Kỳ 13 Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu đăng từ số tháng 2/2012.
|
Đế quốc La Mã một thời rộng lớn trên cả ba châu lục nhưng thành quách toàn vẹn nhất còn tồn tại không phải ở Roma mà ở Leptis Magna, Libya
Bãi biển Libya
Libya là một trong ba đất nước hoàn toàn trong tình trạng vô chính phủ vào đúng thời điểm tôi đặt chân qua biên giới. Tuy nhiên, không giống như Yemen nơi máy bay hạ cánh ngay tại thủ đô, hay như Ai Cập nơi dù chính trị có tí loạn lạc nhưng khách du lịch vẫn chất đầy những chuyến xe buýt từ biên giới heo hút, Libya bắt tôi chờ gần năm tiếng ở cửa khẩu vì hải quan Ai Cập nhất định không tin ở tít phía bên kia đường biên, nhân viên của công ty du lịch Libya đang chờ sẵn với visa nhập cảnh. Họ nhìn tôi và bốn bạn đường người Nhật rồi lắc đầu quầy quậy: làm gì có chuyện thời điểm này có ai xin được visa vào Libya? Ngay cả ở thời bình xin visa du lịch còn khó, phải đăng ký đi theo đoàn hoặc được người bản xứ viết thư mời nữa là lúc loạn lạc kiểu rắn mất đầu thế này.
Người hùng hay kẻ tội đồ?
Ít người biết rằng Libya từng là thuộc địa của Ý. Trong cuộc chạy đua chiếm hữu các vùng đất của châu Phi, Ý chậm chân hơn nhiều so với các “trùm sò” khác như Anh, Pháp, Hà Lan. Libya là mẩu Bắc Phi duy nhất còn sót lại mà Ý có thể chiếm đoạt với lý do là vùng đất này cách Ý chỉ vài trăm cây số đường biển. Vướng phải sự kháng cự quyết liệt của người bản xứ, quân đội Ý tàn phá hàng trăm xóm làng, đày ải hàng chục nghìn người trong các trại lao động và không ngần ngại dùng bom hóa học phá hủy mùa màng.
Không thể phủ nhận những ấn tượng mà vị đại tá kỳ quặc này để lại sau gần nửa thế kỷ cầm quyền: Gaddafi cho ra đời một chế độ xã hội độc nhất vô nhị trên đời nơi ông ta là kẻ độc tài nhưng núp dưới chiêu bài một nhà nước không có người đứng đầu và “mỗi người dân là một tổng thống”, nơi chỉ trong vòng 15 năm tỷ lệ biết chữ từ 10% tăng lên 90%, tuổi thọ bình quân từ 57 tăng lên tận 77. Đầu những năm 80, Libya trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới, đứng trên cả Thụy Sỹ, Ý, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Đối với những người chỉ nhìn thấy Gaddafi từ màn hình ti vi thì ít nhất đội vệ sĩ toàn phụ nữ của ông cũng đủ để lại một ấn tượng khó quên.
Một khu nhà bị bom phá hủy ở Benghazi
Chạng vạng
Ai cũng có quyền bảo tôi ngu, điếc không sợ súng. Đất nước đang không có chính quyền, không có cảnh sát, không có tòa án, nếu tôi có mệnh hệ gì thì chẳng ai thèm giải quyết. Chính vì tình trạng vô chính phủ như vậy mà những gã thanh niên vô công rồi nghề mới đột ngột trở nên hung hăng, đường phố mới bất an, và mới có những kẻ chẳng danh tính gì cũng tự cho mình quyền hành xóa bỏ và áp đặt các luật lệ đạo đức lên người khác.
Các thánh đường Hồi giáo là nơi cầu nguyện và nghỉ ngơi của người mộ đạo
Chân chất
Libya có lẽ là đất nước khiến tôi khổ sở nhất, nhưng cũng là đất nước khiến tôi ngỡ ngàng nhất bởi sự chân thành và hướng thiện của người dân bản xứ. Dù trong hoàn cảnh hỗn mang vô chính phủ nhưng tội ác không bao trùm đường phố, các phiến quân vũ khí đầy mình nhưng không làm hại đến người dân. Tận mắt tôi chứng kiến một người đàn ông hai tay xách đầy tiền, tiền phòi cả ra ngoài, hồn nhiên từ góc khuất ngã tư xuất hiện và bước vào nhà băng. Cảm giác yên ổn rõ nhất là khi bước quanh những phiên chợ đông đúc mà không bị cò chào mời, không bị người bán hàng níu kéo, không lo bị móc túi và không lo bị lừa hàng dỏm. Những tiệm vàng ở Tripoly không có cửa sắt, vòng vàng dài hàng mét mỗi nút to bằng miệng chén, vắt hàng chục hàng trăm chuỗi trên giá hệt như ở các siêu thị. Người dân Tripoly mỗi lần bước vào tiệm vàng mua hàng ký, hoặc là để chuẩn bị đám cưới, hoặc là để dành đầu tư. Thấy tôi lấp ló ở cửa, một anh chủ còn vui vẻ bắt tôi đeo một cái vòng to tướng quanh cổ để chụp ảnh.
Những tiệm vàng ở Tripoly
Nhưng những người lao động Việt Nam đã bắt đầu trở lại Libya. Đất nước có hàng trăm phụ nữ tham gia tranh cử và chiếm tới gần 17% số ghế quốc hội, đất nước duy nhất mà ở đó các đảng bảo thủ Hồi giáo không thắng cử. Khách du lịch đã bắt đầu trở lại những thành quách La Mã đẹp nhất thế giới ở Sabratha, Leptis Magna và những bãi biển đẹp như mơ. Visa du lịch không còn là “điệp vụ bất khả thi”. Đất nước chào một rạng đông mới, với chút ngỡ ngàng và rất nhiều hy vọng.
Câu chuyện sau mùa xuân Ả Rập lúc nào cũng râm ran từng góc phố
Kỳ sau: Tunisia – Nơi dòng sông bắt đầu
Bài & ảnh: Phương Mai