Live show quốc tế nhìn từ Madonna - Tạp chí Đẹp

Live show quốc tế nhìn từ Madonna

Giải Trí

Đẳng cấp = không lặp lại





Madonna

Đó là bởi chính quyền lo sợ Madonna sẽ chơi lại chiêu của hơn hai thập niên trước, làm điệu bộ thủ dâm trong tour diễn Blond Ambition hồi năm 1990. Nhưng việc cảnh cáo đó chẳng khác nào xúc phạm Madonna, người không bao giờ lặp lại, đã dùng một lần rồi thì bỏ. Madonna của 2012 cũng vẫn rất gợi cảm nhưng không mang lại cảm giác sexy của 20 năm trước và những show diễn của cô, cũng đừng mong có sự lặp lại.

Bằng chứng là trong tour diễn mới nhất của Madonna, công chúng há hốc mồm với những thông điệp được truyền tải, từ cầm súng giả bắn pằng pằng, đến chuyện ám chỉ một chính khách Pháp có quan điểm phát xít, chưa kể đòi quyền bình đẳng cho giới GLBT (đồng tính và chuyển giới) và đòi cả chính quyền Nga phải thả những thành viên trong nhóm rock nữ Pussy Riot vì những phát ngôn đụng chạm chính trị.

Madonna không bao giờ muốn lặp lại những gì mình đã làm. Âm nhạc của cô không lặp lại (cho dù khi nghe vẫn không thể lẫn vào đâu) và công nghệ tổ chức biểu diễn cho cô cũng không bao giờ dừng những chiêu trò mới. Cô đã cậy nhờ Moment Factory (công ty thiết kế biểu diễn cho Arcade Fire, Celine Dion, Jay-Z, Tiesto…) thiết kế riêng cho mình một sân khấu không đụng hàng cho tour diễn MDNA. Cùng với đó, cô mời Michel Laprise, biên đạo múa của Nhóm xiếc Mặt trời (Cirque du Soleil) về làm giám đốc sản xuất chương trình. Đề bài đưa ra “Mang tinh thần khoáng đạt kiểu vũ trụ, sân khấu mang không gian vũ trụ, vũ đạo phải thật khác biệt và phải có 12 slide video chạy xuyên quan 22 bài hát” tưởng đơn giản nhưng phải mất đến 4 tháng thực hiện. Các kỹ thuật viên phải thiết kế một sân khấu 2D rồi 3D để tạo hiệu ứng. Họ tạo ra một nhà thờ 3D rất ấn tượng chỉ để minh họa cho bài hát mở đầu có ý nghĩa mang tính đả phá, Girl Gone Wild (Gái đi hoang). Nhóm sản xuất phải quay video ở Montreal, New York và thậm chí phải lặn lội đến Ấn Độ để quay những toa xe ních người chỉ để làm nền cho I’m a Sinner, ca khúc cuối cùng của show diễn.

Có thể thấy show diễn của Madonna có kịch bản được dựng rất hay và có ý đồ rõ ràng, như một hành trình của cô đi từ bóng tối ra ánh sáng. Và trong hành trình đó người ta thấy nội dung nhuốm màu từ bạo lực cho tới sự thanh khiết, máu đổ, nước mắt và nụ cười và tất nhiên cả sex nữa. 36 máy quay được lắp đặt khắp nơi để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của sân khấu và khoảng 40 màn hình LED loại khổng lồ được bao phủ quanh sân khấu để tạo hiệu ứng nền. Madonna là một người nghiện công nghệ và mỗi tour của mình cô đều nâng chất công nghệ lên một mức cao mà không phải ai cũng theo được, vì thế ít ai dám bắt chước những gì cô đã làm.

Chiêu trò không chết

Từ tour diễn của Madonna gợi nhớ Celine Dion những ngày diễn tại Las Vegas. Celine tuy không phải là ca sĩ đa năng nhưng show diễn của cô luôn là một tác phẩm nghệ thuật và thậm chí nó ảnh hưởng đến khá nhiều đạo diễn sân khấu ở Việt Nam. Trong tour diễn trở lại Las Vegas mới đây, nhiều ý kiến lo sợ cô không qua nổi cái bóng quá lớn của mình ba năm trước đó, thì trái lại, Celine đã làm hài lòng tất cả.

Đạo diễn Ken Ehrlich cùng cả trăm phụ tá đã kết “trắng” cả sân khấu, nhạc công mặc vest đen, một mình Celine màu trắng theo tinh thần “concert” hơn là “live show”. Lúc ban đầu chỉ là một ban nhạc đệm 10 người nhưng đạo diễn Ken quyết định đẩy thật mạnh phần nhạc, tạo nên một kiểu nhạc kịch tân thời nhưng pha lẫn hoài cổ và thế là 21 người được thêm vào để nâng giọng hát Celine bay cao. Họa sĩ Yves Aucoin được giao nhiệm vụ vẽ sân khấu theo kiểu Broadway nhưng không được gây cảm giác ngợp nhạc kịch, 40 vũ công tập bay gần hai tháng trời để làm sao chuyển tải được sự lả lơi trong ca khúc Celine thể hiện. “Một kiểu nhạc kịch pha lẫn Hollywood, Celine đã biến The Colosseum thành của riêng mình, vốn trước đó thuộc về Las Vegas”, tờ Las Vegas Review – Journal bình luận.

Chỉ cần bấy nhiêu cũng đủ thấy những chiêu trò trong biểu diễn ca nhạc không bao giờ hết, chỉ có điều là những sáng tạo có được sáng lên và hầu bao có đủ dày để chơi đến cùng hay không. Hầu như mỗi tên tuổi đều có những live show thể hiện đặc tính riêng của mình. The Who là màn đập đàn guitar ngay trên sân khấu. Alice Cooper là màn tắt hết đèn, trơ trọi một ánh đèn led chiếu thẳng vào mặt Alice đang cắn… con dơi thật, khán giả hét toáng lên, thế rồi cả một đàn dơi bay ra, sân khấu như lọt thỏm giữa rừng cây, không khí kiểu Halloween bao trùm. Đến giờ show diễn năm 1979 của Alice Cooper còn khiến nhiều người kinh hoàng khi nhớ lại. Sarah Brightman hát La Nuna khi đang bay trên một ghế mây kết hoa, giống như nữ thần mặt trăng (hình ảnh đó sau này gặp lại trong live show của Hồ Quỳnh Hương…).

Người ta cũng không thể quên hình ảnh Madonna biểu diễn ở Nhật năm 1984 với bộ đồ cực kỳ quyến rũ (Jeans Paul Gaultier thiết kế) trong ca khúc Live a Virgin, sau đó đổi màu tung tẩy nhí nhảnh trong Material Girl (sau này trong vài chương trình ca nhạc hải ngoại, Lynda Trang Đài bắt chước y chang).

Những chiêu trò được sử dụng nhiều nhất bắt đầu từ thập niên 1980 khi thể loại disco, rồi sau đó dòng new wave, New Romantic bắt đầu thịnh hành. Sada biến sân khấu thành một phòng trà để hát Smooth Operator. David Bowie biến sân khấu thành vũ trụ, bản thân thành phi hành gia để hát Starman (trong chương trình ấy đã có một nhân viên bị chết vì điện giật do trời mưa). Michael Jackson thì biến Dangerous trở thành một trong những world tour vĩ đại nhất thế giới với đầy đủ chiêu trò, bay cao, bay ngang, moon-walk, ánh sáng… Sau này chính Celine Dion thổ lộ rằng cô đã bị ngợp trong thế giới biểu diễn của Michael Jackson và cô nuôi mơ ước sau này mình sẽ làm những show diễn gần giống tinh thần như thế.

Live shows Merchandising là công ty tổ chức sự kiện, event, festival âm nhạc, live shows thuộc hàng số má hiện nay. Theo nhiều nhà phân tích, những cái đầu có ý tưởng sáng tạo hầu như đều tề tựu về đây và cho đến giờ, sau hơn 10 năm thành lập đã có hơn 100 nghệ sĩ, ban nhạc nhờ công ty này tổ chức show diễn cho họ, từ cựu binh AC/DC cho đến măng non Miley Cyrus. Họ còn làm show cho Nhóm xiếc Mặt Trời, dựng sân khấu nhạc kịch (vở Lion King), tổ chức những festival âm nhạc đình đám. Họ đưa ý tưởng cho nhóm U2 diễn trong một quả cầu tại sân Wembley để nêu bật vai trò bảo vệ môi trường, biến sân khấu của Madonna thành một sàn nhảy với các ô cờ nhấp nháy hàm ý cuộc đời là một sàn nhảy với những tính toán lo toan… Đây đang là công ty được nghệ sĩ nổi tiếng tin dùng nhất hiện nay và khách hàng của họ ngày càng mở rộng.

Celine Dion

Chuyên đề Live show âm nhạc: mong chờ điều tử tế

Showbiz Việt từ lâu đã tồn tại một nghịch lí: không ít nghệ sĩ/nhà sản xuất ra rả kêu lỗ khi làm live show nhưng hằng ngày, hằng tuần vẫn có không ít live show được dàn dựng thực hiện ở cả hai đầu đất nước. Vậy live show có phải là ánh đèn ma lực cuốn những “thiêu thân” ca sĩ/nhà sản xuất lao vào?!

Công chúng khắp năm châu đã từng được “lác mắt”, “há hốc mồm” với những live show kinh điển của Michael Jackson, Madonna, Celine Dion… nơi mà chiêu trò được nâng lên tầm nghệ thuật để bổ trợ cho giọng hát trời phú. Còn ở Việt Nam, công chúng yêu nhạc đã được tiếp cận với những live show như thế nào?

Nói như nhạc sĩ Quốc Trung thì live show ở xứ mình đang bị hiểu sai, chữ show đang bị lạm dụng và phần live thì thiếu vắng. Và vì đã có quá nhiều live show thiếu tử tế nên bây giờ để có một show diễn tử tế cuốn hút người xem thì cần lắm những nhà sản xuất tử tế. Đạo diễn nổi danh Dũng Khùng thì than bây giơ đang có quá nhiều những show khoa trương màu mè nhưng cái sân khấu Việt vẫn cứ như cái nhà trọ chỉ níu chân được khách vãng lai mà chẳng giữ nổi chân khách thân tình…

Trong cái mớ hỗn độn, bát nháo của thị trường showbiz nói chung và live show âm nhạc nói riêng, công chúng vẫn luôn mong đợi những điều tử tế, đích thực và những người làm nghề có tầm cũng luôn đau đáu hướng đến những điều đó. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được thưởng thức những live show âm nhạc Việt đúng nghĩa, sạch sẽ và tử tế.

*Mời các bạn đón đọc!

 Theo Sành điệu

Thực hiện: depweb

08/11/2012, 17:19