Mẹ của cô bạn, nhân dịp chúng tôi đến nhà chơi một ngày đầu năm nọ, nhìn mấy đứa con gái độ tuổi “lỡ cỡ” mà chép miệng, “Tụi trẻ bây giờ không giống như các bác các cô ngày xưa. Yêu đương cũng khó, cuộc sống công việc thì áp lực, nghĩ mà thương”. Tự dưng tôi thấy chạnh lòng.
Mới như hôm qua vẫn thấy mình còn ở cái hồi “miếng chưa no lo chưa tới”, mà ngoảnh đi ngoảnh lại cũng qua tuổi lớn. Thời kì trưởng thành đến đột ngột và sẽ còn kéo dài dằng dặc, trước khi chúng tôi biết đến cảm giác an yên. Mà đến bây giờ, như người ta thường nói, chúng tôi đã “lớn”, nhưng tôi nghĩ nó giống như một sự phát triển về sinh lý vậy thôi.
“Thuở niên thiếu, nhìn người lớn, tôi thấy họ sao mà vững chãi đến vậy. Trên đường, chạm mặt vô số người lớn, thấy vẻ mặt kiên định của họ, tôi lại nghĩ, sau này đi làm, thêm tuổi, trở thành người lớn rồi, mình cũng sẽ có được thái độ sống vững vàng như vậy. Thế nhưng đến khi bước vào tuổi đó rồi, tôi mới nhận ra rằng không phải vậy. Những con người đó, họ cũng âm thầm chao đảo trong lòng đấy thôi.”*
Mọi thứ chông chênh, và ai cũng vậy, nhiều khi chỉ muốn dứt áo ra đi, bỏ hết, quên hết, nhưng lại vẫn nơm nớp lo cho những ngày bấp bênh bộn bề cơm áo gạo tiền. Mà kì thực, chuyện này không đùa được đâu.
“Tụi trẻ bây giờ không giống như các bác các cô ngày xưa. Yêu đương cũng khó, cuộc sống công việc thì áp lực, nghĩ mà thương”.
Có những người bạn cùng trang lứa với tôi, hoặc trẻ hơn, vẫn hoang mang về con đường phía trước. Rẽ hướng nào? Đi về đâu? Không ai biết được. Thật kì lạ là dường như những quyết định của chúng ta thường thiên về cảm tính. Chẳng ai nói trước với chúng ta rằng “Đừng đi theo lối đó!”. Những biển báo cấm thường ở tận đáy hố mà chỉ khi ngã bạn mới nhặt được chúng. Đến khi sứt mẻ ít nhiều, bạn mới nhận ra và tích lũy thêm một vài kinh nghiệm. Khi ấy, chúng ta dần lớn lên.
Có những người, hẳn rồi, rất giỏi, rất đủ đầy, (có vẻ) hạnh phúc, mà vẫn cảm thấy cô đơn. Bây giờ lên mạng, than thở sợ bị chê là yếu lòng, ham hố vui vẻ sợ bị coi là không tập trung, chia sẻ đủ thứ sợ là đang khoe mẽ. Có chị bạn trêu tôi rằng “Này em, người ta chỉ khoe cái đi chơi đi du lịch, khoe cái vui cái đẹp thôi, chẳng ai khoe rằng “mình đang rất không ổn” trên facebook đâu!”.
Chúng tôi, không chỉ những người trẻ, kể cả những “người lớn” đều đang cùng nhau sống trong một xã hội hỗn loạn từ thực đến ảo
“Trở thành người lớn, bỗng chốc ấy là lý do để bao nỗi trăn trở không lời giải đáp của ta về cuộc sống chẳng thể bày tỏ cùng ai, đành cứ thế nuốt vào lòng. Sợ rằng giây phút cất lời kêu đau sẽ lập tức bị coi là trẻ con, chúng ta cứ thế nín lặng một mình ôm tâm bệnh.” **
Ai cũng có vấn đề của riêng mình, dù họ thể hiện bên ngoài thế nào đi chăng nữa. Có những chuyện nếu không ở trong hoàn cảnh của họ, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi cái cảm giác mà họ có. Mà cảm giác ư, là thứ trăm lần vạn biến. Kì lạ. Với tôi, cuộc sống này chưa bao giờ hết những thứ kì lạ. Nhiều hôm đi làm về, cứ xâu chuỗi liên tục nhiều sự việc quanh mình gần đây, tôi tự dưng “à” lên một tiếng. “Hóa ra mình vẫn chẳng hiểu gì về thế giới cả”. Thật lòng tôi đã nghĩ thế đấy.
Cứ như tôi là kẻ mơ giữa bộn bề đủ thứ trong cuộc đời này vậy.
Bức hình tôi chụp tại quán cà phê nhỏ trong một ngày Sài Gòn tháng Tư oi ả một mùa hè đã cũ.
Tôi dám chắc ai nấy đều có những giấc mơ từ khi còn nhỏ, trong trẻo và hồn nhiên. Cơn giật mình đến rồi sẽ qua nhanh, rồi sẽ có bàn tay vỗ về em, hay chí ít khi em chỉ có một mình, ngày mai sẽ đến với ánh nắng an lành. Đúng rồi, chỉ cần trời sáng. Mà tôi mong em chỉ ngủ một giấc an lành không mộng mị.
(*) (**): Trích dẫn trong cuốn sách “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” – Tác giả: Kim Rando.