Làm gì khi con “xơi ngỗng”? - Tạp chí Đẹp

Làm gì khi con “xơi ngỗng”?

ĐẸP KIDS

Điều thú nhận của bà mẹ này không phải hi hữu. Khi con sải bước sang một quãng đường khác, nỗi lo của mẹ cũng dài theo, nó khác hơn nhiều so với nỗi lo con ốm đau, lười ăn của thời kỳ “bỉm sữa”.

Những điều tối kị

– Mẹ sẽ phạt con một tuần không được xem phim hoạt hình.

– Mẹ đã hứa cuối tuần cả nhà đi chơi, nhưng mẹ đổi ý, con phải ở nhà, đây là hình phạt cho điểm 2 của con.

– Con phải chép 100 lần câu “Lần sau con sẽ học hành chăm chỉ.”

Đây là những quyết định mà nhiều bà mẹ vội vã tuyên bố khi con từ trường trở về nhà với điểm kém. Và từ cực này sang cực kia, bình thường các mẹ chiều chuộng hết mức, nhưng khi con bị điểm kém, có nghĩa học hành giảm sút, nhiều bà mẹ bày tỏ thái độ bằng việc “cấm vận”, không cho con chơi đùa thoải mái, hủy lời hứa làm gì đó cho con, khóa lại những “đặc lợi” mà mình từng cho phép con được làm trước đó… Điều này có nghĩa, cánh cửa đã đóng sập trước mặt đứa trẻ. Thái độ cực đoan của cha mẹ thường khiến con trẻ mang nặng mặc cảm có lỗi, mất đi sự tự tin vào bản thân, thậm chí thấy mình bị bỏ rơi.

Một số bà mẹ khác, không trách phạt nhưng lại thể hiện sự lo lắng quá mức. Phản ứng lại với việc con bị điểm kém, có những người vội vã tìm kiếm lớp học thêm, thuê gia sư đến nhà, hoặc ngồi kè kè bên con nhắc nhở, ép con học nhiều hơn với hy vọng đó là cách để “gỡ điểm”, để con đuổi kịp bạn bè. Không chỉ tăng tốc học tập với thời gian học nhiều hơn, kiến thức nặng hơn, nhiều đứa trẻ phát hoảng khi bố mẹ đề nghị phải “nói chuyện”. Đối diện với bố mẹ, nhiều đứa trẻ phải trả lời những câu hỏi “tại sao” khiến chúng bấn loạn:

– Tại sao bài dễ thế, các bạn được 9, 10 mà con bị điểm kém?

– Tại sao con không chịu chú ý nghe giảng?

Trong lúc tức giận, phương pháp “nêu gương” được khá nhiều bà mẹ sử dụng. Xin kể câu chuyện từ một bà mẹ khác thế này: Khi tôi lỡ mắng con “Tại sao mày không được như cái Nga con bác Hoa hàng xóm, vừa ngoan lại học giỏi…” Chưa nói hết câu, con gái tôi đã bật lại: “Vậy thì mẹ nhận cái Nga là con đi”. Sững sờ vì câu nói của con, tôi biết mình đã lỡ lời. Sau này, tìm hiểu tâm lý trẻ con lứa tuổi 10-11, tôi mới hiểu, điều bọn trẻ ghét nhất là bị đem so sánh với một bạn cùng trang lứa. 

Phương pháp “nêu gương” được thực hành một cách bột phát, sống sượng như thế thường phản tác dụng.

Một điều tối kị nữa là mặc cả với con. Ví dụ: “Nếu con đạt điểm tốt, mẹ sẽ mua cho một bộ lego”. Việc này thành thói quen sẽ khiến đứa trẻ nghĩ: Học để cho mẹ chứ không phải cho mình, học để có đồ chơi, bằng mọi cách kể cả gian lận để có điểm tốt và được mua quà.

Hãy sưởi ấm trái tim con!

Bình tĩnh khi con thông báo “bị xơi ngỗng” là việc đầu tiên các bà mẹ nên làm. Hãy mỉm cười với con. Nụ cười ấm áp của bạn có thể xóa đi nỗi lo lắng, sợ hãi của con và sự bình tĩnh của bạn khiến đứa trẻ yên tâm hơn rằng không phải chúng vừa làm điều gì đó quá tồi tệ, điểm kém không phải là chuyện tày trời.

Bạn cũng đừng vội truy hỏi con lí do vì sao hay cảm thấy như thế nào khi bị điểm kém. Càng không nên bắt con tăng tốc học thêm. Sự nôn nóng, căng thẳng của bạn sẽ tạo thêm áp lực cho đứa trẻ. Áp lực càng lớn, sự tự tin càng sụt giảm.

Hãy khiến con mình tin rằng, điều tốt đẹp vẫn đang ở phía trước. Sự tin tưởng vào con là điều cần thiết giúp chúng cân bằng tâm lý và biết cách để có thể thay đổi tích cực.

Khi đứa trẻ đạt điểm tốt hơn, cũng đừng vội mua bộn quà, đừng để con thấy đó là thành tích to lớn. Đạt điểm tốt, dĩ nhiên là điều đáng khích lệ, nhưng hãy để con thấy đó cũng là điều bình thường nếu con luôn cố gắng và tự tin vào bản thân mình.

Bài: Trịnh Vĩnh Hà

logo

Thực hiện: depweb

07/11/2016, 23:00