới thiệu một đoạn phim tài liệu với những hình ảnh thầm lặng của Alessandro Michele khi thực hiện các sáng tạo của mình 9 tháng trước. Unskilled Worker đem tới những bức tranh chân dung trong đó các nhân vật đều mặc các trang phục sáng tạo mang cảm hứng hoài cổ của Alessandro Michele thực hiện cho Gucci, gợi cho người xem những liên tưởng về tuổi thơ của mình. 
Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele tạo ra một không gian vô cùng đặc biệt bằng cách tái hiện lại một trong những bức tranh ông rất yêu thích – một tác phẩm nghệ thuật cũ kỹ và không rõ xuất xứ. Đó là bức chân dung về một nhân vật không rõ giới tính, một người lạ lạc lõng khỏi những quan niệm về thời gian, được đóng khung trong giới hạn “tại đây và ngay lúc này”. 

Giám đốc Sáng tạo của Gucci: Alessandro Michele (trái), Đồng giám tuyển, Tổng biên tập Tạp chí Love: Katie Grand (phải)

Họa sĩ Unskilled Worker (trái), nghệ sĩ Li Shusui (phải)

Nghệ sĩ Cao Fei (trái), nghệ sĩ Rachel Feinstein (phải)

Không gian nghệ thuật của Nigel Shafran

Tác phẩm của Rachel Feinstein

Không gian của nhiếp ảnh gia Glen Luchford

Thực hiện: Tuấn Anh, Hà Đỗ

logo

Thực hiện: depweb

14/12/2015, 00:15