“Mở hai hàng cỏ tháng ba
Lễ là Đi Tiểu, hội là Vén Xiêm”
Thế là biết gã Đớp xuất hiện đầu xóm, theo sau mấy gã đồ đệ bụng ỏng lưng trần nhịp nhàng ré theo gã hai câu thơ bất hủ ấy.
Trong vườn nội tôi, cô Thơm đỏ mặt lắc đầu nhưng mắt cô vẫn hướng về đầu xóm xanh rì, ngoằn ngoèo nơi cái đầu bù xù của gã sẽ xuất hiện. Theo thường lệ, gã sẽ dừng lại ở cổng nhà nội tôi với tặng vật một ngày lang thang trước khi về nhà gã ở cuối xóm.
Giọng hát lớn dần rồi một con người hoang dã xuất hiện. Ngoài cái tên khó nghe, bộ quần áo tơi tả, râu tóc rậm rì, đó là một người đàn ông đẹp – man rợ, nguyên sơ, không đủ tỉnh táo để ra dáng này, vẻ nọ. Đôi mắt gã là sự kết hợp giữa vẻ hoang dại của một con thú với nỗi buồn ngột ngạt của con người. Gã nhìn cô Thơm, chìa cho cô mấy trái trần bì và một con cóc đã chết. Cô Thơm nhăn mặt, lắc đầu rồi mở nồi cơm còn ủ bên bếp lá ngoài vườn đưa cho gã một củ khoai nóng hổi. Mũi gã phập phồng, chẳng biết do mùi khoai nóng thơm hay do thoáng hương dìu dịu bao giờ cũng toả ra từ cô tôi.
Thật ra Đớp không phải là tên gã mà là tên một chứng bệnh kỳ dị xuất hiện ở gã mấy năm nay. Gã bị dày vò bởi một cơn đói triền miên. Đói có thể chữa bằng ăn no nhưng ám ảnh đói thì thật khó trị. Thoạt đầu gia đình gã nghĩ cứ cho gã ăn phình bụng là hết thèm. Nhưng gã ăn rất ít còn bao nhiêu đem thu cất ở bất cứ chỗ nào gã cho là kín đáo. Lũ kiến gián chuột lui tới đông đảo cho đến khi người nhà chịu không nổi thu hẹp khẩu phần.
Thế là gã có cơ hội lang thang. Gã đánh hơi nơi nào có đồ ăn được và gã đến. Những đám giỗ, tang ma, cưới xin trong vùng không thoát khỏi vị khách không mời mà đến rất đúng lúc. Các tiểu đồ đệ của gã thích thú chỉ điểm cho gã vì gã ăn rất ít còn lại đem chia cho chúng. Có điều lúc chia, chẳng bao giờ gã gọi đúng tên chúng. Gã đặt cho chúng những cái tên lạ hoắc.
Thấy gã làm nhục gia phong bằng miếng ăn tồi tàn, gia đình giam gã như một kẻ mắc bệnh điên trầm kha. Nhưng đâu lại vào đó. Người ta vẫn thấy gã lang thang rình mò ở bờ ao, bụi chuối, ngửa cổ cười khoe với trăng con ếch, con nhái, khoe với mặt trời bụi sắn, lùm khoai.
Thế nhưng đó là bệnh điên lành. Gã không làm hại ai cả. Những lúc tạm ra khỏi cõi vô thức hỗn mang, gã sẵn sàng chẻ giúp đống củi, gánh vài thùng nước, chui hái trộm ổi cho lũ trẻ hoặc ngồi bệt trên cỏ thổi sáo – khúc Sérénata dìu dặt trong chiều.
Cô Thơm lại ném vào bếp một miếng vỏ quít khác. Cô có cả xâu vỏ quít phơi khô để chơi trò đó. Ngọn lửa bùng lên, bắn những tia rực rỡ như pháo bông, đỏ và thơm nồng nàn. Gã Đớp hít hít, vỗ tay rồi lầm lũi đi ra cổng. Hai câu thơ bất hủ lại lãng đãng, quanh quất trong màu xanh dằng dặc, ngăn ngắt…
Khi tôi ra cô Thơm vẫn còn ngồi bó gối bên bếp lửa đun nỗi cô đơn cháy đỏ trong chiều. Bốn mươi tuổi, thời gian chỉ lướt nhẹ qua cô và để lại thật ít dấu vết. Ở cô toát ra một vẻ đằm thắm, yên tĩnh dù chuyện đời cô thật buồn. Thuở nhỏ tôi thích ngủ với cô hơn mẹ. Cô dịu dàng, rất chiều cháu và đặc biệt cô rất thơm. Vườn nội tôi bốn mùa hoa trái. Cô cũng mùa nào hương nấy. Cô thường hái hoa cho vào túi vải để chung với quần áo hay cài trên tóc. Theo mùa, cô toát ra mùi thơm dịu ngọt của ngọc lan, sứ, bưởi, hồng, mộc… Lớn lên đi làm, tôi tặng cô lọ nước hoa Chanel nhưng cô cất không đụng tới mùi hương sang trọng ấy. Tóc cô, áo cô vẫn dìu dịu hương vườn. “Cô Xơm! Cô Xơm!” – tiếng gọi ngọng nghịu của tôi hồi bé trở thành biệt danh của cô. Ít khi người trong nhà gọi cô bằng cái tên đẹp mà nội đã lật quyển Truyện Kiều để chọn: Thiều Quang. Nhưng rõ ràng phận Kiều đã ứng trong phận cô – Hồng nhan đa truân!
Nội tôi là một người quyết đoán. Phán truyền và răm rắp nghe đã trở thành nếp thâm căn cố đế trong họ nội. Cụ cố là một ông quan, quen truyền lệnh. Chống bất trung, cãi bất hiếu. Tinh thần gia trưởng thật nặng nề. Những đứa con không hề biết đến tình yêu. Đặt đâu ngồi đó, may nhờ rủi chịu.
Đám cưới cô tôi là một sự kiện ở Kim Long. Một đoàn nhung gấm xênh xang với nhiều mâm quả phủ đoạn điều. Người đứng coi ai cũng trầm trồ nhà trai giàu có và thì thầm chỉ chú rể. Hồi ấy tuy còn nhỏ tôi vẫn nhớ ông ta thật xấu xí. Trong tấm áo thụng xanh, ông ta chẳng tương xứng với cô tôi chút nào trong màu áo hoàng hậu và vành khăn kiêu sa. Khuôn mặt đoan trang đóng băng nỗi buồn. Chỉ có tôi mới biết cô buồn lắm vì tôi ngủ với cô. Càng gần cưới, cô càng thức. Cô thức để khóc. Nhiều khi tôi tỉnh giấc không có cô bên cạnh. Ngoài cửa sổ, trăng sáng đến lạnh người, loáng thoáng những con ma. Tôi thét lên. Cô Thơm hiện ra. Tóc cô, áo cô đẫm sương, mắt cô loáng nước.
Cô Thơm đi lấy chồng lúc tôi còn là con bé tắm truồng. Khi cô trở về, tôi lại sắp ra đi. Có điều tôi quyết không để ai chọn chồng cho mình cả. Đôi khi trong cái áo ngủ hở cổ, hở vai trong nhà, tôi len lén nhìn lên ảnh các cụ. Ánh mắt họ đảo theo tôi, lạnh lùng, trang nghiêm, đầy khiển trách nhưng bất lực.
Cô Thơm về không xênh xang đưa rước như khi đi. Nhà chồng tống cô về vì họ đổ cho cô tội làm con họ chết. Sau ngày cưới, cậu quý tử cầu tự hiện nguyên hình là một gã nghiện ngập, trác táng đến bất lực. Cô Thơm phải hầu gã hút. Khi say thuốc, gã hành hạ cô như một thú vui man rợ – gã cắn, gã trói và dí nến vào tóc cô. Sau một lần phi gã lăn ra chết. Cô tôi bị đổ cho gã hút quá liều và bị tống ra khỏi nhà chồng.
Khi cô xuất hiện ở cổng vườn nội tôi với bọc áo quần ở tay, ánh mắt dài dại, lông mi bên còn bên cháy, mấy bà đã òa khóc. Còn tôi, tôi kéo cô lên bàn thờ nội cho nội nhìn cô con gái nết na, một thời đẹp nhất thôn Kim Long, biết nấu những mâm cỗ đầy màu sắc, đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, nay đã thế nào. Mắt nội vẫn nghiêm khắc, lạnh lùng sau khung ảnh thếp vàng.
Năm sau, về với mẹ suốt cả mùa hè, tôi gặp lại gã Đớp. Trông gã có vẻ khá hơn. Nghe nói gã không còn đi ăn tiệc nhà người nữa nhưng vẫn lang thang. Chiều nào gã cũng dừng lại ở vườn nội tôi, khi bếp lửa cô Thơm gần tàn. Minh, chồng tôi, nói nhỏ vào tai tôi:
– Em có để ý gã Đớp và cô Thơm không? Họ có cái gì đó …
Tôi nguýt Minh:
– Tầm bậy! Sao anh nỡ ghép cô Thơm với gã Đớp!
– Em khinh người ta quá! Anh tính nếu lôi gã ra khỏi cõi hỗn mang của gã, gã sẽ là người “bảnh” lắm!
Nhưng ai có thể làm việc đó với một người điên! Gã không đi ăn tiệc nhà người thì gã lại uống trăng. Người ta đồn gã mắc bệnh mộng du. Đêm trăng gã có thể xuyên cửa, xuyên tường nhào ra với trăng.
Một đêm tôi thức giấc. Trăng mười sáu vành vạnh tròn đầy. Trăng chảy lênh láng. Vườn trăng ngời ngợi. Rồi một giọng hát vang lên: “Mở hai hàng cỏ tháng ba…”
Tôi bật dậy. Gã Đớp chứ còn ai nữa. Nghe nói đêm trăng gã đi trên mái nhà. Đáng coi lắm chứ! Nhưng tôi không bắt gặp gã chơi vơi trên mái nhà như lời đồn đại. Tôi thấy gã dưới gốc cây nhãn, cái đầu bù xù gối trong lòng cô tôi!
Trăng sáng lạ lùng, trăng tràn vào mắt cô Thơm. Tôi nhớ lại những bóng trắng loang loáng ngoài vườn những đêm cô Thơm gần đi lấy chồng. Khi cô hiện ra bên tôi, mắt cô cũng đầy trăng như thế này. Gã Đớp ư ử trong miệng hai câu muôn thuở. Cô Thơm lấy tay bịt miệng gã:
– Đừng… người ta nghe thấy và bắt gặp chừ. Răng cứ hát hoài câu nớ?
– Không nín được.
– Thì đọc đúng như Nguyễn Du đi!
– Nhưng hắn là biến tấu của Nguyễn Du. Nguyễn Du tả bãi tha ma còn hắn tả sự sống và cái đẹp – gã nói mà mắt vẫn nhắm. Giọng gã như vẳng từ một cõi xa xăm: “Hàng dâm bụt đầy hoa như lồng đèn ngày cưới nàng. Một bầy con nít cả trai lẫn gái. Chúng cởi quần thi nhau đái. Nàng cũng vén xiêm. Hồn nhiên, trắng nõn, sáng rực. Chỉ có cõi hoang sơ mới có vẻ đẹp ấy…”
– Thôi… thôi anh! – Cô Thơm thầm thì. Tay cô lùa trong tóc gã. Bỗng gã Đớp ngồi bật dậy. Đôi mắt gã đầy vẻ kinh hoàng. Gã bỏ mặc cô Thơm dưới gốc cây nhãn và với dáng vẻ một con thú rình mồi, gã len lỏi bên bụi chuối, lùm cây nghe ngóng như cố bắt một âm thanh nào đó. Cô Thơm chạy đến níu tay gã:
– Đừng… anh Tấn ơi!
Gã Đớp dừng lại hoang mang. Gã nhìn cô Thơm rồi nhìn bụi chuối. Cô Thơm chìa cái gì đó trong tay:
– Em có đây nè! Nhiều lắm. Ăn cả tháng không hết. Không đói, không đói nữa mô!
– Đói lắm! Rỗng và đau thắt – gã ôm bụng gào lên. Cô Thơm nhớn nhác nhìn quanh rồi lôi gã vào chỗ khuất. Cô kéo gã nằm xuống gối đầu trong lòng cô, rồi bắt đầu ư ử hát ru. Cô dỗ ru gã Đớp râu ria cao lớn như dỗ ru tôi hồi nhỏ. Tôi nhớ lại cảm giác dễ chịu ngày ấy. Mắt còn ngấn lệ, tôi từ từ đi vào giấc ngủ trong mùi hương dịu ngọt và lời ru êm ái của cô. Gã Đớp cũng chỉ là một đứa trẻ bởi tôi thấy gã duỗi người, thiu thiu ngủ. Dưới trăng, trong lòng cô tôi, gương mặt gã không còn có tuổi. Gã ngủ yên lành. Cô Thơm xua muỗi cho gã. Tôi rón rén bỏ đi về nằm xuống bên Minh. Anh vẫn ngủ. Chỉ có tôi và vầng trăng biết. Và tôi khóc.
Bây giờ thì chính tôi mắc bệnh mộng du. Tôi rời giường những đêm trăng tỏ. Tôi theo dõi họ như theo dõi số phận của cô tôi. Một anh chồng nghiện, một người tình điên. Cô ơi là cô!
Một đêm gã Đớp trèo tuốt lên ngọn cây nhãn. Cô tôi đứng dưới khóc gọi: “Anh Tấn! Anh Tấn!”. Lá cây rung rinh, lả tả trăng. Gã thả xuống cho cô những trái nhãn non và bảo:
– Cất đi! Cất đi! Không thôi đói ăn thịt người…
– Cất trên cây đi anh. Xuống kẻo té.
Trăng loang loáng như nước. Gã Đớp bơi trong trăng và gọi “Thiều Quang! Thiều Quang!”.
Người ta chẳng ngạc nhiên khi nghe tin gã Đớp té từ mái nhà mệ Tôn chấn thương sọ não. Chơi dao lâu ngày đứt tay huống chi đêm trăng nào gã cũng ngoạn du trên mái nhà thiên hạ. Họ chỉ bảo nhà mệ phúc đức. Không phải lỗi mình mà cũng cho cháu rể là bác sĩ chăm sóc thuốc thang. Gã Đớp không chết. Trăng đỡ gã. Gã chỉ mê man vài ngày.
Tưởng là nạn hóa ra may. Sự chấn động dường như điều chỉnh giúp gã sự lệch lạc nào đó trong đầu. Gã tỉnh dậy, ngơ ngác đường hoàng như một người bình thường sau một giấc ngủ quá dài. Bây giờ gã không lảm nhảm hát cười nữa. Gã lầm lì coi càng đáng ngại hơn. E khi điên người ta sướng hơn khi tỉnh. Thôn Kim Long bình lặng và xanh ngăn ngắt chỉ bàn tán chuyện gã “bốc hơi” một lần với cô Thơm khỏi làng.
Ai cũng xôn xao. Còn họ tộc tôi thì coi đó là một nỗi nhục. Chỉ có tôi và Minh là không ngạc nhiên. Minh có mặt bên gã những ngày gã mê man vì anh là bác sĩ. Những ngày đó cõi vô thức hé mở, tứa ra những dòng ri rỉ…
Minh kể vắn tắt. Đốm lửa lập loè trong đêm. Tôi giật điếu thuốc trên môi anh và chúng tôi ôm nhau, cô đơn nhỏ bé trước nỗi buồn mênh mông.
Mùa hè, tôi trở lại vườn xưa. Chẳng có tin gì của cô Thơm cả. Tôi ngồi trên ghế đá ngoài vườn, nơi gần đó cô tôi thường nhóm lá đun bếp. Hương lá ổi, hương vỏ quít nồng nàn trong trí nhớ. Cô tôi, người đàn bà nhút nhát, đoan trang, chưa hề đặt chân khỏi khuôn phép của công dung ngôn hạnh, đã dám vượt rào bay xa sống phần còn lại của đời mình.
Trên vai Minh, tôi vẫn thấy buồn vì thiếu bếp lửa cô Thơm, thiếu câu hát lãng đãng của gã Đớp. Chiều hiu hiu, gió gờn gợn dư âm khúc chiều tà tuyệt diệu tôi đã được nghe trong đời mình./.