Có bốn nhân vật sau đây:
1. Nữ văn sĩ tuổi dợm ngũ tuần, thường xuyên sống trong bi kịch nội tâm, ba lần kết hôn hai lần ly dị còn một chuyến tự nguyện bỏ nhà theo tình nhân miễn tính, thể trạng héo hắt, khóe môi khô kèm hai nét mày u uẩn.
2. Tổng giám đốc công ty quảng cáo lớn, vừa theo trào lưu lập thêm một hãng phim tư nhân, chiều cao – cân nặng – vóc dáng theo chuẩn trung bình của đàn ông Việt thập niên 80 thế kỷ trước, tuổi tác khó đoán nhưng ai nhìn cũng hiểu đang tuyệt vọng chống chọi cuộc cách mạng vùng lên của tập thể nếp nhăn. Đặc điểm nhận dạng: Mang một cái bầu ì ạch mỗi ngày thêm phình ra nhưng vĩnh viễn không thể sinh con. Thói quen nổi bật: khịt mũi và cười hung hăng khi tranh luận. Gu âm nhạc: tuyệt đối Trịnh và thần thánh Trịnh.
3. Cô thư ký sữa bò, rất trẻ, da trắng, nhưng mặt hơi đần. Quá khứ: từng đi du học xứ chuột túi hai năm, trình độ năng lực hiện tại khó thể kiểm tra nhưng dễ dàng tạo cảm giác nghi ngờ. Trang phục ưa thích: áo dài cách điệu xẻ eo khá cao mặc với quần lụa bó chẽn, phối màu chuẩn, nhưng phải tội luôn cố tình phơi vòng hai theo kiểu “thịt mỡ dưa hành”. Vì thế, cô là hiện thân của một sô thời trang kệch cỡm! (Gợi ý: cần phải đào tạo lại nếu muốn xuất hiện nhiều).
4. Nữ kịch tác gia cao kều, luôn lúng túng giấu đôi cánh tay dài như vượn, mang một cái tên gợi nhớ vẻ trẻ thơ vô nhiễm. Mặt lấm tấm mụn. Đôi mắt rỗng ẩn giấu sự ranh ma. Ăn mặc quái đản buồn cười, nói năng nhút nhát, nhưng dễ dàng bị kích động. Một mẫu người khó định dạng.
Các nhân vật trên hiện đang tranh chấp nhau các tuyến chính và phản diện, không thể kiểm soát. Tuy vậy, tất cả đồng loạt khước từ các vai đào thương kép đẹp mang biểu tượng điển hình.
Bối cảnh chính: phòng họp – công ty quảng cáo lớn.
Tập một: Nào, ta vào chuyện!
Nữ văn sĩ dợm ngũ tuần, có mối ác cảm ngàn đời với tất thảy các thể loại truyện tranh. Như thói quen khá đông những người tôn thờ chủ nghĩa lãng mạn, bà luôn thờ ơ các kỹ năng suy luận và chối bỏ nhận thức thế giới bên ngoài, bà cho rằng truyện tranh là một thể loại đầu độc trẻ em, là con đường ngắn ngủi dẫn chúng đến bạo lực, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, là kẻ thù nguy hiểm nhất gây ra nạn diệt chủng tính nhân văn của truyện chữ.
Lần đầu tiên nhìn thấy một cuốn truyện tranh xứ mặt trời mọc lẫn xứ kim chi dành cho tuổi ô mai bán tràn vỉa hè, bà bĩu môi nguýt dài: “Sến!”. Công bằng mà nói, thể loại này nội dung yêu đương nhảm nhí là chính, kha khá cảnh ôm ấp hôn hít, không hiếm cảnh lộ ngực hay tắm truồng. Vấn đề là biên tập kỹ hay không. Sến hay không sến? Đừng nghĩ là tranh cãi sẽ ra vấn đề, còn lâu!
Phương pháp điều trị: Internet. Cách tiến hành thế này: Hãy cho nữ văn sĩ một số link đặc biệt, để bà hiểu thêm về thế giới phong phú của truyện tranh sex. Dám chắc có hai trường hợp xảy ra: một – bà sẽ ngã lăn đùng bất tỉnh rồi từ đó càng chung thủy với tính lãng mạn nội tâm, gia cố thêm lòng căm thù manga; hai – bà tò mò xem trọn một trang có nhiều pha cận cảnh các kiểu, thét lên “ối trời ơi”, lòng ngổn ngang các trạng thái cảm xúc trái ngược. Tất nhiên, bà chẳng bao giờ đặt câu hỏi ngược là không lẽ cái đất nước mặt trời mọc sản sinh comic hay manga lẫn hentai lẫn yaoi lẫn ôi thôi các kiểu ấy đầu độc cả dân tộc mình vào chốn hỗn mang đồi trụy hết cả sao?
Một chi tiết đặc biệt cho nhân vật thiếu cởi mở này: Bà thường âm thầm mua Đôrêmon không sót cuốn nào làm quà cho hai đứa cháu nhỏ. Vì chính ngoại lệ này, bà đáng được tha thứ – về tất cả…
Tập hai: Lời giải thích về các mối quan hệ
Tạm bỏ qua lời giải thích cho mối quan hệ dễ hiểu giữa nhân vật số 3 và nhân vật số 2. Chỉ có những kẻ đần độn mới nghĩ rằng ngài tổng giám đốc đi làm thuê cho cô thư ký sữa bò! (Xét về lối xưng hô “chú – cháu” thì tạm tin là môi trường làm việc trong sáng. Còn ai có đầu óc đen tối, hoặc bị đầu độc bởi môtíp hễ thư ký thì dám chắc là bồ nhí của giám đốc, thì tùy. Nhưng không có cảnh bắt quả tang thì đừng có hồ đồ).
Rồi, đến đây thì có thể mạnh dạn cho hẳn một quy định rằng cô thư ký là nhân vật phụ. Vậy nên tập trung vào các mối quan hệ còn lại. Ta có thể suy đoán qua cuộc hội thoại sau đây.
Ngài tổng giám đốc sau một chuỗi hành động khịt mũi – cười – khịt mũi, xòe hai tay chuối mắn đầy uy quyền, nói:
– Tôi quyết định chọn cô. Vì sao ư? Vì truyện của cô tuyệt hay, từng trang lay động lòng người, từng câu chữ thấm đẫm tính nhân văn, từng nhân vật của cô tuy bị nhấn nhưng không chìm vào nỗi đớn đau tuyệt vọng. Phụ tình, tình phụ, phá sản, loạn luân, ẩn ức, căm thù, sự hy sinh, lòng chung thủy, nghĩa thứ tha, nỗi đoạn trường… Ôi, một đời người… Những cuồng quay, bão tố, men say… Ôi, ôi… Tài năng của cô… cốt truyện của cô… thế giới tâm linh của cô – í quên – của truyện – í quên – của nhân vật… sao mà tuyệt thế! Thực và mộng, bi mà không lụy… Nó ăn đứt phim hội chứng ung thư. Nó… nó… Ôi… ôi…
Nữ văn sĩ dợm ngũ tuần lim dim mắt chìm vào cõi mê man cực lạc, may thay bà chẳng mắc bệnh tim. Nếu không, có lẽ đã bị nhồi máu mà chết vì xúc động.
Nữ kịch tác gia cao kều há hốc mồm kinh ngạc. Cô cũng suýt chết vì ngộ độc ngôn từ. Mỗi lần ngài giám đốc ngập ngừng tuôn ra những “ôi… ôi…” thì cô muốn lộn mửa vì không gian trong tích tắc dậy đẫm mùi thiu thối.
(Ống kính mải mê focus vào nhân vật số 2 rồi đến số 1 mà quên lướt qua số 3 nên chẳng ai biết tâm trạng – cử chỉ của cô thư ký ra sao. Nhưng rất may cũng còn tiếng off xen vào. Tiếng off: Thở hổn hển, rồi hồng hộc. Nhờ thế, ta biết cô rất mệt).
Gom tất những phân đoạn này lại, tạm hiểu: Ngài giám đốc đang thương thảo để làm một cuốn phim chuyển thể từ một tuyệt tác nào đó của nữ văn sĩ. Sự hào hứng diễn thuyết của ông đã lây nhiễm sang các nhân vật còn lại, gây nên những phản ứng bệnh tật dây chuyền, bởi cách tuôn trào ào ạt một dòng thác từ ngữ vô cùng lên cơn như vậy. Nữ văn sĩ giờ đã bình tâm, sau cơn choáng váng đã lập tức tỉnh táo theo kiểu phản xạ mỗi khi nhìn truyện tranh cho tuổi ô mai, bà khẽ nhíu đôi nét mày u uẩn, khóe môi khô lẩm bẩm mỗi một từ: “Sến!”.
Ồ, chẳng lẽ nữ văn sĩ không hài lòng vì lời đề nghị hấp dẫn này sao? Chẳng lẽ tác phẩm tâm huyết của bà sắp dựng thành phim mà bà còn phân vân sao? Đích thân ngài giám đốc nêu rõ lý do đồng cảm về tác phẩm, mà bà vẫn còn nghi ngờ gì sao? Bà có chấp nhận đi đến thỏa thuận bán bản quyền tác phẩm này cho nhà sản xuất phim không?
Đón xem tập tiếp theo sẽ rõ!
Tập 3: Thế giới nội tâm của các nhân vật
Cô thư ký sữa bò uể oải thu xếp các tập tài liệu trên bàn, rồi hăng hái tiễn khách ra cửa, lòng phơi phới vì tống khứ được đám của nợ. Nụ cười xã giao nở thường trực trên môi. Môi cô là chốn thử nghiệm dễ dãi cho đủ loại nhãn hiệu son lừng danh thế giới mà chưa một lần nào bị dị ứng, với muôn hồng nghìn tía các gam biến chuyển theo mùa và theo màu trên trang phục. Chúng rất ăn tông. Về khoản này, cô đáng được tuyên dương. Tuy nhiên, nụ cười rực son của cô lại gắn trên một gương mặt ngây độn, nên rõ phí son đi.
Vì sao cô có biệt danh là thư ký sữa bò ư? Dễ hiểu thôi, ta chỉ cần thêm một đoạn hồi tưởng là xong.
Hồi tưởng của nhân vật số 3:
Cô là con gái cưng của một gia đình từng chuyên sản xuất – chế biến – kinh doanh các mặt hàng sữa. Dĩ nhiên phổ biến vẫn là sữa bò. Vậy mới logic. (Nếu cô ở Tây Tạng thì chi tiết này có thể đổi là sữa cừu, sữa dê hay sữa ngựa đều được). Hồi học phổ thông, trong lớp có đến hai nữ sinh trùng tên cô, nên để phân biệt, chúng bạn nghĩ ra nghề nghiệp xuất thân của gia đình cô mà thêm vào, sau bao công đoạn cắt xén giản lược, cuối cùng họ chỉ còn giữ đúng ba chữ: tên cô + sữa bò! Cô mãi mãi căm thù và vĩnh viễn xấu hổ với cái tục danh này mà theo cô là đầy tính miệt thị. Mặc dù, thuở ban đầu chẳng ai nghĩ như thế.
Tuy vậy, trong thời điểm hiện tại, nào ai biết xuất xứ tục danh kia. Người ta đơn giản nghĩ: với gương mặt ngây độn của cô, tên ấy quả phù hợp biết bao.
Lúc ngài giám đốc gửi cho cô tuyệt tác văn học để đọc rồi chia sẻ cùng ông những dự định kinh hoàng về siêu phẩm điện ảnh tương lai, cô đã vứt roẹt cuốn sách sang một bên. Vớ vẩn! Lo mà kiếm cái truyện tranh nào lừng danh nhất, độc đáo nhất để chuyển thể như Hollywood kìa, sẽ cầm chắc thành công. Lẩm cẩm kiểu này có ngày phá sản. Văn học ư? Cô chẳng bao giờ quan tâm đến những thứ nặng đầu ấy. Giám đốc muốn thì cứ quyết, cô chỉ gật đầu. Xem phim, cô chọn hành động Mỹ. Phim dành cho giới trẻ ư? Với cô, đơn giản chỉ là có mấy cảnh nhảy nhót hoặc đua xe hoặc bắn nhau hoặc lôi nhau lên giường quật ầm ầm. Thế! Vậy mà đột nhiên hôm nay ngài giám đốc bất ngờ hỏi một câu làm cô chết điếng: “Theo cháu thì sao? Nội dung phim này quá phù hợp để chiếu cho giới trẻ chứ? Nó quá ly kỳ quá éo le quá bi thảm quá dễ lấy nước mắt khán giả chứ? Nhưng cái kết lại tràn trề hy vọng tươi sáng chứ?”. Đang chìm vào dòng suy nghĩ lơ mơ, cô thư ký giật thót, nói ú ớ: “Dạ…, con nghĩ rằng… nội dung này…, chẳng nói đúng tinh thần sống của giới trẻ gì hết”.
Rõ sỉ nhục!
Nữ văn sĩ sở hữu quyền trí tuệ mặt mày tái ngoét, tuy nhiên, bà phản tỉnh ngay. Theo thói thường của bất kỳ nhà văn nào khi bị chê tác phẩm, bà vội tự bào chữa: “Con ranh này làm gì đủ trình độ hiểu được những gì mình viết. Kiệt tác luôn dành cho một số rất ít người chiêm ngưỡng. Đừng tin vào best-seller, toàn lũ bịp! Cái gì gây ồn ào quần chúng đều rẻ tiền cả. Học thuật và giá trị đích thực chỉ tồn tại trong một nhóm thiểu số. Chậc, không đạt được thỏa thuận làm phim thì cũng chẳng sao. Dù gì mình cũng đã từng một lần được nghe ngài giám đốc bày tỏ suy nghĩ. Đằng nào ông ấy cũng đã đồng cảm với mình. Ông ấy hiểu rõ tác phẩm của mình hơn ai hết. Ông ấy thật trình độ. Ông ấy không phải là cô thư ký sữa bò. Ông ấy là ngài giám đốc uyên bác… Ông ấy là…”.
Nhưng ông ấy có thể là tri kỷ với mình không?
Nữ văn sĩ đã suy nghĩ miên man như thế trên đường về nhà. Đây là lần đầu tiên có người nhã ý chuyển thể tác phẩm của bà. Bà rất phân vân. Bán bản quyền bao nhiêu? Không, tiền bạc không là vấn đề. Bà chỉ quan tâm đến chất lượng cuốn phim ra sao thôi. Có tuyệt đối trung thành với ý tưởng và tinh thần nhân văn cao cả của mình không? Có nâng tầm tác phẩm lên không? Có phổ cập tính chân – thiện – mỹ cho quần chúng không? Có tính giáo dục không? Có sẻ chia với tầng tầng lớp lớp bao con người khổ đau ngoài xã hội không? Có cộng hưởng xúc cảm không?
Mệt lả người, nhưng khi về đến nhà, nữ văn sĩ vẫn ngồi vào bàn viết. Bà đọc lại tác phẩm một lần nữa dù biết chắc mình đã thuộc lòng. Tự kiểm duyệt là thói quen đầy ý thức trách nhiệm của loại văn chương tiệt trùng. Mình không thể vứt ra ngoài xã hội những sản phẩm rác rưởi và hời hợt chóng quên. Mình phải…
Đột ngột tiếng chuông điện thoại reng, một điệu nhạc chuông cài đặt sẵn đầy trịnh trọng: “Kính văn sĩ, có khách viếng ạ!”.
Sau đó, phân cảnh giản đơn thế này:
– Nữ văn sĩ thở dốc, mặt mày nghiêm trọng áp di động bên tai, mi mắt giần giật, ngón tay run rẩy.
– Tiếng off: Chúng tôi đã bàn kỹ với nhau. Dự án rất khả thi. Vấn đề còn lại là, chị có thể tham gia vào tổ viết kịch bản được chứ? Tự chuyển thể, tôi nghĩ đấy là một lợi thế. Thế nào, thưa văn sĩ?
Tập 4: Tạm kết
Kết lửng lơ như thế này quá vô duyên. Chưa có cao trào, chưa giải quyết vấn đề thì làm sao kết thúc?
– Nhưng vẫn phải kết, vì em không chịu đựng nổi.
Em nói rồi đứng phắt lên, đôi cánh tay dài như vượn va lung tung vào cạnh bàn, làm ly nước bưởi suýt ngã. Em ấm ức nhấm nhẳng: “Kể anh nghe, tưởng anh an ủi, nào ngờ còn cười cợt mỉa mai em, đàn ông là ích kỷ vô tâm thế à, anh có phải là người yêu của em không đấy?”
Xong một tràng giận dữ, em xăm xắn đi về phía toilet. Tôi nhìn ra xung quanh: quán vắng, vài tiếp viên ngồi vật vờ ngáp vặt. May quá, không thì sự ồn ào của chúng tôi chẳng khác một sô tấu hài.
Nói chung là cũng tại em cả. Thì cứ yên tâm chăm chỉ mà viết bài cho tờ báo học trò của mình đi, tự dưng lại nổi hứng trèo qua lĩnh vực kịch bản. “Em nghĩ là em phải thử khả năng mình bằng cách đổi mới”. Đổi mới của em là tìm mọi cách cộng tác bằng được hãng phim. Phim đầu tay của em là viết một kịch bản chuyển thể từ một cuốn sách dở và sến không tả nổi của một nữ văn sĩ cám hấp. Tay giám đốc thì miễn bình luận. Ông ta nói cái gì nhỉ? “Mục tiêu làm phim của tôi không phải là mấy trò yêu đương nhảm nhí, kèm tốp diễn viên nghiệp dư đèm đẹp chỉ có tài xúng xính thời trang. Phim của tôi phải làm cho giới trẻ chiêm nghiệm cuộc sống đầy ý nghĩa, tuy buồn nhưng phải đẹp, và đầy tính triết, đầy tính thơ, và nói chung là… phim phải giống như…, ờ phải, như là… tình khúc của Trịnh tiên sinh vậy!”.
Nhân vật số 4 lắc đầu ra về. Nhân vật số 4 ăn mặc quái đản buồn cười, nói năng nhút nhát, dễ dàng bị kích động. Nhưng cũng nhân vật số 4 bị đả thương vì tinh thần kiếm khách hùng hổ “em nghĩ là em phải thử khả năng mình bằng cách đổi mới”. Bây giờ nhân vật số 4 hẳn đang khóc rầm rĩ trong toilet vì sự trả giá bi hài này, hẳn đang đấu tranh tư tưởng là có nên bỏ cuộc hay không.
Em là nhân vật giữ vai trò dẫn chuyện xuyên suốt. Còn tôi – gã bạn trai khờ khạo, một khán giả bất đắc dĩ nhưng trung thành, buộc phải ngồi chịu đựng vài tiếng đồng hồ để nghe mẫu người khó định dạng thuyết trình kịch bản rối tung cả lên.
Trên bàn, trơ trọi tách cacao đá tan lõng bõng, sánh cùng ly bưởi ép nước đục lờ nhờ. Tôi gắng chờ em ra mà sao em đi lâu thế. Em còn quên kể vụ cô thư ký sữa bò nói gì với em kia mà, rồi nữ văn sĩ hạng ruồi kia có nhận lời làm việc chung trong tổ kịch bản của em không? Rồi kế hoạch ngày mai của em là gì? Em có tiếp tục thử khả năng mình bằng cách đổi mới kiểu gì nữa không?
Cuối cùng em cũng ra, mặt mày tươi tỉnh, gào toáng với tôi: “Em nghĩ ra rồi! Em không đi làm kịch bản phim nữa đâu. Ngày mai em sẽ bắt tay vào xây dựng kịch bản cho… truyện tranh lịch sử”.
Tôi ngán ngẩm kêu trời. Thú thật, để em đổi mới liên tục thế này, tôi e có ngày hóa điên!