Sách đã xuất bản:
– “Quà tặng ngọt ngào” (2013)
-“Nhật ký học làm bánh” – tập 1 (2014)
– “Nhật ký học làm bánh” – tập 2 (2015).
Ít có ai yêu thích bánh trái lại chưa một lần vào blog Savoury Days. Tỉ mỉ, chi tiết và luôn rõ ràng, blog Savoury Days đã là địa chỉ tin cậy của những người yêu nội trợ. Cô gái có tên Đoàn Thu Trang (Linh Trang) – chủ nhân của blog này cũng được rất nhiều người yêu mến bởi sự nhẹ nhàng, cẩn trọng và luôn chu đáo.
– Giờ thấy đi đâu, ở group nào mọi người cũng thi nhau làm bánh và đặc biệt là cái dòng ghi chú “theo Savoury Days” rất phổ biến, có vẻ Trang nổi tiếng lắm rồi đấy.
– Cảm ơn bạn. Với mình thì “sứ mệnh” chính của Savoury Days là chia sẻ niềm vui và cảm hứng vào bếp với bạn đọc, giúp mọi người có thêm động lực lăn vào bếp và làm ra những món ăn ngon, nên từ trước đến giờ, mình chỉ đơn giản là cố gắng hết mình vì điều đó thôi. Mình rất vui khi Savoury Days ngày càng được nhiều bạn yêu mến và tín nhiệm, nhưng “trở nên nổi tiếng” thực sự chưa bao giờ là mục tiêu hay đích mà mình nhắm đến cả.
– Thực ra thì mọi người chú ý và quan tâm nhiều tới Savoury Days chứ không phải Linh Trang, nên Savoury Days mới là “ngôi sao” chứ không phải Linh Trang.
Nhưng nhờ Savoury Days mà mình có thêm nhiều bạn bè hơn, phần lớn đều chưa gặp mặt nhưng đều có chung tình yêu với bếp nên trò chuyện hợp nhau lắm.
– Bạn ảnh hưởng niềm đam mê nấu nướng từ ai vậy?
– Từ bà, mẹ của mình và rất nhiều người phụ nữ đảm đang xung quanh mình nữa. Tình yêu nấu nướng là một cái gì đó hình như rất tự nhiên và bản năng của phụ nữ Việt Nam thì phải.
– Trong những món đã làm, Trang thích nhất món nào?
– Câu hỏi này thực sự là rất khó bởi mình luôn vào bếp với tất cả tâm huyết nên món ăn nào làm ra đối với mình cũng đều là món ăn số 1 cả, thật khó so sánh để chọn một món làm “hoa hậu”.
– Bạn có nhớ tới món đầu tiên và chiếc bánh đầu tiên mình tự tay làm?
– Có chứ, đó là món bánh muffin chocolate và cà phê. Có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ quên được cảm xúc của ngày hôm đó, khi ngồi trước lò chờ đợi và nhìn chiếc bánh từ từ nở phồng lên sau lớp cửa kính. Đó là một thứ cảm giác rất đặc biệt, giống như một sự pha trộn giữa hạnh phúc, vui mừng, phấn khích, hãnh diện… vậy.
– Trang có gặp những khó khăn gì khi chinh phục các món ăn không vậy?
– Có chứ, nhiều lắm. Điều khó khăn không phải ở bản thân món ăn khó làm mà là bởi mình muốn tìm ra công thức đơn giản, dễ thực hiện và dễ thành công nhất. Và quan trọng hơn cả là mọi người đều có thể làm được. Cho nên có nhiều khi mình mất đến vài tuần để thử nhiều cách làm khác nhau và chọn ra cách tốt nhất, và phải đi tìm cả các nguyên liệu thay thế, chỉ dùng những thứ dễ tìm và phổ biến nhất nữa, cũng mất kha khá thời gian.
– Đối với Trang, nấu nướng có ý nghĩa gì trong cuộc sống?
– Nhiều lắm. Nhưng một trong những điều quan trọng nhất là nấu nướng mang lại cho mình thêm nhiều khoảnh khắc đáng yêu hơn trong cuộc sống. Như là khi chờ Amazon gửi đến một quyển sách mới về làm bánh, ngồi đọc ngấu nghiến rồi “phi” vào bếp thử ngay một món mới. Hay là trong một buổi tối mùa đông lạnh, ngồi đọc sách và hít hà mùi bánh mì nướng thơm lừng tỏa ra từ lò nướng. Hoặc đơn giản là mỗi buổi chiều chuẩn bị các món ngon và đợi ông xã trở về nhà.
– Ông xã thích những món mà Trang nấu chứ?
– Ồ, đó là thực khách trung thành số một và cực kì khó tính của mình đấy.
– Khi nấu nướng, bạn có nguyên tắc gì không?
– Tận hưởng và khám phá. Nấu ăn với mình là một cuộc dạo chơi và thám hiểm, càng tiến sâu hơn, càng thấy có nhiều khám phá thú vị. Nấu ăn là quyền lợi, không phải là nghĩa vụ, và bởi vậy tại sao ta lại không tận hưởng nó. Và khi người đứng bếp thực sự yêu thích công việc mình làm thì mình nghĩ món ăn cũng tuyệt hơn nhiều.
– Thời gian bạn vào bếp là những lúc nào?
– Bất kì khi nào có cảm hứng và có thời gian. Thường thì hai thứ này đi liền với nhau. Khi đã có cảm hứng thì sẽ tự tìm được thời gian để làm nó.
– Hỏi vui một chút, thử tưởng tượng, một sáng mai thức dậy, đồ nghề làm bếp của bạn không cánh mà bay thì sẽ như thế nào nhỉ?
– Chắc lúc đó Trang sẽ tưởng mình đang mơ và phải tự nhéo mình một cái thật mạnh để mình tỉnh quá.
– Lúc nào cũng thấy Trang trả lời dịu dàng, viết dịu dàng, làm bánh dịu dàng là sao ta?
– Ôi, đó là bạn chưa thấy mình lúc nổi cáu đấy thôi. Hihi.
– Khi ở nước ngoài, bạn thấy người nước ngoài có biết gì về ẩm thực Việt?
– Món ăn Việt Nam khá được ưa chuộng ở những nơi mình đã từng đi qua. Cửa hàng bán đồ Việt Nam tại một số thành phố lớn tại châu Âu và Mỹ có khá nhiều. Mình nghĩ là người nước ngoài có sự quan tâm và yêu thích nhất định với các món ăn Việt Nam. Chỉ tiếc là hương vị tại đây đã bị thay đổi nhiều, phần để hợp hơn với khẩu vị của người châu Âu, phần vì có sự pha trộn với các món ăn của một số nước xung quanh (như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…), bởi vậy mà một số hương vị thực sự truyền thống và đậm chất Việt thì họ chưa được tiếp cận nhiều. Và mình cảm thấy rất tiếc vì điều này.
– Có bao giờ bạn nghĩ, blog của mình sẽ là nơi để quảng bá hình ảnh người Việt, món ăn và văn hóa Việt không?
– Mình rất hi vọng có thể thực hiện được điều này trong tương lai gần.
– Hiện nay có rất nhiều những food blogger và food photographer người Việt, bạn thấy đáng mừng hay… đáng lo?
– Việc viết blog ẩm thực (bởi food blogger) và chụp ảnh đồ ăn (bởi food photographer) thực ra đã bắt đầu từ khoảng 8 – 10 năm trước tại Việt Nam. Nhưng trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây thì mình thấy đặc biệt nở rộ, có thêm rất nhiều food blog và food website/forum mới. Food photographer và food stylist cũng dần trở thành một công việc chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản hơn. Mình nghĩ đây là một tín hiệu đáng mừng với cộng đồng các bạn yêu ẩm thực nói chung. Việc này không chỉ tạo ra một sân chơi có tính chuyên nghiệp cao hơn cho các bạn yêu nấu nướng, chụp ảnh mà còn mang đến nguồn công thức chất lượng cao rất dồi dào để mọi người tham khảo nữa.
Cũng nhờ vào sự “nở rộ” food blog mà mình thấy kho tài liệu tham khảo công thức nấu ăn trên mạng trong vài năm gần đây trở nên phong phú hơn nhiều, không chỉ các món Việt Nam mà cả ẩm thực bốn phương nữa.
Có một thực tế khá thú vị là các food blogger người Việt ở nước ngoài thì mình thấy giới thiệu các món Việt rất nhiều, trong khi các food blogger ở Việt Nam lại có xu hướng tập trung vào các món Âu.
– Blogger hiện là một nghề hái ra tiền và ở Việt Nam cũng bắt đầu như vậy, bạn có ý định sẽ phát triển hơn những gì mà bạn đang làm?
– Phát triển hơn thì chắc chắn là có, hiện tại mình đã có một vài kế hoạch cho Savoury Days rồi và sẽ ra mắt trong thời gian rất gần thôi. Nhưng tất cả là vì đam mê và vì mong muốn tạo ra được nguồn tham khảo công thức chuyên nghiệp, đáng tin cậy cho mọi người hơn là vì tiền. Nói một cách khác thì “tiền”, “danh tiếng”… và các thước đo vật chất tương tự khác có thể là hệ quả nhưng không thể là mục tiêu và đích đến. Mình tin là việc đặt cả tấm lòng vào làm một công việc nào đó là yếu tố quan trọng nhất để bạn chạm được tới đỉnh cao của nó.
– Sau “Nhật ký học làm bánh”, bạn có còn dự định xuất bản những cuốn sách kế tiếp?
– Có chứ, mình vẫn còn rất nhiều điều muốn chia sẻ nên nhất định sẽ tiếp tục cho ra lò thêm những đứa con tinh thần mới. Hiện tại mình đang ấp ủ một số ý tưởng rồi, nhưng cụ thể là gì thì cho phép mình tạm giữ bí mật nhé.
– Trân trọng cảm ơn Linh Trang đã dành cho Đẹp Online cuộc trò chuyện thú vị này!
Thực hiện: Lan Anh
Ảnh do nhân vật cung cấp
Đón đọc chùm bài về những bà nội trợ kiểu Việt:
– Xuân Quế “Bếp Nhà Tui”: “Tôi là đầu bếp không lương”
– Dzung Dương – cô gái gốc Việt đam mê nấu ăn và truyền cảm hứng
– Linh Kokotaru: “Cả nhà đều thích cơm mình nấu”