Làm gì khi con lấy trộm tiền của mẹ?

Mỗi lần mất, chị lại nghĩ là mình rút ra tiêu vặt, hoặc đi chợ nên không nhớ chính xác. Nhưng việc này lặp lại nhiều lần, chị tin chắc chắn người rút trộm tiền trong ví là con bé lớn nhà chị. Vì chồng chị nếu cần tiền thì nói với vợ, mà anh ấy cũng chẳng bao giờ lấy 50 ngàn, 100 ngàn làm gì. Đứa con thứ hai thì chưa đầy 2 tuổi, biết gì về tiền. Nhà lại không có ai ra vào, chẳng có người giúp việc. Chị bảo, con gái lớn 16 tuổi, chăm chỉ và ngoan ngoãn, không có biểu hiện gì của một đứa trẻ hư, nhưng thỉnh thoảng chị có thấy cháu có một vài món đồ mới lặt vặt như: quyển sổ, cái kẹp ghim, lọ kem dưỡng da… không phải do chị mua. Khi mẹ hỏi thì cháu  trả lời loanh quanh là bạn tặng, bạn cho… Chị cảm thấy rối trí, không biết phải “xử lý” con thế nào về chuyện này…

1. Rộng lượng hơn với nhu cầu mua sắm của con.

Nghe chị nói, tôi cúi đầu im lặng. Một lúc sau, tôi mới dám kể với chị rằng, trước đây, hồi khoảng 16,17 tuổi như con chị bây giờ, tôi cũng từng rút trộm tiền trong ví của mẹ, cũng chỉ một vài tờ mệnh giá nhỏ thôi, khoảng vài ba chục nghìn. Số tiền ấy tôi rủ bạn ăn chè, ăn kem sau buổi học hoặc mua đồ lặt vặt điệu đà. Thường thì mẹ hơi khắt khe trong chuyện chi tiêu nên khi tôi xin, mẹ thường không cho, tôi lại thích điệu đà, nên tôi đành làm vậy. Chị Minh nghe tôi kể, bèn hỏi dồn: rồi mẹ em có phát hiện ra không? Tôi bảo không, mẹ không biết vì mẹ tuy khắt khe trong chuyện chi tiêu nhưng cũng hơi đoảng tính. Nhưng em thì ân hận. Có điều, em nghĩ, hay là chị có khắt khe quá với con gái chị, giống như mẹ em không? Con gái đôi khi cũng có nhu cầu điệu đà mà mẹ không để ý. Chính điều đó khiến con có hành vi sai trái chứ bản chất con không phải là đứa trẻ hư.

2. Đừng quy kết con ngay cả khi tin chắc điều mình nói

Suy đoán của một người mẹ về chuyện đứa con lấy cắp tiền trong ví, trong trường hợp của chị Minh, tôi tin là chị đúng. Có điều, tôi khuyên chị đừng vội mắng mỏ hay buộc con nhận tội. Chị chỉ nên nói với con về việc chị bị mất một khoản tiền không lớn, chuyện không đáng kể, nhưng chị thấy buồn vì mình đã không cẩn thận.

Hãy nói cho con gái nghe điều đó để con cảm thấy có lỗi khi chính mình là người đã lấy tiền của mẹ, nhưng mẹ chỉ buồn và liên tục tự trách bản thân. Đừng ra vẻ giận dữ với con hoặc mỉa mai “đá xoáy” cho con xấu hổ. Làm vậy càng chỉ khiến con bực bội và tự bênh vực mình với ý nghĩ “thật bực bội với bà mẹ khó tính, chẳng chịu hiểu con cái” chứ không nhận ra là mình đã sai. 

3. Tạo điều kiện cho con làm thêm một công việc gì đó

Rất nhiều người luôn nói rằng con họ phải để thời gian học hành nên không thể làm thêm được. Hơn nữa, họ không để con thiếu thốn gì. Tôi thì lại nghĩ, dù học giỏi đến đâu mà không dám kiếm những đồng tiền lẻ bằng mồ hôi của mình thì vĩnh viễn không bao giờ dám đương đầu với những khó khăn sau này. Còn chuyện các ông bố, bà mẹ nghĩ rằng họ chu cấp cho con đầy đủ, thì chắc chắn cũng giống như việc của chị Minh – “đầy đủ” những nhu cầu ăn uống, học hành nhưng không tâm lý với con vài điều nhỏ nhỏ, cũng dễ đẩy đứa trẻ ngoan thành kẻ ăn cắp vặt. Vậy nên, cha mẹ có thể tư vấn cho con, làm sao để con có một khoản tiền nho nhỏ do chính mình làm ra, dạy con cách chi tiêu hợp lý. Như thế, con vừa có thể chi tiêu chủ động một vài món nhỏ, vừa giúp con hiểu hơn nỗi vất vả của cha mẹ khi kiếm tiền nuôi con, và chắc chắn là con sẽ chẳng cần rút trộm tiền trong ví mẹ.

Khi con có một công việc làm thêm rồi, đôi khi cha mẹ có thể chấp nhận phương án vay – trả. Nghĩa là cho con vay một khoản tiền nhưng phải cam kết dùng tiền lương để trả cho cha mẹ mình. Như vậy, với việc vài tháng không có tiền tiêu vặt, con sẽ suy nghĩ kỹ hơn về quyết định mua sắm của mình. Những suy nghĩ ấy mới chính là bài học thực tế cho con sau này để giúp con trưởng thành.


From the same category