Kịch bản kinh hoàng của người lai thú - Tạp chí Đẹp

Kịch bản kinh hoàng của người lai thú

DELETED

Với sự phát triển của khoa học, biết bao câu chuyện cổ tích và khoa học viễn tưởng đang trở thành hiện thực. Thú vị nhất là câu chuyện lai tạo giữa người và thú với mục đích cao cả là để tìm ra những phương pháp mới, những dược phẩm mới đầy hiệu quả để chữa bệnh cho con người. Nhưng trong đó cũng tiềm ẩn những rủi ro. Chẳng hạn, một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp “quái nhân” mà bố mẹ là… chuột.

 
 Centaur

Từ trong truyền thuyết…

Người là người mà thú là thú. Đó là một điều vốn làm nên sự đa dạng của thế giới quanh ta.

Thế nhưng trong truyền thuyết xưa nay, Đông cũng như Tây đã từng có biết bao nhiêu “nhân vật” là người lai thú. Thần thoại Hy Lạp có những Centaur (người-ngựa), Echidna (người-rắn), mermaid (người-cá), minotaur (người-bò), siren (người-chim), rồi cả những nhân vật do 3 loài hợp lại mà thành, “đậm đặc” nhất là chimera, một nữ quái vật thở bằng lửa, đầu sư tử, thân dê, đuôi rồng…

Ai đã thăm Kim tự tháp Ai Cập đều được chiêm ngưỡng các bức tượng Nhân sư (sphinx) khổng lồ – một thần vật đầu người, mình sư tử, đuôi rắn nằm trầm tư giữa trời xanh gió cát đã sáu, bảy nghìn năm.

Mỗi nhân vật như thế gắn liền với một huyền thoại làm nên những đặc sắc văn hóa của một đất nước, một dân tộc…

Trong văn chương cũng có những “nhân vật” hình thú, tính người như vậy. Các cậu ấm cô chiêu nào hè về chẳng say mê theo dõi cuộc Tây du trèo đèo lội suối của thầy trò Đường tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, khâm phục chàng người – khỉ Tề Thiên đại thánh trung thành, hiên ngang, với 72 phép biến hóa, dẹp tan yêu quái và luôn đi trước mở đường, khinh ghét gã người-lợn Trư Bát giới bụng thỗn thện, lặc lè, tham ăn, lười biếng, dối trá, khoác lác và… mê gái.

Tuổi cài nơ nào chẳng một lần xúc động đến rơi lệ khi đọc truyện ngắn “Nàng tiên cá” của Andersen đã hy sinh tất cả vì tình yêu mê đắm đối với chàng hoàng tử cao sang.

Rồi biết bao nhiêu tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, những phim kinh dị mà những con vật lai người làm mưa làm gió, gây ra những chuyện kinh hoàng.
Tất cả những nhân vật “chỉ một phần người” ấy hoàn toàn là những hư cấu của trí tưởng tượng. Cho đến hôm nay họ đã…

… bước vào cuộc đời thực

Với những tiến bộ của khoa học, nhất là sinh học và y học, con người có tham vọng thay quyền Tạo hóa, “phát minh” ra những gì mà Thiên nhiên chưa hề tạo ra.
Từ cuối thế kỷ trước, trong phòng thí nghiệm của nhà khoa học Đan Mạch là Steen Willad đã xuất hiện một con vật kỳ dị gây ra sự sửng sốt của giới sinh học: nó có đầu dê nhưng bộ lông lại dày và xoăn tít của cừu.

Trình làng với cái tên là “geep”, ông cho biết bằng cách ghép phôi, ông đã “tác thành” cho dê và cừu vốn là những kẻ xưa nay chưa từng “ăn nằm” với nhau. Geep chẳng qua là tên ghép của 2 từ goat (dê) và sheep (cừu) mà thành.

Từ ngày đó đến nay, áp dụng những phát minh gây chấn động thế kỷ 20 là phương pháp sinh sản vô tính, biến đổi gen, nuôi cấy tế bào gốc, nhiều con vật lạ lùng khác đã lần lượt ra đời trong các phòng thí nghiệm thế giới.

Làm người ta bàng hoàng nhất, là việc tạo ra những con vật có “tỷ lệ người” khác nhau trong cơ thể. Chưa có tên gọi chính thức, người ta tạm gọi những sản phẩm này là “cận người” (parahuman), “người lai vật” (human-animal hybrid, viết tắt là HAH).

Phải chăng những HAH như vậy là dạng ban đầu của những “nhân vật” bước ra từ cổ tích, huyền thoại hoặc các tác phẩm văn học và điện ảnh mà ta đã nói ở trên vào cuộc sống hiện nay. Những người phản đối các loài hoàn toàn mới lạ này lại dùng thuật ngữ “chimera” để gọi chúng với hàm ý là “quái vật”. Thôi thì chúng ta cứ dùng thuật ngữ “sản phẩm HAH” là trung tính nhất và xin giới thiệu một vài HAH điển hình với bạn đọc.

HAH xuất hiện sớm nhất vào năm 2003 ở Trung Quốc, do 2 giáo sư Trường ĐH Y khoa số 2 ở Thượng Hải tạo ra bằng cách dùng tế bào gốc tiêm vào phôi thỏ. Sau khi được phôi mới của một HAH là “người-thỏ”, không muốn nhìn tận mặt loài thú lạ này, họ bèn hủy phôi đi để thu hồi tế bào gốc. Vì thế không có một tấm ảnh nào để biết trông chúng ra sao.

Năm 2006, giáo sư Esmail Zanjani thuộc trường ĐH Nevada (Mỹ) đã phải bỏ ra 7 năm thai nghén ý tưởng và 5 triệu bảng Anh để hiện thực hóa công nghệ tiêm tế bào người vào bào thai cừu. Ông đã thành công trong việc tạo ra hàng loạt những cừu lai người đầu tiên của thế giới – với 15% tế bào cơ thể là của người, 85% còn lại là tế bào cừu.

Quá trình nhào nặn loài HAH này được tóm tắt như sau: Đầu tiên, nhà khoa học trích tế bào gốc từ tủy xương người rồi tiêm vào màng bụng của bào thai cừu cái. Những tế bào gốc ấy sẽ được phân phối khắp hệ trao đổi chất, đi vào trong hệ tuần hoàn máu và tới tất cả các cơ quan nội tạng trong cơ thể con vật.

Cừu con chào đời sau 2 tháng có các bộ phận như gan, tim, phổi và não tương đối giống người mặc dù hình thức bên ngoài vẫn là một con cừu chính hiệu. Với mục đích của nghiên cứu phục vụ y học nên giáo sư Esmail Zanjani không giao cho các nhà tâm lý động vật nghiên cứu xem nhưng “họ hàng” của loài người này ứng xử ra sao nên chưa biết gì thêm về chúng.

Năm 2007, giới khoa học lại tiếp nhận những thông tin mới: Tiến sĩ Fred Gage, một chuyên gia sinh học hàng đầu của Viện Salk (Mỹ) lại tạo ra trong trang trại của Trường Đại học Stanford ở miền Nam California một bầy chuột mà nhìn bề ngoài chẳng có gì đặc biệt, nhưng trong não chúng lại là những nơron thần kinh của… người.

Công trình được tiến hành từ tháng 12/2005, Fred đã tiêm các tế bào gốc của người vào các vùng não của mô thai chuột khi chúng đang phát triển trong dạ con của chuột mẹ. Sau đó, các tế bào người trở thành các nơron hoạt hóa liên kết với vùng não của chuột lúc chúng trưởng thành.

Lũ chuột mới sinh ra ăn uống, chạy nhảy đùa giỡn, giống hệt những đồng loại của mình và được bảo quản kỹ lưỡng để làm những xét nghiệm sinh hóa, nhưng nếu chú ý quan sát, sẽ thấy chúng chẳng những đảo mắt rất nhanh chứng tỏ sự thông minh, nhớ đường cực giỏi mà đôi khi còn yên lặng suy tư giống như một… triết gia.

Chuột là loài rất thuận lợi về mặt nghiên cứu theo hướng này nên một số nhà khoa học khác cũng dùng chúng để tiến hành thí nghiệm và đã cho ra đời các HAH “người chuột” mang tinh trùng, hoặc mang trứng của người.

Cùng năm tại Bệnh viện đa khoa Mayo ở Minnesota lại có các chú lợn hồng hào có dòng máu người chảy trong huyết quản.

Tuy nhiên, khi vào mạng, bạn hãy cảnh giác. Trên nhiều trang blog, thấy vấn đề rất thú vị, nhiều kẻ vô công rỗi nghề dùng photoshop vẽ ra những tấm ảnh rất đỗi ly kỳ về người lai thú rồi bịa ra những tin giật gân để hù dọa thiên hạ tò mò. Bạn đừng vội tin vào những chuyện bịa ly kỳ đó.

Nhìn chung, việc tạo ra giống vật HAH là một đề tài khoa học rất hấp dẫn về nhiều mặt, nhưng được tiến hành trong vòng bí mật và đầy những sự ngập ngừng. Nên? Không nên? Chúng sẽ dẫn người ta đến đâu? Nguy cơ nào đang rập rình ở phía trước?
Các nhà khoa học vừa nghiên cứu vừa… run trong một tâm trạng đầy rẫy lo âu.

 
 Tượng Nhân sư (sphinx), Ai Cập

Tạo ra những HAH để làm gì?

Chắc chắn không phải các nhà khoa học thực hiện việc tạo ra các HAH vì tò mò, vì mục đích giải trí hay để thử khả năng thay quyền tạo hóa của mình. Họ làm vì mục tiêu phục vụ việc tìm hiểu cơ chế hình thành những bệnh tật ở con người như thế nào, diễn biến ra sao.

Họ chuẩn bị nhưng “cơ phận” lấy từ các HAH để thay thế bằng cách cắt đi những bộ phận đã bị hư hỏng ở bệnh nhân để ghép những phụ tùng mới. Những cơ phận này lấy ra từ những HAH để tránh bị đào thải và hoạt động lâu dài trên cơ thể người. Mục đích thứ ba, họ muốn dùng cơ thể của chính các HAH như những “nhà máy” để sản xuất ra thuốc. Ba mục tiêu ấy đều hết sức cấp bách.

Và muốn thực hiện những mục tiêu đầy thiện chí hoàn toàn vì con người đó thì có trong tay những con vật càng giống với người bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Ví dụ như với những chú chuột mang não người sẽ là đối tượng để tìm hiểu những nơron của con người hoạt động như thế nào trong cơ thể, quá trình thoái hóa và diệt vong của chúng trong bộ não những người mắc bệnh liệt rung Parkinson hoặc bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer. Từ đó, khoa học mới tìm ra những cách chữa nhiều bệnh thần kinh có hiệu quả và tìm ra thuốc đặc trị.

Mục đích thứ hai – tạo ra các nội tạng cho người – là một nhu cầu rất cấp bách vì hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người trên thế giới mà các cơ phận (tim, gan, thận, phổi, tụy, xương, giác mạc…) bị hư hỏng, cần phải thay thế nhưng không tìm ra “người cho” (donor) khiến họ bị chết dần trong sự khắc khoải đợi chờ.

Chỉ mục đích thứ ba là đơn giản, vì bằng cách ghép gen tổng hợp insulin vào vi khuẩn, người ta đã tạo ra một loại chất này đủ lớn để chữa bệnh cho những người bị tiểu đường. Insulin chỉ là một ví dụ. Rồi đây chắc đội ngũ HAH sẽ còn cung cấp cho con người nhiều dược phẩm quý báu khác mà ta chưa hình dung ra.
Quả là cần thiết.

 
 Geep – con vật kỳ dị gây ra sự sửng sốt của giới sinh học có đầu dê nhưng bộ lông lại dày và xoăn tít của cừu.

Phải hết sức thận trọng

Khi một nghiên cứu mà không dự kiến được trước những gì sẽ xảy ra thì hậu quả vô cùng tai hại mà các nhà khoa học thường nhắc nhở nhau bằng câu chuyện gọi là “hiện tượng Frankenstein”.

Đó là tên cuốn tiểu thuyết của Mary Shelley kể về một anh sinh viên y khoa đã ghép các phần thân thể của những người chết, làm hồi sinh một con người mới dưới hình hài một con quỷ. Bị mọi người lẩn trốn, hắt hủi và xua đuổi vì sự dị dạng của mình, nó nổi điên phá phách, gieo hàng loạt tai họa và quay lại trả thù người đã tạo ra mình.

Những công trình nghiên cứu về HAH rất “xứng đáng” nhận được lời cảnh báo này. Chính vì thế, khi nghe nói Fred Gage đã làm ra được một đội ngũ các chú chuột có não người, Tổng thống Mỹ hồi đó là George Bush đã sửng sốt, phải thốt lên rằng không hiểu sao một người như Fred lại dám làm điều lạ lùng đến như vậy, vượt qua giới hạn đạo đức cần được tôn trọng cho dù ngành sinh học phát triển đến đâu chăng nữa.

Vì lẽ trên ông đã lập tức yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn đạo luật cấm nghiên cứu những điều tương tự để tạo ra sản phẩm HAH với lý do cuộc sống của con người là quà tặng của Thượng đế, không một ai được phép đùa giỡn. Việc tạo ra những con vật lai tạo giữa người và thú là hạ thấp phẩm giá của con người.

Việc nghiên cứu HAH đã tạo nên những cuộc tranh cãi rộng lớn trên khắp thế giới. Người ta nêu ra rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Liệu thế giới những HAH có sẽ là những đối thủ khôn ngoan, đầy sức mạnh và một ngày nào đó chính chúng sẽ tiêu diệt loài người.

Khỏi nói đâu xa, hãy hình dung: Một con chuột nhỏ bé và nhanh nhẹn mang một bộ não người, tinh khôn như người lọt ra ngoài phòng thí nghiệm và sống trong chính ngôi nhà của bạn thì, giời ơi! Chẳng biết hậu quả sẽ khủng khiếp thế nào?

Rồi đáng sợ hơn nữa là kịch bản, sau khi tiêm các tế bào gốc của người vào một gã chuột đực, các tế bào ấy hoàn toàn có thể “lạc” tới tinh hoàn của gã để sinh ra tinh trùng người. Rồi gã chuột đực này lại được bố trí cho gặp một ả chuột cái cũng mang trứng người theo cách tương tự.

Chúng lẹo tẹo với nhau. Cái phôi tạo thành được một nhà khoa học điên rồ nào đấy lấy ra, cấy vào tử cung một phụ nữ… Ít lâu sau, một đứa bé ra đời, hình người thì chắc chắn, trí khôn của người hay chuột thì chưa biết, có bố mẹ thực là… chuột. Nghe mà rùng mình!

Kịch bản khủng khiếp ấy không phải người viết bài này nghĩ ra mà một nhà sinh học, tác giả quyển sách nổi tiếng, Thế kỷ công nghệ sinh học (The biotech century), đăng trên báo Guardian (Anh).

Thường những phát minh lớn nào cũng có mặt trái của nó. Người điều tiết chính là Chính phủ thông qua Luật pháp. Có những nước Luật về nghiên cứu các vấn đề của sinh học khá cởi mở, có những nước khắt khe. Vấn đề lúc này còn tùy thuộc vào cả những cân nhắc đánh giá của bản thân các nhà khoa học.

Đạo đức sinh học, môn khoa học mới ra đời cũng vì lý do này.

 
 Photoshop vẽ ra những tấm ảnh rất đỗi ly kỳ về người lai thú. Bạn đừng vội tin vào những chuyện bịa ly kỳ đó!

Bài: Tuấn Hà

Thực hiện: depweb

07/04/2010, 15:27