Những công thức mà Lâm Anh Đào đã chia sẻ với độc giả Đẹp Online
Mới biết nấu ăn từ khi… lấy chồng
Gần 2 năm nay, cộng đồng những người yêu thích ẩm thực không còn xa lạ với cái tên Lâm Anh Đào. Chị nổi tiếng trên các group về nấu nướng bởi sự chia sẻ nhiệt tình với những thực đơn cực kỳ phong phú. Có tới hàng nghìn bà mẹ thường xuyên vào facebook để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ chị. Nhưng trong số họ, ít ai biết rằng, chị Lâm Anh Đào chỉ thực sự tự vào bếp nấu ăn và trình bày mâm cơm gia đình từ khi chị… lấy chồng.
Chị Đào sinh năm 1970, ngoài công việc chính là quản lý website cho một trường đại học tại Melbourne, Úc, chị Đào còn dạy piano cho một trung tâm vào dịp cuối tuần. Nhìn mâm cơm đầy đủ và cầu kỳ của nhà chị, ít ai ngờ rằng, ngoài giờ đi làm, nấu nướng, chị còn phải dành thời gian chăm sóc cho 5 đứa con. Chị tâm sự, gia đình chính là động lực rất lớn với chị. “Mình thường dành 30 phút nói chuyện riêng tư với còn gái lớn để lắng nghe những tâm sự của con. Với các bé nhỏ, mình có thói quen kể chuyện cổ tích Việt Nam vào mỗi tối. Nói chung gia đình là số 1”. Vào những ngày nghỉ, ngày lễ, gia đình chị cũng tranh thủ đi xem phim, picnic, câu cá và khám phá những điều thú vị khác…
Mọi người vẫn thường hỏi sao chị làm món ăn nhẹ nhàng thế? Hay mất bao nhiêu thời gian để hoàn tất mâm cơm? “Thú thật là mình chỉ có 45-60 phút để chuẩn bị mâm cơm gia đình. Làm nhanh gọn như thế là vì những món nướng hay kho mình đều ướp gia vị trước khi đi làm, chiều về chỉ việc lấy ra nấu và làm thêm món tráng miệng, nấu thêm nồi canh, luộc thêm đĩa rau là xong”.
Ông xã và các con luôn luôn ủng hộ nhiệt tình những món do chị Đào làm
Niềm vui của chị chính là cả ông xã và các con đều vô cùng thích thú với những gì mẹ nấu. Khi được hỏi, trong nhà, ai là người khó tính nhất trong ăn uống, chị kể: “Các con là những thực khách khó tính nhất đấy. Các bé đều sinh ra bên này. Để các con quen với món ăn Việt Nam mình thường chế biến phù hợp với khẩu vị của chúng. Nhờ thế mà bọn trẻ nhà mình đã quen với mùi nước mắm, mắm nêm và còn biết ăn cay nữa cơ”.
Một điều thú vị nữa là, mặc dù chia sẻ hàng nghìn những công thức của mình lên mạng nhưng chị Lâm Anh Đào chưa từng qua một trường lớp nấu ăn nào. Có những món, chị nhìn hình ảnh rồi mường tượng các nguyên liệu, cách làm rồi thử nghiệm, làm cho tới khi ưng ý mới thôi. Với chị Đào, nấu ăn còn phải mang cả tình yêu thương vào đó, khi ấy, món ăn không chỉ đậm đà hương vị mà còn thấm đẫm tình yêu. “Có lẽ vì vậy gia đình mình rất ít ăn cơm tiệm. Và con mình thường lắc đầu khi ăn bánh ngoài hàng”, chị Đào cho biết.
Các con của chị Lâm Anh Đào
Chia sẻ là niềm vui và động lực
Ngoài trang facebook cá nhân với hàng nghìn người kết bạn và follow, chị Lâm Anh Đào còn có một fanpage cũng với lượng fan khá là “khủng”. Rất nhiều những bà nội trợ thường xuyên hỏi han chị cách làm món này món khác và chị luôn sẵn sàng. Thậm chí, có những món chưa hề ăn và cũng chưa từng nấu, chị vẫn sẵn sàng tìm tòi công thức rồi thử nghiệm và chia sẻ lại. “Mình chia sẻ công thức mình trên mạng là vì muốn mọi người có thêm những công thức mới với cách làm đơn giản, nguyên liệu dễ tìm và tự tin vào bếp. Điều may mắn là khi chia sẻ những món ăn mình tự làm lên facebook cá nhân hay trên các group nấu ăn mình nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các bạn bốn phương. Có nhiều bạn thậm chí mở quán, mở nhà hàng và sử dụng công thức của mình đấy. Mọi người thành công với công thức mình chia sẻ là niềm vui và động lực giúp mình cho ra những món mới tiếp theo. Mặc dù mình cũng tốn nhiều thời gian cho việc này”.
Chị cho biết, mặc dù trong quá trình chia sẻ, chị cũng gặp một số những phiền phức không đáng có, tuy nhiên, chị vẫn không từ bỏ niềm đam mê của mình. Ngoài việc chia sẻ công thức trên facebook, chị Lâm Anh Đào cũng rất thường xuyên gửi cộng tác với các trang báo mạng, trong đó có Đẹp Online. (Xem các công thức chia sẻ của chị Lâm Anh Đào tại đây)
Trong 2 năm qua, chị đã chia sẻ hàng nghìn công thức thú vị với những bà mẹ khác
Làm món Việt dựa vào… ký ức
Mặc dù xa quê đã lâu nhưng chị Lâm Anh Đào vẫn rất nặng lòng với món Việt. Chị rất thèm những món như bún riêu, bánh canh giò heo, bún bò Huế, bánh nậm, bánh tai yến…Và để giải quyết sự thèm ăn đó, chị chỉ còn cách… lăn vào bếp.
Chị Lâm Anh Đào và ông xã đều là người gốc miền Trung. Tuy cả hai đều xa quê từ hồi còn nhỏ, nhưng những ký ức về món Việt thì vẫn rất sâu đậm, bởi thế, chị đã tìm tòi để làm những món này để cả nhà cùng thưởng thức. Chị tâm sự: “Mình chưa qua một giờ học nấu ăn nào, những món ăn mình làm thường được tự chế biến theo khẩu vị riêng và nguồn cảm hứng này bắt nguồn từ lúc mình còn làm tiếp thị. Lúc đó mình thường phải đi nhiều nước và giao tiếp nhiều nơi, từ đó cũng học hỏi được những món ăn đặc sản của người bản xứ. Khi có thời gian mình thường làm lại những món mình đã ăn qua và tạo ra hương vị riêng phù hợp với khẩu vị gia đình và phù hợp với người Việt Nam”.
Chị Lâm Anh Đào
Để làm những món ăn mang đậm hương vị Việt Nam, chị thường đi chợ dành cho người châu Á. Đây là khu chợ dành cho người Tàu và người Việt ở Úc. Và thật vui là chị có thể tìm mua được những nguyên liệu quen thuộc như mắm nêm, mắm ruốc…
Chị kể, dù xa quê lúc tuổi còn nhỏ, nhưng mình vẫn không quên những món ăn dân dã của của quê hương mình. Ngoài việc tìm hiểu trên các trang mạng, chị cũng phải “lục lọi” ký ức để có thể nấu được món như ý. Cũng có một số món, chị đã biến tấu đi để tạo thành một món ăn với khẩu vị mới lạ hơn.
Dù xa quê từ lâu nhưng chị Đào vẫn nặng lòng với món Việt
Với tình yêu dành cho ẩm thực Việt, trong thời gian tới, chị Lâm Anh Đào sẽ hợp tác với Đài truyển hình Việt Nam tại Úc để quảng bá ẩm thực Việt Nam đến bạn bè năm châu. “Mình muốn cho các bạn quốc tế thấy được những món ăn Việt Nam mang hương vị độc đáo như thế nào“, chị tâm sự.
Bài: Lam Giang
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đón đọc chùm bài về những bà nội trợ kiểu Việt: