Life of Pi: Kỳ ảo & hiện thực

Năm 2002, khi “Life of Pi” đoạt giải Booker, câu chuyện hiện thực kỳ ảo này lập tức được giới điện ảnh dán cho cái nhãn “không thể dựng thành phim”. Thế nên, 10 năm sau, khi Lý An tiếp nhận thách thức này, cả thế giới đều háo hức chờ ngày “Life of Pi” công chiếu. Tất cả chờ đợi ba điều: Ông sẽ giải quyết câu đố hóc búa của một kịch bản có hai phần ba thời gian diễn ra trên chiếc xuồng cứu sinh dài tám mét kiểu gì? Ông sẽ giải đáp câu hỏi về Chúa Trời xuyên suốt tác phẩm ra sao? Và ông sẽ mang chất thơ mỹ cảm mà tàn nhẫn từng giúp ông thành danh với “Ngọa hổ tàng long” và “Brokeback Mountain” vào bộ phim này thế nào?

Trong chừng mực nào đó, Lý An đã giải đáp xuất sắc cả ba nan đề ấy. Ông đã rất dũng cảm khi không hề né tránh câu hỏi về Chúa, mà ngược lại, lấy nó làm trung tâm, thể hiện và kiến giải nó bằng những khuôn hình đầy tinh tế. Mỗi cảnh quay đẹp đến sững sờ và run rẩy của “Life of Pi” không chỉ thấm đẫm mỹ cảm mà còn là những ẩn dụ sâu xa về đức tin, nỗi nghi vấn, và niềm hoang mang tôn giáo mà Pi đối diện từ thời thơ ấu, đặc biệt là trong 227 ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương. Bộ phim khởi đầu bằng một trường đoạn đậm chất Animal Planet tưởng như chỉ nhằm phô diễn kỹ xảo 3D. Nhưng đó, kỳ thực, chính là cách Lý An khắc họa thế giới đa thần ở Ấn Độ: vườn bách thú chính là một thứ điện bách thần của đạo Hindu. Con cá voi khổng lồ lấp lánh lân quang là ám chỉ về Jonah*, trong khi không khó để nhận ra hòn đảo ăn thịt người là hình tượng thần Vishnu ngủ trên biển sữa. “Tại sao hoa sen lại ẩn trong rừng?”, câu hỏi Pi đặt ra cho Anandi chính là khát vọng truy cầu và chứng nghiệm của cậu suốt cuộc hải hành sinh tử ấy. Và đó cũng chính là lời tiên tri của Anandi, bởi chiếc răng giữ vai trò thức tỉnh Pi đã được Lý An giấu vào một “đài sen” – loài hoa thần thánh nhất của Ấn Độ.

Với tiếng tăm của mình và bản thân tác phẩm, Lý An hoàn toàn có thể chọn một diễn viên nổi tiếng hơn. Nhưng ông đã rất tỉnh táo khi gửi gắm vai Pi hồi trẻ cho Suraj Sharma, một cậu bé hoàn toàn vô danh. Suraj đã có một màn trình diễn làm các diễn viên gạo cội cũng phải ghen tị, vừa thể hiện được tình yêu ngây thơ của một gã trai “phải lòng” tôn giáo lẫn niềm tuyệt vọng của một đứa trẻ lênh đênh giữa đại dương. Người xem chia sẻ với từng cảm xúc của cậu: nỗi mất mát, niềm hy vọng, sự dại khờ, và lòng can đảm. Trong khi đó, Pi tuổi thành niên lại là một người đàn ông có biệt tài kể chuyện. Sau những đường nét trầm tĩnh trên khuôn mặt Irrfan Khan là khả năng biểu đạt cảm xúc dữ dội chỉ bằng một ánh liếc mắt, một cái nhíu mày. Trong khi Suraj mê hoặc khán giả nhờ cuộc chìm nổi trên biển khơi kỳ ảo, thì Irrfan điềm đạm ngồi trong căn bếp, và mang đến cho câu chuyện sức mạnh khả tín của hiện thực.

Đã tìm ra hai vai chính, nhiệm vụ còn lại của Lý An là đem câu chuyện của Yann Martel lên màn bạc. Sau James Cameron, ông là một nhà làm phim hiếm hoi, nếu không muốn nói là đầu tiên, thực sự làm chủ kỹ xảo 3D và vận dụng nó như một thủ pháp nghệ thuật chứ không phải một công nghệ làm tiền. Chiều không gian thứ ba này đã lôi khán giả vào màn ảnh, đặt họ lên con thuyền với Pi và Richard Parker trong suốt 70 phút biển trời nghiêng ngả.

 

Trung thành với phong cách mỹ cảm của mình, và có lẽ vì cả sức ép từ studio, Lý An đã tước bỏ đi khá nhiều khía cạnh “tàn nhẫn” của tiểu thuyết, để nó phù hợp hơn với mọi đối tượng khán giả. Ta sẽ không thấy con linh cẩu ăn sống con ngựa vằn, cắn đứt đầu con đười ươi, hay cậu bé ăn phân của Richard Parker, nhưng ấn tượng về sự khắc nghiệt của chuyến hải trình không vì thế mà giảm sút. Có điều, nếu “Life of Pi” của Yann Martel bi tráng một cách kinh sợ thì “Life of Pi” của Lý An lại đẹp đến kinh diễm, khiến người xem bỗng cảm thấy hành trình của Pi, với bấy nhiêu đau khổ đọa đày, trong chừng mực nào đấy, vẫn là rất đáng. Sau “The Fall” của Tarsem Singh, mới lại có một phim đẹp một cách duy mỹ đến nhường này. Nhưng khác với “The Fall”, cái đẹp ở “Life of Pi” không chỉ đẹp để mà đẹp. Đây là cái đẹp thăng hoa của tâm linh, của mối giao cảm giữa trời và nước, thiên đàng và trần thế, của mối tình ghen tuông và chiếm hữu mà cái chết dành cho sự sống. Câu chuyện của Pi chứa đựng một quyền năng khiến nhân vật nhà văn tin vào Chúa Trời, còn bộ phim về Pi sở hữu một vẻ đẹp làm người xem tin vào điện ảnh – điều dường như đã trở thành xa xỉ trong thời đại ngày nay.


 

Bài: Nham Hoa



From the same category